Sunday, May 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLý giải việc Manila tuyên bố thăm dò dầu khí ở Biển...

Lý giải việc Manila tuyên bố thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine kéo dài chưa rõ khi nào kết thúc gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu và tác động nhiều mặt đến chính trị và kinh tế thế giới, Philippines đang tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận các nguồn dầu khí ở Biển Đông.

Ngày 01/12/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho rằng Philippines cần tìm cách thăm dò dầu khí ở Biển Đông ngay cả khi không có thỏa thuận với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh quyền khai thác trữ lượng năng lượng của quốc gia này trong vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Marcos nói trước báo giới tại thành phố Quezon: “Đây (khai thác dầu khí) là vấn đề quan trọng đối với chúng tôi (Philippines), đó là lý do tại sao chúng tôi cần phải đấu tranh cho những gì thuộc sở hữu và tận dụng năng lực nếu thực sự có nguồn dầu ở đó”.

Với chủ trương xích lại gần Trung Quốc, cuối năm 2018 chính quyền của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký với Bắc Kinh Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông, mở ra thời kỳ đàm phán tiến tới các dự án hợp tác cụ thể. Tuy nhiên, sau 3 năm đàm phán không đạt kết quả, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte tháng 6, chính quyền Manila tuyên bố các cuộc đàm phán về thăm dò dầu khí chung giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông đã chấm dứt do các ràng buộc trong Hiến pháp và vấn đề chủ quyền. Tổng thống Marcos thừa nhận đây là các rào cản khó có thể giải quyết, và “có thể có những cách khác, không nhất thiết phải là kênh trực tiếp giữa chính phủ với chính phủ”. Theo ông Marcos, Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và đây là một trở ngại rất khó giải quyết.

Những phát biểu trên của ông Marcos được đưa ra sau khi ngoại trưởng Philippines tuyên bố hồi tháng 8/2022 rằng Manila sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán mới với Trung Quốc về thăm dò dầu khí song mọi thỏa thuận với Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác cũng đều phải tuân thủ luật pháp Philippines. Công ty năng lượng Philippines Energy Corp, có giấy phép thăm dò ở Bãi Cỏ Rong đã đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) về việc thành lập liên doanh khai thác tại khu vực có tranh chấp này. Tuy nhiên, những đòi hỏi của Bắc Kinh về cái gọi là “khai thác chung” trái ngược với quy định pháp luật của Manila đã ngăn Philippines mở rộng các cuộc thăm dò hay đạt thỏa thuận với CNOOC.

Lý giải việc chính quyền của tân Tổng thống Marcos Jr. có những tuyên bố mạnh mẽ nói trên liên quan đến hoạt động dầu khí của nước này, các nhà phân tích chỉ ra một số lý do sau đây:

Trước hết, Philippines đang đối mặt tình trạng thiếu năng lượng. Mặc dù ngoài khơi bờ biển Philippines được coi là khu vực có nhiều mỏ dầu khí, song đến nay hầu như nước này chưa khai thác được dầu khí ở các vùng biển ngoài khơi để phục vụ phát triển đất nước. Philippines phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu cho nhu cầu trong nước, khiến nước này dễ bị tổn thương trước các cú sốc nguồn cung và giá dầu tăng, vốn đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong gần 14 năm trở lại đây.

Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi tình hình trên thị trường dầu khí toàn cầu đang trong giai đoạn bất ổn do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Điều này thúc đẩy Philippines tìm kiếm những cách thức mới để đảm bảo an ninh năng lượng. Cho đến nay, không có tiến triển nào trong việc thiết lập một liên doanh với Trung Quốc để thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, mặc dù quá trình tìm kiếm giải pháp vẫn tiếp tục.

Trong khi Philippines không khai thác được dầu khí trong vùng biển của họ ở Biển Đông thì các nước ven Biển Đông khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei đều đã và đang triển khai các hoạt động dầu khí của mình bất chấp sự đe dọa, uy hiếp từ Bắc Kinh. Các nước này một mặt thể hiện một thái độ thân thiện  với Trung Quốc, mặt khác kiên trì triển khai các hoạt động dầu khí trong vùng biển thuộc quyền tài phán của họ, trong khi đó Philippines vẫn e ngại không làm như vậy dẫn tới việc không thể khai thác nguồn tài nguyên mà nước này được hưởng.

Hai là, chính quyền mới ở Manila đã mệt mỏi với cách hành xử của Bắc Kinh và không còn tin vào khả năng có thể hợp tác dầu khí một cách bình đẳng với Trung Quốc. Trong suốt 6 năm dưới thời của cựu Tổng thống Duterte, nghe theo những lời hứa “đường mật” của giới cầm quyền của Bắc Kinh, chính quyền của ông Duterte đã gác lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài để theo đuổi chính sách ngả theo Bắc Kinh, thậm chí Manila đã cùng với Bắc Kinh ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông dưới sự chứng kiến của ông Tập Cận Bình và ông Duterte, song kết quả cuối cùng vẫn là con số 0. Thất bại của ông Duterte trong việc tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông được xem là bài học quý cho chính quyền của tân Tổng thống Marcos.

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Marcos đã cố gắng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về dầu khí. Theo Bộ Ngoại giao Philippines cho biết tháng 9 vừa qua, Philippines đã cùng Trung Quốc thảo luận về một biên bản ghi nhớ đối với việc khai thác dầu khí chung ở Biển Đông, nhưng cuộc đàm phán đã thất bại. Rõ ràng sự nhún nhịn của Manila đã vượt quá giới hạn và ông Marcos Jr. không thể kiên nhẫn thêm được nữa. Đây là hệ quả của những đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh.

Thử nghiệm của Duterte đã kết thúc, có thể những nhà hoạch định chính sách của chính quyền Tổng thống Marcos đã phải xem xét lại di sản của ông Duterte, người đã đưa Philippines đi theo “quỹ đạo” của Trung Quốc song chỉ đạt được những lời hứa hão huyền từ giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Giới tinh hoa thân Mỹ đã lên nắm quyền và chính sách ngoại giao của Philippines ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ với Mỹ. Washington đang tăng cường các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao với Manila. Marcos Jr. luôn có quan hệ thân thiết với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Có vẻ như giới tinh hoa quyền lực của Philippines đang đưa xã hội quay trở lại con đường khá truyền thống lâu nay với tư cách là đồng minh lâu đời của Mỹ. Giờ đây chính sách đang thay đổi, và có lẽ Manila sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Ba là, phát biểu của Tổng thống Marcos Jr. được đưa ra 1 tuần sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Philippines, trong đó có đảo Palawan nằm sát ngay vùng tranh chấp ở Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm của bà Kamala Harris với nhiều cam kết cụ thể trong hợp tác an ninh, củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines chính là “cú hích” khiến chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. trở nên mạnh mẽ hơn và không loại trừ khả năng tuyên bố của ông Marcos Jr. là hệ quả của chuyến thăm này.

Trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris không chỉ đưa ra những cam kết về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà còn hứa hẹn hỗ trợ kinh tế cho Philippines phát triển đất nước. Ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Philippines ở một thời điểm khó khăn của giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, lại phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ sự bất ổn của thị trường năng lượng quốc tế, tân Tổng thống Marcos phải đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt để đảm bảo lợi ích quốc gia. Là người có quan điểm rất thực tế trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, ông Marcos tin rằng liên minh quốc phòng với Mỹ có thể đảm bảo an ninh cho Philippines như Marcos Jr. đã từng nói: “Tôi không thấy tương lai cho Philippines nếu không có Mỹ”.

Có thể nhận định cuộc gặp giữa Tổng thống Marcos với Tổng thống Biden bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2022 và chuyến thăm Philippines của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tháng 11 vừa qua chính là cơ sở để chính quyền Manila có những tuyên bố mạnh mẽ hơn trên hồ sơ Biển Đông, bao gồm việc khai thác dầu khí.

 Tổng thống Marcos Jr. dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 1/2023. Tranh chấp Biển Đông và các vấn đề liên quan sẽ được thảo luận ở cấp cao nhất. Để không ảnh hưởng đến chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Philippines vẫn bày tỏ mong muốn nối lại các cuộc đàm phán về hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Việc Tổng thống Marcos đưa ra tuyên bố hôm 01/12 về cách tiếp cận mới của Philippines đối với vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông có thể là muốn truyền tới Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng về vấn đề khai thác dầu khí của chính quyền Marcos để giới cầm quyền ở Bắc Kinh cân nhắc lựa chọn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây có thể chỉ là động tác ngoại giao bởi không thể mong chờ vào sự “xuống thang” của Bắc Kinh, trong khi Manila cũng kiên trì với lập trường pháp lý của mình, không thể chấp nhận cái gọi là “khai thác chung” của Trung Quốc vì nó vi phạm Hiến pháp của Philippines mà ngay cả ông Duterte với tư tưởng “nhượng bộ” cũng không thể vượt qua. Được cho là người có quan điểm rõ ràng và cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông khi tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ “không cho phép một milimét vuông quyền hàng hải và bờ biển của chúng ta (Philippines) bị chà đạp” trước khi nhậm chức, ông Marcos càng không thể chấp nhận “khai thác chung” theo yêu cầu của Bắc Kinh. Chúng ta cùng chờ xem hành động trên thực tế của chính quyền Tổng thống Marcos trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới