Tuesday, May 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVán cờ vây Trung-Nhật

Ván cờ vây Trung-Nhật

Trung Quốc và Nhật Bản đều là cái nôi của bộ môn cờ vây truyền thống. Trò chơi thuộc dạng chiến lược trừu tượng cho hai người chơi. Mục tiêu của mỗi bên là bao vây nhiều lãnh thổ hơn đối thủ.

Cờ vây được phát minh ở Trung Hoa thời cổ đại, quãng hơn 2.500 năm trước. Nó cũng du nhập vào Nhật Bản sau đó không lâu, được coi là trò chơi bảng lâu đời nhất còn được tiếp tục chơi cho đến thế kỷ 21. Dẫu rằng các quy tắc chơi khá đơn giản, nhưng về mặt chiến thuật, cờ vây lại thiên biến vạn hóa rất phức tạp.

Như vậy xem ra từ cờ vua trên bàn cờ đến “thế cờ vua” trên lãnh thổ, nhất là trong các tranh chấp địa-chính trị, khá giống nhau. Vào thập niên thứ hai những năm đầu thế kỷ 21, hai đối thủ đang đấu trí là Nhật Bản và Trung Quốc – chính là cái nôi của môn thể thao giải trí có tuổi đời tính bằng thiên niên kỷ.

Cùng với đối thủ là các nhà quan sát, những “quân sư” giỏi. Trên bàn cờ thực địa, quân sư của Nhật Bản chính là ông bạn láng giềng Philippines, Mỹ, Úc. Nhưng trong mấy năm qua quan hệ giữa Tokyo và Manila trở nên vô cùng thân thiết. Lãnh đạo hai nước thường xuyên qua lại và sau những lời phát biểu về nâng tầm hợp tác là những ký kết ra tấm ra món về kinh tế và quân sự.

Hồi đầu tháng 11, trong chuyến thăm “ông bạn vàng”, phát biểu trước Quốc hội Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh, lúc này cần tăng cường sự hợp tác ba bên giữa Nhật Bản-Mỹ-Philippines để bảo vệ quyền tự do trên biển.

Ngay sau đó hai bên nhất trí bắt đầu đàm phán về Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ để tăng cường hợp tác quốc phòng. Đây cũng là thỏa thuận Nhật Bản đã thiết lập với một số nước nhằm tạo điều kiện cho việc điều chuyển lực lượng quân sự và tổ chức tập trận chung. Xem ra Tokyo quá siêu trong việc chơi chữ khi dùng cụm từ “Tiếp cận Tương hỗ”.

Thủ tướng Kishida khẳng định: “Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao năng lực an ninh của Philippines, qua đó góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Thông qua những nỗ lực này để bảo vệ trật tự hàng hải. Vấn đề này cần được quyết định bằng luật pháp và quy tắc, chứ không phải bằng vũ lực”.

Lời nói của nhà lãnh đạo được “đảm bảo bằng vàng” khi Nhật Bản đồng ý cung cấp cho Philippines radar giám sát ven biển. Xin lưu ý, đây là dự án hợp tác đầu tiên trên thế giới theo Chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản. Chương trình này nói trắng ra rằng nó cốt tăng sức răn đe cho đối tác của Tokyo.

Các radar sẽ được lắp đặt ở 5 khu vực dọc bờ biển Philippines. Trước đó, hồi tháng 6/2023, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Nhật Bản lần đầu cùng diễn tập. Trước khi rời Manila sang Malaysia, Thủ tướng Kishida đã tới thăm trụ sở Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Đây là động thái nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lời nói được “đảm bảo bằng vàng” còn ở sự kiện, ngay trong chuyến thăm ngắn ngày, Thủ tướng Nhật Bản, Philippines đã đạt được thỏa thuận trị giá 570 triệu peso từ Nhật Bản liên quan đến an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa.

Thủ tướng Nhật Bản còn hứa hẹn sẽ cung cấp một loạt gói viện trợ phát triển cho Philippines, nhằm củng cố mối quan hệ song phương. Cụ thể, Nhật Bản sẽ tài trợ cho dự án Tàu điện ngầm Metro Manila và các dự án Đường sắt Bắc-Nam, ước tính trị giá hàng tỷ USD.

Trong khi nhận sự giúp đỡ vô tư của Nhật Bản, Philippines bất ngờ dội gáo nước lạnh vào đầu Trung Quốc, lập tức hủy bỏ các thỏa thuận tài trợ của Trung Quốc cho 3 dự án đường sắt lớn trị giá 2,8 nghìn tỷ peso.

Trở lại với thế cờ vây và tác động từ các bên. Theo các tài liệu nước ngoài, đến hiện tại, ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn cao gấp ba lần so với Trung Quốc. Thế nhưng Trung Quốc lại đang tăng nhanh chi tiêu quân sự. Trong hơn một thập niên (từ năm 2010 đến 2022), Trung Quốc đã tăng ngân sách quân sự hơn 100%, còn Mỹ lại tăng không đáng kể.

Mặc dù ngân sách quân sự của Mỹ rất lớn, nhưng lại phải tiêu tốn nguồn lực không chỉ tại Indo-Pacific (khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương). Cán cân quân sự ở khu vực này thay đổi nhanh chóng. Tiếp đến là xung đột Ukraine, xung đột Israel khiến Mỹ móc hầu bao, chia sẻ kho vũ khí, khí tài quân sự cho đối tác.

Vì thế, Mỹ rất muốn các đồng minh và đối tác chia sẻ gánh nặng. Thực tế, Tokyo đang tăng cường vai trò thông qua nhiều hợp tác quân sự với các bên không chỉ trong Indo-Pacific. Kể từ năm 2022, theo nhận định của các nhà phân tích, Nhật Bản đang ra sức kéo NATO về châu Á.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Úc lên tiếng “tăng cường hội nhập công nghiệp quốc phòng với Nhật Bản: song phương, thông qua các cơ chế 3 bên của Úc, Nhật Bản với Mỹ”. Việc chia sẻ gánh nặng an ninh của Nhật Bản đối với Mỹ đang giúp hình thành hàng loạt các hợp tác song phương và đa phương.

Thế cờ vây đang có lợi cho Nhật Bản khi Mỹ cùng Philippines, Úc kết nối các hợp tác đó thành một mạng lưới rộng lớn để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Manila đầy hứng khởi khi thấy được tiếp thêm sức mạnh trước những lấn lướt, o ép của Bắc Kinh.

Đương nhiên, lúc này Bắc Kinh không khoanh tay chịu thua. Họ vẫn đang tính toán để đi những nước cờ đúng đắn nhất. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 15/11 tới cũng là một nước cờ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới