Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ vẫn nhập khẩu thiết bị của Mỹ để sản xuất chip...

TQ vẫn nhập khẩu thiết bị của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến bất chấp quy định mới

Theo báo cáo của Hạ viện Mỹ công bố hôm 14/11, các công ty Trung Quốc vẫn có thể mua máy sản xuất chip “nếu nó được đưa vào dây chuyền cũ, không sử dụng để tạo ra chip tiên tiến”.

Ảnh minh hoạ.

Các công ty Trung Quốc vẫn đang mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ để sản xuất chip dưới 14 nanomet, bất chấp một loạt các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới nhằm cản trở những tiến bộ trong ngành bán dẫn của nước này.

Báo cáo thường niên dài 741 trang do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung công bố, đánh giá các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào tháng 10 năm 2022 của chính quyền Biden, nhằm tìm cách cấm các nhà sản xuất chip Trung Quốc nhập khẩu các công cụ sản xuất chip của Mỹ nếu chúng được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến.

Được biết, theo báo cáo của Ủy ban này công bố hôm 14/11, các công ty Trung Quốc vẫn có thể mua máy sản xuất chip “nếu cho biết nó được đưa vào dây chuyền cũ, không sử dụng để tạo ra chip tiên tiến”.

Sau lệnh cấm năm ngoái, Mỹ liên tục tìm cách khắc phục các lỗ hổng quan trọng trong nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công cụ sản xuất chip hiện đại, đồng thời thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan làm điều tương tự. Hai nước này đã đưa ra các hạn chế vào tháng 7 và tháng 9, dù không nhắc đích danh Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo cáo, Trung Quốc đã tích trữ thiết bị sản xuất bán dẫn bằng cách tận dụng khoảng thời gian trễ giữa lệnh cấm. Từ tháng 1 đến tháng 8, Trung Quốc đã nhập khẩu số máy sản xuất chip trị giá 3,2 tỷ USD từ Hà Lan, tăng tới 96,1% so với mức 1,7 tỉ USD được ghi nhận trong cùng kỳ 2022. Tổng cộng, việc nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc từ các quốc gia đạt 13,8 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm.

Vấn đề Trung Quốc vẫn mua được máy sản xuất chip được nêu ra sau khi Huawei công bố bộ ba điện thoại Mate 60 chạy chip 7 nanomet do SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, sản xuất. Huawei và SMIC đều đã bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu của Mỹ trong năm 2019 và 2020.

Trước đó, theo Bloomberg, SMIC được cho là sử dụng thiết bị quang khắc cực tím sâu (DUV) của ASML để tạo chip Kirin 9000s dùng cho dòng Mate 60. Tuy không hiện đại như hệ thống in thạch bản cực tím (EUV), DUV vẫn có thể được dùng trong sản xuất chip tiên tiến, dù quy trình phức tạp và tốn kém hơn. ASML chưa bao giờ bán EUV cho Trung Quốc vì hạn chế xuất khẩu từ 2019.

Báo cáo không đưa ra khuyến nghị cụ thể nhằm giải quyết những lỗ hổng trong các quy định của Hoa Kỳ, nhưng thúc giục Quốc hội yêu cầu đánh giá hàng năm, công khai về tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.

Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung được thành lập vào năm 2000 để đệ trình báo cáo thường niên lên Quốc hội Mỹ về những tác động đến an ninh quốc gia trong mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về hành động của chính phủ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới