Friday, May 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKinh tế TQ tiếp tục đối mặt áp lực giảm trong tháng...

Kinh tế TQ tiếp tục đối mặt áp lực giảm trong tháng 11

Theo số liệu vừa công bố 30/11 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất và dịch vụ nước này tiếp tục giảm trong tháng 11, chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực sụt giảm.

Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất nước này chỉ đạt 48%, so với 49,2% của tháng 10. Đây là mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Cùng với đó, chỉ số PMI phi sản xuất, tức ngành dịch vụ, cũng giảm còn 46,7%, từ 48,7% trong tháng 10. Đây cũng là mức thấp nhất trong 7 tháng qua.

Nhà thống kê cao cấp tại Trung tâm khảo sát ngành dịch vụ thuộc NBS Triệu Khánh Hà (Zhao Qinghe) cho biết, chỉ số PMI của Trung Quốc giảm trong tháng 11 là do chịu tác động từ nhiều yếu tố như dịch bệnh trong nước bùng phát thường xuyên ở nhiều nơi và lan rộng, cũng như môi trường quốc tế phức tạp nghiêm trọng, trong đó chỉ số PMI sản xuất, phi sản xuất và đầu ra tổng hợp lần lượt là 48%, 46,7% và 47,1%, thấp hơn 1,2, 2,0 và 1,9 điểm phần trăm so với tháng trước. Điều này cho thấy, mức độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc nhìn chung đang giảm sút.

PMI là chỉ số thể hiện triển vọng của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ. 50 là ngưỡng để đánh giá một nền kinh tế đang suy giảm hay tăng trưởng hàng tháng.

Tháng 11, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và điều chỉnh các biện pháp phòng chống Covid-19, nới lỏng các hạn chế tài chính để vực dậy lĩnh vực bất động sản. Đầu tuần này, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc vừa dỡ bỏ lệnh cấm tái cấp vốn vốn chủ sở hữu đối với các công ty niêm yết, trong biện pháp hỗ trợ mới nhất cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn về tiền mặt.

Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chịu áp lực từ sự sụt giảm của ngành bất động sản và nhu cầu toàn cầu yếu, vừa trải qua một đợt suy thoái trên diện rộng trong tháng 10. Dữ liệu của tháng 11 tiếp tục làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2022.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới