Saturday, April 27, 2024
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiQuân đội Việt Nam phát triển UAV bay cao 5000 mét, bay...

Quân đội Việt Nam phát triển UAV bay cao 5000 mét, bay xa 200km

Nếu như Viettel là nơi giúp những chiếc UAV made in Vietnam đạt được nhiều thành tựu to lớn, thì nơi khởi đầu cho lĩnh vực mới này là Viện Kỹ thuật Phòng không Quân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân.

Cận cảnh chiếc UAV quân sự hạng nhẹ VUA-SC-3G do tập đoàn Viettel(Quân đội nhân dân Việt Nam) phát triển.

Họ là một trong các đơn vị nghiên cứu cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho không chỉ nhiệm vụ đảm bảo vũ khí khí tài đang sử dụng mà còn tham gia thiết kế các tổ hợp vũ khí khí tài thế hệ mới nâng cao sức chiến đấu cho toàn quân chủng. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực phát triển phương tiện bay không người lái chia sẻ trên báo QĐND ngày 3/5, theo đại tá Phạm Thanh Giang – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không Quân – đến nay viện đã cho ra lò gần 30 phương tiện bay không người lái ứng dụng hiệu quả cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quân sự – quốc phòng.

Nổi bật nhất trong các thiết kế của viện là nhóm UAV phục vụ cho vai trò là mục tiêu bay tập bắn cho lực lượng Phòng không Không Quân. Ví dụ như UAV M96-CT, M100-CT, M400-CT và M400-Este. Đặc biệt, hiện nay Viện Kỹ thuật Phòng không Không Quân đang phát triển máy bay không người lái DIS-18 trang bị động cơ phản lực, với trần bay lên tới 5.000m, tốc độ lên tới 100 m/s (tương đương với khoảng 360 km/h), bán kính hoạt động 100 cây (tức là tầm hoạt động toàn tập là 200 cây). Hiện tại nhiệm vụ của DIS-18 là làm bia bay cho tổ hợp tên lửa S-300PMU1 và tiêm kích Su-30MK2 luyện tập.

Khi chúng ta nghe tới cái “bia bay” sẽ có một số anh em sẽ nghĩ đó là một chuyện đơn giản. UAV chính xác tấn công mới là đẳng cấp, chứ bia bay thì chỉ đơn giản làm cho nó bay lên để bắn mà thôi, có gì mà khó? Ừ đúng là bia bay chỉ đơn giản là một chiếc UAV được phóng lên trên không để tập bắn trong khóa cao xạ, tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu. Nhưng đồng thời cũng cần lưu ý rằng “bia bay” thì cũng là một phương tiện bay không người lái và nó mang đầy đủ đặc điểm của một chiếc máy bay không người lái với điều khiển cầm tay lái bia bay trong tầm mắt hoặc trạm điều khiển kích thước lớn lái UAV bay hàng trăm cây. Bia bay tuy là để tập bắn, nhưng nó phải đóng một vai trò mô phỏng mục tiêu gần giống nhất có thể thì mới có giá trị luyện tập, làm các đĩa bay như kiểu máy bay mô hình không khó cái chính là làm sao để nó mô phỏng chính xác nhất, ít nhất là về mặt tốc độ, độ cao, tầm bay đối với mục tiêu thực mới khó. Công nghệ bia bay trên thế giới, cũng là một lĩnh vực được các cường quốc khai thác nhất là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Họ khai thác mạnh là nhằm để nghiên cứu thử nghiệm vũ khí của chính mình trong điều kiện thực tế liệu có phát huy hiệu quả cao nhất với đối phương hay không?

Chẳng thế mà Mỹ đã phải dày công cải tạo máy bay có người lái như F-4, F-16 chuyển thành đĩa bay hàng chục triệu đô để không quân tập bắn. Cường quốc quân sự như Mỹ được cộng đồng tụng xưng chưa bao giờ phải đi mua của ai cái gì đã hối hả bỏ tiền để mua bia bay siêu âm MA-31 của Nga vào năm 1995 để mô phỏng các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình siêu âm. MA-31 là bia bay được tạo ra trên cơ sở tên lửa hành trình siêu âm KH-31. Tốc độ tối đa lên tới 3.800km/h, bấy giờ Mỹ không có loại bia bay nào đạt vận tốc siêu âm như KH-31 nên muốn sở hữu công nghệ này để phục vụ xây dựng hệ thống phòng thủ trên các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Sau khi có được một số lượng nhỏ MA-31 năm 1995 để đánh giá sơ bộ, năm 1999 Mỹ ký hợp đồng mua 34 MA-31 từ Nga. Đến lúc này các nghị sĩ Nga bất chợt tỉnh ngộ, họ đã từ chối thông qua lô vũ khí MA-31 kịp lúc. Dù vậy số bia bay đã chuyển giao tiếp tục được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng để luyện tập cho tới năm 2007. Cùng thời điểm này Hải quân Mỹ đã đưa vào phục vụ tổ hợp bia bay siêu âm GQM-163 đạt vận tốc siêu âm Mach 3 đến Mach 4 ở độ cao 1.500 tới 16.800 m.

MA-31 hay GQM-163 về thiết kế bên ngoài nó giống hệt một quả tên lửa, không có gì khác biệt nhiều, thay vì làm bia bay trên không, việc sửa đổi phần mềm điều khiển, lắp cho nó một đầu đạn thì nó lập tức chuyển nhiệm vụ trở thành tên lửa hành trình siêu âm.

Trở lại với DIS-18, chúng tôi coi đó là một tin vui. Nếu DIS-18 trở thành một tên lửa hành trình hoặc là một UAV cảm tử tốc độ cao với tầm bay khoảng 200 cây, một con số không hề tệ trong một trường hợp cần thiết sử dụng để tấn công mục tiêu thì hoàn toàn có thể. Tốc độ 360 km/h không cao và về lý thuyết mà nói thì việc bắn hạ mục tiêu tốc độ thấp không phải là quá khó với hệ thống phòng không. Thế nhưng cuộc chiến Ukraina đã và đang chứng minh rằng hóa ra để đánh chặn các UAV cảm tử tốc độ thấp lại khó khăn tới như vậy. Cần nhớ là những chiếc UAV cảm tử Sahit 136 của Iran chỉ có tốc độ bay khoảng 185 km/h nhưng lại khiến các hệ thống phòng không hiện đại mà phương Tây chuyển giao cho Ukraina cũng bó tay. Bay quá chậm, hóa ra là trở thành một loại vũ khí khiến các tên lửa phòng không cao tốc khó bắn hạ. Rồi thì tiêm kích tốc độ cao cũng khó bắn hạ vô cùng. Sahit 136 đóng góp phần hạ ít nhất 2 chiếc MiG-29 của Ukraina, chưa nói tới việc chúng có diện tích phản xạ vô tuyến khá nhỏ, gần như tàng hình. Chắc là chúng ta chưa quên việc binh sĩ Ukraina phải sử dụng tiểu liên AK cản phá Sahit 136 trong tuyệt vọng. Nhưng sau này các hành động tấn công bằng AK bị hạn chế khi người ta phát hiện ra rằng những viên đạn AK có tác dụng, nhưng lại khiến chiếc UAV có thể đâm nhầm sang mục tiêu khác.

Cũng liên quan tới Ukraina, một nhóm tình nguyện viên mới đây đã phát triển một loại vũ khí được coi là “tên lửa hành trình nhân dân” hay có tên mã là TREMBITA. Ý tưởng của các tình nguyện viên là phát triển một giải pháp rẻ tiền để làm quá tải hệ thống phòng không của Nga, tiêu hao kho đạn dược phòng không của Nga. Nó có tầm phóng lên tới 140km, tốc độ 400 km/h, độ cao bay từ 30m tới 2000 m, đầu đạn nặng 20 kg, tổng trọng lượng chỉ là 100 kg. Để giảm giá thành, TREMBITA sẽ trang bị động cơ phản lực xung, loại được người Đức áp dụng cho tên lửa hành trình V1 của họ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Động cơ xung là một dạng động cơ phản lực hạng nhẹ nhưng thường có tỉ số nén kém, tạo ra xung lực thấp. Đổi lại nó dễ chế tạo, chi phí rẻ. Hiện nay loại động cơ này thường chỉ sử dụng trên các máy bay mô hình dùng động cơ phản lực. Với tính đơn giản và chi phí của nó, do đó các tình nguyện viên muốn triển khai xưởng sản xuất tên lửa giá rẻ trên toàn lãnh thổ Ukraina. Ukraina dự tính với loạt phóng 20 tên lửa TREMBITA có thể giúp họ chọc thủng hệ thống phòng không của Nga, tạo điều kiện cho các phương tiện khác thực hiện đòn tấn công đủ sâu, đủ mạnh. Bia bay phản lực của Việt Nam cũng có thể áp dụng một dạng động cơ phản lực tương tự. Động cơ máy bay phản lực mô hình ấy mà nông dân cũng chế tạo được. Thế nhưng khiến cái bia bay đó trở thành bầy UAV mở một cuộc tấn công bão hòa vào đội hình tàu chiến của đối phương thì sao nhỉ? Tương tự như thế này: Các tàu vận tải chở theo bia bay, phóng loạt 10-20 chiếc nhắm vào mục tiêu là tàu khu trục của đối phương trên biển. Từ trước tới nay đã không hiếm lần chúng ta được thấy các tàu vận tải của hải quân chở theo “Bia bay M-96” hoặc “M-100”, phóng ngay trên biển để phòng không hải quân tập bắn. Bệ phóng rất đơn giản gọn nhẹ, chuyến bay một chiều không có vé khứ hồi nên tàu vận tải phóng xong đi đâu thì đi. Lúc này hệ thống phòng thủ của đối phương kích hoạt để đối phó với 10 đến 20 chiếc bia bay giá rẻ. Thừa cơ, tàu Monia trang bị 16 tên lửa KH35 hoặc VCM01 cũng như tiêm kích Xung Khoi mang tên lửa hành trình KH31A thực hiện đòn đánh thật vào tàu đối phương. Việc đối phương phải lo đánh chặn đám bia bay tốc độ thấp cũng khiến toàn bộ hệ thống phòng không trên tàu hoạt động hết công suất, không biết đâu là thật, đâu là giả. Chỉ cần 1 đến 2 phát “KH-35” hoặc “VCM-01” trúng đích, cái giá phải trả cho một chiến hạm cỡ 7.000 tấn nhẹ thì về nhà máy để sửa chữa dăm tháng, nặng thì đi chơi thủy cung. Tổng chi phí của một lần tấn công như thế chắc chắn rẻ hơn nhiều so với một chiến hạm trị giá từ vài trăm triệu hoặc tới cả tỷ đôla. Giá một chiếc tàu khu trục phòng không kiểu 055 cỡ 11.000 tấn là gần 1 tỷ đô, một chiếc 052D cỡ 7.500 tấn khoảng 537 triệu đô, một chiếc tàu hộ vệ 4.000 tấn kiểu 054A là gần 400 triệu đô.

Không chỉ có vậy, mấy thiết kế bia bay như M-96, M-100, M-400 hoàn toàn có thể chuyển đổi thành UAV trinh sát tấn công hoặc UAV cảm tử, điều đó là trong tầm tay. Bây giờ người ta thật sự ngỡ ngàng khi thấy những chiếc Flycam thương mại, thường dùng để chụp ảnh, cũng được sử dụng để thả những quả lựu đạn tấn công bộ binh cũng như phá hủy các phương tiện cơ giới.

Lại nói, trong những chiếc M-96, M-100 có thiết kế về ngoại hình khá giống mẫu UAV Orlan-10 của Nga. Loại này ban đầu chỉ dùng để trinh sát nhưng hiện đã ghi nhận việc các lực lượng Nga sử dụng Orlan-10 để ném lựu đạn. Tính năng này có thể sử dụng với mọi loại mục tiêu trên bộ, trên biển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới