65 nghìn tỷ CNY tương đương với 9,447 tỷ USD (55,5% GDP), đây một phần nợ ẩn của chính quyền địa phương, từ các doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền địa phương Trung Quốc hậu thuẫn (còn gọi là phương tiện nợ địa phương), để phát triển hạ tầng. Các chính quyền địa phương không hề muốn trả, không có kế hoạch trả vì cũng chẳng tìm đâu ra nguồn tiền để trả, theo tiết lộ của quan chức trung ương.
Khối nợ và nợ xấu thực sự của Trung Quốc có lẽ luôn là “bí mật trong những bí mật”; bởi vì, đến cả chính quyền trung ương cũng không biết nó thực sự là bao nhiêu. Nó đã hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát.
Nguồn gốc nợ ẩn
Bởi vì Trung Quốc quá rộng lớn và cơ chế phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương (bắt đầu dưới thời Giang Trạch Dân) trong khi thể chế của Trung Quốc lại là thể chế độc đảng (hành pháp, tư pháp, lập pháp đều là đảng quản lý) là vô cùng bất hợp lý.
Vì sao vậy? Phân quyền nhiều chỉ hiệu quả khi đó là quốc gia pháp trị thực sự, khi quyền lực được kiểm soát bởi quyền lực giữa cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp, giữa các đảng phái trên cơ sở thông tin minh bạch. Trung Quốc thì khác, không một ai, một tiếng nói nào dám bình luận hay tố cáo các sai lầm, các hoạt động của đảng. Mà đảng là ai chứ? Chính là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân đứng đầu cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp trong một chính quyền, một tổ chức. Do không minh bạch về thông tin, lại nắm trong tay quá nhiều quyền lực, các cấp địa phương của Trung Quốc đã làm rất nhiều việc mà trung ương chỉ có thể nhắm mắt làm ngơ.
Nợ chính quyền địa phương, đặc biệt nợ ẩn, đã tăng ngoài kiểm soát. Địa phương cần báo cáo thành tích tăng trưởng với Trung ương. Tăng trưởng nhanh nhất là nhanh chóng thúc đẩy đô thị hoá, xây dựng hạ tầng, dù xây xong không ai ở. Các chính quyền địa phương có rất nhiều quyền lực, từ hành pháp, tư pháp, lập pháp tới việc có thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại cho vay theo chỉ đạo của họ.
Lỗ hổng này đã tạo nợ và khối nợ xấu khủng khiếp ở chính quyền địa phương, tạo ra các thành phố ma, các toà nhà chọc trời hoang vắng trên thị trường bất động sản. Vì nợ nhiều, xây dựng nhiều, đầu tư nhiều thì GDP năm đó tăng cao. Hậu quả của nợ và đầu tư, xây dựng không bán được hàng? Các quan chức không quan tâm, họ chỉ làm theo nhiệm kỳ. Quan chức thăng chức nhanh, giầu có nhanh theo đà tăng của nợ và sự hoang phế của các thành phố ma.
Phương tiện nợ là gì? Nó được tạo ra như thế nào?
Các phương tiện nợ địa phương là gì? Nghe có vẻ phức tạp, nhưng phương tiện nợ địa phương đơn giản chính là các doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền địa phương thành lập. Các chính quyền địa phương sẽ phân bổ đất đai, vốn chủ sở hữu, phí, trái phiếu kho bạc và các tài sản khác, nhanh chóng đóng gói thành một công ty có tài sản và dòng tiền có thể đáp ứng tiêu chuẩn có thể đi vay nợ. Trợ cấp tài chính [từ chính quyền] được sử dụng như một cam kết [tài sản đảm bảo] nhằm giúp phương tiện tài chính có thể nhận vốn từ nhiều nguồn khác nhau.
Các doanh nghiệp này đi vay nợ từ ngân hàng thương mại hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đi vay trên thị trường vốn (cả trong nước và quốc tế). Khoản tiền này vay nợ này sẽ được doanh nghiệp đổ vào các dự án bất động sản địa phương, các dự án cơ sở hạ tầng (điện đường trường trạm) cho các dự án bất động sản; phần nhiều đang hoang phế tại các thành phố đô thị cấp 2, cấp 3, cấp 4….
Vì là có danh là doanh nghiệp nhà nước, có chính quyền địa phương hậu thuẫn và cam kết đằng sau, đồng thời quyền lực của chính quyền địa phương với các ngân hàng, doanh nghiệp ở địa phương là rất lớn (họ có quyền sinh, quyền sát), nên các khoản nợ này được xem như nợ an toàn. Ngân hàng mặc sức cho vay, nhà đầu tư trong và ngoài nước mặc sức đầu tư vào nợ địa phương.
Rủi ro lớn nhất ở Trung Quốc chính là các khoản nợ ẩn này chưa được hạch toán vào nợ chính phủ (nợ công). Hiện tại, Bộ Tài chính Trung Quốc không có tài khoản theo dõi về quy mô nợ ẩn của chính quyền địa phương. Tóm lại, đây là khoản nợ hữu hình, thuộc trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Quốc lại không có số liệu gì và hiện không một ai (chính quyền trung ương và địa phương) muốn chịu trách nhiệm
Phương tiện truyền thông chính thống China News Weekly đã từng đăng một bài báo nói rằng dữ liệu tổng thể về quy mô các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương là không rõ. Tuy nhiên, việc hình thành các khoản nợ ẩn chủ yếu liên quan đến các nền tảng đầu tư đô thị, nên nợ ẩn thường được tính toán dựa trên tổng hợp số liệu các khoản nợ phải trả của các doanh nghiệp tham gia cuộc chơi này.
Riêng nợ ẩn từ trái phiếu là 65 nghìn tỷ USD, chiếm 55,5% GDP
Trong năm 2022 vừa qua, tổng quy mô trái phiếu đầu tư đô thị (số dư nợ) lên tới 65 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY); tương đương với 55,5% GDP, khoảng 9,5 nghìn tỷ USD. Vào năm 2021, số dư nợ chịu lãi trên nền tảng Chengtou của Trung Quốc đã đạt 56 nghìn tỷ CNY.
Như vậy, 65 nghìn tỷ CNY mới chỉ là một phần nợ ẩn của chính quyền địa phương; vì mới chỉ là con số nợ trên thị trường trái phiếu. Các phương tiện nợ địa phương còn vay từ ngân hàng thương mại nữa. Điều tệ hơn là các phương tiện này cũng có các công ty con hoặc công ty thân hữu, họ lại bảo lãnh cho công ty con vay vốn từ ngân hàng thương mại. Khối nợ ẩn này chắc chắn vượt xa con số 65 nghìn tỷ CNY.
Tổ chức tư vấn nước ngoài Tianjun Political Economics đã viết một bài báo “Sự sụp đổ và phẫn nộ về tài chính, ghế của ông Tập Cận Bình có an toàn không?”. Bài báo chỉ ra rằng thực sự có những kẽ hở trong việc cho vay bất hợp pháp và giám sát các ngân hàng. Đồng thời, các bộ phận giám sát xây dựng và nhà ở của chính quyền địa phương và các bộ phận giám sát tài chính cũng phải chịu trách nhiệm.
Chính quyền địa phương đã thu được một số tiền lớn nhờ bán đất, nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Cuối cùng, chính quyền phải dùng đến bạo lực đối với những người mua nhà, người cho vay, người gửi tiền muốn bảo vệ quyền lợi của họ. Trên thực tế, chính quyền địa phương cũng sử dụng các công ty đầu tư đô thị có kiểm soát để đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản, việc các công ty đầu tư đô thị tích trữ đất đai trên diện rộng không phải là hiếm, điều này cũng làm tăng rủi ro tài chính.
Không thể trả nợ và không có kế hoạch trả nợ
Ngoài ra, một tin tức về việc gia hạn khoản vay và cắt giảm lãi suất của công ty đầu tư thành phố đã làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi trên thị trường.
Zunyi Daoqiao Construction (Group) Co., Ltd., công ty phát hành trái phiếu đầu tư đô thị lớn nhất tại thành phố Zunyi, Quý Châu, tiết lộ trên Mạng thông tin trái phiếu Trung Quốc về “tái cấu trúc” lại khoản vay ngân hàng, cho biết: Việc tái cấu trúc lại khoản vay ngân hàng này liên quan đến quy mô nợ là 15,594 tỷ CNY. Bảo toàn quyền của chủ nợ là tiền đề. Sau các cuộc đàm phán thân thiện và bình đẳng giữa tất cả các bên, thỏa thuận bổ sung có liên quan đã được ký kết gần đây. Theo thỏa thuận tái cấu trúc, thời gian vay ngân hàng được điều chỉnh lên 20 năm, lãi suất được điều chỉnh từ 3%/năm đến 4,5%/năm, trong 10 năm đầu chỉ trả lãi mà không phải trả nợ gốc. Nợ gốc và lãi được trả dần trong 10 năm tới.
Vào ngày 4/1, theo China Business News, Wen Laicheng, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, đã phân tích rằng nếu phương pháp này không được áp dụng để cơ cấu lại các khoản nợ cho vay ngân hàng, thì có thể xảy ra vỡ nợ.
Hu Hengsong, phó tổng giám đốc của Caida Securities, tin rằng vụ vỡ nợ của Zunyi Daoqiao ở Quý Châu là hình ảnh thu nhỏ về những khó khăn của các “phương tiện tài chính” của chính quyền địa phương trong các hoạt động định hướng thị trường.
Ngay từ ngày 19/5/2018, ông He Keng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 11 kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Tài chính và Kinh tế, khi nói về các khoản nợ của chính quyền địa phương trong một sự kiện mà ông tham gia ở Bắc Kinh, đã nói rằng: “không có khoản nợ nào trong số đó mà chính quyền địa phương muốn trả nợ, cả nợ gốc và lãi. Nhiều nơi không thể trả được”, theo một bản tin từ Secret China.
Nợ ẩn địa phương năm 2022 đã lớn hơn nhiều so với 2018, tình trạng thị trường bất động sản đang tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm 2018; thời điểm mà quan chức tài chính hàng đầu của Bắc Kinh có bình luận tiêu cực như trên.
T.P