Saturday, November 23, 2024
Trang chủQuân sựTQ sẽ có “robot sát thủ”

TQ sẽ có “robot sát thủ”

Chiến tranh bao trùm toàn thế giới; các quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất lại một lần nữa ra trận. Tuy nhiên, lần này, những cỗ máy sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc giết người.

Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/10/2019.

Đó là một bức tranh ảm đạm về các cuộc xung đột trong tương lai, nhưng là một bức tranh mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực biến nó thành hiện thực.

ĐCSTQ đang đầu tư vào các nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mà họ hy vọng một ngày nào đó sẽ thực hiện các nhiệm vụ giết người trong thời chiến – những nhiệm vụ mà hoàn toàn không cần sự can thiệp hoặc kiểm soát của con người.

Ông Gregory Allen, Giám đốc Trung tâm AI và Công nghệ tiên tiến Wadhwani tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết Bắc Kinh đang tiến xa hơn bất kỳ chính phủ nào trong các ứng dụng AI.

“Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển vũ khí tự động có khả năng gây chết người do AI hỗ trợ”, ông Allen viết trong một lời khai được chuẩn bị cho phiên điều trần ngày 13/04 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc của quốc hội Mỹ.

“Các dấu hiệu rõ nhất hiện có … cho thấy rằng chiến lược của Trung Quốc đầy tham vọng, vượt ra khỏi bất kỳ hình thức giám sát nào của con người trên chiến trường, để hướng tới kiểu chiến tranh mà ngày càng phụ thuộc vào AI”.

Ông Allen nói rằng ĐCSTQ đang đầu tư mạnh vào một loạt công nghệ mới, trong đó AI là mảng quan trọng nhất trong số đó. Năng lực của Bắc Kinh trong việc chế tạo các cỗ máy chiến tranh do AI điều khiển đang nhanh chóng trở nên ngang bằng với Hoa Kỳ, và thậm chí có thể sớm vượt qua Hoa Kỳ.

Ông Allen nói: “Vị thế đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI quân sự hoàn toàn không được đảm bảo”.

“Mặc dù Hoa Kỳ có những lợi thế quan trọng nhưng Trung Quốc có thể nhanh chóng dẫn đầu trong việc ứng dụng các khả năng của AI vào trong chính phủ và quân đội. Đây là một vấn đề mà Hoa Kỳ phải tìm cách ngăn chặn”.

Vũ khí tự động có khả năng gây sát thương

Việc ĐCSTQ phát triển các loại vũ khí và các nền tảng quân sự khác do AI điều khiển đã diễn ra trong nhiều năm.

Ông Allen cho hay, lần đầu tiên ông nhận ra tham vọng đó của Bắc Kinh là vào năm 2018. Tại thời điểm ấy, ông tham dự một hội nghị, nơi ông đã ghi lại bài phát biểu của ông Tăng Nghị (Zeng Yi) – Giám đốc điều hành cấp cao của công ty quân sự nhà nước Trung Quốc Norinco.

Ở đó, ông Tăng đã bàn về tham vọng của Norinco — và kỳ vọng của ĐCSTQ — đối với việc triển khai vũ khí AI trong tương lai. Ông Tăng nói: “Trên các chiến trường trong tương lai, sẽ không có người tham chiến”.

Ông Allen cho hay: “Ông Tăng dự đoán rằng vào năm 2025, vũ khí tự động có khả năng gây sát thương sẽ trở nên phổ biến”. Ông Allen nói thêm rằng ông Tăng đã khẳng định việc sử dụng hàng loạt các nền tảng AI là điều “không thể tránh khỏi”.

ĐCSTQ ngay sau đó đã gỡ bỏ những chia sẻ của ông Tăng và thậm chí toàn bộ phần của ông ấy trong biên bản chính thức về hội nghị.

“Việc công khai thông tin đó không có lợi cho Trung Quốc”, ông Allen nói.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, công ty quân sự Ziyan trực thuộc ĐCSTQ bắt đầu xuất khẩu thiết bị bay không người lái Blowfish A2 và A3 sang Trung Đông. Blowfish – loại thiết bị bay không người lái kiểu máy bay trực thăng có khả năng tự động tấn công các mục tiêu, sử dụng súng máy và tên lửa – chỉ là thể hiện đầu tiên cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc biến chiến tranh từ lĩnh vực của con người sang lĩnh vực của người máy.

Tự ra quyết định quân sự mà không thông qua con người

Tham vọng của Bắc Kinh đối với AI vượt ra ngoài những con robot giết người. ĐCSTQ đang đầu tư để phát triển các nền tảng AI liên quan đến việc ra quyết định quân sự, chỉ huy và kiểm soát.

Trọng tâm của nỗ lực này là mục tiêu “thông minh hóa” – một sự chuyển đổi trong chiến tranh thông qua việc tích hợp AI, tự động hóa và dữ liệu lớn.

Ông Tăng cho rằng “ưu thế về trí thông minh sẽ là cốt lõi của chiến tranh trong tương lai” và rằng “AI có thể thay đổi hoàn toàn cấu trúc chỉ huy hiện tại, vốn do con người làm chủ” thành một cấu trúc do “cụm AI” vận hành; cụm AI này “giống như bộ não của cơ thể người”.

Dựa trên tầm nhìn đó, ĐCSTQ đã ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc như 4Paradigm để phát triển các mô hình mà AI có thể ra quyết định và phát triển các phần mềm kết nối người và máy, để sử dụng ở cấp công ty và cấp tiểu đoàn.

Các chương trình như vậy về cơ bản nhằm một mục đích: tái cấu trúc quân đội Trung Quốc thành một đội ngũ sĩ quan ngày càng tập trung – những người trực tiếp điều hành nhiều hệ thống AI trong chiến tranh thực sự.

Ông Sam Kessler, nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro North Star Support Group, tin rằng việc Bắc Kinh chuyển gánh nặng chiến tranh từ con người sang các hệ thống AI là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo ĐCSTQ đã công nhận ở mức độ rộng rãi hơn tính cách mạng của các hệ thống thông minh.

Ông Kessler nói trong một email gửi tới The Epoch Times: “[Quân đội Trung Quốc] rất chú trọng các công nghệ đột phá như hệ thống tự động”.

“Các hệ thống chiến đấu không cần người điều khiển với các chương trình ra quyết định được số hóa sẽ có khả năng đẩy nhanh quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên chiến trường”, ông Kessler cho biết thêm. “[Chúng bao gồm] việc tấn công chính xác, trinh sát chính xác, tiếp tế và thực hiện các thay đổi trên chiến trường một cách chính xác và hiệu quả hơn”.

Ông Kessler cho hay, những khả năng kể trên là lực lượng to lớn có khả năng giúp một đội quân ít ỏi có thể thay đổi cuộc chơi trong các cuộc xung đột trong tương lai.

“Bất cứ ai sở hữu loại công nghệ này đều có thể làm cho một đội quân thông thường, thậm chí một đội quân yếu nhất hoặc trung bình, có được lợi thế trên chiến trường hoặc kéo dài thời gian chiến đấu”.

Robot hóa chiến tranh tương lai

ĐCSTQ không đơn độc trong tham vọng dẫn đầu cuộc cách mạng mới trong các vấn đề quân sự. Nhiều nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tin rằng các hệ thống tự động có khả năng giết người được trang bị AI sẽ sớm được sử dụng.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, có chung tầm nhìn với ông Tăng Nghị của Trung Quốc. Ông Milley tin rằng quân đội hùng mạnh nhất thế giới sẽ chủ yếu là robot trong 10-15 năm nữa.

“Trong vòng 10 đến 15 năm tới, quý vị sẽ thấy phần lớn quân đội của các nước tiên tiến là máy móc”, ông Milley nói.

Trung tướng Mỹ Ross Coffman cho rằng năm 2040, Hoa Kỳ sẽ có đội quân là những cỗ máy giết người AI.

Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 28/03 của các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ và các chuyên gia công nghệ, ông Coffman đã mô tả mối quan hệ hợp tác giữa AI và người lính như mối quan hệ giữa một con chó và chủ nhân của nó.

Trong cuộc chiến của tương lai, chính những người lính sẽ giúp AI chiến đấu hơn là điều ngược lại. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến một sự thay đổi vào năm 2040 khi con người giúp máy móc giành được lợi thế [trong chiến đấu], chứ không phải máy móc giúp con người làm điều đó”, ông Coffman nói.

Theo ông Kessler, mục tiêu đó có thể sẽ phải đối mặt với con đường gập ghềnh phía trước, bởi Hoa Kỳ đang đứng trước một Trung Quốc ngày càng mạnh về AI.

“Bộ Quốc phòng [Mỹ] gần đây đã thông báo rằng họ có ý định tiếp tục phát triển AI và các hệ thống tự động có khả năng gây sát thương … những hệ thống giúp họ giữ được lợi thế trong môi trường an ninh toàn cầu đang thay đổi”, ông Kessler cho biết. “Tuy nhiên, việc giữ vai trò của con người trong các hoạt động của các hệ thống tự động và bán tự động AI cũng vẫn là một ưu tiên”.

Nghiên cứu của Mỹ tạo nên Robot của Trung Quốc

Khi ĐCSTQ mải miết phát triển chiến tranh thông minh hóa, ông Allen tin rằng một điểm yếu nghiêm trọng mà Hoa Kỳ phải khắc phục là nước này vẫn đang hỗ trợ gián tiếp cho ngành công nghiệp AI của Trung Quốc.

Bắc Kinh có thể phát triển năng lực quân sự của họ thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển thông thường với Hoa Kỳ.

“Mối liên kết giữa lĩnh vực AI của Trung Quốc và lĩnh vực AI của Hoa Kỳ vô cùng sâu sắc”, ông Allen cho hay. “Thực sự không có phần nào trong hệ sinh thái AI của Trung Quốc mà không dựa trên hệ sinh thái AI của Hoa Kỳ”.

Ông Allen lưu ý rằng một nửa số bài báo học thuật của Trung Quốc được xuất bản về chủ đề AI có các đồng tác giả người Mỹ. Một số trong những nghiên cứu đó thậm chí còn bao gồm sự hợp tác giữa các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ và các công ty chịu trách nhiệm tiên phong trong phát triển AI quân sự của Trung Quốc.

Một ví dụ, Intel đã tiến hành nghiên cứu cùng với 4Paradigm – một công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Google đã hợp tác rộng rãi với các thực thể có liên kết với quân đội Trung Quốc thông qua các trung tâm AI có trụ sở tại Trung Quốc.

Những nghiên cứu như thế và mọi tiến bộ công nghệ tiếp theo dựa trên chúng sau đó có thể được ĐCSTQ sử dụng một cách hiệu quả nhờ chiến lược Hợp nhất Quân sự – Dân sự (MCF). Chiến lực này yêu cầu tất cả các nghiên cứu và các công nghệ phục vụ nhu cầu dân sự cũng có thể được dùng để phục vụ nhu cầu an ninh quốc gia.

Theo bà Elsa Kania, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mới của Mỹ, “rủi ro ở đây là bất kỳ khoản đầu tư nào [của Mỹ] vào Trung Quốc [mà không có sự giám sát] … đều có nguy cơ góp phần hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Cần tăng cường giám sát và sàng lọc các khoản đầu tư sao cho chúng không đổ vào các công nghệ đó … [để đảm bảo rằng] dòng tiền của Hoa Kỳ không vô tình làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới