Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDàn lãnh đạo mới của TQ và sứ mệnh then chốt

Dàn lãnh đạo mới của TQ và sứ mệnh then chốt

Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất, sẵn sàng hóa giải các khó khăn, thách thức, để bước vào hành trình hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức.


Trong hai ngày 10-11/3, Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã họp phiên họp toàn thể thứ 3 và thứ 4 bầu và quyết định các vị trí lãnh đạo chủ chốt, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng. Cũng trong chiều ngày 10/3, phiên họp toàn thể thứ 3 Kỳ họp thứ nhất Chính hiệp toàn quốc (tức Mặt trận) Trung Quốc khóa XIV đã bầu ông Vương Hộ Ninh giữ chức Chủ tịch cơ quan này.

Như vậy, Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất, sẵn sàng hóa giải các khó khăn, thách thức, để bước vào hành trình hiện đại hóa đất nước.

Ban lãnh đạo nhận được số phiếu gần như tuyệt đối

Tại phiên họp toàn thể thứ 3 Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV ngày 10/3, ông Tập Cận Bình được toàn bộ 2.952 đại biểu tham dự nhất trí bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 3 và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Cũng tại phiên họp, ông Triệu Lạc Tế và ông Hàn Chính cùng giành được số phiếu tương tự, chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch nước khóa mới.

Cách đây 5 năm, cũng tại “Lưỡng hội” tức hai kỳ họp thường niên của Nhân đại (Quốc hội) và Chính hiệp (Mặt trận), ông Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2 với số phiếu tuyệt đối, trở thành Chủ tịch nước đầu tiên giành được toàn bộ số phiếu sau khi Trung Quốc thực hiện thể chế lãnh đạo “Tam vị nhất thể” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương do cùng một người đảm nhận) kể từ năm 1993. Cuộc bỏ phiếu mới nhất lần này đồng nghĩa với việc Chủ tịch Tập Cận Bình, năm nay 70 tuổi, sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia có thời gian lãnh đạo dài nhất kể từ khi nước Trung Quốc mới thành lập năm 1949.

Ông Hàn Chính cũng là Phó Chủ tịch nước đầu tiên đắc cử với số phiếu tuyệt đối trong nhiều năm trở lại đây. 5 năm trước, ông Vương Kỳ Sơn được bầu làm Phó Chủ tịch nước với một phiếu phản đối. 20 năm về trước, ông Tăng Khánh Hồng thậm chí được bầu vào chức vụ này với 177 phiếu chống và 190 phiếu trắng.

Trong số 14 Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc khóa XIV cũng chỉ có ông Lý Hồng Trung bị 1 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Trong ngày 11/3, ông Lý Cường đã trở thành Thủ tướng mới của Trung Quốc với số phiếu biểu quyết giành được là 2936 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 8 phiếu trắng. Khi trở thành Thủ tướng Quốc vụ viện lần đầu tiên vào năm 2013, ông Lý Khắc Cường đã nhận được 2.940 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Năm 2018, ông được được bầu lại làm Thủ tướng với 2.964 phiếu thuận và 2 phiếu chống.

Những thách thức phía trước

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2022 và Hội nghị Trung ương 2 vừa khép lại ngay trước thềm hai kỳ họp năm nay đều nhận định, Trung Quốc “phải chuẩn bị để chống chọi với thử thách lớn của sóng to gió cả thậm chí sóng gió nguy nan”, cho thấy mức độ nghiêm trọng của các thách thức mà Trung Quốc đã, đang và sẽ gặp phải trong tiến trình phát triển phía trước.

Sau 3 năm dịch bệnh, hiện chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, cũng như những thách thức từ bên ngoài như cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ.

Trước và trong khi diễn ra “Lưỡng hội”, nhiều nhận định cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh sau một năm tăng trưởng không như mong muốn. Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley Hình Tự Cường (Robin Xing) nói với hãng thông tấn Tân Hoa: “Xu thế phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong năm nay là rất rõ ràng, chỉ cần thực thi tốt các chính sách sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng.” Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng CITIC Trung Quốc Liêu Quần trong một bài viết thậm chí đánh giá, kinh tế nước này rất có khả năng đạt được sự “phục hồi trả thù” trong năm nay với tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 7%.

Tuy nhiên, Trung Quốc ngay từ cuối năm 2022 đã đánh giá nền kinh tế nước này “đối mặt với nhiều mâu thuẫn sâu sắc, ba tầng áp lực gồm nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu vẫn còn tương đối lớn, nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc, những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Các biện pháp chống Covid-19 kéo dài 3 năm qua đã tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế và tâm lý xã hội, khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của người dân suy yếu rõ rệt, thêm vào đó là môi trường ngoại thương không mấy sáng sủa, khiến động lực tăng trưởng kinh tế khó có thể quay trở lại trạng thái trước dịch trong ngắn hạn.

Nói như ông Trần Dũng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tuần hoàn kép Khu vực Vịnh Lớn thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Quảng Đông trong một bài viết mới đây, việc Trung Quốc năm nay chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% xuất phát từ những tính toán nhằm đảm bảo cân bằng giữa tích cực tiến lên và giữ dư địa an toàn. Theo ông, việc nước này đạt được mức tăng trưởng 5% trên cơ sở tổng GDP đã vượt 120 nghìn tỷ nhân dân tệ (17,4 tỷ USD) là điều không hề dễ dàng. Con số 5% này cũng phải được đặt ra như một bước đệm để gắn với mục tiêu phát triển dài hạn. Mặt khác, phải để lại dư địa đủ lớn bởi những năm gần đây “thay đổi của môi trường quốc tế đã tác động khá lớn đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”.

Trong năm qua, tăng trưởng kinh tế yếu cùng với việc đóng cửa trong thời gian dài cũng khiến nguồn thu của chính phủ nước này giảm mạnh. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương đang ngày càng tăng. Báo cáo công tác Chính phủ trình lên Quốc hội Trung Quốc đã đề cập đến việc giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “kiềm chế sự gia tăng và giải quyết nợ tồn đọng”, nhằm ngăn ngừa các rủi ro tài chính mang tính cục bộ và hệ thống. Do niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân chưa phục hồi và môi trường việc làm chưa được cải thiện đáng kể, nên vấn đề thất nghiệp trong thanh niên khó có thể được cải thiện trong ngắn hạn.

Môi trường bên ngoài của Trung Quốc cũng không mấy lạc quan. Cạnh tranh Trung – Mỹ đang có dấu hiệu nóng lên, Washington một mặt tiếp tục lợi dụng xung đột Ukraine để củng cố liên minh phương Tây, gây sức ép tập thể lên Bắc Kinh, mặt khác tuyên bố “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai”, đồng thời liên tiếp tăng cường quan hệ chính trị và quân sự với Đài Loan. Mỹ cũng không có dấu hiệu giảm bớt các biện pháp trừng phạt công nghệ và tách rời kinh tế thương mại với Trung Quốc, khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường tỷ dân ít nhiều bị lung lay, đồng thời tạo thành lực cản đáng kể đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên bế mạc chiều 11/3, tân Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh nhấn mạnh, Trung Quốc đang trong “thời kỳ then chốt” để thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc, những thay đổi lớn chưa từng thấy của thế giới trong một thế kỷ đang tăng tốc, do vậy càng cần phải đồng thuận và tăng cường đoàn kết. Ông kêu gọi Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc duy trì sự nhất quán cao độ với Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm hạt nhân cả về lập trường chính trị, nguyên tắc chính trị và đường lối chính trị.

Năm nay được xác định là năm đầu tiên thực hiện tinh thần Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng tới mục tiêu xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc nhậm chức đúng vào thời điểm nước này đang đối mặt với môi trường phức tạp ở cả trong và ngoài nước. Giới phân tích nhìn chung cho rằng, trong 5 năm tới, lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung duy trì, đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển ổn định của nền kinh tế và xã hội trong nước, cũng như cân bằng quan hệ với Mỹ, trong đó có cả việc đối phó với các nguy cơ xung đột tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới