Trung Quốc đang trở thành quốc gia tiêu thụ số 1 của loài cá nổi tiếng ở đồng bằng sông Mê Kông.
Đơn hàng khủng từ Trung Quốc
Theo Cục Thông tin Nông nghiệp Trung Quốc, vào đầu năm 2023, doanh nghiệp Trung Quốc đã đặt mua 500 container cá tra, tương đương 12.000 tấn thành phẩm từ Việt Nam.
Động thái này cho thấy thị trường Trung Quốc đang mở cửa trở lại và đặt hàng với số lượng lớn sau ba năm đóng cửa do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn nhập khẩu gần 300.000 tấn cá tra Việt Nam, trị giá hơn 700 triệu USD.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, thị trường Trung Quốc đại lục được biết đến là đối tác thường mua khối lượng lớn và đa dạng mặt hàng. Ngoài cá tra phi lê, thị trường Trung Quốc còn nhập khẩu cá tra xẻ bướm, nguyên con (bỏ nội tạng), cắt khúc, các mặt hàng giá trị gia tăng cùng dầu cá, bột cá, da cá….
Theo đánh giá, các đơn hàng lớn của Trung Quốc đã khiến thị trường cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục “nóng lên” trong những ngày đầu năm. Giá cá tra nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng cao từ đầu năm đến nay, có thời điểm lên đến hơn 31.000 đồng/kg.
Ngôi sao trên bàn tiệc
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Việt Nam – quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công có một sản vật đặc biệt là cá tra, thường được tiêu thụ dưới dạng phi lê đông lạnh, rất được thực khách ưa chuộng.
“Nếu như trước đây, phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc “không biết gì” về cá tra, thì nay loại cá này đã được phục vụ trên bàn ăn ở các địa phương lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến và Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam”, Tân Hoa Xã cho hay, hải sản Việt Nam, bao gồm cá tra, nay đã trở thành “ngôi sao” trên bàn tiệc Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới.
Các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam là Trung Quốc (gần 30% ), Mỹ (23%) và nhiều thị trường có sự tăng trưởng tốt như EU, Thái Lan, Mexico.
Trong đó, theo VASEP, chỉ tính riêng năm 2022, Trung Quốc đã đầu tư 712 triệu USD nhập khẩu cá tra. Động thái này biến cá tra trở thành mặt hàng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (40%) của Việt Nam mà Trung Quốc nhập khẩu.
Bà Lê Hằng, chuyên gia VASEP tiết lộ, người Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi, đồng thời quy trình xuất nhập khẩu thủy sản dễ dàng hơn nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại song phương.
T.P