Tuesday, March 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu quan hệ Mỹ - Trung có “tan băng”

Liệu quan hệ Mỹ – Trung có “tan băng”

Hôm thứ Ba (22/11), Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước không có nghĩa là quan hệ Mỹ – Trung đã ‘tan băng’. Hai nước vẫn còn nhiều điểm khác biệt và nhiều vấn đề căng thẳng.

Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông chiến lược Mỹ John Kirby trả lời các câu hỏi trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng, hôm 1/8/2022.

Ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20. Cuộc gặp kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ được nhiều người coi là dấu hiệu tích cực trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai nước.

Căng thẳng Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt
Tuy nhiên, Nhà Trắng ngày 22/11 nhấn mạnh rằng, cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước Trung – Mỹ không có nghĩa là mối quan hệ hai nước đã dịu đi, hai bên sẽ vẫn duy trì quan hệ căng thẳng trên một số phương diện.

“Tôi không cho rằng ông Biden và ông Tập coi đây là dấu hiệu xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Cuộc gặp tuần trước “rất phù hợp với mong muốn của Tổng thống Biden là giữ cho các đường dây liên lạc cởi mở” với các nhà lãnh đạo Trung Quốc”, ông Kirby nói.

Ông nói thêm rằng, trong cuộc gặp, Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về khả năng gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan, cũng như sự không hài lòng đối với các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

“Cả hai bên vẫn đang căng thẳng. Vẫn còn một số vấn đề mà chúng tôi chưa đạt được sự đồng thuận với Trung Quốc”, ông nói.

Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc gặp riêng với ông Tập vào tuần trước nhằm duy trì “một kênh liên lạc” song phương, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung vẫn tiếp tục leo thang.

“Như Tổng thống đã nói sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập, có những lĩnh vực mà chúng tôi có thể và nên phối hợp với nhau, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực toàn cầu. Chúng tôi cần cân bằng hai nhu cầu cạnh tranh này và có thể cân bằng mối quan hệ này”, ông Kirby nói thêm.

Nhìn chung, cam kết của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc tăng cường các kênh liên lạc là một “dấu hiệu tích cực”. ông nói và nhấn mạnh rằng, cả hai bên cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo các cuộc đàm phán song phương không chỉ dừng lại ở cấp cao nhất.

Ông Kirby cũng chia sẻ thêm rằng, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có chuyến công du tới Trung Quốc “trong tương lai gần”.

Mỹ ủng hộ Chủ tịch Hạ viện khóa mới đến thăm Đài Loan
Về vấn đề Đài Loan, ông Kirby khẳng định rằng, chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục ủng hộ các thành viên Quốc hội Mỹ thực hiện các chuyến thăm chính thức tới các nước trên thế giới, bao gồm cả Đài Loan.

“Một lần nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, bất kể ai trở thành Chủ tịch Hạ viện khóa mới, hoặc liệu Chủ tịch Hạ viện đó có chuyến công du nước ngoài hay không, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các nghị sĩ thực hiện các chuyến công du nước ngoài”.

Ông Kirby cũng cho biết, Chủ tịch Hạ viện, cũng giống như mọi thành viên của Quốc hội Mỹ, có quyền đi đến những nơi họ chọn, bao gồm cả Đài Loan.

Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở sáu vùng biển xung quanh Đài Loan. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy được cho là sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện khóa mới vào năm sau.

Thương chiến Mỹ – Trung khó có thể hóa giải trong một sớm một chiều
Các chuyên gia của BMO Wealth Management cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung khó có thể được cải thiện trong một sớm một chiều. Ông Yung-Yu Ma, chiến lược gia đầu tư chính của BMO Wealth Management, nói với chương trình “Squawk Box Asia” của đài CNBC rằng, mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung vẫn có thể xấu đi.

Ông Yung-Yu Ma hy vọng Hoa Kỳ sẽ công bố nhiều biện pháp hơn nữa để kiềm chế Trung Quốc, ngoài các hạn chế gần đây đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Ông cho rằng, trong thời gian tới, Mỹ sẽ tăng cường siết chặt các hoạt động xuất khẩu những mặt hàng công nghệ sang thị trường Trung Quốc.

Ông Yung-Yu Ma nói thêm rằng, bất kỳ nỗ lực nào đi chệch khỏi chiến lược tăng cường áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc đều có thể vấp phải những chỉ trích gay gắt của công chúng Mỹ.

“Tôi cho rằng, nếu bất kỳ đảng nào – cho dù là Đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ hay Đảng Cộng hòa – mà thúc đẩy việc nới lỏng những hạn chế này, thì sẽ vấp phải những phản ứng dữ dội của công chúng trong nước”, ông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới