Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnNguyên nhân có thể dẫn đến xung đột ở Biển Đông?

Nguyên nhân có thể dẫn đến xung đột ở Biển Đông?

Nhằm thực hiện mục tiêu khống chế Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp thúc đẩy các yêu sách phi lý của mình, trong đó có việc xây dựng các đảo nhân tạo mới trên các rạn san hô chủ yếu là chìm dưới nước, biến chúng thành các tiền đồn quân sự; bên cạnh việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc  sử dụng những lực lượng bán quân sự như hải cảnh và dân quân biển để triển khai các hoạt động vùng xám.

Trung Quốc tìm cách ngăn cản hải quân Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải. Trong những năm qua, đã nhiều lần đứng trước nguy cơ xảy ra va chạm do cả hai bên đều tăng cường các hoạt động ở Biển Đông.

Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông do  nguồn tài nguyên phong phú của vùng biển này. Tuy nhiên, gần đây nhiều chuyên gia cho rằng các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông không nên chỉ được hiểu đơn thuần là Bắc Kinh sử dụng sức mạnh hải quân để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá mà do vị trí địa chiến lược của Biển Đông. Để chứng minh cho quan điểm này, các nhà phân tích đã nêu ra một số lập luận sau:

Trước hết, vấn đề đánh bắt cá có thể được giải quyết nhanh chóng. Tranh chấp về quyền đánh bắt cá giữa các quốc gia hoặc giữa các nhóm ngư dân diễn ra thường xuyên và thường liên quan đến sử dụng bạo lực. Mặc dù, những tranh chấp về đánh bắt cá thường dai dẳng, song thường không dẫn đến xung đột lớn và cuối cùng có thể giải quyết ổn thỏa. “Chiến tranh cá tuyết” giữa Iceland và Anh từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước đã kết thúc với duy nhất một người thiệt mạng. Hay quan hệ Indonesia-Australia từng có lúc căng thẳng (trong vài năm) do ngư dân Indonesia hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Australia.

Tuy nhiên, không có vụ tranh chấp nào trong số những ví dụ kể trên có thể tạo ra một trận hải chiến hay cuộc chiến thực sự. Đơn giản là nguồn cá không đủ giá trị để các nước phải đánh đổi lấy nguy cơ bị mất những chiếc tàu chiến trị giá hàng chục tỷ USD.

Điều tương tự dường như cũng đang diễn ra với nguồn tài nguyên dầu khí. Bất chấp những tuyên bố hiếu chiến và các động thái hải quân hung hăng, Trung Quốc đã có rất ít hoặc không có hành động hiệu quả nào để ngăn cản các quốc gia khác thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là những nơi mà các đối thủ tranh chấp tuyên bố chủ quyền có vẻ mạnh mẽ hơn. Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đã phát triển các nguồn tài nguyên ở ngoại vi của cái gọi là “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc vạch ra. Chỉ có Philippines dường như đã bị Trung Quốc ngăn chặn hiệu quả.

Vì vậy, không phải tất cả tài nguyên ở Biển Đông đều có giá trị. Quan trọng hơn, thời của dầu khí với tư cách là nguồn tài nguyên quan trọng sắp kết thúc. Quá trình chuyển đổi từ dầu mỏ và khí đốt sang nguồn năng lượng khác có thể không đủ nhanh để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu, nhưng nó đã khiến việc phát triển các mỏ dầu và khí đốt mới trở nên khó khăn, ngay cả về mặt tài chính thuần túy.

Sự thay đổi lớn trong nhu cầu về dầu mỏ là do quá trình chuyển đổi sang xe điện, trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới. Doanh số ô tô động cơ đốt trong tại Trung Quốc đạt đỉnh trước đại dịch COVID-19. Do quyền sở hữu ô tô ở Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, sẽ mất một thời gian trước khi doanh số bán hàng giảm dẫn đến số lượng phương tiện động cơ đốt trong lưu thông giảm, và do đó nhu cầu về dầu sẽ giảm. Nhưng sự suy giảm này sẽ chỉ bắt đầu trong ít nhất 10 năm tới. Thời gian đó đủ để đưa các giếng mới vào khai thác và chi phí cao cho việc khoan giếng dầu ở các vùng nước sâu sẽ không đáng để “đánh nhau” giành quyền khai thác thêm các nguồn tài nguyên này.

Điều tương tự cũng áp dụng cho khí đốt. Cho đến gần đây, khí đốt vẫn được coi là loại “nhiên liệu chuyển tiếp” có thể được sử dụng để thu hẹp khoảng cách giữa việc phụ thuộc vào than đá hiện nay và một tương lai sử dụng năng lượng mặt trời và gió. Đặc biệt, điện chạy bằng khí đốt được coi là sự bổ sung cho năng lượng mặt trời và điện gió. Có hai sự thật đã làm thay đổi điều này. Thứ nhất, con người ngày càng quan tâm đến các khía cạnh tiêu cực của khí đốt, đặc biệt là sự rò rỉ khí methane liên quan việc khai thác khí đốt. Thứ hai, những tiến bộ công nghệ nhanh chóng về lưu trữ năng lượng đã làm suy yếu cơ sở lý luận chính cho việc sản xuất điện từ khí đốt. Việc sử dụng khí đốt để sưởi ấm và nấu nướng cũng đang bị thách thức do việc chuyển sang sử dụng điện.

Như vậy, có thể thấy dầu khí đang mang lại những giá trị kinh tế cho con người nên việc tranh giành quyền khai thác dầu khí thường xuyên diễn ra trên thực tế là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, giống như quyền đánh bắt cá, các tranh chấp về dầu khí rất khó có thể dẫn tới những cuộc chiến, nhất là trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật cao và các nước đang thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh thì sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng dầu khí sẽ ngày càng giảm đi. Ngay cả trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài hơn một năm nay ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường năng lượng thế giới, giá dầu thiếu ổn định, đặt thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, song các nước cũng phải tìm cách tự điều chỉnh để thích nghi và không có dấu hiệu nào cho thấy nguồn tài nguyên dầu khí có thể dẫn tới một cuộc xung đột.

Mỹ can dự ngày càng sâu vào Biển Đông không phải vì mục tiêu theo đuổi nguồn tài nguyên ở đây mà là nhằm kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông. Cạnh tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông ngày càng leo thang gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông và Trong khu vực, thậm chí đặt các nước ven Biển Đông trước thách thức chọn bên. Tuy nhiên một điều có thể thấy rõ là vấn đề tài nguyên dù là dầu khí hay nguồn lợi cá không thể dẫn tới một cuộc xung đột Mỹ – Trung ở Biển Đông. Vậy điều gì có thể dẫn tới xung đột ở Biển Đông?

Trước hết, có thể thấy vị trí địa chiến lược quan trọng của Biển Đông, nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình dương. Để thực hiện mục tiêu chiến lược biển, đưa Trung Quốc thành cường quốc biển ngang hàng với Mỹ, Bắc Kinh cần kiểm soát Biển Đông bởi đây là cửa ngõ để hải quân Trung Quốc vươn ra biển xa, bao gồm Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ theo đuổi mục tiêu chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc để duy trì vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ.

Mỹ can dự sâu vào Biển Đông với khẩu hiệu “bảo vệ quyền tự do hàng hải” không cho Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, ngăn Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất. Nếu Trung Quốc kiểm soát tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông, chống lại hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đông thì rất có thể dẫn tới va chạm, thậm chí xung đột quân sự.

Hai là, việc Trung Quốc quân sư hóa Biển Đông, thiết lập các căn cứ quân sự trên Biển Đông; đưa tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến các loại hoạt động liên tục ở Biển Đông khiến Mỹ cũng gia tăng hoạt động của máy bay, tàu chiến ở Biển Đông cùng các đồng minh tăng cường diễn tập quân sự trên Biển Đông. Các chuyên gia quân sự đã cảnh báo những hoạt động này của Trung Quốc và Mỹ làm tăng khả năng xảy ra va chạm trên biển, thậm chí dẫn tới xung đột. Trong những năm qua, đã nhiều lần suýt xảy ra va chạm giữa máy bay và tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông do hai bên đều tích cực thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ tuần tra”.

Đáng chú ý là năm 2021 các nước Mỹ, Anh, Úc thành lập liên minh AUKUS với mục tiêu hỗ trợ Úc phát triển đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với sự gia tăng mạnh của đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. Theo các chuyên gia quân sự, đội tàu ngầm hạt nhân của Úc có thể nhanh chóng tiếp cận và hoạt động lâu hơn ở Biển Đông khiến cho khả năng va chạm giữa các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc với các tàu ngầm của AUKUS tăng cao, nhất là trong bối cảnh các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đang hiện diện thường trực ở Biển Đông. Điều này tạo nguy cơ dẫn tới xung đột ở Biển Đông.

Ba là, việc Bắc Kinh liên tục tăng chi phí quốc phòng hàng năm (trở thành quốc gia có chi phí quốc phòng cao thứ 2 thế giới sau Mỹ), tập trung phát triển lực lượng hải quân (bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và các loại tàu chiến hạng nặng…) đặt khu vực trước một cuộc chạy đua vũ trang mới. Các nước trong khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông đều phải tăng chi phí quốc phòng để mua sắm vũ khí, tàu chiến, tên lửa mới để nâng cao năng lực phòng thủ đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Việc cả Trung Quốc và các nước ven Biển Đông đều tăng ngân sách quân sự, nâng cao năng lực quốc phòng là nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc xung đột trên Biển Đông. Với những hành động hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nhằm thực hiện những tham vọng về lãnh thổ rất có thể dẫn đến các cuộc xung đột. Nếu Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự phá vỡ nguyên trạng hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ của họ thì nhất định sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của các bên liên quan và xung đột sẽ xảy ra. Tóm lại, trong bối cảnh các quốc gia ven biển chưa có được một đường phân định ranh giới rõ ràng trên biển thì việc tranh giành nguồn tài nguyên hải sản giữa các ngư dân hay tranh giành các nguồn tài nguyên năng lượng giữa các quốc gia là chuyện bình thường và thường xuyên xảy ra, chính vì vậy mà Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã có những quy định về giải pháp tạm thời để các bên có thể cùng hợp tác trong thời gian chờ đợi một đường phân định chình thức. Trên thực tế, các tranh chấp về nguồn tài nguyên hải sản hay dầu khí đã được các bên liên quan xử lý hài hòa, không dẫn tới cuộc xung đột lớn nào trên biển. Đối với Biển Đông cũng vậy tranh chấp về nguồn tài nguyên cũng đã từng được các bên dàn xếp, kể cả trong lĩnh vực dầu khí mà điển hình là thỏa thuận giữa Malaysia và Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định mặc dù, nguồn tài nguyên trên biển (bao gồm cả hải sản và dầu khí) khó có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự lớn, song cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, mưu toan phá vỡ nguyên trạng để thực hiện tham vọng về lãnh thổ hay cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng ở khu vực có thể là “ngòi nổ” cho các cuộc xung đột trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới