Sunday, October 13, 2024
Trang chủThâm cung bí sửMột ít sử liệu về hồi người Tây mới đến nước Nam

Một ít sử liệu về hồi người Tây mới đến nước Nam

Thế kỷ XVI – XVIII là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của kinh tế ngoại thương ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các thương nhân từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế phong kiến. Không chỉ buôn bán, người Âu khi đến nước ta còn mang theo văn hóa tôn giáo của mình, kể từ đó ngày càng có nhiều giáo sĩ sang truyền giáo tại đây. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với độc giả bài viết được trích trong tạp chí “Revue franco-annamite” số 288 ngày 16/06/1940.

Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII, thương điếm của người Anh và người Hà Lan nằm phía bên phải. Hình minh họa trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” của Samuel Baron, 1685.

Sau đây là một bài của một bạn đồng nghiệp trong Nam và một bài của một bạn đồng nghiệp ngoài Bắc.

Báo “Lục Tỉnh Tân Văn” ở Sài Gòn viết:

Người châu Âu sang buôn bán ở nước Nam ta, thì có người Bồ Đào Nha đến trước nhất; họ mở cửa hàng ở phố Hội An, thuộc hạt Quảng Nam, vì ở đây có người Tàu, người Hà Lan, người Nhật Bản tới buôn bán nhiều lắm.

Năm Giáp Dần (1614) đời Chúa Sãi, đã có người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix, đến lập lò đúc súng ở đất Thuận Hóa[1], mà bây giờ ở Huế, người ta còn gọi chỗ ấy là Phường Đúc.

Ở xứ Bắc thì trước đã có tàu của người Bồ Đào Nha ra vào buôn bán, mãi đến năm Đinh Sửu (1637) đời Vua Thần Tông nhà Lê, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng mới cho người Hà Lan đến mở cửa hàng ở phố Hiến, (gần chỗ tỉnh lỵ Hưng Yên bây giờ) về sau ở đây cũng có người Nhật, người Tàu, người Xiêm đến buôn bán, kể có 2.000 nóc nhà, thành một chỗ vui vẻ lắm, cho nên tục ngữ bấy giờ có câu rằng: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.”

Lúc ấy, ở xứ Nam thì có người Bồ Đào Nha buôn bán nhiều hơn; ở xứ Bắc thì có người Hà Lan buôn bán nhiều hơn; những người hai nước ấy hay cạnh tranh nhau, thường xảy ra những việc bất hòa về sự buôn bán.

Nhân cớ ấy, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều muốn nhờ họ giúp mình, song vì sự buôn bán có lợi hơn, nên họ không chịu ra mặt giúp Chúa Trịnh hay chúa Nguyễn, thành ra lâu ngày các chúa càng chán, lại có những việc lôi thôi về tôn giáo nữa; cho nên đến năm Canh Thìn (1700) đời vua Lê Hy Tông người Hà Lan thôi không vào buôn bán ở xứ Bắc nữa; kế đó người Anh và người Pháp cũng sang buôn bán ở nước ta; năm Nhâm Tý (1672) đời Vua Lê Hy Tông người Anh đem chiếc tàu Zant vào, xin mở cửa hàng buôn bán, Chúa Trịnh cho ở tại phố Hiến, là chỗ những người ngoại quốc thường trú ngụ ở đấy. Sau sự buôn bán không được thịnh lợi, nên đến năm Đinh Sửu (1697) thì người Anh không buôn bán ở đó nữa.

Năm Canh Thân (1680) người Pháp có tàu sang đây, xin mở cửa hàng ở phố Hiến; đến năm Nhâm Tuất (1682) lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Xiêm La sang đây, đem phẩm vật hiến cho chúa Trịnh.

Vua xứ Đông Kinh trong buổi thiết triều, khoảng năm 1685 (vào thời gian này là vua Lê Hy Tông, tại vị từ 1675 đến 1705). Hình minh họa trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” của Samuel Baron, 1685.

Ở xứ Nam thì năm Bính Dần (1686) có người Pháp tên là Ferrel được phép mở cửa hàng ở cù lao Côn Lôn[2]; đến năm Kỷ Tỵ (1749) lại có một người Pháp tên là P. Poivre đi chiếc tàu Machault vào cửa Hội An, xin yết kiến chúa Nguyễn, và dâng quốc thư cùng phẩm vật để tỏ tình giao hảo của hai nước; Chúa Nguyễn cũng phúc thư lại, thuận cho người Pháp vào thông thương; những chẳng bao lâu thì công ty của Pháp ở Ấn Độ bãi đi, cho nên sự thông thương của người Pháp ở đây cũng bãi.

Ở nước ta, từ khi người Âu sang buôn bán, thì có những giáo sĩ sang truyền đạo. Theo sách “Khâm định Việt sử”, thì từ đầu năm Nguyên Hòa đời vua Trang Tông nhà Lê (1532) đã có người Tây đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Giao Thủy.

Sách Nam sử của ông Trương Vĩnh Ký chép rằng: năm Bính Thân (1596) đời chúa Nguyễn Hoàng, có viên giáo sĩ Tây Ban Nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo ở xứ Nam trước hết.

Đến năm Ất Mão (1615) đời Chúa Sãi, giáo sĩ P. Busome lại đến giảng đạo ở xứ Nam nữa, rồi đến năm Giáp Tý (1624) có giáo sĩ Jean Rhodes người Pháp Lan Tây[3] đến giảng đạo ở Phú Xuân và lập ra các Giáo đường.

Năm Bính Dần (1626) đời Vua Lê Thần Tông, giáo sĩ Baldinotti sang giảng đạo ở xứ Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi; được ít lâu, ông Jean Rhodes ở xứ Nam ra Bắc, vào yết kiến chúa Trịnh và dâng cái đồng hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông được giảng đạo ở kinh đô.

Từ đó về sau, các giáo sĩ dần dần sang nước ta truyền giáo mãi.

Còn “Hà Nội Tân Văn” ở Hà Nội viết như sau này:

Nước ta bắt đầu từ thế kỷ thứ XVII xảy ra việc Trịnh – Nguyễn phân tranh, mỗi họ chiếm giữ một xứ làm cơ nghiệp riêng của mình, khiến trong nước chia ra Nam, Bắc và mỗi ngày một hèn yếu.

Năm 1625, gần một năm trước trận đánh nhau lần thứ nhất của hai họ Nguyễn, Trịnh, cố Giuliano Baldinotti người Ý ở Macao đi truyền đạo Gia Tô có tới Hà Nội (hồi đó thành phố này hãy còn cái tên chữ là Đông Kinh và tên Nôm là Kẻ Chợ). Khi trở về Macao, cố Baldinotti có viết một tờ trình tường thuật về tình hình xứ Đông Kinh để gửi về La Mã. Tờ trình đó đề ngày 12/11/1626, ngày nay người ta coi đó là một bài cổ nhất trong số những bài ký sự của người Âu Tây viết về xứ Bắc Kỳ.

Hồi đó, bên Tàu, quân nhà Minh đang ra sức chống nhau với quân nhà Thanh: Phi Luật Tân[4] đã thuộc về Tây Ban Nha và Nam Dương quần đảo[5] đã thuộc về tay người Hà Lan.

Chúa Trịnh ngoài Bắc lúc đó là Thanh Đô vương Trịnh Tráng; còn trong Nam chúa Nguyễn là Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên.

Khi mới khởi cuộc Trịnh – Nguyễn xung đột, Bắc Kỳ hãy còn là một xứ có trật tự.

Chúng tôi theo bài của cố Baldinotti, lược thuật dưới đây tính tình phong tục dân xứ Bắc cùng tình hình cai trị, quân nhu và chiến thuyền của chúa Trịnh. Ít năm sau, những điều quan sát của cố Baldinotti đã được cố Alexandre de Rhodes nhận là rất đúng; cố de Rhodes cũng đã viết nhiều bài tường thuật về hai xứ Nam Bắc:

Nhân có mấy nhà buôn người Bồ Đào Nha sang cất hàng ở Đông Kinh, nên bề trên sai tôi và thầy Giulio Piani, người Nhật, cùng đi, xem có thể đem lời Chúa đến truyền ở xứ ấy không.

Chúng tôi ở Macao khởi hành ngày 2/2/1626. Vì chưa đi lần nào, đường lối hỏi không được rõ, nên thuyền chúng tôi phải lênh đênh ngoài khơi mất 36 ngày; mãi đến hôm 7/3, mới tới được bờ biển Đông Kinh.

Chúa Trịnh đã biết trước, nên cho 4 chiếc chiến thuyền ra ngoài để bảo vệ cho chúng tôi khỏi bị cướp bóc.

Đến nơi, tôi và thầy Giulio cùng tất cả các người Bồ Đào Nha trên tàu vào yết kiến chúa Trịnh. Ngài tiếp chúng tôi vui vẻ và lịch thiệp lắm; ngài lại hứa sẽ giúp chúng tôi về mọi phương diện. Khi chúng tôi từ biệt, ngài truyền đem nhiều quần áo bản xứ ban cho và chọn những nhà đẹp nhất trong kinh thành cho chúng tôi ở.

Trong hồi chúng tôi ở lại Đông Kinh, ngài đối đãi chúng tôi rất ân cần; ngài thường sai người đem ra cho ông thuyền trưởng và tôi đủ mọi thứ giải khát. Ngài hay gọi chúng tôi đến dự các cuộc vui như chọi voi, thi ngựa, thi thuyền. Ngài thường thích cưỡi một con voi lớn chạy xô đến chỗ những quân lính đứng, rồi con voi lấy vòi cướp khí giới của quân sĩ mà dâng ngài. Ngựa cũng vậy, ngựa của ngài cũng biết nhặt dao mác ném dưới đất mà trao cho bọn kỵ binh.

Ngài bằng lòng để người Bồ Đào Nha qua lại buôn bán, và hình như có người đã nói cho ngài biết những mối lợi mà các thuyền Bồ Đào Nha có thể đem lại xứ ngài.

Trong khi ở Đông Kinh, lúc nào tôi cũng gắng sức khuyến khích người Bồ Đào Nha nên làm gương cho nhân dân ở Đông Kinh; vì thế chúa Trịnh lấy làm bằng lòng lắm và muốn lưu tôi lại trong xứ.

Phủ chúa Trịnh. Hình minh họa trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” của Samuel Baron, 1685.

Nghe nói tôi giỏi toán học, ngài truyền một viên quan thị triệu tôi vào phủ để chỉ cho ngài biết những lẽ về thiên văn. Viên quan này nói cho tôi biết rằng có một viên quan thị khác quyền chức cao nhất trong vương phủ đã giới thiệu sự học rộng của tôi với ngài và cả một nhà sư nữa cũng nhắc đến tôi. Nhà sư này đã đến thăm tôi một lần, ông ta bàn luận với tôi trong ba giờ về đạo Phật và đạo Gia Tô cùng những lý thuyết khác. Về sau, trước mặt những vị sư khác và người Bồ Đào Nha, nhà sư đó đã nói: “Người Đông Kinh không biết nói, không biết nghĩ và sống như giống cầm thú”. Nhà sư lại khẩn khoản yêu cầu tôi nên lưu lại, để dạy bảo cho dân. Ông ta biếu tôi nhiều thứ quà và trong những khi đến thăm tôi, ông ta tỏ vẻ kính cẩn lắm.

Tôi bảo viên quan thị về thưa với Chúa rằng: “Bây giờ tôi rất lấy làm tiếc rằng không thể ở lại được, vì có lệnh trên truyền cho tôi phải theo luôn người Bồ Đào Nha, lượt đi cũng như lượt về, để chỉ dẫn cho họ về việc đạo, nhưng đến khi trở về Macao, tôi sẽ xin quay lại đây để ở lại hầu Chúa”.

Chúa Trịnh thấy tôi trả lời như vậy thì ưng ý, và mấy hôm sau ngài cho đón tôi vào dự một bữa tiệc long trọng. Tự ngài hỏi tôi về phép tính những khối tròn, rồi lại ân cần dặn tôi thế nào cũng trở lại Đông Kinh. Đoạn ngài trao cho tôi một tấm giấy phép để tôi được đi khắp trong xứ không phải theo một điều bắt buộc gì.

Nhưng hồi đó có một thằng da đen đi nói xấu người Bồ Đào Nha, hắn vu rằng những người này đến Đông Kinh để do thám cho chúa Nguyễn. Chúa Trịnh không để ý đến cái tin nhảm ấy, vì chúng tôi có đệ lên ngài một tờ trình về việc đó, lại một người trong họ ngài đã gặp người Bồ Đào Nha nhiều lần ở các nơi cũng đã trình ngài rõ.

Nhưng một hôm, ngài bảo chúng tôi tuyên thệ để ngài được yên tâm. Chúng tôi phải triệu vào một ngôi đền trong vương phủ. Trong đền đã kê sẵn một cái bàn, trên để một bình rượu. Họ lấy một mũi đao và một chiếc xẻng gõ vào bình. Xong họ đốt một lá sớ, dập tàn lên mặt bàn lúc lửa gần tắt và cắt cổ một con gà cho nhỏ mấy giọt máu xuống đống tàn. Đoạn người ta bảo chúng tôi thề: “Sẽ không vào Nam giúp chúa Nguyễn và bao giờ cũng thành thực với chúa Trịnh”, rồi mỗi người chúng tôi uống một ít rượu trong bình…

Phần đông dân Đông Kinh không hay đến chùa vì họ cho đó là tà đạo; sau nữa, vì lẽ trong đám sư, phần nhiều vô học, nên không ai tin và cái lẽ cuối cùng là vì dân ở đây chỉ thích võ nghệ. Họ năng tập bắn súng và bắn súng rất đúng. Người họ cũng vạm vỡ, lại can đảm nữa. Áo mặc dài xuống ngang bụng, chân để hở phía trước, tóc để dài và có mũ chẽn đội bịt lấy đầu. Người lính thường đeo gươm và đao; họ giàu tình cảm, dễ bảo, vui vẻ và trung thành. Bọn hạ lưu hay ăn trộm ăn cướp, vì thế luật pháp ở đây khép những tội đó và những tội ngoại tình vào tử hình.

Chiến thuyền của chúa Trịnh tất cả có 4.000 chiếc đậu ở nhiều nơi, mỗi bên mạn thuyền có 26 mái chèo; không kể súng nhỏ, nhiều chiếc có súng lớn; đuôi thuyền hầu hết chạm và thếp vàng rất rực rỡ. Có lần tôi được xem 500 chiếc thuyền ấy lượn một lúc theo tiếng thanh la mà đi thật đều.

Hôm chúng tôi từ biệt Đông Kinh (18/8/1626) cũng có hai chiếc chiến thuyền đưa chúng tôi ra ngoài khơi. Hôm đó gió Nam thổi đã nhẹ. Trước khi quay về, người ta mời chúng tôi một bữa tiệc lớn và biếu chúng tôi những thứ quà làm kỷ niệm”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới