Saturday, April 27, 2024
Trang chủBiển ĐôngĐảo Đá Đông – tựa điểm cho ngư dân vươn khơi bám...

Đảo Đá Đông – tựa điểm cho ngư dân vươn khơi bám biển

Điều kiện tự nhiên

Đá Đông là một rạn san hô vòng, thuộc cụm Trường Sa của Quần đảo Trường Sa. Hiện Việt Nam chúng ta đang quản lý đảo đá này như một phần của thị trấn Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Đá Đông cùng với Đá Tây, Đá Châu Viên và rạn san hô chứa đảo Trường Sa Đông, hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải Quốc tế gọi là cụm rạn London. Trong đó, Đá Đông là thực thể nằm ở trung tâm, đồng thời là một trong số những thực thể lớn nhất của Quần đảo Trường Sa.

Ảnh vệ tinh chụp đá Đông (tháng 9, 2022)

Đá Đông cách bán đảo Cam Ranh khoảng 491km về phía Đông Nam, cách Đá Chữ Thập khoảng 83km về phía Nam, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 71km về phía Đông Bắc. Trong cụm London thì Đá Đông cách Đá Châu Viên chỉ 18,5km về phía Tây, cách Đá Tây khoảng 33km và cách đảo Trường Sa Đông khoảng 23km về phía Đông. Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên cũng là hai trong số 7 thực thể của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp kể từ năm 1988. Hiện Trung Quốc đều đã xây dựng rất nhiều công trình kiên cố bất hợp pháp ở các thực thể này. Cũng chính vì vị trí trọng yếu như vậy mà Đá Đông đã trở thành một điểm phòng thủ quan trọng tại quần đảo Trường Sa. Cùng với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Đá Đông như lá chắn vòng ngoài, bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ. Đá Đông có thể phối hợp với các đảo trong cụm và trong quần đảo Trường Sa, để tạo thành thế trận liên hoàn chống sự chiếm đóng xen kẽ từ phía Trung Quốc cũng như là tự bảo vệ cho mình và các đảo khác.

Trải dài theo trục Đông Tây, Đá Đông có chiều dài khoảng 13km và chiều rộng tối đa khoảng 4km, còn tổng diện tích vào khoảng 38km2 tương đương 3.800ha. Do hình thành từ sự phun trào của dãy núi lửa dưới đáy biển, nên cấu tạo của các dải san hô thường là hình trải dài, có vành đai ở phía ngoài, ở giữa lõm tạo thành một hồ nước bên trong. Tại Đá Đông, lòng hồ chiếm một nửa diện tích của bãi khoảng 18,7km2 và có độ sâu từ 7,3-14,6m. Hơn nữa là thềm san hô còn bị gián đoạn ở khu vực phía Tây và tạo thành hai luồng dẫn tự nhiên vào lòng hồ bên trong. Điều này đã giúp cho Đá Đông trở thành một nơi trú ẩn tự nhiên, và các tàu thuyền của ngư dân có thể vào tránh trú khi gặp gió bão.

Ngoài ra, Đá Đông còn hơi dốc nhẹ từ Bắc xuống Nam, khi thủy triều xuống còn 0,4m thì thềm san hô ở phía Bắc đã nhô lên khỏi mặt nước, trong khi là thềm san hô ở phía Nam chỉ nhô lên khi thủy triều xuống thấp khoảng 0,2m. Chính những điều kiện tự nhiên đã khiến cho Đá Đông trở thành một địa điểm lý tưởng để xây dựng một căn cứ chiến lược ở Trường Sa, với đầy đủ cơ sở hạ tầng bao gồm cả một sân bay quân sự và một âu tàu có khả năng tiếp nhận các tàu có lượng giãn nước hàng nghìn tấn.

Nhìn chung thì khí hậu thuỷ văn ở đảo chìm Đá Đông mang đặc trưng khí hậu thủy văn của Quần đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm hơn trong đất liền. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, còn mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng kéo dài từ sáng sớm đến tối, nhưng đây lại là thời kỳ sóng yên biển lặng, rất thuận lợi cho tàu thuyền đi lại làm ăn trong khu vực. Tuy nhiên, vào mùa giông bão cuối năm khí hậu ở đây lại vô cùng khắc nghiệt, khi gió thường xuyên giật cấp 6 cấp 7 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công tác của chiến sĩ trên đảo. Xung quanh đảo Đá Đông, ở phía ngoài thềm san hô, có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền của ngư dân các địa phương ven biển Việt Nam cùng các nước trong khu vực thường đến để đánh bắt và khai thác hải sản hoạt động tương đối nhộn nhịp và đông đúc.

Quá trình giữ đảo

Đầu năm 1988, sau khi chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập vào ngày 31/1/1988, Trung Quốc tiếp tục có ý đồ chiếm đảo Đá Đông. Trước tình hình đó ngày mùng 8 tháng 2 năm 1988, tàu quét mìn HQ851 đã xuất phát từ cảng Cam Ranh đi làm nhiệm vụ. Sau khi đã ghé qua Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông để làm việc với chỉ huy đảo, tàu tiếp tục hành trình đến đảo chìm Đá Đông. Sau khi đến đảo Đá Đông, tàu HQ851 đã tiến hành hoạt động khảo sát, đo độ sâu, xác định các khu vực neo đậu và chốt lại ở đây để trực bảo vệ đảo.

Tới ngày 15 tháng 2 năm 1988 tức ngày 29 Tết âm lịch thì theo lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng, tàu vận tải HQ614 của vùng 4 Hải quân đã tới đảo Đá Đông, kết hợp với tàu HQ851 tạo thành biên đội do Sở chỉ huy tiền phương vùng số 4 đang ở tàu HQ614 chỉ huy. Biên đội vừa làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo, vừa triển khai cho bộ đội ở hai tàu ăn tết đón xuân tại đảo Đá Đông. Sau khi thấy ta đang bảo vệ đảo Đá Đông thì Trung Quốc đã chuyển sang chiếm đóng trái phép Đá Châu Viên. Do đó, sau 3 ngày đón tết đến ngày 18 tháng 2 năm 1988, tàu HQ851 và tàu HQ614 đã nhận lệnh chốt giữ bảo vệ Đá Châu Viên, nhưng do nước biển quá cao, bãi đá chìm sâu dưới nước, sóng to. Anh em rét và đói, buộc phải quay về tàu, lúc này thì tàu HQ851 bị dây neo trôi dần ra xa biên đội quyết định đưa tàu về đảo Đá Đông.

Tới 23h ngày 18 tháng 2, hai tàu chốt giữ đảo Đá Đông thì nhận được điện của Sở chỉ huy Quân chủng, lệnh cho tàu phải quay trở lại Đá Châu Viên, bằng mọi giá ủi bãi, chấp hành không được hỏi lại, tình huống hết sức khẩn trương.

Một giờ ngày 19 tháng 2, hai tàu nhổ neo tiến về đá Châu Viên, nhưng ngay sau đó ba tàu chiến của Trung Quốc đã lao đến cắt mũi ngăn chặn. Với ưu thế hơn hẳn thì ba tàu lớn của đối phương đã áp sát cản trở khiến tàu HQ851 không thực hiện được hành động ủi bãi để đưa tàu và người lên đảo. Tới 16 giờ cùng ngày, tàu HQ851 bị hỏng một máy chính và hai máy phụ khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi Đá Đông cũng có vị trí rất quan trọng, nó ở gần đảo Trường Sa Đông hơn là Đá Châu Viên, nếu cứ giằng co với đối phương ở Đá Châu viên thì chưa chắc ta đã giữ được cả hai đảo, mà còn có thể mất cả đảo Đá Đông. Đồng chí Lê Văn Thư đã quyết định cho hai tàu quay trở lại đóng giữ đảo Đá Đông trong lúc đối phương đang tập trung lực lượng ở Đá Châu Viên.

Tới 18 giờ cùng ngày, tàu HQ851 và HQ614 đã quay trở lại Đá Đông lập tức triển khai đóng giữ đảo. Tàu HQ614 nhanh chóng cơ động vào vị trí đổ bộ, 10 cán bộ chiến sĩ lập tức đổ lên đảo cắm cờ và xây dựng công sự chiến đấu. Những ngày sau đó thì tàu HQ851 cùng với tàu HQ614 đã trực bảo vệ đảo, bảo vệ các lực lượng quân chủng, tập kết lại vật liệu để xây dựng các công trình trên đảo. Do đặc điểm là đảo đá ngầm, nên để đảm bảo cho bộ đội ăn ở, sinh hoạt và thực hiện các nhiệm vụ, công binh hải quân đã xây dựng nhà cao chân, làm nơi sinh hoạt cho các cán của chiến sĩ. Công trình bằng gỗ được xây dựng trên các cọc bê tông cao, đóng xuống dưới nền san hô và được lợp bằng mái tôn. Tuy nhiên, bộ đội ở các nhà cao chân hết sức khó khăn và vất vả. Không chỉ là nơi sinh hoạt, mỗi khu nhà như vậy còn là kho chứa đạn dược, lương thực, thực phẩm và nhất là nước.

Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là làm sao đủ nước cho bộ đội, không hề có bể chứa lớn bộ đội phải tự chích nước bằng can, thùng phi, thậm chí là treo, buộc lủng lẳng quanh nhà. Sau này thì quân ủy trung ương Bộ Quốc phòng và quân chủng Hải quân đã tham mưu với Đảng và Nhà nước xây dựng các nhà lâu bền như hiện nay trên các đảo chìm. Sau đó là công binh hải quân Việt Nam đã xây dựng các nhà lâu bền ở ba mặt là phía Đông, phía Tây và phía Bắc của đảo Đá Đông và những điểm đảo này được đặt tên là đá Đông A, Đá Đông B và Đá Đông C hiện tại những điểm này đều là nơi đóng quân của các cán bộ chiến sĩ. Với việc triển khai lực lượng đóng giữ tại 3 nhà lâu bền ở 3 điểm trên Đá Đông, Việt Nam đã xây dựng được thế trận quốc phòng liên hoàn vững chắc tại đá này.

Cụ thể đảo Đá Đông A, nằm ở phía Đông của đảo đá với tổ hợp là lâu bền và một nhà văn hóa đa năng được kết nối lại với nhau bằng một cây cầu bê tông. Ngoài những công trình trên tại đây còn nổi tiếng với di tích bãi cọc bê tông, nơi được ví như một bảo tàng sống. Theo đó các đoàn khách từ đất liền ra thăm Đá Đông A, đặc biệt là các bạn trẻ đều cố chen chân, check in trước bãi cọc bê tông cũ nát ở sát cầu tàu, vết tích còn lại của khu nhà cao chân, từng được các lính đảo sử dụng trong những năm tháng gian khó cuối thâm niên 90. Nhìn từ xa thì bãi cọc bê tông trên Đảo Đá Đông A, dường như chẳng có điểm gì đặc biệt để thu hút sự chú ý của khách phương xa, cả khu rộng chừng 50m2 được dựng trên khoảng 50 chiếc cọc bê tông trơ phần cốt thép đã bị rỉ sét. Trên đó là một sàn ghép gỗ và ghi sắt, lổn nhổn các thứ đồ lặt vặt lỉnh kỉnh. Buổi sáng thì lúc thủy triều lên cao bãi cọc lô nhô cách mực nước biển chừng 1,5m nom giống khu đất trồng rau trên hầu khắp các đảo đá ở Trường Sa, ít ai có thể mường tượng nổi đó chính là nơi ăn ở sinh hoạt và chiến đấu của các bộ đội hải quân trong giai đoạn đầu đóng chân trên đảo chìm này. Di tích bãi cọc bê tông của nhà cao chân, vẫn còn hiện hữu trên đảo chìm Đá Đông như một minh chứng sống về thuở đầu gian khó của bộ đội Trường Sa, trong giai đoạn xác lập chủ quyền trên các đảo chìm, đồng thời càng tô đậm ý chí kiên cường bám trụ bảo vệ đảo của bộ đội hải quân nước ta.

Điểm đảo Đá Đông B thì nằm ở phía tây của đảo đá. Điểm đảo này bao gồm hai nhà lâu bền nối lại với nhau bằng một cây cầu bê tông.

Còn Đá Đông C thì nằm ở phía Bắc của đảo đá với tổ hợp một nhà lâu bền và một nhà văn hóa đa năng. Chúng cũng được kết nối lại với nhau bằng một cây cầu bê tông. Nhưng hiện tại nhìn trên bản đồ thì chúng ta chỉ thấy được một nhà lâu bền nằm độc lập, bởi nhà văn hóa đa năng Đá Đông C mới được Bộ tư lệnh quân chủng Hải quân phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 04 năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng do Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng.

Có thể nói là các công trình trên khi đưa vào sử dụng đã góp phần thay đổi diện mạo của đảo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ chiến sĩ ở đây. Đồng thời đây cũng là nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản xa bờ phối hợp cứu hộ cứu nạn trên biển.

Cuộc sống trên đảo đá ngày nay

Khác với các đảo nổi, ở Đá Đông nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt là nước mưa và vận chuyển từ đất liền ra. Những năm gần, đây nhờ được trang bị hệ thống bể chứa, nên đảo đã chủ động đảm bảo được nhu cầu nước sinh hoạt. Dù nguồn nước ngọt khan hiếm, bộ đội phải sử dụng rất tiết kiệm, nhưng họ vẫn thực hiện tốt việc trồng rau xanh. Để trồng rau, thì anh em phải vận chuyển đất từ đất liền ra. Cho nên là đất ở đây cũng rất quý, không khác gì nước ngọt. Dù rất chật hẹp, nhưng trên đảo vẫn có hàng chục con gà, ngan, vịt, heo, chó, rau xanh thì có rau muống, rau dền, rau sam, rau cải… được các chiến sĩ trồng, chăm sóc cẩn thận trong các thùng đất nhỏ. Tuy nhiên thì cũng có những thời điểm báo quét qua, gây ra nhiều thiệt hại cho các vườn rau của các chiến sĩ ở đảo Đá Đông. Đơn cử như trường hợp vào năm 2017, khi hai cơn bão là 15 và 16 đã quét qua, mặc dù là trước đó bộ đội đã chủ động che chắn, chằng chống để hạn chế thấp nhất các thiệt hại, nhưng hầu như là toàn bộ khu vực trồng rau tăng gia rộng khoảng 20 mét vuông của đảo Đá Đông B đã bị hư hỏng hoàn toàn. Thế nhưng có vẻ không gì có thể làm chùn ý chí của các cán bộ chiến sĩ của đảo Đá Đông B. Sau những nỗ lực khắc phục thì một số luống rau mầm vừa gieo đã xanh tươi trở lại. Một số loại rau đã cho thu hoạch, nhờ đó cung cấp thêm một phần thức ăn tươi cho bộ đội trên đảo.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, quân đội và nhân dân đất liền, hiện các điểm đảo của Đá Đông đã được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đây là điều kiện tốt nhất góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, học tập, công tác đưa cán bộ chiến sĩ trên đảo về gần đất liền hơn. Các điểm đảo đã được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam cũng đã giúp các cán bộ chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.

Đá Đông nằm trong vùng biển của diễn biến phức tạp về an ninh, khi gần với những căn cứ quân sự trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, cũng như là điều kiện sinh hoạt của bộ đội nơi đây còn khá khó khăn, nhà ở chật chội. Thế nhưng dường như những khó khăn đó càng khiến người lính nơi đây trở nên kiên cường hơn, yêu thương đùm bọc nhau hơn, cùng chung một ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng, không cho bất cứ một thế lực nào xâm phạm hay là lấn chiếm vào khu vực chúng ta quản lý.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới