Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ nỗ lực đẩy nhanh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

TQ nỗ lực đẩy nhanh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Chỉ trong vài thập kỷ cải cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển với tốc độ thần kỳ. Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài ào ạt đầu tư vào Trung Quốc vì những ưu đãi về thuế quan, nhân công rẻ và thị trường hơn một tỷ dân. Bản thân các doanh nghiệp Trung Quốc nhờ tiếp cận khoa học, công nghệ của các nước phát triển và chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước cũng phát triển nhanh chóng với các sản phẩm có giá thành rẻ.

Ảnh minh họa

Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua Nhật Bản, vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng hóa của Trung Quốc với giá thành rẻ đặc biệt là hàng điện tử, may mặc và nhiều hàng tiêu dùng khác, cùng với hàng hóa chất lượng cao của các tập đoàn lớn của các nước sản xuất tại Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới.

Song thị trường thế giới đã quen với việc thanh toán và thường chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng USD và sau đó là đồng EURO, điều này khiến Trung Quốc chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì thế đồng thời với gia tăng phát triển kinh tế Trung Quốc đã nỗ lực đẩy nhanh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, từng bước tìm cách chiếm lĩnh vị thế đồng USD trong thương mại quốc tế.

Cho đến năm 2020 mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhiều biện pháp nhưng đồng nhân dân tệ vẫn chịu lép vế trước đồng USD. Đồng nhân dân tệ chỉ được sử dụng một cách rời rạc trong các giao dịch mua bán hàng hóa lớn của Trung Quốc vì hầu hết giao dịch dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản trên toàn cầu đều được định giá dựa trên đồng USD.

Sự thay đổi bắt đầu tháng 4-2022, sau khi các ngân hàng chủ chốt của Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT do Nga bị Mỹ và EU trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraina và phương Tây cũng đồng loạt cắt giảm mua hàng hóa của Nga nhất là khí đốt, dầu mỏ. Còn Trung Quốc lại nhân cơ hội này gia tăng mua hàng hóa của Nga như dầu, than, một số kim loại với điều kiện được thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì USD. Điều này đã giúp Trung Quốc tiết kiệm hàng tỷ USD nhất là khi nước này gặp khó khăn vì Covid-19. Năm 2022 chỉ riêng dầu thô và dầu nhiên liệu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã là 60,3 tỉ USD nhưng được thanh toán bằng nhân dân tệ.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tổng số tiền thanh toán trên hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) – giải pháp thay thế SWIFT của Trung Quốc – tăng 21,5% so với cùng kỳ lên 96,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,02 nghìn tỷ USD) vào năm 2022.

Trên toàn cầu, việc sử dụng nhân dân tệ cũng đạt được tăng trưởng. Tháng 3 năm 2023 Argentina cho biết sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng nhân dân tệ để giảm bớt áp lực lên dự trữ USD. Cũng tháng 3, Total Energies của Pháp đã bán cho Trung Quốc lô hàng LNG thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Mặc dù thị phần của đồng nhân dân tệ với tư cách là đồng tiền thanh toán toàn cầu vẫn còn nhỏ so với đồng USD và đồng EURO, nhưng trong tương lai khi nền kinh tế của Mỹ và Tây Âu đang gặp khó khăn đồng USD đang giảm giá trị thì việc sẽ có thêm nhiều nước chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ sẽ là một tất yếu.

H.L

RELATED ARTICLES

Tin mới