Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Nga sẽ không nhượng bộ trong vấn đề Ukraine?

Vì sao Nga sẽ không nhượng bộ trong vấn đề Ukraine?

Cuộc phản công được nhiều người mong đợi của Ukraine đã không đạt được bước đột phá giúp Kiev có thế mạnh trong đàm phán. Trong khi đó, Nga có lý do để tin rằng thời gian đang ủng hộ nước này.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin.

Nga vẫn đang đứng vững

Theo Wall Street Journal, xung đột ở Trung Đông chiếm ưu thế trên truyền thông và sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kiev đang có dấu hiệu chững lại do những quan điểm trái chiều của lưỡng đảng, chưa kể đến khuynh hướng ủng hộ ông Putin của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Nga có lý do để tin rằng thời gian đang ủng hộ ông. Ở tiền tuyến, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang thua. Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề nhưng không đến mức kiệt quệ. Nghịch lý thay, quyền lực của tổng thống lại được củng cố sau cuộc nổi loạn thất bại của lực lượng Wagner do Yevgeny Prigozhin lãnh đạo vào tháng 6.

Sự ủng hộ của người dân đối với với Nga trong cuộc xung đột vẫn ổn định và sự ủng hộ của giới tinh hoa dành cho người đứng đầu Điện Kremlin dường như không bị rạn nứt.

Lời hứa của các quan chức phương Tây về việc khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng của họ đã gặp phải những trở ngại về quan liêu và chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đã cản trở nỗ lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ít hơn nhiều so với dự kiến. Các nhà máy quốc phòng của Nga đang tăng cường sản lượng và các nhà máy kế thừa từ thời Liên Xô đang hoạt động tốt hơn các nhà máy phương Tây khi nói đến những mặt hàng rất cần thiết như đạn pháo.

Các nhà kỹ trị chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng thích ứng. Giá dầu tăng cao, một phần do sự hợp tác chặt chẽ với Ả Rập Xê Út, đang làm đầy kho bạc nhà nước. Ngược lại, Kiev phụ thuộc rất nhiều vào nguồn viện trợ của phương Tây.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng có thể hài lòng khi nhìn vào chính sách đối ngoại của mình. Những khoản đầu tư của ông vào các mối quan hệ quan trọng đã được đền đáp. Trung Quốc và Ấn Độ đã cung cấp một điểm tựa quan trọng cho nền kinh tế Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu dầu và các hàng hóa khác của Nga.

Thay vì lo lắng về việc mất thị trường ở Tây Âu và các lệnh trừng phạt của EU, Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định rằng sẽ có lợi hơn trong ngắn hạn nếu chỉ đơn giản trở thành đối tác phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Hàng hóa từ Trung Quốc chiếm gần 50% lượng hàng nhập khẩu của Nga và các công ty năng lượng hàng đầu của Nga đang chuyển sang bán hàng cho Trung Quốc.

Ngay cả các nước láng giềng như Armenia, Georgia, Kazakhstan và Kyrgyzstan, mặc dù có sự e dè nhất định, nhưng cũng đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách đóng vai trò là người tạo điều kiện cho việc lách lệnh trừng phạt và là điểm trung chuyển cho hàng hóa mà trước đây Nga từng nhập khẩu trực tiếp.

Không có điều gì trong số này sẽ gây ngạc nhiên. Hơn 6 tháng trước khi cuộc xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, ông Vladimir Putin đã ban hành Chiến lược an ninh quốc gia mới cho Nga. Mục đích chính là chuẩn bị cho đất nước một cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây. Ngày nay nhà lãnh đạo Nga có thể nói với cả nước rằng chiến lược của ông đang có hiệu quả.

Nga sẽ không nhượng bộ?

Ông Putin dường như không cảm thấy áp lực nào trong việc chấm dứt xung đột hay lo lắng về khả năng duy trì nó vô thời hạn. Khi mùa đông đến gần, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hạn chế trên thực địa và chắc chắn sẽ mở rộng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các thành phố, nhà máy điện, khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine.

Ở mức tối thiểu, ông Putin kỳ vọng rằng Mỹ sẽ và sự ủng hộ của châu Âu dành cho Kiev sẽ tiêu tan, rằng người Ukraine sẽ mệt mỏi với nỗi kinh hoàng và tàn phá vô tận gây ra cho họ, và rằng sự kết hợp của cả hai sẽ cho phép ông đưa ra các điều khoản cho một thỏa thuận chấm dứt xung đột và giành chiến thắng.

Theo quan điểm của người đứng đầu Điện Kremlin, người lý tưởng để đạt được một thỏa thuận như vậy là Donald Trump, nếu ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng vũ khí hóa mọi thứ để giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và an ninh châu Âu đang là “con tin” trước việc Nga khăng khăng yêu cầu phương Tây chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine.

Những gì còn lại của khuôn khổ kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2026 và ngày càng có nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ba bên khó lường giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ông chủ Điện Kremlin sẽ sử dụng mọi vấn đề toàn cầu và khu vực – dù là cuộc chiến Israel – Gaza, an ninh lương thực hay hành động về khí hậu – làm đòn bẩy để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Ukraine và phương Tây.

Tình hình này đặt ra một thách thức chưa từng có đối với các nhà lãnh đạo phương Tây. Washington và các đồng minh của họ đã đạt được hiệu quả rõ rệt trong việc giải quyết các khía cạnh cấp bách nhất của vấn đề này: Ngăn chặn sự sụp đổ của Ukraine, cung cấp đầy đủ vũ khí tiên tiến và thông tin tình báo theo thời gian thực cho nước này cũng như đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Nhưng giờ là lúc chuyển sang một chiến lược dài hạn nhằm gia tăng và duy trì áp lực lên Điện Kremlin. Không nên ảo tưởng rằng bất kỳ sự kết hợp khả thi nào của các bước ngắn hạn sẽ đủ để buộc ông Putin phải chấm dứt cuộc xung đột.

Điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây rõ ràng chưa làm là bình đẳng với công chúng của họ về bản chất lâu dài của mối đe dọa từ một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại, táo bạo.

Họ thường xuyên đặt cược vào các biện pháp trừng phạt, một cuộc phản công thành công của Kiev hoặc chuyển giao các loại vũ khí mới để buộc Điện Kremlin phải ngồi vào bàn đàm phán.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà tư tưởng chính sách đối ngoại Mỹ không đặt cược vào sự thay đổi quan điểm đột ngột của Điện Kremlin hay sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết.

Thay vào đó, họ đặt niềm tin vào tầm nhìn dài hạn về việc chống lại một chế độ và thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào quốc phòng và khả năng quân sự của các liên minh.

Chính sách ngăn chặn ngày nay có nghĩa là tiếp tục các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cô lập Nga về mặt ngoại giao, ngăn chặn Điện Kremlin can thiệp vào chính trị nội bộ, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của NATO, bao gồm cả việc tái đầu tư bền vững giữa Mỹ và châu Âu vào cơ sở công nghiệp quốc phòng. Nó cũng có nghĩa là giảm thiểu mọi thiệt hại – về ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế – do cuộc xung đột Ukraine gây ra.

Bắt tay vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu với Điện Kremlin sẽ không phải là một sự đầu tư khôn ngoan của Washington, bởi nó sẽ đẩy Mỹ vào một trò chơi vô nghĩa là chống lại tất cả các biểu hiện về ảnh hưởng của Nga.

Hơn nữa, hoàn cảnh ngày nay rất khác so với mối đe dọa từ Liên Xô. Châu Âu không còn là vùng đất hoang bị tàn phá như sau Thế chiến thứ hai. NATO đã chào đón hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển.

Điều quan trọng nhất, trái ngược với mọi dự đoán, Ukraine đã đứng vững trước sự tấn công dữ dội của Nga. Trong vòng chưa đầy 2 năm, quân đội của họ đã phá hủy thập niên hiện đại hóa quân sự của Nga.

Việc thúc đẩy Ukraine tiếp tục chiến đấu và cung cấp vũ khí, đạn dược cho nước này, như Tổng thống Biden đã cam kết trong bài phát biểu ngày 19/10, không phải là từ thiện mà là yếu tố cấp bách nhất và tiết kiệm chi phí nhất trong chiến lược phương Tây.

Điều quan trọng không kém là giúp Kiev hướng tới vị trí xứng đáng của mình ở châu Âu. Không có quốc gia Đông Âu nào ở châu Âu đã trải qua những gì Ukraine đang trải qua hiện nay. Việc tái thiết đất nước sẽ là một công việc mang tính thế hệ không chỉ đối với người dân mà còn đối với nhiều bạn bè, đối tác và đồng minh của họ.

Duy trì sự gắn kết và quyết tâm giữa các đồng minh phương Tây sẽ là điều cần thiết đối với các nhà lãnh đạo ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Điện Kremlin từ lâu đã nắm vững nghệ thuật gây chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh của họ. Viễn cảnh ông Putin cuối cùng sẽ rời khỏi chính trường đã làm dấy lên cuộc bàn tán về một sự mở cửa chiến lược mới với Nga mà bằng cách nào đó có thể lôi kéo Moscow ra xa Trung Quốc.

Thử thách đó giờ đây trở nên khó khăn hơn rất nhiều, vì bất cứ ai có thể thay thế ông Putin sẽ phải chấm dứt chiến tranh và tham gia với Kiev trong các cuộc đàm phán nghiêm túc, thực sự.

Mỹ và các đồng minh hiểu rõ về bản chất lâu dài của thực tế này: Chiến tranh kết thúc, bất cứ khi nào điều đó xảy ra, khó có thể dập tắt cuộc đối đầu giữa Nga và phần còn lại của châu Âu.

Người Ukraine và bạn bè của họ có lý do chính đáng muốn chứng kiến sự trỗi dậy của một đất nước độc lập, thịnh vượng, an toàn và hội nhập hoàn toàn vào đời sống chính trị và kinh tế của lục địa. Ông Putin và những người kế nhiệm ông sẽ coi đó là thất bại cuối cùng của Nga. Họ sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để ngăn chặn điều đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới