Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga - Trung muốn thiết lập trật tự thế giới mới

Nga – Trung muốn thiết lập trật tự thế giới mới

Kết thúc chuyến thăm Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thúc đẩy thiết lập trật tự thế giới, trong khi chưa có thông tin về khả năng hòa đàm cho Ukraine.

Nga, Trung Quốc muốn thiết lập trật tự thế giới đa cực.

Trong đêm 21.3 đến rạng sáng 22.3, Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine thông báo lực lượng Nga đã giáng đợt không kích rầm rộ, đồng thời phóng tổng cộng 21 tên lửa Shahed-136 vào vùng thủ đô Kyiv và những nơi khác.

Cuộc gặp Nga-Trung chưa dẫn đến hòa đàm cho Ukraine
Trong lúc ông Tập chuẩn bị rời Moscow, còi báo không kích vang vọng khắp vùng thủ đô Kyiv, trong khi giao tranh tiếp tục ác liệt ở miền đông và miền nam Ukraine, lần lượt ở Bakhmut (Donetsk), Zaporizhzhia, Kharkiv, theo Reuters.

Chủ tịch Tập Cận Bình về nước hôm 22.3 sau khi kết thúc chuyến thăm đánh dấu “kỷ nguyên mới” trong quan hệ song phương. Trên website của Điện Kremlin, ông Putin cho biết Nga và Trung Quốc đang hợp tác để xây dựng một trật tự thế giới đa cực. Trong thế giới này, Liên Hiệp Quốc tiếp tục giữ vai trò trung tâm, bên cạnh các vai trò khác của Hội đồng Bảo an, các luật pháp quốc tế, mục tiêu và quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về chiến sự Ukraine, nhưng những cuộc nói chuyện của họ kết thúc mà không có tín hiệu đột phá nào dẫn đến khả năng kết thúc giao tranh.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập cũng khẳng định quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nga không có nghĩa là tồn tại liên minh chính trị-quân sự giữa hai bên, theo TASS.

Nga đẩy lùi vụ tấn công ở cảng Crimea
Cũng trong ngày 22.3, Thống đốc Mikhail Razvozhaev do Nga bổ nhiệm ở Crimea cho biết hải quân Nga đã đẩy lùi đợt tấn công có sự can dự của ít nhất 3 máy bay không người lái (UAV). Mục tiêu của vụ tấn công là tàu chiến Nga ở cảng Sevastopol, nơi đặt Hạm đội Biển Đen Nga.

RT dẫn lời ông Razvozhaev cho biết các tài sản của Hải quân Nga không bị hư hại trong đợt tấn công này, nhưng cửa sổ một số tòa nhà gần bờ biển bị vỡ nát do sóng xung kích tống ra trong quá trình hệ thống phòng không Nga đánh chặn các UAV.

Vụ tấn công diễn ra 4 ngày sau khi Tổng thống Putin có chuyến thăm bất ngờ ở Sevastopol.

“Tổng cộng 3 UAV đã bị tiêu diệt”, ông Razvozhaev thông báo trên Telegram. Cũng theo thống đốc, không xảy ra thương vong trong vụ việc.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zekensky đã đến thăm tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, theo thông tin từ văn phòng nhà lãnh đạo.

Nga phản đối Anh giao đạn xuyên giáp
Ngoại trưởng Anh James Cleverly hôm 22.3 bác bỏ khả năng leo thang hạt nhân ở Ukraine sau khi Tổng thống Putin chỉ trích London cung cấp đạn nhồi uranium nghèo, loại bắn thủng xe bọc thép, cho chính quyền Kyiv.

Một ngày trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie cho biết nước này sẽ cung cấp đạn xuyên giáp cho Kyiv kèm theo xe tăng tác chiến chủ lực Challenger 2, bao gồm đạn nhờ uranium nghèo.

Sputnik News dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố thông tin trên đánh dấu sự khiêu khích mới nhất của chính quyền London đối với Moscow.

Còn Tổng thống Putin cảnh báo nếu Anh thực sự chuyển giao loại đạn trên, Nga sẽ bị đẩy vào tình thế phải có ứng phó. “Tập thể phương Tây đã bắt đầu sử dụng đến vũ khí có thành phần hạt nhân”, chủ nhân Điện Kremlin bổ sung.

Trước tuyên bố của ông Putin, Ngoại trưởng Cleverly khẳng định không có chuyện leo thang hạt nhân. “Quốc gia duy nhất của thế giới đang nói về hạt nhân là Nga. (Anh) không đe dọa Nga, đây thuần túy là hành động giúp Ukraine phòng thủ”, Reuters dẫn lời ngoại trưởng Anh.

Về phần mình, Lầu Năm Góc chuẩn bị đẩy nhanh tiến độ chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Ukraine vào mùa thu này. Mỹ cam kết chuyển giao tổng cộng 31 xe tăng cho Kyiv.

Mỹ cũng đề nghị bán 12 trực thăng Bell AH-1Z Viper cho Slovakia sau khi chính quyền Bratislava gửi toàn bộ tiêm kích MiG-29 đã về hưu cho Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới