Wednesday, May 1, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBài học thực sự từ Chiến tranh Yom Kippur

Bài học thực sự từ Chiến tranh Yom Kippur

Để đánh bại Hamas, Israel cần cách tiếp cận mới đối với công tác tình báo.

Không lâu sau khi Chiến tranh Yom Kippur kết thúc vào năm 1973, Thủ tướng Israel tương lai Menachem Begin – khi đó là thành viên mới tại cơ quan lập pháp của đất nước – đã bộc phát ngay tại trụ sở Knesset. “Tại sao họ không chuẩn bị thiết bị quân sự trước?” ông thét lên. Cuộc chiến kéo dài 18 ngày giữa Israel và các lực lượng liên minh giữa Ai Cập và Syria, khiến hơn 2.000 binh sĩ Israel thiệt mạng, đã gây chấn động khắp chính giới và giáng một đòn mạnh vào sự tự tin của quân đội Israel. Begin muốn biết tại sao chính phủ không chuẩn bị cho cuộc xung đột.

Ngày nay, thật kỳ lạ khi người Israel cũng đang tự hỏi những câu hỏi tương tự. Sau khi Hamas giết chết hơn 1.000 người trong một cuộc tấn công chưa có tiền lệ vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, người Israel muốn biết lý do tại sao các cơ quan tình báo được ca ngợi của đất nước lại chẳng thể biết trước cuộc tấn công. Họ cũng đặt câu hỏi tại sao quân đội Israel có quá ít thiết bị phòng thủ và nhân lực đóng ở biên giới Gaza.

Chiến tranh Yom Kippur rõ ràng khác biệt với xung đột Israel-Hamas ngày nay. Yom Kippur là cuộc chiến giữa các quốc gia có chủ quyền và giữa các quân đội truyền thống. Bên phát động chiến tranh – Ai Cập và Syria – muốn giành lại lãnh thổ đã mất vào tay Israel trong cuộc chiến trước đó. Ngoài ra, Yom Kippur diễn ra dưới cái bóng của Chiến tranh Lạnh. Moscow và Washington đã hỗ trợ các bên tham chiến và tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn để kết thúc cuộc chiến. Nhưng đối với người Israel, sự bất ngờ đầy nhục nhã trước cuộc tấn công của Hamas đã gợi nhớ đến cuộc xâm lược gây sốc năm 1973 của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat.

Sự tương đồng chưa dừng lại ở đó. Trước kia và bây giờ, Israel đều trải qua một thời kỳ thịnh vượng kinh tế đáng kinh ngạc trước khi chiến tranh bùng nổ. Chưa kể, người Israel hiểu rằng một cuộc tấn công bất ngờ có thể xảy ra, nhưng nền chính trị của đất nước này bị chi phối bởi sự tự tin tương đối trong các vấn đề biên giới. Israel đã giành được chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chiến năm 1967, đánh tan tác sáu quốc gia Ả Rập, và tăng gấp bốn lần lãnh thổ của mình. Kể từ thời cổ đại, người Do Thái chưa bao giờ cảm thấy an toàn như vậy: Kinh Thánh ghi lại rằng người Do Thái cổ phải mất bảy ngày mới chinh phục được Jericho.

Nhưng chiến thắng năm 1967 là chiến thắng không có hồi kết. Ai Cập vẫn quyết tâm bù đắp những tổn thất của mình. Trong khi đó, sự tự tin của Israel đã khiến họ mắc kẹt trong một loạt giả định sai lầm, dẫn đến một cuộc tấn công lén lút sáu năm sau đó – một loạt giả định tương tự với những giả định mà Israel dường như đã đưa ra trước cuộc tấn công của Hamas.

Một lệnh ngừng bắn đã chấm dứt Chiến tranh Yom Kippur sau khi lực lượng Israel bao vây Tập đoàn quân số 3 của Ai Cập, trong khi pháo binh Israel đạt tầm bắn tới ngoại ô Damascus. Nhưng công chúng Israel coi việc chính phủ không lường trước được cuộc chiến là điều không thể tha thứ, và chính phủ Israel buộc phải mở một cuộc điều tra sâu rộng về những sai lầm của chính mình. Trong lời khai trước ủy ban, một sĩ quan tình báo Israel thừa nhận quân đội đã đánh giá sai rằng cuộc chiến năm 1973 sẽ không thể xảy ra “dựa trên những diễn biến ở Cairo” – nói cách khác, dựa trên thông tin nghe lén trong các cuộc thảo luận cấp cao, nhờ loạt công nghệ giám sát tiên tiến – thay vì sử dụng những dấu hiệu rõ ràng như việc Ai Cập tập hợp quân đội gần kênh đào Suez.

Khi họ ngừng đấu súng với Hamas, Israel gần như chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc điều tra tương tự. Dù báo cáo của ủy ban năm 1973 dài tới 2.200 trang, người ta có lẽ đã quên một số bài học lớn của Yom Kippur – những bài học mà Israel cần phải hiểu lúc đó và vẫn phải hiểu cho đến bây giờ.

CUỘC TẤN CÔNG TÁO BẠO

Sau Chiến tranh Sáu ngày, năng lực quân sự của Israel đã phát triển mạnh mẽ: trong giai đoạn 1967-1973, nước này đã bổ sung thêm 178 máy bay chiến đấu A-4 Skyhawk, 110 máy bay phản lực F-4 Phantom, và gần 2.000 xe tăng. Cùng lúc đó, nền kinh tế Israel tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc là 85%. Nhiều tháng sau khi Chiến tranh Sáu ngày kết thúc, các biển báo vẫn nằm rải rác dọc theo biên giới năm 1948 của Israel, với dòng chữ NGUY HIỂM! BIÊN GIỚI PHÍA TRƯỚC. Trên một trong số các biển báo, ai đó đã phun sơn chữ KHÔNG trước chữ BIÊN GIỚI.

Nhưng xung đột chưa bao giờ thực sự kết thúc. Chỉ vài tuần sau khi ngừng bắn, Ai Cập đã đánh chìm tàu Eilat, một tàu khu trục của hải quân Israel, và Israel trả đũa bằng cách pháo kích vào các thành phố của Ai Cập dọc theo Kênh đào Suez. Tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ, Gamal Abdel Nasser, từ chối công nhận tư cách nhà nước của Israel, và vẫn kiên quyết chiếm lại Bán đảo Sinai mà Israel đã chiếm được trong xung đột. Ông thường tuyên bố “cái gì lấy được bằng vũ lực sẽ phải trả lại bằng vũ lực.” Xung đột công khai sôi sục trong suốt giai đoạn 1969-1970. Bốn trăm bốn mươi người Israel và hàng chục nghìn người Ai Cập đã thiệt mạng. Sau khi Liên Xô cung cấp cho Ai Cập các hệ thống tên lửa SAM-3 tiên tiến, lực lượng không quân Israel bắt đầu mất máy bay với tốc độ đáng báo động. Những nỗ lực của Mỹ và Liên Hiệp Quốc nhằm làm trung gian hòa bình đã thất bại.

Năm 1970, sau khi Nasser đột ngột qua đời vì một cơn đau tim, Sadat đã lên kế vị ông. Trong suy nghĩ của nhiều người Ai Cập, Sadat bị cho là kém cỏi hơn người tiền nhiệm, thường bị gọi là “chó con” (poddle) của Nasser. Trong các cuộc biểu tình đường phố, đám đông hô vang “Người khổng lồ đã qua đời; con lừa đã thế chỗ.” Các lãnh đạo nước ngoài cũng đánh giá thấp Sadat. Trong hồ sơ chính thức, các quan chức gọi ông là “lãnh đạo chuyển tiếp.” Năm 1970, một nghiên cứu tình báo của Israel kết luận rằng Sadat có “trình độ trí tuệ thấp,” trong khi phiên bản cập nhật cuối năm 1972 nói thêm rằng ông “yếu.” Muhammad Hafiz Ismail, cố vấn an ninh quốc gia của Ai Cập từ năm 1971 đến năm 1973, tuyên bố rằng Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đảm bảo với ông rằng nếu Ai Cập bắt đầu một cuộc chiến khác, “Israel sẽ chiến thắng một lần nữa, và chiến thắng vang dội hơn cả năm 1967.”

Tuy nhiên, Sadat đã nhanh chóng chứng tỏ mình không hề yếu. Đối mặt với nỗ lực đảo chính thất bại năm 1971, nền kinh tế phá sản, và lực lượng sĩ quan khao khát trả thù cho những mất mát của Ai Cập hồi năm 1967, Sadat kết luận rằng ông phải tham chiến. Nhưng ông đã làm điều mà Nasser chưa bao giờ làm: ông giữ cho biên giới tương đối yên tĩnh, loại bỏ các sĩ quan bảo thủ, và bổ nhiệm một nhóm tướng lĩnh có năng lực, đứng đầu bởi Saad Shazly, một quân nhân cấp thấp nhưng được đánh giá cao.

Shazly và một nhóm sĩ quan được lựa chọn cẩn thận đã đưa ra đánh giá tỉnh táo về điểm mạnh và điểm yếu của quân đội Ai Cập, đồng thời vạch ra một kế hoạch chiến tranh được cân nhắc kỹ lưỡng để chống lại Israel. Shazly kết luận rằng, chí ít thì trong giai đoạn đầu, ông không cần phải chiếm toàn bộ Bán đảo Sinai, mà chỉ cần gây sốc cho Israel, bằng cách tiến khoảng sáu dặm vào lãnh thổ đối phương và gây thương vong. Ông cho rằng cuộc chiến tiêu hao và áp lực quốc tế sau đó sẽ buộc Israel phải rút lui về biên giới trước năm 1967. Ông cũng nghĩ ra cách vô hiệu hóa lực lượng không quân và thiết giáp Israel lần lượt bằng cách sử dụng tên lửa đất đối không của Liên Xô và tên lửa vác vai.

Trên hết, kế hoạch của Shazly phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ. Ông sử dụng một chiến thuật mà Liên Xô đã sử dụng thành công để đánh lừa các cơ quan tình báo phương Tây khi xâm chiếm Tiệp Khắc năm 1968: liên tục tiến hành các buổi tập trận huấn luyện ngay trước thềm cuộc tấn công, khiến các nhà quan sát khó phân biệt đâu là hoạt động quân sự thông thường và đâu là hoạt động chuẩn bị tấn công. Ai Cập đã huy động và giải giáp quân đội dọc Kênh đào Suez không dưới 22 lần trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1973 đến ngày 1/10/1973.

Chỉ một số ít sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Ai Cập mới biết rằng vào ngày động viên thứ 23, tức ngày 6/10, quân đội sẽ được lệnh vượt kênh. Trong số 8.000 lính Ai Cập mà Israel sau đó bắt được, chỉ có một người nói rằng mình biết về kế hoạch tấn công trước hơn một ngày. Gần như tất cả những người lính khác đều biết tin trong buổi sáng cùng ngày.

Nhưng điều đó chỉ cho ta biết một phần của câu chuyện. Israel đã đánh giá thấp toàn bộ quân đội Ai Cập: dù Israel đã xây dựng một chuỗi pháo đài để giám sát các hoạt động của Ai Cập xuyên biên giới, nhưng các nhà lãnh đạo Israel luôn nghĩ rằng quân đội Cairo không thể đủ khả năng áp đảo họ trong một cuộc tấn công chớp nhoáng. Năm 1971, Israel tổ chức một cuộc tập trận giả định trong đó Ai Cập di chuyển 3 sư đoàn bộ binh và 700 xe tăng qua kênh đào Suez trong 16 giờ. Một vị tướng hàng đầu đã bác bỏ tình huống giả định này, nói rằng ông nghĩ “không có đến 10% khả năng họ có thể thực hiện được điều đó.” Ông nói thêm, binh lính Ả Rập “thiếu những phẩm chất cần thiết cho chiến tranh hiện đại”, chẳng hạn như “trí tuệ, khả năng thích nghi, và phản ứng nhanh”.

NHỮNG ĐIỂM MÙ DO LÝ THUYẾT

Theo một cuộc điều tra năm 2005 của tờ báo Israel Yedioth Ahronoth, vào khoảng năm 1969, một người đàn ông cao lớn, ăn bận chỉnh tề đã bước vào đại sứ quán Israel ở London và yêu cầu được nói chuyện với một đặc vụ Mossad. “Tôi muốn làm việc cho các vị,” người này nói. “Tôi sẽ cung cấp thứ thông tin mà các vị chỉ có thể hy vọng có được trong những giấc mơ điên rồ nhất của mình. Tôi muốn tiền, rất nhiều tiền. Và tin tôi đi, các vị sẽ vui vẻ trả tiền.”

Quả thực, người Israel đã vui lòng trả tiền vì người đề nghị làm việc với họ là Ashraf Marwan – thư ký của Anwar Sadat và là con rể của Nasser. Cuộc điều tra của Yedioth Ahronoth tiết lộ rằng Marwan đã nhận được 24 triệu USD từ người Israel, tính theo tỷ giá ngày nay. (Để so sánh, công dân Mỹ nhận được nhiều tiền nhất từ việc làm gián điệp là điệp viên hai mang của CIA Aldrich Ames, người chỉ nhận được số tiền tương đương 4 triệu USD ngày nay.)

Trong số nhiều thông tin tình báo khác, Marwan đã cung cấp cho người quản lý tình báo của mình một thông tin có vẻ quan trọng đến mức các nhà hoạch định quân sự Israel đã đặt ra một thuật ngữ Do Thái để mô tả nó: Conceptzia, hay “khái niệm.” Conceptzia cho rằng Ai Cập sẽ không tham chiến cho đến khi họ có được các máy bay chiến đấu tiên tiến của Liên Xô, đủ khả năng cạnh tranh với Không quân Israel. Ở thời điểm đó, cũng như bây giờ, trên bàn cờ kế hoạch quân sự của Israel, những máy bay chiến đấu có gắn Ngôi sao David trên thân được coi là quân cờ lớn nhất: gần 50% ngân sách quốc phòng của Israel là dành cho không quân. (Trên thực tế, từ năm 1967 đến năm 1972, Israel đã chi 10% tổng GDP của mình chỉ riêng cho lực lượng không quân.) Sadat đã đạt được thỏa thuận với Moscow để mua máy bay phản lực của Liên Xô, nhưng những chiếc máy bay này phải đến cuối năm 1974 mới được giao cho Ai Cập. Và người ta cần thêm ít nhất một năm để đào tạo phi công, nên vào năm 1973, Israel cho rằng họ vẫn sẽ an toàn trong nhiều tháng tới.

Một số quan chức Israel lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào Marwan, hoặc vào các công nghệ giám sát tiên tiến. Giữa năm 1973, đại tá Israel, Yossi Langotsky, đã phàn nàn với một sĩ quan tình báo trẻ tuổi – Ehud Barak, thủ tướng tương lai của Israel – rằng ông không thể hiểu tại sao hầu hết các nhà lãnh đạo Israel “có gan nói, ‘Sẽ có chiến tranh, hoặc Sẽ không có chiến tranh.’ Tất cả chúng ta đều biết mình có rất ít thông tin, nhưng họ lại có thể chắp ghép chúng lại với nhau thành đủ thứ lý thuyết phức tạp.” Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của Israel tin rằng khả năng thu thập thông tin tình báo vượt trội của họ sẽ là kế hoạch dự phòng nếu Marwan nhầm lẫn. Người đứng đầu cơ quan tình báo của quân đội Israel nói rằng năng lực tình báo của Israel là “bảo hiểm của tôi, phòng khi có sai sót trong Conceptzia.”

Mùa thu năm 1973, Vua Hussein của Jordan, quốc gia khi đó đang xung đột với Ai Cập và Syria, đã bí mật gặp Thủ tướng Israel Golda Meir để cảnh báo rằng Ai Cập và Syria đang chuẩn bị tham chiến, nhưng lời cảnh báo của ông đã không được chú ý. Tình báo Israel đã xác định được 45 “dấu hiệu chiến tranh” cần chú ý, và hơn 30 trong số này tồn tại trên thực địa vào đầu tháng 10/1973. Tuy nhiên, bị mắc kẹt với Conceptzia, các nhà hoạch định quân sự Israel khăng khăng rằng hầu hết những dấu hiệu này đều phù hợp với hoạt động huấn luyện quân sự. Marwan cũng không cảnh báo về cuộc tấn công sắp xảy ra cho đến một đêm trước đó.

Về cuộc chiến Yom Kippur, tình báo Israel phát hiện ra rằng Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat cũng có sai lầm của riêng mình. Lực lượng của Sadat vượt qua Kênh đào Suez và tấn công quân đội Israel với hy vọng buộc Israel rút khỏi Bán đảo Sinai mà không có hiệp ước hòa bình. Sau cùng, Sadat đã bị chặn lại khi quân Israel bao vây quân đội của ông. Nhưng kế hoạch gây sốc cho người Israel của ông đã thành công.

TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG HƠN

Có những điểm tương đồng đáng chú ý giữa động lực dẫn đến Chiến tranh Yom Kippur và cuộc chiến ngày nay. Hamas đã sử dụng một chiến thuật tương tự như của Ai Cập, bằng cách tăng cường các cuộc tập trận huấn luyện gây mất tập trung, liên tục di chuyển các chiến binh dọc biên giới Israel-Gaza trong nhiều tháng qua. Israel cũng đánh giá thấp sự tự tin, khả năng lập kế hoạch, và khả năng trốn tránh sự giám sát của Hamas. Ali Baraka, một quan chức cấp cao của Hamas, tiết lộ chỉ một số lãnh đạo cấp cao của Hamas biết rằng vào ngày 7/10, các tay súng sẽ được lệnh xông qua hàng rào biên giới.

Sau khi chiến tranh Israel-Hamas kết thúc, người Israel gần như chắc chắn sẽ triệu tập một ủy ban điều tra. Ngày 18/11/1973, Israel ủy quyền cho Ủy ban Agranat, đứng đầu là Chánh án Tòa án Tối cao Shimon Agranat, để điều tra những thất bại trong Chiến tranh Yom Kippur. Ủy ban đã nghe ý kiến từ 90 nhân chứng và yêu cầu các nhà điều tra thu thập lời khai từ 188 người khác. Báo cáo của ủy ban đổ lỗi cho sự phụ thuộc quá mức vào Conceptzia và “thông tin tình báo vàng” đến từ quá ít nguồn tin Ai Cập có giá trị.

Mọi ủy ban điều tra tiếp theo ở Israel đều tồn tại dưới cái bóng của Ủy ban Agranat. Tổ chức này đã thiết lập cái mà người Israel ngày nay gọi là “văn hóa chặt đầu” – bản năng đáp lại thất bại bằng các vụ sa thải và từ chức hàng loạt, với hy vọng rằng việc xử phạt những người chịu trách nhiệm sẽ ngăn chặn thất bại tái diễn. Một tuần sau khi ủy ban đưa ra báo cáo sơ bộ vào ngày 2/4/1974, Meir tuyên bố từ chức. Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, và Bộ trưởng Tài chính Israel cũng lần lượt bị thay thế. Meir nhận xét rằng nếu có bất kỳ anh hùng Israel nào trong Chiến tranh Yom Kippur thì đó chính là David Elazar, tham mưu trưởng quân đội. Tuy nhiên, ông cũng bị sa thải.

Ủy ban điều tra theo sau chiến tranh Israel-Hamas có thể còn khắc nghiệt hơn đối với giới lãnh đạo hiện tại của Israel. Ủy ban Agranat kết luận rằng Israel đã phớt lờ những dấu hiệu chiến tranh không thể nhầm lẫn, và uỷ ban sắp tới có lẽ cũng sẽ đưa ra kết luận tương tự. Nhưng những giả định sai lầm cốt lõi của Israel thời hiện đại thậm chí có tác động sâu rộng hơn những giả định của họ vào năm 1973, cắm rễ ở trọng tâm của chiến lược mà Israel đã áp dụng kể từ khi rút khỏi Gaza gần 20 năm trước.

Dù không ai tin rằng hòa bình sẽ đến sau khi Israel rút khỏi Gaza, nhưng các quan chức cho rằng biên giới có thể được giữ tương đối ổn định thông qua các biện pháp răn đe – phản ứng mạnh mẽ trước mỗi cuộc tấn công – và khuyến khích kinh tế. Năm 2022, Israel đã cử 67.000 xe tải chở hàng đến Gaza và cấp giấy phép cho 20.000 người Gaza làm việc tại Israel. Các nhà lãnh đạo Israel tin rằng Hamas sẽ không bao giờ mạo hiểm để mất sự hỗ trợ vật chất ở mức độ lớn như vậy.

Trong một thời gian, giả định này có vẻ đúng. Hamas và Israel thỉnh thoảng bắn tên lửa vào nhau và đối đầu trong một vài cuộc chiến nhỏ. Nhưng xung đột dường như vẫn có thể quản lý được và nhờ đó tiết kiệm cho người nộp thuế Israel hàng tỷ đô la: Để chiếm đóng Gaza trong giai đoạn trước năm 2005, Israel tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đô la một năm, tương đương 1% GDP của nước này vào giữa những năm 2000, chỉ để hỗ trợ người dân Palestine, chưa kể chi phí đồn trú 24.000 quân để bảo vệ 8.000 người định cư Israel. Việc giải phóng gánh nặng tài chính này chắc chắn đã đóng một vai trò lớn trong việc GDP của Israel tăng gần gấp bốn lần từ năm 2005 đến nay. Với việc lực lượng của họ không còn đóng quân lâu dài ở Gaza, thương vong của Israel cũng giảm mạnh.

Nhưng như cuộc tấn công của Hamas đã chứng minh, Israel chưa giải quyết được các vấn đề an ninh của mình. Các quan chức Israel có lẽ đã kết luận quá sớm rằng họ đã vô hiệu hóa hoàn toàn mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất từ kẻ thù, và quan trọng hơn, họ đã hiểu sai động cơ của kẻ thù.

Trong lời khai trước Ủy ban Winograd – cuộc điều tra của Israel về cuộc chiến năm 2006 với Hezbollah – cựu thủ tướng Israel kiêm thành viên Knesset Shimon Peres nói rằng cuộc chiến đó là sự cạnh tranh của những sai lầm, và sai lầm lớn nhất là tham gia vào một cuộc chiến ngay từ đầu. Nhưng sau xung đột, kể cả những xung đột tồi tệ nhất, vẫn có thể có cơ hội để cải thiện tình hình. Sau Chiến tranh Yom Kippur, Ai Cập và Israel đã ký một thỏa thuận hòa bình, trong đó Israel trả lại Bán đảo Sinai và Ai Cập chính thức công nhận sự tồn tại của Israel.

Ngày nay cũng tồn tại một số cơ hội tương tự cho hòa bình. Ai đó sẽ phải nắm quyền kiểm soát Gaza nếu chiến dịch của Israel lật đổ Hamas. Có lẽ đó sẽ là một lực lượng liên Ả Rập, dẫn đầu bởi Ai Cập và Ả Rập Saudi, những người có thể chịu trách nhiệm về an ninh và giúp Chính quyền Dân tộc Palestine có trụ sở tại Ramallah lên nắm quyền ở Gaza, được khuyến khích bởi các đảm bảo an ninh của Mỹ và việc cho phép làm giàu uranium cho mục đích dân sự. Câu chuyện về Chiến tranh Yom Kippur gợi ý rằng khi rất nhiều giả định cũ bị bác bỏ, thì những giả định tai hại – chẳng hạn như giả định rằng không thể có giải pháp hai nhà nước, hoặc không thể có sự quản lý hiệu quả ở các vùng lãnh thổ của Palestine – cũng có thể bị bác bỏ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới