Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề những bước đi “khôn ngoan”

Về những bước đi “khôn ngoan”

Mới đây, hôm 30/1/2024, Việt Nam và Philippines đã ký kết hai bản ghi nhớ an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển”. Tuy có những điểm tương đồng, nhưng quan điểm và thái độ của hai nước không hoàn toàn thống nhất, nhất là trong cách hành xử với Trung Quốc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Philippines chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ Việt Nam – Philippines về phòng ngừa và quản lý sự cố trên Biển Đông.

Hà Nội nhận định, những tranh chấp ở Biển Đông là khó tránh khỏi và sẽ kéo dài, cần tìm cách tránh xung đột quân sự. Do vậy, Việt Nam có chiến lược cụ thể như thế nào để có thể bảo vệ, đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông?

Theo giáo sư Alexander Vuving – Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ – gần đây Hà Nội thường nhắc đến mấy chữ K là “kiên quyết”, “kiên trì”… Còn cụ thể, chiến lược của nước này, giáo sư tạm gọi là “mỗi thứ một chút”. Họ sử dụng hầu như các công cụ, từ “quyền lực cứng” đến “quyền lực mềm” để ứng xử với Trung Quốc trong từng vấn đề trước mắt cũng như lâu dài ở Biển Đông.

Trước hết, về quyền lực cứng. Đó là, tìm mọi giải pháp để tăng cường lực lượng quân sự. Điểm nổi bật trong chiến lược quân sự của Việt Nam là tùng bước hiện đại hóa quân đội, tiến lên chính quy, tinh nhuệ. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các quân chủng Hải quân và Không quân, là các lực lượng được sử dụng nhiều ở Biển Đông. Quân đội đã tập trung mua sắm nhiều trang thiết bị, vũ khí, khí tài, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Không dừng ở đó, Bộ Quốc phòng đã trang bị thêm cho những lực lượng bán quân sự như hải cảnh, với phương châm đẩy mạnh “chiến tranh nhân dân” trên biển.

Tiến hành đồng thời với các biện pháp quân sự là hàng loạt biện pháp phi quân sự. Có thể kể đến là: Giữ vững chủ quyền ở khu vực đặc quyền kinh tế bằng những hoạt động kinh tế, nhất là khai thác dầu khí. Chú trọng đến hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, có sự “chống lưng” của các siêu cường (Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản) nhằm giữ chủ quyền trên biển Đông. Theo cách này, phần nào “quốc tế hóa”, dùng lực lượng phi quân sự từ bên ngoài để phòng thủ và răn đe Trung Quốc.

Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam tranh thủ đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo tìm cách chứng minh có lợi nhất về pháp lý cho mình, nhưng luôn tỏ ra khách quan, khoa học, giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế. Rất bài bản, khôn ngoan, khi Việt Nam lập ra một nhóm bạn bè ủng hộ Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOC-1982) ở Liên hợp quốc. Khi mới lập ra lúc đầu chỉ có hơn 10 nước, trong đó Việt Nam và Đức đồng chủ trì, tới nay đã có tới 110 đến 120 nước, bao gồm Nga và Trung Quốc.

“Khôn ngoan” hơn nữa, trong các Tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước, đều “cài” vấn đề Biển Đông, tìm mọi cách để lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình. Và bao giờ các nước cũng dễ dàng thống nhất những quan điểm chung chung “chẳng chết ai” như: Tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác về kinh tế để đưa các nước vào nhằm tạo sự đan xen lợi ích của nước ngoài với mình.

Cái cách đưa người ngoài cuộc vào nhóm “cùng hội cùng thuyền” như thế này có hiệu quả hay không thì phải chờ thời gian trả lời. Nhưng ít nhất cũng khiến cho Bắc Kinh ngại ngần, đụng vào Việt Nam là đụng đến nhiều “đồng minh” của họ.

Về “quyền lực mềm” thì thấy rõ đó là đường lối “ngoại giao cây tre”, là phát huy sức mạnh văn hóa trong kinh tế, chính trị. Việt Nam phát huy tình hữu nghị, đoàn kết anh em giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam- Trung Quốc để Bắc Kinh dịu bớt những tính toán hung hăng trên Biển Đông.

Như vậy, cần khẳng định, trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2023, Việt Nam đã tìm mọi cách, sử dụng quyền lực từ cứng cho đến mềm và tỏ ra khá hiệu quả. Vẫn biết chiến lược này không phải là bất biến, nó có thể có nhiều mũi tên chĩa ra nhiều hướng. Những mũi tên lúc dài lúc ngắn tùy từng thời kỳ. Cái này Hà Nội vốn nhiều kinh nghiệm, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhiều khi phòng thủ tốt là để tấn công chắc thắng.

Bây giờ chúng tôi xin đề cập đến những chủ trương cụ thể, rõ nét của Hà Nội về vấn đề bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Các chủ trương nhất quán đó được xác định bởi các nguyên tắc cơ bản:

Một là, tuân thủ pháp luật quốc tế. Vấn đề cốt lõi là, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc và quy định của Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc; thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hai là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của mình. Vấn đề này bao gồm việc bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên, bảo đảm an ninh hàng hải và hòa bình trong khu vực.

Ba là, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác. Thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp theo đúng các cơ chế hòa bình, thông qua đàm phán trực tiếp, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOC-1982). Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên Biển Đông.

Cuối cùng là giải quyết tranh chấp theo đúng quy trình pháp luật. Ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua các phương tiện pháp lý và cơ chế quốc tế, bao gồm sự giải quyết qua Tòa án Trọng tài quốc tế, đàm phán song phương, hoặc đa phương và các cơ chế hòa giải khác.

Xem ra những điều nêu trên đã quá quen thuộc, như câu trả lời của một người thuộc bài. Thế nhưng cả hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam đều đã quen cách nói “như sách”. Cứ như thế “mưa dầm thấm lâu”. Không nói sẽ bị cho là đuối lý, là đồng ý với yêu sách của Trung Quốc.

Nói gì thì nói, câu cuối cùng của người Việt Nam phải là: Trường Sa, Hoàng Sa là của chúng ta.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới