Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThất nghiệp tăng, tiêu dùng giảm ở TQ do “hậu Covid”

Thất nghiệp tăng, tiêu dùng giảm ở TQ do “hậu Covid”

Trong năm 2022, Trung Quốc không chỉ lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng giảm dân số trên toàn quốc, mà số người có việc làm ở thành thị cũng giảm với mức giảm 8,42 triệu người. Chi tiêu bình quân đầu người trong năm vừa qua tại quốc gia tỷ dân cũng bị suy giảm, đây là tình trạng khá hiếm gặp.

Những người lao động nhập cư và người thân của họ đang chờ chuyến tàu đi đến Thâm Quyến tại ga Đông Nghi Xương ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 23/03/2020.

Vào ngày 28/2, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã phát hành “Thông báo Thống kê về phát triển xã hội và kinh tế quốc dân năm 2022”. Thông báo cho thấy, đến cuối năm 2022, dân số có việc làm của Trung Quốc là 733,51 triệu người. Trong số này có 459,31 triệu người là ở khu vực thành thị, chiếm 62,6% tổng số người có việc làm trên toàn Trung Quốc.

Lần đầu tiên trong hơn 60 năm, dân số có việc làm ở thành thị Trung Quốc giảm
Kênh truyền thông Yicai của Trung Quốc đưa tin, số liệu từ bản Thông báo trên cho thấy, so với năm 2021, dân số có việc làm ở thành thị của Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 8,42 triệu người. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1962, số liệu này bị suy giảm.

Bài báo trích dẫn Niên giám Thống kê Lao động Trung Quốc do chính quyền công bố và dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, sau khi dân số có việc làm ở thành thị của Trung Quốc giảm xuống mức 45,37 triệu vào năm 1962, con số này đã liên tục tăng cho đến năm 2021 và đạt 467,73 triệu người.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông Trương Thành Cương (Zhang Chenggang), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hình thái Việc làm Mới của Trung Quốc – tổ chức trực thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô (CUEB), cho biết, số người có việc làm ở thành thị sẽ phản ánh khả năng đáp ứng các cơ hội việc làm của thành thị Trung Quốc.

Theo ông Trương, do dịch COVID-19, thị trường lao động Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2022. Nhiều công ty mất đơn đặt hàng thương mại nước ngoài, dẫn đến nhu cầu tuyển người lao động giảm. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến lần đầu tiên lượng người có việc làm tại thành thị Trung Quốc sụt giảm sau 60 năm.

Ông Trương cho rằng, việc số người có việc làm ở thành thị Trung Quốc sụt giảm cũng cho thấy cơ hội việc làm ở đây đã ít đi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở thành thị gia tăng, thu nhập của người có việc làm giảm và cơ hội việc làm không ổn định. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tiêu dùng sinh hoạt ở thành thị và không có lợi cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã hủy bỏ hoàn toàn chính sách phòng chống dịch Zero Covid, nhưng triển vọng phục hồi của nền kinh tế và thị trường lao động Trung Quốc vẫn không mấy lạc quan. Ông Trương Thành Cương nói rằng, dự kiến số người có việc làm ở thành thị Trung Quốc vẫn có thể giảm trong 1 – 2 năm tới.

Ông Diêu Khải (Yao Kai), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Tài năng Sáng tạo Khoa học Toàn cầu của Đại học Phúc Đán Thượng Hải cho rằng, về lâu dài, do dân số già và tỷ lệ sinh giảm, tình trạng suy giảm ở số người có việc làm tại thành thị Trung Quốc sẽ trở thành một xu hướng.

Bài báo trích dẫn số liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc cho biết, năm 2011, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh với 940 triệu người. Sau đó bắt đầu giảm dần theo từng năm, từ năm 2011 đến năm 2022, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã giảm hơn 60 triệu người.

Chi tiêu bình quân đầu người của Trung Quốc giảm ở mức hiếm gặp
Tờ Reuters của Anh đưa tin, “Thông báo Thống kê về phát triển xã hội và kinh tế quốc dân năm 2022” do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố còn cho thấy rằng, chi tiêu bình quân đầu người của nước này cũng xuất hiện sự suy giảm hiếm gặp. Nguyên nhân là do chính sách phòng chống dịch COVID-19 hà khắc đã phá hủy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Thông báo này, trên thực tế, chi tiêu bình quân đầu người của Trung Quốc đã giảm 0,2% trong năm 2022. Đây là lần giảm thứ ba kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được công bố vào năm 1980. Tổng doanh số bán lẻ nội địa tại Trung Quốc cũng giảm 0,2%, đây là lần giảm thứ hai kể từ năm 1968.

Ông Từ Thiên Thìn (Xu Tianchen), nhà kinh tế tại viện nghiên cứu Economist Intelligence Unit, cho rằng thu nhập hàng năm của nhóm người có thu nhập thấp nhất ở Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, đây là yếu tố chính khiến chi tiêu bình quân đầu người của Trung Quốc trở nên ảm đạm. Ông nói: “Trước đại dịch COVID-19, nhóm thu nhập thấp nhất là một trong những nhóm tăng trưởng nhanh nhất. Hiện nay rất rõ ràng, đây là nhóm có mức tăng trưởng thu nhập chậm nhất”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới