Friday, April 26, 2024
Trang chủNước Việt đẹp“Kho báu” du lịch ở nóc nhà phố núi

“Kho báu” du lịch ở nóc nhà phố núi

Núi Chư Hreng được xem như nóc nhà của phố núi Kon Tum. Và ngọn núi ấy đang chứa đựng cả một “kho báu” về du lịch nhưng chưa hề được khai mở.

Núi Chư Hreng là địa điểm săn mây lý tưởng

Nóc nhà phố núi
Núi Chư Hreng, ở góc phía nam TP.Kon Tum (Kon Tum), được xem như nóc nhà của phố núi. Theo lời mời của một cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, chuyến leo núi trải nghiệm của chúng tôi bắt đầu.

Đón khách ở trụ sở UBND xã Chư Hreng (TP.Kon Tum), ông Ka Rô Chinh, Bí thư Đảng ủy xã, giới thiệu dãy núi Chư Hreng nằm ở phía nam của TP.Kon Tum với tổng chiều dài khoảng 11 km. Chiều cao trung bình của dãy núi Chư Hreng đạt khoảng 800 – 900 m, trong đó điểm cao nhất đạt 1.150 m so với mực nước biển.

“Đường lên núi khá dốc, phải có xe máy chuyên dụng mới có thể lên núi được. Địa phương đang xây dựng một tuyến đường lên núi để có thể phát triển du lịch trong tương lai”, ông Chinh nói.

Cũng theo vị bí thư này, núi Chư Hreng hiện còn diện tích rừng nguyên sinh khoảng 20 ha với 15 ha mọc tập trung và gần 5 ha rải rác, còn lại là rừng tái sinh (khoảng 1.000 ha). Với độ cao, thảm thực vật và cây cối đa dạng, núi Chư Hreng có khí hậu mát mẻ, trong lành.

Để đảm bảo an toàn, bí thư đảng ủy xã đã bố trí 1 chiếc xe bán tải để đưa cả đoàn leo núi. Dọc đường đi, những cánh rừng xanh tốt vụt qua tầm mắt. Đó là thành quả, sự nỗ lực của người dân cũng như chính quyền địa phương để phủ xanh ngọn núi Chư Hreng trong suốt 2 năm qua.

Càng lên cao, cảnh vật, địa hình và khí hậu ở núi cũng dần thay đổi. Những dãy cỏ lau, cây dại dần nhường chỗ những hàng thông thẳng tắp, khí hậu trở nên mát mẻ dễ chịu hơn.

Sự tích chém thần
Dọc đường đi, vị cán bộ Sở VH-TT-DL kể từ xa xưa, người Bana ở Kon Tum luôn lưu truyền câu chuyện mang sắc màu huyền bí về đỉnh núi Chư Hreng. Chuyện kể rằng, thuở khai thiên lập địa trên đỉnh núi Hreng có một hang đá là nơi ở của thần núi. Thần cậy vào quyền năng và sức mạnh của mình nên thường làm hại người dân trong vùng.

Thuở ấy ở ngôi làng dưới chân núi có một cô gái vừa đến tuổi cập kê, sắc đẹp của nàng nức tiếng xa gần. Đàn ông, con trai khắp xa gần đều muốn hỏi cưới cô nhưng cô gái vẫn chưa chịu ai, chờ tìm người tài trí. Câu chuyện của cô gái đẹp đến tai thần núi. Trong một lần cô gái lên núi hái bông về dệt vải, thần liền bắt nàng về làm vợ.

Bấy giờ trong làng có hai chàng trai Bana là anh em sinh đôi to cao lực lưỡng như người khổng lồ. Thấy chuyện bất bình, 2 anh em bèn cùng nhau mang gươm lên hang núi chiến đấu với thần giải cứu cô gái. Trận chiến diễn ra nhiều ngày nhiều đêm không phân thắng bại. Thần núi ỷ mình có gươm báu, vung một nhát đổ núi, chém một nhát chia sông nên rất xem thường 2 anh em dũng sĩ.

Về phần 2 anh em, sau nhiều ngày đánh nhau bất phân thắng bại, nên đành quay về làng bàn bạc. 2 anh em thống nhất sẽ xin giảng hòa để thần khinh địch mà bỏ bê phòng bị. Một đêm nọ, nhân lúc thần ngủ say, người em bí mật trèo lên núi rồi lẻn vào hang đá và trộm đi gươm báu. Cuối cùng bằng sự đoàn kết của 2 anh em, thần núi bị tiêu diệt. Hai anh em đã đưa được cô gái đẹp về làng.

Trước vẻ xinh đẹp và giỏi giang của cô gái, hai anh em đều động lòng yêu thích. Nhưng vì tình cảm gia đình, người em đành nhường tình yêu cho anh trai rồi quyết định đi xa sinh sống. Trước khi đi, chàng lên núi lấy gươm báu phạt ngang một chỏm núi, xách theo về hướng tây đặt lên ngọn Chư Mom Ray (H.Sa Thầy). Nơi đây chàng sẽ ở lại và hằng ngày nhìn lên chỏm núi để nguôi nỗi nhớ quê nhà.

Theo vị cán bộ Sở VH-TT-DL Kon Tum, chỗ đỉnh bị phạt bằng ấy trước đây quân đội Sài Gòn dùng làm bãi đậu trực thăng, đóng đồn kiểm soát TX.Kon Tum.

Về phần hang đá, từ khi thần núi bị tiêu diệt đến giờ vẫn hoang sơ, chưa ai khám phá. Hang đá ấy nằm lưng chừng mạn sườn phía đông của đỉnh cao. Du khách khi đến đây, chỉ cần đi bộ vài trăm mét xuôi xuống mạn đông chóp núi sẽ thấy cửa hang đá màu bạc ẩn khuất sau tán rừng xanh.

Tiềm năng du lịch
Câu chuyện vừa dứt cũng là lúc cả đoàn đặt chân đến đỉnh núi Chư Hreng. Những đám mây sà xuống thấp tưởng như có thể đưa tay với lấy được. Cả đoàn tìm cho mình một góc quang nhất và phóng tầm mắt nhìn ra tứ phía. Một vùng trời rộng lớn cũng hiện ra trước mặt.

TP.Kon Tum chợt thu nhỏ lại, sông Đắk Bla như con rồng trắng uốn quanh, ấp ôm lấy phố núi. Dọc hai bên dòng sông tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn với màu xanh mát của ruộng đồng. Phía xa xa là những bản làng ẩn hiện trong mây mù. Những ngọn đồi bát úp nối tiếp nhau từ thấp đến cao.

Từ đỉnh núi, hàng chục con suối lớn, nhỏ đan xen với nhau chạy dọc theo sườn núi rồi hòa mình vào dòng Đắk Bla. Men theo các dòng suối là những rặng cây xanh tốt.

Ông Ka Rô Chinh cho hay dưới góc nhìn về du lịch thì núi Chư Hreng rất ấn tượng và kỳ vĩ, nó ôm trọn TP.Kon Tum như một bức bình phong ở phía nam. Mỗi buổi sáng khi nhìn về phía núi thường có sương mù quần tụ trên đỉnh trông rất lạ lẫm và đẹp mắt.

“Trước đây dãy núi Chư Hreng chủ yếu là đồi trọc do việc canh tác, xâm lấn của người dân. Đến năm 2020, địa phương cùng người dân trồng rừng để phủ xanh ngọn núi. Trong quá trình trồng rừng, nhiều bạn trẻ đã khám phá ra nét đẹp hoang sơ và chia sẻ trên các trang mạng xã hội… Cũng nhờ những thông tin đó, thời gian gần đây, nhiều khách du lịch tìm đến núi Chư Hreng để khám phá”, ông Chinh kể.

Vị bí thư đảng ủy xã còn chia sẻ núi Chư Hreng hấp dẫn du khách bởi hội tụ những yếu tố như không quá cách xa thành phố, trên núi có thảm thực vật đa dạng, khí hậu mát mẻ, trong lành. Du khách trải nghiệm có thể cắm trại để ngủ lại, sớm mai thức giấc ở ngọn núi cao mát lạnh, được hưởng trọn vẹn cảm giác bồng bềnh trên mây. Với độ cao hơn 1.000 m – cao nhất so với khu vực lân cận, núi Chư Hreng như là “pháo đài quan sát” để thả hồn bay bổng ngắm dòng sông Đắk Bla êm ả chảy.

Theo ông Chinh, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, xác định hướng đi cụ thể về đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông từ chân núi đến đỉnh núi Chư Hreng để phát triển du lịch. Đồng thời, vận động người dân đoàn kết, chung tay trong trồng và bảo vệ rừng để biến núi Chư Hreng trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

“Hiện nay du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm đang được giới trẻ rất ưa chuộng. Mong rằng sắp tới trên đỉnh núi sẽ được đầu tư những điểm lưu trú để giữ chân du khách. Nếu được đầu tư đúng mức, Chư Hreng hứa hẹn sẽ là kho báu để địa phương khai thác du lịch”, ông Chinh nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết núi Chư Hreng rất phù hợp với các loại hình du lịch khám phá, dã ngoại, cắm trại, ngắm cảnh, săn mây… Theo ông Bình, hiện khu vực núi Chư Hreng vẫn đang là đất lâm nghiệp, do đó để phát triển du lịch, TP.Kon Tum đang có kế hoạch xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới