Wednesday, May 1, 2024
Trang chủThâm cung bí sửViệt Nam trên báo Mỹ: Tâm trạng người Mỹ quanh vụ tập...

Việt Nam trên báo Mỹ: Tâm trạng người Mỹ quanh vụ tập kích Sơn Tây

Đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21//11/1970, quân đội Mỹ đã triển khai cuộc tập kích bằng máy bay trực thăng vào một trại giam ở Sơn Tây nhằm giải thoát số phi công Mỹ bị quân và dân miền Bắc Việt Nam bắn hạ và bắt làm tù binh. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết “Memories of Divided Families” (Ký ức của những gia đình bị chia cắt) trên Tạp chí LIFE số ra ngày 04/12/1970, nói về tâm trạng mong nhớ của gia đình các tù binh Mỹ, để thấy chiến tranh đã gây ra đau thương cho tất cả các bên như thế nào. (*Tên bài do Tòa soạn đặt)

Vào dịp Giáng sinh, Bắc Việt cho phép một số tù binh Mỹ được vẽ về những mùa Noel trong ký ức của họ. Các bức tranh gốc được chuyển tới phái đoàn Bắc Việt ở Paris, nơi một nhiếp ảnh gia Pháp sẽ chụp lại. Roland Mastin, bị bắt năm 1967, đã vẽ cảnh tuyết trắng ở trên. Vợ anh nghĩ rằng đó có thể là ngôi nhà mơ ước của anh.

Vụ tập kích nhằm vào một trại giam tù binh chiến tranh gần Hà Nội là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm táo bạo và gây tranh cãi, nhưng lại thất bại vì không tù binh nào được tìm thấy ở đó. Đối với toàn bộ 459 người Mỹ được cho là đang bị giam ở Đông Nam Á, Giáng sinh năm nay sẽ lại là một ảo ảnh đau đớn, một ký ức như được miêu tả trong những bức tranh của hai tù binh chiến tranh được in lại dưới đây. Nhưng mặc dù không giải cứu được bất cứ ai, nhưng cuộc tập kích đã nhắc nhở người dân Mỹ về sự tồn tại của các tù binh chiến tranh. Bị giam tới 6 năm, nhiều người bị bệnh, một số người đã chết, còn những người khác thì đang hấp hối. Hà Nội từ chối đàm phán về việc trả tự do cho họ, với lập luận rằng họ là tội phạm chiến tranh. Hà Nội cũng không cho phép những người trung lập được tới kiểm tra các trại giam hà khắc ở đó.

Ở Mỹ, cuộc đấu tranh ngăn không để tù binh chiến tranh bị rơi vào quên lãng đã được khuấy động bởi một nhóm nhỏ đang sống trong lo âu tuyệt vọng, đó là vợ và gia đình của các tù binh. Trong nhiều năm qua, theo chỉ thị của chính phủ rằng sự khích động công khai đó sẽ chỉ khiến người thân yêu của họ bị đối xử tồi tệ hơn, hầu hết các gia đình đều giữ im lặng. Năm ngoái, cuối cùng họ cũng được mở miệng, và bắt đầu thúc đẩy chiến dịch vận động để chồng họ được thả – hay ít nhất là để thu hút được sự quan tâm của công chúng. Họ viết thư, gọi điện và diễn thuyết, thiết kế những cỗ xe diễu hành u ám, và tổ chức những cuộc trưng bày rùng rợn về đời sống tù nhân. Họ gửi các đoàn đại biểu tới Washington, tới hòa đàm Paris, tới Giáo hoàng, và thậm chí còn tìm cách tới Hà Nội. Kết quả là trong năm qua, 2.400 lá thư của tù binh chiến tranh đã tới được nước Mỹ, gấp 4 lần số thư của tất cả các năm trước cộng lại. Một kết quả khác chính là cuộc giải cứu. Nhưng có lẽ cơ hội để làm một điều gì đó hơn hết đã giúp chính những người vợ lính có thể tồn tại được qua thử thách cô đơn này.

Trong một bức tranh khác, tù binh chiến tranh Daniel Glenn vẽ cha mẹ mình đứng trên bậc thềm căn nhà ở Norman, bang Oklahoma cùng với cháu gái và cháu trai của anh – đang diện trang phục siêu nhân. Chú chó Schnauzer đã chết ngay trước khi anh bị bắt làm tù binh vào năm 1966. Vợ anh, Lynn, nhận ra mình trong số những người đang hát thánh ca (“Tôi là cái cô tóc vàng xấu xí buộc đuôi ngựa hai bên đấy”, cô cười lớn), trong đó cũng có cả người nhà và bạn thân của Glenn.

Những đứa trẻ lớn lên mà không có cha

Stephen Kott được tuyên bố mất tích trước khi anh nhận được những bức ảnh Giáng sinh năm 1967 trên đây do vợ anh gửi. Hiện nay, Stevie đã 8 tuổi, Tara 7 tuổi, Jack 5 tuổi. “Tôi nghĩ chỉ Stevie là có sẹo”, Julie Kott nói. “Những đứa khác muốn có bố, bố nào cũng được, nhưng Stevie mong bố nó trở về”. Có lần một người bạn kể với Jack rằng cậu ta hôn tạm biệt bố vào mỗi buổi sáng, Jack đáp lại rằng mình hôn mẹ. “Tớ biết”, người bạn nói, “bởi vì bố cậu chết rồi”. Im lặng một lát, Jack trả lời: “Chúng tớ không biết bố còn sống hay đã chết”.

Harold Kushner và vợ anh, Valerie, mới chỉ có một con vào mùa xuân năm 1967. Trong một chuyến trực thăng thường nhật vào tháng 11 năm đó, vị bác sĩ quân y đã bị bắn hạ. Đến Giáng sinh này, Toni Jean sẽ được 7 tuổi, và Mike, ra đời 4 tháng sau khi cha bị bắt, sẽ được hai tuổi rưỡi. Họ không nhận được lá thư nào từ Kushner. “Tôi chỉ biết tự vệ bằng sự giận dữ: chồng tôi không phải là lính chiến”, Valerie nói. “Tôi đã muốn hét lên từ ngày đầu đó, nhưng Quân đội bảo rằng họ sẽ không những không giúp tôi mà còn chặn họng tôi nữa”.

Năm 1965, Bob và Joy Jeffrey vui đùa bên con trai 8 tháng tuổi. Bob Jeffrey mất tích trong nhiệm vụ đầu tiên của anh vào năm đó, gia đình nhận được tin này một ngày trước sinh nhật lần thứ 23 của Joy. Họ nhận được lá thư đầu tiên của Bob sau đó 4 năm. Bill, bây giờ đã 6 tuổi, vừa mới nhận được thư bố gửi cho riêng mình: “Con trai yêu quý nhất của bố, Bill ơi, bố yêu và nhớ con với mẹ con hơn bất cứ ai trên thế giới này. Hãy hứa với bố rằng con sẽ quan tâm, chăm sóc mẹ nhé. Mẹ rất thông minh và biết điều gì tốt nhất cho gia đình mình… Bố yêu con”.

Jimmy Plowman, 3 tuổi, ra đời 5 tháng sau khi cha bé bị bắn hạ. Plowman vẫn được ghi nhận là mất tích, nhưng cha mẹ anh đã nhận ra anh trong một bức ảnh chụp ở Bắc Việt Năm 1967. Vợ anh thì không chắc chắn lắm. “Trông giống Jim đấy”, Kathy nói, “nhưng mặt bị phù, tôi không dám nói chắc”. Bây giờ Bắc Việt lại tuyên bố rằng Plowman chưa bao giờ bị bắt giữ. Làm đám cưới chỉ hai tuần trước khi Plowman sang Việt Nam, Kathy mới đây đã chuyển đi khỏi nhà của cha mẹ cô. “Jimmy biết tôi là mẹ nó”, cô giải thích, “nhưng nó cũng lại gọi mẹ tôi là mommy và gọi bố tôi là daddy. Tôi biết nó càng lớn thì sẽ càng khó để giải thích”.

Vụ tập kích Sơn Tây đã được lên kế hoạch như thế nào?

Một năm trước, Richard Nixon đã có cuộc gặp với 26 người là vợ của tù binh Mỹ. Ông nói với nhân viên của mình rằng những người này đang phải chịu đựng đau khổ hơn ai hết, vậy mà sau nhiều năm phải sống xa chồng, họ vẫn không thúc giục Tổng thống phải kết thúc cuộc chiến bằng bất cứ giá nào. Ông muốn có những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ hơn nữa để các tù binh Mỹ được thả. Ông cũng muốn quân đội xem xét tiến hành một cuộc giải cứu phi thường. Vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird tới Nhà Trắng để báo cáo rằng trại tù binh chiến tranh ở Sơn Tây đã được xác định vị trí và một kế hoạch tấn công đã được vạch ra. Nixon ra lệnh triển khai kế hoạch đó. Giữa tháng 9, Trợ lý Tổng thống về An ninh Quốc gia Henry Kissinger yêu cầu Tướng Leroy Manor và Đại tá Arthur Simmons, những chỉ huy được lựa chọn cho nhiệm vụ này, báo cáo tình hình tại Phòng Tình huống ở tầng hầm Nhà Trắng. Trong vòng gần 2 giờ đồng hồ, sử dụng những tấm ảnh chụp trại tù từ trên không, họ đã mô tả kế hoạch giải cứu. Kissinger tâm đắc và chia sẻ cảm nhận đó với Tổng thống.

Điều kiện thời tiết và ánh sáng phải hoàn hảo. Có ba ngày cuối tháng 10 và ba ngày cuối tháng 11 được cho là thích hợp. Lực lượng tập kích được huấn luyện ở Florida trong khi Nixon khởi động chương trình hòa bình vào ngày 7 tháng 10, đề nghị Bắc Việt trả tự do cho khoảng 3000 tù nhân ở miền Bắc, trong đó có 459 người Mỹ, để đổi lấy 35.000 tù binh ở miền Nam. Bắc Việt không hồi đáp. Kế hoạch giải cứu lại càng trở nên quan trọng hơn. Thời tiết tháng 10 ở Bắc Việt rất tệ, và các nhà lập kế hoạch xem xét khoảng thời gian cuối tháng 11. Ngày 5 tháng 11, Laird nán lại sau một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia và nói với Tổng thống rằng cần phải đưa ra một quyết định cuối cùng. Được thôi, Tổng thống trả lời, nhưng ông muốn có một cuộc họp nhỏ với các cố vấn chủ chốt. Ngày 11 tháng 11, Nixon xem những tấm ảnh và kế hoạch chi tiết. Tham gia cùng với ông còn có Ngoại trưởng William Rogers, Laird, Kissinger, và Đô đốc Thomas Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Nixon được cho biết khả năng thành công của nhiệm vụ này là 50-50. Có ba nguy cơ chính: hỏa lực từ mặt đất có thể phá hủy đội trực thăng; số lượng lính canh ở đó có thể đông đảo hơn dự kiến; và các tù binh có thể đã bị chuyển đi nơi khác.

Một cơn bão đã khiến cho kế hoạch được triển khai sớm lên một ngày, thứ Sáu ngày 20 tháng 11. Các cuộc ném bom được lên lịch phù hợp để đánh lạc hướng. Ngày 20 tháng 11, trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Nixon đưa cho Laird một tờ giấy nhắn. Ông muốn Laird biết rằng dù vụ đột nhập trại giam Sơn Tây có thành công hay không thì nó vẫn là một nhiệm vụ táo bạo và cao cả. Ngày hôm sau, ngay trước khi đội trực thăng chuẩn bị cất cánh, Kissinger có cuộc họp cuối cùng với Tổng thống. Kissinger bắt đầu nói về việc có bao nhiêu chiếc trực thăng có thể thoát được. Nixon cắt lời: “Đừng nói gở. Đừng suy đoán nữa”.

Tại Lầu Năm Góc, họ “theo dõi” diễn biến của cuộc giải cứu. Việc truyền tin chỉ bị chậm hai phút so với diễn biến thực tế. Những chiếc trực thăng đã hạ cánh ở Sơn Tây theo đúng lịch trình. Kissinger sau đó đã vượt sông Potomac tới Nhà Trắng để tham gia cùng Nixon. Có tin rằng lực lượng giải cứu đã rời Sơn Tây chậm hai phút so với kế hoạch. Điều đó có nghĩa là họ đã thắng lợi hoàn toàn – hoặc không có gì ở đó cả. Nhà Trắng bắt đầu nghĩ làm sao để công bố việc giải cứu tù binh – nếu có. Hy vọng dâng trào. Và rồi lao dốc. Lầu Năm Góc báo cáo có khả năng không tù binh nào được tìm thấy. Nửa giờ sau, kết quả đáng thất vọng được xác nhận. Nhưng may rằng lực lượng giải cứu không bị tổn thất một ai. Kissinger thông báo kết quả cho Nixon. Tổng thống gọi điện cho Laird và Moorer, nói rằng ông không hối tiếc gì – nhiệm vụ này là điều đúng đắn phải làm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới