Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnNgư dân Philippines đương đầu với hải cảnh TQ

Ngư dân Philippines đương đầu với hải cảnh TQ

Trong hơn 1 năm qua, dưới thời của Tổng thống Philippines, chính quyền Manila tỏ ra mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong việc đối phó với các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân Philippines trong việc đương đầu với các lực lượng trên biển của Trung Quốc. Sự việc diễn ra ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 đã thể hiện rõ điều này.

Ngày 23/1/2024, một thuyền trưởng tàu đánh cá Philippines đã phản đối hành động gây hấn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp. Ông nói rằng hải cảnh Trung Quốc đã đuổi ông và các thuyền viên của ông ra khỏi bãi cạn tranh chấp và ra lệnh cho họ thả xuống biển những sản phẩm đã đánh bắt. Cuộc đối đầu trực tiếp diễn ra vào ngày 12/1, nhưng ngư dân Philippines Joely Saligan và thuyền viên của ông sau này mới báo cáo lại cho lực lượng tuần duyên Manila khi trở về sau chuyến đi biển. Vụ việc đang thử thách những nỗ lực của Trung Quốc và Philippines nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông – một điểm nóng tiềm tàng ở châu Á.

Ảnh minh họa

Các ngư dân, do ông Saligan dẫn đầu, đã báo cáo với lực lượng tuần duyên Philippines rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đuổi họ ra khỏi Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở ngoài khơi phía Tây Bắc Philippines vào ngày 12/1 và ra lệnh cho họ thả cá và sò đã đánh bắt được xuống biển. Cuộc đối đầu xảy ra trên một mỏm san hô nhô lên khỏi mặt biển giống như một hòn đảo nhỏ khi thủy triều xuống. Ông Saligan và người của ông đã lấy một chiếc xuồng ba lá từ thuyền mẹ của họ để đi lượm vỏ sò và cá làm thức ăn trong chuyến hành trình trên biển. Tuy nhiên, 5 hải cảnh Trung Quốc, trong đó có 3 người được trang bị dùi cui thép, đã đi thuyền theo xuống đảo và ra lệnh cho ngư dân rời đi. Một nhân viên hải cảnh Trung Quốc định tịch thu điện thoại di động của một ngư dân Philippines, nhưng người này chống cự bằng cách đẩy tay viên chức này ra. Ông Saligan cho biết cả hai bên đều ghi lại cuộc đối đầu bằng máy quay video hoặc điện thoại di động.

Trong lúc đối mặt với lực lượng hải cảnh Trung Quốc, ông Saligan đã hét lên: “Đây là lãnh thổ của Philippines. Hãy cút đi!”. Theo ông Saligan, khi ông quả quyết rằng họ (hải cảnh Trung Quốc) nên rời khỏi bãi cạn ngay lập tức thì người Trung Quốc không nói gì và ra dấu bằng tay. Ông Saligan nói với một số nhà báo ở Manila: “Họ trông có vẻ giận dữ. Họ muốn chúng tôi thả sản phẩm đánh bắt được về biển. Điều đó thật vô nhân đạo vì đó là thực phẩm mà con người không nên bị tước đoạt”. Dưới áp lực của hải cảnh Trung Quốc ông Saligan quyết định vứt một số vỏ sò và cá mới lượm được xuống biển rồi dùng thuyền quay trở lại tàu mẹ của mình – chiếc F/V Vhrayle – để ngăn tranh chấp leo thang.

Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines – Tướng Jay Tarriela – cho biết những lời khai bằng văn bản và video do ông Saligan và người của ông cung cấp đã được lực lượng này xác nhận là chính xác. Một báo cáo sẽ được đệ trình lên một nhóm liên ngành của chính phủ đang giải quyết các tranh chấp lãnh thổ vốn âm ỉ kéo dài để có những hành động khả thi, bao gồm cả việc trình kháng thư mới chống lại Trung Quốc. Ông Tarriela nói trong một cuộc họp báo: “Những hành động đó thực sự bất hợp pháp, và hành vi quấy rối mà họ gây ra với ngư dân Philippines của chúng tôi là không thể chấp nhận được”.

Ngày 22/1/2024 ông Jonathan Malaya – người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines – nói rằng Philippines lên án “hành động khiêu khích” mới nhất của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân Philippines. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Malaya đã đề cập đến báo cáo của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hồi cuối tuần về sự cố hôm 12/1, trong đó lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã ép buộc ngư dân trả lại vỏ sò thu được gần Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, sau đó đuổi họ đi.

Mặc dù không phải vụ va chạm lớn, nhưng vụ việc xảy ra sau 1 năm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi yêu sách “Đường 9 đoạn” mở rộng của Trung Quốc chồng lấn lên phần lớn Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác. Bãi cạn Scarborough, thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc kể từ khi xung đột với Philippines vào năm 2012, đã trở thành tâm điểm căng thẳng, khi lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cáo buộc đối tác Trung Quốc giăng hàng rào phao nổi tại lối vào đầm phá của bãi cạn này để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cắt bỏ hàng rào này vào tháng 9 năm ngoái. Trong một sự cố vào tháng trước, chính phủ Philippines tuyên bố một tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng áp suất cao “ít nhất 8 lần” vào một tàu của Cục nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines ở gần bãi cạn.

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực vụ kiện Biển Đông đã khẳng định quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines và ngư dân Việt Nam tại khu vực Bãi cạn Scarborough, song Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết và ngang nhiên khẳng định chủ quyền của Trung Quốc và quyền bảo vệ đối với bãi cạn này, đồng thời xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn khiến dư luận Philippines hết sức bất bình.

Các sự cố tương tự cũng xảy ra ở Bãi Cỏ Mây, nơi Bắc Kinh áp đặt lệnh phong tỏa không chính thức trong phần lớn thời gian của năm 2023. Điều này đã dẫn đến một số cuộc đối đầu, trong đó có vụ việc hồi tháng 10/2023 khi tàu Trung Quốc va chạm với tàu công vụ của Philippines đang tiếp tế cho binh sĩ đóng trên tàu chiến bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây. Các tàu Trung Quốc cũng đã sử dụng vòi rồng công suất lớn và tia laser cấp quân sự để xua đuổi các tàu tiếp tế của Philippines. Những cuộc đối đầu leo thang này đã đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila xuống mức thấp nhất trong ít nhất một thập kỷ, đồng thời thúc đẩy sự hội tụ giữa Philippines và các đối tác hiện có của nước này, đặc biệt là Mỹ, Úc, Nhật Bản, Pháp và mới đây nhất là Canada.

Những phát biểu của ông Malaya được đưa ra vài ngày sau khi Philippines và Canada ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, một động thái mà Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho rằng sau này có thể dẫn đến một hiệp ước giống như Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) mà Philippines đã ký với Mỹ. VFA là thỏa thuận về việc luân chuyển hàng nghìn binh sĩ Mỹ tới Philippines để tập trận. Canada thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines khi Trung Quốc tăng cường hành động quyết đoán ở Biển Đông. Đặc biệt, nước này bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Căng thẳng Trung Quốc-Philippines trên Biển Đông ngày càng gia tăng và lo ngại rằng điều đó có thể vô tình dẫn đến xung đột “nóng” đã thúc đẩy các cuộc đàm phán được tổ chức vào trung tuần tháng 1 vừa rồi giữa Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nong Rong và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro. Tuyên bố hôm 17/1 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp lần thứ 8 của Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc-Philippines về Biển Đông tại Thượng Hải, hai bên đã thảo luận về những vụ việc phức tạp trên biển đã xảy ra trong năm 2023, đồng thời tái khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông “không phải là toàn bộ câu chuyện của quan hệ song phương”. Cả hai quan chức đều tin rằng “duy trì liên lạc và đối thoại là điều cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trên biển”. Trong tuyên bố riêng về cuộc họp, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết cả hai bên “đồng ý bình tĩnh giải quyết các sự cố, nếu có, thông qua kênh ngoại giao”. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Philippines cam kết giải quyết các yêu sách hàng hải khác nhau thông qua các kênh ngoại giao, ngay cả ở cấp cao nhất tháng 1/2023, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Marcos, hai bên đã cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhưng trong cả năm 2023 căng thẳng giữa hai bên vẫn không ngừng gia tăng. Do vậy, khó có thể nói rằng sự nhất trí giữa hai bên trong cuộc tham vấn lần thứ 8 hôm 17/1/2024 sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào đối với tình hình ngoài khơi. Nếu hai bên không thực sự mong muốn đàm phán một cách thiện chí, đặc biệt là về phía Trung Quốc, các cuộc đối đầu ở ngoài khơi dường như sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới