Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiHuấn luyện làm chủ khí tài hiện đại Vùng 2 Hải quân

Huấn luyện làm chủ khí tài hiện đại Vùng 2 Hải quân

Trong suốt quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, tạo ra thế trận phòng thủ bờ, biển, đảo, xây dựng nền an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc.

Biên đội tàu của Lữ đoàn huấn luyện trên biển.

Kế thừa truyền thống lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam, quân chủng Hải quân anh hùng, những năm qua, các lực lượng phòng thủ bờ biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng lực lượng cách mạng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Xây dựng hệ thống phòng thủ bờ biển nhiều tầng, nhiều lớp, chống tiếp cận, chống xâm nhập một cách triệt để từ phía biển, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống.

Thành lập ngày 19/3/2009, Vùng 2 Hải quân, thuộc Quân chủng Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam quản lý, bảo vệ vùng biển rộng trên 300.000 km2, trải dài từ Bình Thuận đến Bạc Liêu. Đây là vùng biển giàu tài nguyên khoáng sản, có những trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Tuy nhiên, cũng là vùng biển nhạy cảm, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định khó lường.

Đại tá Lê Bá Quân, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Vùng 2 Hải quân cho biết: Từ khi thành lập năm 2009 đến nay, lực lượng ban đầu chỉ có hai đơn vị cấp Trung lữ đoàn và 4 đơn vị cấp Tiểu đoàn, Đại đội. Tuy nhiên cho đến hôm nay thì lực lượng đã phát triển rất nhiều. Hiện nay đã có tới 8 đơn vị cấp Trung đoàn và một đơn vị cấp Tiểu đoàn, như vậy, lực lượng đã tăng lên gấp 4 lần so với trước. Được trang bị những vũ khí, khí tài tương đối hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo trong hoàn cảnh mới như: tàu tên lửa tấn công nhanh 12418, tàu săn ngầm, tàu pháo, hệ thống ra đa đặc chủng, tổ hợp tên lửa bờ hiện đại… và các trang bị khác để đáp ứng yêu cầu quản lý vùng biển mà được phân công.

Để nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, những năm qua, Vùng 2 Hải quân được đầu tư nhiều trang thiết bị khí tài tiên tiến, hiện đại như: các tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu pháo, hệ thống radar đặc chủng, tổ hợp tên lửa bờ hiện đại có thể độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Khi nhắc tới hệ thống vũ khí, khí tài của lực lượng hải quân, những tàu chiến đấu hay tàu ngầm hiện đại thường được nghĩ tới đầu tiên. Hệ thống tàu chiến đóng vai trò chủ lực và trực tiếp trong chiến đấu trên biển. Đây được xem như tiềm lực cũng như đại diện cho sức mạnh hải quân đỉnh cao của một quốc gia.

Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải quân được trang bị các tàu pháo TT400TP và tàu tên lửa 12418, với hỏa lực mạnh, tốc độ cao. Trong nhiều năm qua, Lữ đoàn đã làm chủ hoàn toàn những con tàu được mệnh danh là “tia chớp” hiện đại, khẳng định vai trò là cánh quân chủ lực, là chắn thép bảo vệ vững chắc vùng biển, thềm lục địa phía Nam của tổ quốc.

Những tàu tên lửa tấn công nhanh 12418 của Lữ đoàn 167 hoàn toàn do Nhà máy đóng tàu Ba Son đóng mới, dựa trên thiết kế của phiên bản tàu tia chớp Molniya của Nga. So với phiên bản cũ của Nga, những tàu mới này có hệ thống máy hiện đại hơn.

Trung tá Vũ Xuân Huy- thuyền trưởng tàu HQ 377, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân cho biết “Tàu 12418 được Nhà máy Ba Son đóng theo bản thiết kế của Viện Anmaselim Liên bang Nga. Tàu là một trong những tàu chiến đấu có sức mạnh, có tốc độ và có khả năng hiệp đồng chiến đấu cao và giải quyết được nhiều nhiệm vụ chiến đấu trên biển. Tàu tên lửa 12418 có khả năng tiêu diệt được các loại nhóm tàu chiến đấu của đối phương, từ loại tàu nhỏ như tàu tên lửa cỡ nhỏ, đến các loại tàu lớn như là: tàu khu trục, các loại tàu vận tải, các đoàn tàu đổ bộ, đoàn tàu vận tải có hộ tống”.

Tàu tên lửa tấn công nhanh 12418 khác biệt so với các tàu chiến cũ: các loại máy móc, radar và trang thiết bị vũ khí trên tàu đều liên kết với nhau để hoạt động tự động. Tàu được trang bị 16 tên lửa chống hạm và 12 tên lửa phòng không. Tàu có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển, chi viện hỏa lực cho các lực lượng khác một cách hiệu quả góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Vùng 2 nói riêng và Quân chủng hải quân nói chung.

Tàu hiện đại đòi hỏi trình độ chất xám và độ tập trung cao của người chiến sĩ. Trong chiến đấu, nếu thao tác sai, máy sẽ làm sai, dẫn đến mất cơ hội tiêu diệt địch.

Tàu 12418 là một trong những tàu có được trang bị và hội tụ các thành tựu khoa học tối tân, cán bộ chiến sĩ trên tàu xác định tốt nhiệm vụ phải huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, trong đó huấn luyện chiến đấu là điều kiện cơ bản và kiên quyết đầu tiên. Tàu tổ chức huấn luyện từ cơ bản cho đến nâng cao, từ những cái đơn giản cho đến cái phức tạp, từ những chiến sĩ mới về đơn vị cho đến những cán bộ và chiến sĩ lâu năm phục vụ trên tàu nhằm nâng cao khả năng chiến đấu, khả năng hiệp đồng chiến đấu, khai thác sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật trên con tàu. – Trung tá Vũ Xuân Huy, thuyền trưởng tàu HQ 377, Lữ đoàn 167 nói.

Một tình huống huấn luyện giả định bắn đạn thật trên biển, tình huống đặt ra là tàu tên lửa tấn công nhanh phát hiện mục tiêu đối phương trong phạm vi tiêu diệt của tên lửa. Nhận lệnh của trên, toàn tàu báo động cấp 1, nhanh chóng và chuẩn xác, cán bộ chiến sĩ thực hiện thao tác chỉ thị mục tiêu, phân tích dữ liệu, phân chia hỏa lực. Khi tên lửa được phóng ra, mục tiêu bị tiêu diệt, khẳng định sức mạnh khả năng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Là trang thiết bị hiện đại, tàu 12418 đòi hỏi bộ đội phải có trình độ khai thác thuần thục và mất nhiều thời gian để làm chủ. Tuy nhiên, để làm chủ được trang thiết bị, việc huấn luyện luôn đóng vai trò quan trọng. Thao tác thực hiện trên các thiết bị máy móc đồng nghĩa với việc làm giảm tuổi thọ, giảm hệ số và khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí trang bị. Hiểu được điều này, đội ngũ chuyên môn kỹ thuật Hải quân đã nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm mô phỏng kíp tàu 12418 – một sáng kiến mang tính bước ngoặt đối với công tác huấn luyện cho bộ đội làm chủ tàu 12418.

Trung tá Phạm Văn Phương, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 167 cho biết, Từ khi có trung tâm mô phỏng tàu này, cán bộ chiến sĩ của Lữ Đoàn 167 tổ chức huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ các kíp tàu lên, huấn luyện theo đúng kế hoạch huấn luyện và nhờ có trung tâm này, các nội dung về thao tác các trang thiết bị của cán bộ chiến sĩ trong đối với các tàu được nâng lên.

Trung tâm này mô phỏng theo các trang thiết bị dưới tàu theo tỷ lệ 1:1 và có thể dùng để huấn luyện tất cả các ngành trên tàu như ngành hàng hải, ngành súng phóng tên lửa, ngành thông tin radar hay ngành cơ điện.

Ưu điểm lớn nhất huấn luyện không cần thiết phải trực tiếp thao tác ở dưới trang bị thì sẽ bảo đảm được thứ nhất là tuổi thọ của trang bị, thứ hai đó là bảo đảm được đối với các đồng chí mới ra trường hoặc là mới bắt đầu tiếp cận, vẫn có khả năng tự tin để khai thác.

Từ hệ thống máy chủ, giáo viên sẽ đưa ra các thông số mô phỏng về môi trường, thời tiết, cấp sóng, độ rung lắc và các tham số về vị trí tàu địch để đặt ra các tình huống trên biển huấn luyện cho bộ đội phản xạ cũng như cách xử lý tình huống trên thực tế. Hệ thống tàu tên lửa được đóng mới và Trung tâm huấn luyện mô phỏng tại Lữ Đoàn 167 là minh chứng rõ nhất cho khả năng làm chủ vũ khí, khí tài cũng như sáng tạo trong cải tiến vũ khí của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Nói đến bộ đội Hải quân, nhiều người nghĩ ngay đến các thủy thủ ngày đêm cùng con tàu lênh đênh trên sóng biển, ít ai biết rằng trong lực lượng Hải quân còn có những cán bộ chiến sĩ hàng ngày vẫn sống và làm việc trên đỉnh núi. Đó là những người lính radar, làm nhiệm vụ quản lý bầu trời, vùng biển.

Vùng 2 Hải quân hiện nay có các trạm radar bờ và các đài radar trên các nhà giàn có nhiệm vụ quan sát, quản lý mục tiêu trong khu vực biển được phân công quản lý, kịp thời báo cáo về sở chỉ huy các cấp và thông báo cho các đơn vị hiệp đồng, đồng thời tổ chức dẫn dắt các tàu, thuyền, cơ động thực hiện nhiệm vụ trên biển. Cùng với tình hình khu vực và quốc tế ngày càng phức tạp, sự tinh vi của các vũ khí công nghệ mới như máy bay không người lái, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, vai trò của radar ngày càng trở nên quan trọng.

Trung tá Hoàng Văn Minh, Phó Trung đoàn trưởng,Tham mưu trưởng Trung đoàn 251, Vùng 2 Hải quân chia sẻ, Vùng biển quản lý của Trung đoàn từ Mũi Bà Kiệm (Bình Thuận) đến Cửa Gành Hào (Bạc Liêu) và kéo dài ra hướng biển là 200 hải lý trở lại. Với bộ đội radar nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn và vất vả, xuất phát từ đặc trưng và cái nhiệm vụ của trạm radar. Thứ nhất, đối với trạm radar, đóng quân độc lập, phân tán ở trên núi cao, đảo xa, địa hình rất khó khăn, xung quanh chủ yếu là rừng, xa khu dân cư. Thứ hai, xuất phát từ tính chất nhiệm vụ đặc thù là phải tổ chức quan sát, theo dõi, quản lý vùng biển được phân công và trên không tầm thấp là 24/24. Chính vì vậy, cường độ trực của bộ đội radar cũng rất căng thẳng và vất vả.

Trạm radar 585, thuộc Trung đoàn 251 thuộc Vùng 2 Hải quân đóng trên đỉnh Núi Lớn thuộc thành phố Vũng Tàu là một trong không nhiều đơn vị được trang bị hệ thống khí tài mới, hệ thống radar Scor 3000. Đây là radar cảnh giới bờ biển chuyên quan sát, phát hiện mục tiêu trên biển và trên không tầm thấp.

Phạm vi quan sát mục tiêu của trạm là trong phạm vi quan sát của radar Scor 3000, theo lý thuyết là 100 hải lý, cũng tùy thời điểm nó có thể phát hiện mục tiêu được 100 hải lý theo đúng tính năng kỹ thuật của radar Scor 3000 – Đại úy Nguyễn Ngọc Bính, Trạm trưởng Trạm radar 585, Trung đoàn 521.

Đại Úy Nguyễn Ngọc Bính là trạm trưởng của trạm radar 585. Đã 8 năm từ khi anh đặt chân lên đỉnh núi lớn nhận nhiệm vụ công tác tại trạm, hơn ai hết, anh hiểu những khó khăn, vất vả cũng như tầm quan trọng của những chiến sĩ hải quân radar.

Xác định rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội là không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là các tình huống trên biển. Những chiến sĩ radar hải quân như đại úy Bính luôn thấu hiểu công việc của mình đóng vai trò rất quan trọng để phát hiện từ sớm, từ xa mọi hành động, diễn biến trên biển, đặc biệt là những dấu hiệu, hành vi vi phạm của tàu thuyền, phương tiện xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc để sớm đưa ra những phương án xử lý, tác chiến kịp thời, chủ động.

“Bộ đội hải quân thì lướt sóng ra khơi nhưng mà chúng tôi thì quanh năm với đỉnh núi, gắn liền 24 giờ với màn hình sóng. Chiến trường của chúng tôi là màn hình sóng, chiến trường của hải quân khác là trên biển nhưng tất cả đều là phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Hệ thống tên lửa bờ

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh khu vực bờ biển và bảo đảm an toàn cho các tàu chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển đóng vai trò quan trọng.

Khi có xung đột quân sự xảy ra trên biển, đây cũng là lực lượng xung kích đầu tiên trong tấn công các mục tiêu vào bảo đảm tạo được không gian chiến trường cho các lực lượng khác chiến đấu trên biển.

Thành lập từ năm 2006, Lữ đoàn 681 thuộc Vùng 2 Hải quân đang sở hữu tổ hợp hệ thống tên lửa đất đối hải, tên lửa Bastion và tổ hợp radar Monolit-B do Nga sản xuất. Mỗi tổ hợp tên lửa Bastion có khả năng bảo vệ vùng bờ biển dài 600km. Còn tổ hợp radar Monolit-B được xem là “mắt thần” của tổ hợp tên lửa Bastion.

Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681 cho biết, Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân là lực lượng hỏa lực quan trọng của hải quân trong tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lữ đoàn 681 có vinh dự là đơn vị đầu tiên được trang bị tổ hợp tên lửa bờ Bastion và tổ hợp radar Monolit-B. Đây là tổ hợp vũ khí trang bị kỹ thuật rất hiện đại được ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật xung số, vi xử lý. Đặc điểm của tổ hợp tên lửa Bastion là có tính bí mật cao, cơ động nhanh và có thể triển khai chiến đấu trong nhiều địa hình khác nhau. Cự ly bắn của tên lửa xa, uy lực lớn, vận tốc của tên lửa bay nhanh làm cho hệ thống phòng không của đối phương khó có thể chống trả. Đây là những tính năng ưu việt vượt trội so với các tổ hợp tên lửa cũ trước đây. Ngoài ra, khi được trang bị tổ hợp tên lửa này, cùng với các lực lượng khác ở trong quân chủng hải quân, tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Một buổi huấn luyện chiến đấu hiệp đồng của các kíp trắc thủ. Khi tiếp nhận chỉ thị mục tiêu từ sở chỉ huy của lữ đoàn, lúc này xe radar sẽ tiến hành quan sát sục sạo và truyền thông tin mục tiêu về xe chỉ huy chiến đấu của trạm chỉ huy. Tại đây, các kỹ thuật viên của xe chỉ huy sẽ tiến hành giai đoạn giải các bài toán bắn, các tham số mục tiêu. Sau khi phân tích và lựa chọn, thông số này sẽ được chuyển cho xe bệ phóng. Tiếp nhận và tiến hành đánh đòn tên lửa vào mục tiêu. Các bài tập tình huống huấn luyện như thế này đòi hỏi các trắc thủ luôn phối hợp nhịp nhàng với các kỹ thuật viên trên xe, trạm thông tin radar và đội hỏa lực cũng hiệp đồng một cách nhuần nhuyễn.

Đội hỏa lực có đơn thiết bị có vai trò là quyết định để thực hiện thắng lợi là nhiệm vụ đánh đòn tên lửa vào mục tiêu của đối phương. Khi nhận được mệnh lệnh từ sở chỉ huy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, qua quá trình học tập chiến đấu, mỗi cán bộ chiến sĩ của đơn vị và đặc biệt các vị trí trong kíp chiến đấu kháng chiến, phải nắm chắc kỹ thuật chuyên ngành hay là về thuần thục các chiến thuật chuyên ngành để bảo đảm cho khi mà chúng ta tiếp nhận huấn luyện hiệp đồng chỉ thị hoặc là thực hiện huấn hiệp đồng chỉ thị mục tiêu giữa các đơn vị để thực hiện đánh tên lửa bảo đảm cho mối kíp chiến đấu sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Quá trình huấn luyện Lữ đoàn đã tập trung vào huấn luyện cho kíp trắc thủ theo phương án chiến đấu. Trọng tâm là phương án tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo và Lữ đoàn huấn luyện cho bộ đội sát với đối tượng tác chiến hiện nay như là: Đặc điểm của địch trong điều kiện địch tiến hành chiến tranh công nghệ cao, có sử dụng các phương tiện trinh sát có các chiến điện tử mạnh, huấn luyện cho bộ đội sát với điều kiện chiến trường của đơn vị như là: Triển khai vũ khí trang bị kỹ thuật ở nhiều dạng địa hình khác nhau và trong điều kiện đêm tối cơ động lực lượng trên các dải ven bờ biển, các loại địa hình đồi, núi cơ động đường bộ, đường biển – Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681 cho biết.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, các sĩ quan, kíp trắc thủ cũng phải trải qua về huấn luyện trên các bài tập mô phỏng, khi kiểm tra đạt chất lượng người học mới được thực hành trên vũ khí khí tài được biên chế. Việc luyện tập trên mô hình mô phỏng này là một trong những nội dung cơ bản trước khi làm nhiệm vụ thực tế trên xe, bài tập này giúp người học rút ra được những kinh nghiệm cần thiết trong xử lý các tình huống khi tác chiến, qua đó rèn luyện các kíp trắc thủ thuần thục về công nghệ số, cách dùng vũ khí công nghệ cao để chống lại vũ khí công nghệ cao.

Đại úy Nguyễn Phú Hà, Phó trạm trưởng Trạm chỉ huy chiến đấu, Lữ đoàn 681 chia sẻ; Nội dung huấn luyện thực hành công kích một đòn tấn công tên lửa vào mục tiêu tàu giả định. Chúng tôi luyện tập theo đúng kíp đã được phân công, một kíp xe chỉ huy chiến đấu, một kíp xe bệ phóng, một kíp xe radar. Đối với những bài tập mô phỏng nó mô phỏng lại gần như là 100% trên trang bị thật, nhằm nâng cao cái bản lĩnh cho học viên cũng như là bản lĩnh của người chỉ huy trong thao tác sử dụng vũ khí trang bị. Đặc biệt là đối với trang bị thật bảo đảm nghiêm ngặt về quy tắc an toàn, chúng tôi đặt huấn luyện thực hành làm chính để sau này cho học viên khi lên trang bị thật đỡ bỡ ngỡ cũng như thực hiện tốt các chức trách của mình trên các vị trí và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vũ khí trang bị kỹ thuật.

Bên cạnh việc huấn luyện trên các bài tập mô phỏng, việc huấn luyện chuyên sâu kiến thức chuyên ngành cũng được đơn vị chú trọng. Xác định rõ: Vũ khí, khí tài là quan trọng nhưng con người mới là yếu tố quyết định. Cán bộ chỉ huy lữ đoàn cũng là những chuyên gia, người thầy tận tâm chuyển giao những kinh nghiệm học tập từ nước ngoài

Quân chủng hải quân cũng đã rất quan tâm và đưa lên các đồng chí có năng lực, có trình độ, đặc biệt là những đồng chí học ở nước ngoài, học ở trong nước nhưng mà có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn tốt, đào tạo để đi nhận trang bị và nhanh chóng đến làm chủ trang bị vào để sử dụng ngay – Đại tá Lê Bá Quân, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Vùng 2 Hải quân.

Trước khi đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 681, Trung tá Trần Trung Dũng đã có thời gian gần một năm đào tạo tại Nga. Trở về nước, anh cùng với các đồng chí của đơn vị biên dịch tài liệu, biên soạn, xây dựng thiết kế khung bài tập giảng dạy phù hợp để khai thác, vận hành, phát huy được những tính năng của vũ khí trang bị, bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu.

Quân chủng chia kíp chúng tôi thành nhiều đối tượng, những đối tượng huấn luyện đối với từng kíp trắc thủ. Kíp trắc thủ của đội hỏa lực trong đó chia một cây kíp có 8 đồng chí là chuyên gia đầu ngành để huấn luyện chuyên sâu với bộ phận này, đấy là lực lượng sau này sẽ là nòng cốt để tham gia về bảo đảm kỹ thuật, để huấn luyện sửa chữa và truyền thụ lại kiến thức cho những thế hệ tiếp theo. Chúng tôi sẽ lựa chọn chia thành các lớp học và cử những đồng chí có kinh nghiệm, có kiến thức tốt để truyền đạt lại kiến thức cho các đồng chí mới.

Lữ đoàn xác định huấn luyện cái tổ hợp này là khó, cho nên huấn luyện phải theo quy trình từ thấp đến cao, từ lý thuyết đến thực hành, từ đơn giản đến phức tạp, từ trên mô phỏng đến trang bị thật. Huấn luyện cho bộ đội nắm chắc được các nguyên lý hoạt động của các hệ thống của các máy để từ đó làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, kiểm sửa dự phòng để duy trì độ bền và bảo đảm cho vũ khí luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu – Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681.

Lữ đoàn 681 đóng quân ở tỉnh Bình Thuận, là địa bàn có điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao và ảnh hưởng của hơi nước biển. Nếu không lau chùi, kiểm tra và bảo quản hút ẩm sấy khô thường xuyên, môi trường thời tiết sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của tham số và tính đồng bộ của vũ khí. Công tác bảo quản các trang thiết bị vũ khí được thực hiện theo quy định. Hàng ngày vào các buổi sáng, đơn vị sẽ tiến hành lau xương, buổi chiều lau bụi bảo quản định kỳ tuần, tháng, tất cả đạn, tên lửa đều được bảo quản theo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đạn luôn ở trạng thái tốt nhất đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, kéo dài niên hạn sử dụng.

Xây dựng đầy đủ các quy trình và các nội dung bảo quản bảo dưỡng đối với từng loại trang bị kỹ thuật, tổ chức duy trì thực hiện ngày kỹ thuật đầy đủ, đúng, đủ nội dung và đủ thời gian. Trong quá trình thực hiện ngày kỹ thuật, chỉ huy các cấp thường xuyên đi kiểm tra và yêu cầu các nhân viên kỹ thuật đã thực hiện đầy đủ và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng trang bị là được đảm bảo tình trạng vũ khí trang bị kỹ thuật của đơn vị thì luôn có tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo các cái thông số kỹ thuật – Thiếu tá Phan Quốc Nhung, Trạm trưởng Trạm kỹ thuật.

Xuất phát từ thực tiễn quá trình huấn luyện tại đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 681 đã có những sáng kiến nhằm cải tiến kỹ thuật, bảo quản vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, đây là thiết bị kiểm tra, hiệu chỉnh và sửa chữa các phần tử trong hệ thống thủy lực.

Lữ đoàn 681 đã đưa vào sử dụng nhằm rút ngắn thời gian bảo dưỡng kiểm sửa và hiệu chỉnh các phần tử cảm biến trong hệ thống thủy lực trên hệ thống tên lửa Bastion và radar Monolit B.

Sáng kiến của chúng tôi xuất phát với mục tiêu duy trì hệ số kỹ thuật cao nhất cho trang bị, bảo đảm khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Từ khi thiết bị ra đời và được các cấp phê duyệt đưa vào sử dụng, hiệu quả cho thấy là chúng tôi đã giảm sự phụ thuộc vào cơ sở kỹ thuật cấp trên đối với công tác sửa chữa kiểm thử. Như trước đây, chúng tôi phải chờ đến các cơ sở kỹ thuật cấp trên đến đơn vị rất là lâu. Hiện nay chúng tôi đã có thể xử lý các tình huống đó tại chỗ, ngoài ra chúng tôi còn huấn luyện được cho cán bộ nhân viên kỹ thuật trong toàn lữ đoàn có thể nắm được kết cấu, nguyên lý hoạt động. Từ đó nhân rộng ra để anh em có thể trực tiếp sửa chữa ngay trên trang bị – Thiếu tá Phạm Trung Thông, Phòng Kỹ thuật.

Làm chủ khí tài hiện đại bằng tinh thần sáng tạo và huấn luyện thực chất đã giúp những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 681 ổn định bản lĩnh, trình độ. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình thao tác ở bất cứ công đoạn nào cũng sẽ dẫn đến kết quả không chính xác. Trong những bộ máy nhỏ này, những người lính Hải quân vẫn miệt mài rèn luyện, vẽ dáng bay cho những tên lửa mang dáng hình cầu vồng. Họ chính là những lá chắn thép, là thành trì vững chắc bảo vệ Tổ quốc từ bờ biển.

Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng của Đảng và Nhà nước, Hải quân Việt Nam đã sở hữu lực lượng phòng thủ bờ biển nhiều tầng lớp hiện đại, đủ sức ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đổ bộ từ biển, nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hải quân Nhân dân Việt Nam phối hợp với các lực lượng khác như Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng… tất cả đã góp phần tạo nên hệ thống quốc phòng biển nhiều tầng lớp để đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới