Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnLiệu Philippines có thể khai thác nguồn năng lượng ở Biển Đông...

Liệu Philippines có thể khai thác nguồn năng lượng ở Biển Đông hay không?

Giới học giả cho rằng trong lúc các nước ven Biển Đông khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí ở Biển Đông bất chấp sự ngăn cản, gây áp lực của Trung Quốc thì Philippines không triển khai được các hoạt động dầu khí ở Biển Đông trong cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là do sự thiếu nhất quán của chính quyền Manila dưới thời cựu Tổng thống Duterte. Sự nhún nhường của cựu Tổng thống Duterte đối với Bắc Kinh trong suốt 6 năm cầm quyền đã khiến Philippines không khai thác được nguồn năng lượng ở Biển Đông phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Sau khi lên cầm quyền năm 2016, với mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế ông Duterte đã thi hành một chính sách ngả hẳn sang Bắc Kinh, thậm chí ông Duterte đã gác lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Chính điều này đã  cho phép Trung Quốc gây sức ép với Philippines nhiều hơn ở Biển Đông, kể cả trong hợp tác năng lượng. Có thể thấy an ninh năng lượng của Philippines dưới thời cựu Tổng thống Duterte đối mặt với 2 thách thức: một là, cố gắng đi theo con đường đàm phán về hợp tác chung với Bắc Kinh, chắc chắn sẽ thất bại do các ràng buộc về Hiến pháp của Philippines; hai là, không bảo vệ các hoạt động thăm dò tại các khu vực có triển khai doanh nghiệp làm dịch vụ dầu khí ở Bãi Cỏ Rong khỏi sự quấy rối của hải cảnh Trung Quốc.

Mỏ khí đốt Malampaya dự kiến sẽ cạn kiệt vào quý đầu tiên của năm 2027. Tuy nhiên, những nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế đang vấp phải nhiều rào cản bởi Philippines tự đặt mình vào tình thế trở thành “con tin” trong thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc. Đây là một phần trong Biên bản ghi nhớ về Hợp tác phát triển dầu khí được 2 bên ký hồi năm 2018, sau đó chấm dứt vào tháng 6/2022 do việc Bắc Kinh cương quyết không từ bỏ yêu sách phi lý của mình đối với Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cho dù đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

Dù Philippines đàm phán một cách thiện chí, nhưng Trung Quốc lại triển khai các lực lượng hải quân để buộc chính quyền Manila nhượng bộ. Trước sức ép của Trung Quốc, ngày 4/4/2022, Bộ Năng lượng Philippines buộc phải ngừng mọi hoạt động thăm dò tại 2 lô SC 75 và SC 72 ở Bãi Cỏ Rong sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Geo Coral và Mariska G được Tập đoàn PXP Energy ký hợp đồng để tiến hành khảo sát địa chấn trong khu vực, ngoài khơi bờ biển phía Tây Palawan. Rõ ràng, các hoạt động mang tính cưỡng ép của Trung Quốc đã khiến các công ty đa quốc gia do dự trong việc việc đầu tư vào các dự án dầu khí trong vùng biển của Philippines. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng Trung Quốc đang âm thầm ngăn cản các công ty này tham gia đàm phán liên doanh với Philippines.

Vậy dưới thời của Tổng thống Marcos liệu Philippines có thể khai thác được nguồn năng lượng của mình để phục vụ phát triển đất nước hay không là vấn đề đang được giới phân tích quan tâm. Manila hoàn toàn có thể làm được điều này nếu họ thực sự kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông và cần phải thoát khỏi “cái bẫy cùng khai thác” mà Bắc Kinh đang nỗ lực thúc ép các nước ven Biển Đông thực hiện. Để triển khai được việc khai thác nguồn năng lượng trong Vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của mình, chính quyền Manila cần làm một số việc sau đây:

Trước hết, chính quyền Manila cần có những điều chỉnh về mặt quy định theo hướng “giải phóng” các hạn chế đối với lực lượng hàng hải, gồm hải quân và cảnh sát biển, bằng cách hủy bỏ các chính sách và chỉ thị đã ngăn cản họ bảo vệ tính mạng, tài sản cũng như các hoạt động trên biển của người dân Philippines.

Mặt khác, Philippines cần thể hiện rõ lập trường kiên định trong đàm phán với Trung Quốc về hợp tác ở Biển Đông theo hướng: không chấp nhận cái gọi là “cùng khai thác” theo chủ trương của Bắc Kinh trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán được xác định theo Công ước liên hợp về Luật biển 1982 (UNCLOS); sẵn sàng ưu tiên cho các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với các doanh nghiệp Philippines khảo sát, khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa của Philippines theo quy định của luật pháp của Philippines. Hay nói cách khác Philippines không được trở thành “con tin” trong thỏa thuận hợp tác dầu khí chung với Trung Quốc.

Thứ hai, từ góc độ hải quân, an ninh năng lượng phải dựa trên khả năng khẳng định quyền kiểm soát tại các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines ở Biển Đông nói chung và các khu vực ký hợp đồng hợp tác dầu khí nói riêng. Điều này đòi hỏi việc triển khai các hạm đội ở Bãi Cỏ Rong và cả các vùng biển lân cận. Nhờ sự hiện diện bền vững của lực lượng thực thi pháp luật của Philippines, niềm tin của các công ty đa quốc gia hy vọng sẽ được cải thiện và truyền cảm hứng cho sự quan tâm đến hoạt động thăm dò quy mô hơn ở Bãi Cỏ Rong để tìm các nguồn năng lượng có thể khai thác.

Việc Philippines không thể tiếp cận Bãi Cỏ Rong an toàn không chỉ liên quan đến quyền thực thi các quyền chủ quyền trong EEZ. Quan trọng hơn, đây là vấn đề an ninh năng lượng của đất nước, điều sẽ kéo theo cả các vấn đề tồn tại liên quan đến đời sống như việc làm, mức sống, an ninh lương thực,… Theo các cuộc thăm dò gần đây, hơn 80% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định các quyền của đất nước mình tại Biển Đông. Đã đến lúc chính quyền cần nhận thức được điều này, và cần nhớ rằng thời gian không đứng về phía Philippines.

Thứ ba, việc chính quyền Tổng thống Marcos tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ trong thời gian gần đây và nhận được sự cam kết mạnh mẽ cam kết bảo vệ ở Biển Đông thông qua “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ – Philippines được Lầu Năm Góc công bố hồi đầu tháng 5 trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos được giới chuyên gia cho rằng có thể giúp Philippines khai thác nguồn năng lượng trong EEZ ở Biển Đông. Đặc biệt, việc Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận căn cứ quân sự ở Palawan nằm không xa khu vực Bãi Cỏ Rong có thể là một bảo đảm về an ninh cho Philippines triển khai các hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực giầu tiềm năng này.

Mặc dù theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines năm 1951, bao gồm “Hướng dẫn phòng thủ song phương” vừa được công bố không đề cập đến các hoạt động kinh tế trên biển, song một khi Philippines triển khai lực lượng hải quân hay lực lượng bảo vệ bờ biển bảo vệ các hoạt động dầu khí ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Philippines trên Biển Đông sẽ được bảo vệ trước sự tấn công từ các thế lực bên ngoài, kể cả Trung Quốc. Điều này có thể giúp các lực lượng chấp pháp của Philippines có thể mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong việc bảo vệ các hoạt động dầu khí của mình.

Đáng chú ý, đầu tháng 6 này các lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines tổ chức diễn tập hàng hải ba bên lần đầy tiên ở Biển Đông. Nếu Philippines có thể thúc đẩy các cuộc tuần tra chung với hải quân Mỹ và các lực lượng đối tác khác một cách thường xuyên hơn tại Biển Đông sẽ tạo ra hiệu ứng răn đe mạnh mẽ hơn để chống lại các chiến thuật cưỡng chế của Trung Quốc tại các khu vực mà Manila trao quyền cho doanh nghiệp khai thác.

Một số chuyên gia còn đưa ra gợi ý rằng cùng với đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines, chính quyền Manila có thể cân nhắc việc hợp tác với các tập đoàn năng lượng của Mỹ trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, trước hết là tại các 2 lô SC 75 và SC 72 ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Một khi các doanh nghiệp năng lượng Mỹ hợp tác với Philippines ở khu vực này sẽ là một đảm bảo về an ninh cho các hoạt động dầu khí bởi lẽ các doanh nghiệp và người dân Mỹ đều là đối tượng nằm dưới sự bảo vệ của các lực lượng quân sự Mỹ. Vấn đề là ở chỗ chính quyền Manila có đủ mạnh mẽ thoát ra khỏi sự chi phối của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán về hợp tác năng lượng ở Biển Đông mà chính quyền cựu Tổng thống Duterte theo đuổi trong suốt những năm cầm quyền hay không? Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức trên vấn đề năng lượng, nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng Ucraine, không loại trừ khả năng sẽ có sự phối hợp nào đó giữa Philippines với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong việc khai thác năng lượng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới