Thursday, May 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau”

“Tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau”

Đó là nguyên tắc giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc mới đưa ra. Cách khái quát ngắn gọn, chắc nịch, dễ nhớ (nhưng không dễ làm) này vốn là sách lược mềm của Bắc Kinh, một cách tiến thận trọng, hoặc là rút lui có trật tự.

Một khi đã hiểu đối tác-đối tượng thì sẽ có cách xử lý hiệu quả, nhất là trong tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo như hiện nay.

Câu chuyện chúng ta bàn đến hôm nay là một cuộc gặp gỡ (hội đàm) nóng hổi vừa diễn ra trong những ngày áp tết nguyên đán Giáp Thìn – cái Tết truyền thống của Việt Nam-Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Ngày Tết nói chuyện với nhau thì dễ cởi mở và sự chân thành, tin cậy cũng được đề cao.

Trong cuộc gặp này hai ông “Tổng” Việt Nam và Trung Quốc đã bàn đến việc tiếp tục tháo cởi những bất hòa tồn tại lâu nay trên Biển Đông giữa hai nước. Cuộc gặp diễn ra hôm 4/2. Đại diện Việt Nam là ông Nguyễn Minh Vũ – Tổng Thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Còn người đối thoại là ông Nông Dung – Tổng Thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam.

Kể ra mới đầu năm Tây cuối năm Ta đã có cuộc gặp thiện chí thế này là rất tốt. Bởi đây sẽ là tín hiệu tốt lành cho những yên ắng trên Biển Đông nói riêng và quan hệ hai nước Việt Trung nói chung, vừa được nâng cấp “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Và cố nhiên, phía sau hai ông “Tổng” là ông Ngoại trưởng, là lãnh đạo Đảng và Nhà nước của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về thể chế lãnh đạo, với vai trò đảng cầm quyền thống soái đời sống chính trị- xã hội.

Cuộc gặp bàn đến nhiều nội dung, trong không khí “thẳng thắn, chân thành” và đi đến cái kết luận khá là chuẩn chỉ: Hai bên đồng ý nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng trên biển theo nguyên tắc tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau, bên cạnh những hợp tác về kinh tế, thương mại, giao thông.

Về những vướng mắc kéo đài từ nhiều năm nay trên biển, ông “Tổng” Vũ phía Việt Nam đề nghị, cần thật sự tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nhau. Nhấn mạnh từ “thật sự” là bởi vì, trước nay đã nói quá nhiều, nay thì phải tìm cách làm thật, làm bằng được, không để xảy ra các vụ việc phức tạp gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, trước mắt là xử lý thỏa đáng những vấn đề về đánh bắt cá và hoạt động của ngư dân ở các vùng biển đang có tranh chấp.

Còn ông “Tổng” Nông phía Trung Quốc thì nói gì? Ngoài việc trao đổi quan điểm về các vấn đề trên biển, ông Nông cho rằng, quan hệ song phương Việt -Trung trong thời gian gần đây có những bước phát triển tích cực. Tới đây cần chú trọng đến việc mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, kết nối giao thông, cũng như thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh và ngoại giao.

Trong cuộc gặp gỡ, đại diện ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc nhấn mạnh: Cần phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển theo nguyên tắc tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau, cùng các nước ASEAN thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hơn nữa để sớm thông qua được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Việt Nam-Trung Quốc đã có nhiều cuộc đối thoại tương tự, đã quá hiểu nhau. Cùng hướng tới “những điều tốt đẹp”, nhưng trên thực tế thì không như vậy. Trên Biển Đông đã xảy ra nhiều vụ việc dẫn đến căng thẳng trong khu vực tranh chấp. Tờ South China Morning Post hôm 4/2 dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã rất khôn khéo, uyển chuyển, tìm cách quản lý và tách biệt những vấn đề trên biển khỏi các mối quan hệ song phương khác, không để cho những xung đột trên biển dẫn đến đối đầu.

Còn Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động “đáng ngờ” trên biển. Theo tài liệu nước ngoài, vào đầu tháng 1/2024, Hải cảnh nước này đã tiến hành một cuộc “tuần tra xâm nhập” để khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các mỏ dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính ở vị trí phía nam của tuyến đường thủy tranh chấp. Đây là lần thứ ba trong vòng 30 ngày tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc đi tuần ở các lô dầu khí phía Nam Việt Nam.

Trước những diễn biến không như trong nghị trường và trên văn bản, chủ trương của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải quốc tế thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan.

Trong cuộc đấu tranh ngoại giao lâu dài này, Hà Nội đã luôn kiên trì; đã phát huy năng lực căn bản nhất là khả năng thực thi của lực lượng chấp pháp trên biển, chống tiếp cận trên biển, đồng thời tận dụng tối đa từng km2 trên biển để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Trong trường hợp không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì sẽ tìm cách giải quyết bằng các phương thức khác, như trung gian hòa giải, hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế, nhờ sự can thiệp, phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật biển và các Tòa Trọng tài.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới