Wednesday, May 1, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuy hoạch 13ha ở vịnh Nha Trang để nuôi hải sản công...

Quy hoạch 13ha ở vịnh Nha Trang để nuôi hải sản công nghệ cao

Khánh Hòa – Tại vịnh Nha Trang, vùng biển nuôi theo hướng công nghệ cao Tây Trí Nguyên với diện tích vùng nuôi khoảng 13ha, ưu tiên nuôi tôm hùm xanh, tôm hùm bông, cá bớp, cá chẽm, cá chim.

Hòn Mun nằm trong hệ thống đảo thuộc vịnh Nha Trang.

Ngày 2.2, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao”.

Nuôi biển công nghệ cao ở Tây Trí Nguyên thuộc vịnh Nha Trang

Nội dung của đề án tập trung phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển đến 3 hải lý vùng nước thuộc huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hoà và vịnh Nha Trang.

Tại vùng nước thuộc huyện Vạn Ninh sẽ tập trung phát triển khu vực vùng biển nuôi công nghệ cao Nam Đại Lãnh, Nam Mũi Đôi, Tây Nam và Tây Bắc Lạch Cửa Bé, Nam Hòn Me, Vũng Ké, Mũi Cổ Cò, Cùm Meo và Bắc Cùm Meo, Rạn Trào.

Còn vùng nước thuộc thị xã Ninh Hoà tập trung phát triển khu vực Tây Nam Hòn Chà Là, Bãi Giông, Hòn Thị, Tây Nam Hòn Lăng – Hòn Giữa.

Riêng tại vịnh Nha Trang, vùng biển nuôi theo hướng công nghệ cao Tây Trí Nguyên với diện tích vùng nuôi khoảng 13ha, độ sâu từ 8 – 15 m, nền đáy bùn cát. Tại đây, địa phương sẽ ưu tiên nuôi tôm hùm xanh, tôm hùm bông, cá bớp, cá chẽm, cá chim…

Đối với 3 vùng nuôi nói trên, sẽ áp dụng một số công nghệ nuôi biển như tổ hợp công nghệ lồng nổi HDPE có thể di chuyển, kết hợp công nghệ bổ trợ như cho ăn tự động, giám sát yếu tố môi trường tự động, năng lượng mặt trời, camera giám sát hoạt động của vật nuôi…

Theo đề án, với vùng nuôi từ 3 đến 6 hải lý sẽ tập trung tại vùng biển ở Vạn Ninh (phía nam Đại Lãnh với 460ha và Bắc Hòn Đen với 174ha); vùng biển ở Ninh Hoà (phía nam Hòn Chà Là với 71ha); vùng biển ở Nha Trang (xung quanh Hòn Dung với 403ha, Đầm Bấy – Bích Đầm với 56ha); vùng biển ở Cam Lâm (phía nam Hòn Nội với 109ha).

Kinh phí thực hiện đề án là 1.000 tỉ đồng

Theo đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Khánh Hòa cho biết kinh phí thực hiện đến năm 2029 (thí điểm) là 1.000 tỉ đồng trong đó, ngân sách tỉnh 300 tỉ đồng, vốn người nuôi đóng góp 400 tỉ đồng. Số còn lại là vốn vay chính sách tín dụng ưu đãi và từ các tổ chức tín dụng khác.

Mục tiêu chung của đề án phát triển nuôi biển tỉnh Khánh Hòa nhằm góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, địa phương hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới