Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngÝ tưởng về một bộ quy tắc ứng xử riêng của các...

Ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử riêng của các nước nhỏ ven Biển Đông

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. mới đây đưa ra ý tưởng về một việc Manila cùng với các nước Đông Nam Á liên quan tranh chấp ở Biển Đông thảo luận một Bộ Quy tắc Ứng xử riêng ở Biển Đông. Tổng thống Marcos cho biết nước ông vừa tiếp cận các nước láng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một Bộ Quy tắc Ứng xử riêng liên quan đến Biển Đông, với lý do tiến triển còn hạn chế trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, thủ phủ của Hawaii ngày 18/11/2023, Tổng thống Philippines Marcos Jr. cho rằng: tình hình tại những vùng lãnh hải đang có tranh chấp ‘ngày càng thảm hại’ do thái độ lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Bắc Kinh về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) lại rất chậm chạp, hạn chế.

Ông Marcos Jr. giải thích rằng căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và nhiều nước láng giềng để duy trì hòa bình an ninh cho các tuyến đường hàng hải rất quan trọng trong khu vực. Cũng tại sự kiện ở Hawaii, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos một lần nữa khẳng định nước ông sẽ không từ bỏ “một mét vuông lãnh thổ của mình” trong nỗ lực chống lại thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tổng thống Marcos còn cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc đã “bắt đầu thể hiện sự quan tâm” với việc xây dựng căn cứ ở các bãi đá có vị trí “ngày càng gần bờ biển của Philippines hơn”.

Đáng chú ý, những nhận xét của ông Marcos tại Hawaii được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/11, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco (Mỹ), trong bối cảnh dự thảo văn bản đàm phán duy nhất về COC mà Trung Quốc và ASEAN đàm phán trong suốt 2 thập niên qua vẫn tiến triển chậm chạp, cho dù các bên liên quan cam kết thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về COC. Điều này phản ánh chính quyền của Tổng thống Marcos không còn tin vào giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Đề cập đến những nỗ lực của nhóm các quốc gia Đông Nam Á trong đàm phán về COC, ông Marcos nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi COC giữa Trung Quốc và ASEAN, đáng tiếc là tiến độ này diễn ra khá chậm. Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, Malaysia là một quốc gia nữa, để xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi. Hy vọng việc này sẽ mở rộng hơn nữa và mở rộng sang các nước ASEAN khác”.

Giới quan sát cho rằng kể từ năm 2002 khi hai bên ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một văn bản không có tính ràng buộc mà chỉ thể hiện ý chí chính trị của các bên tham gia, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hoá hàng loạt thực thể trên vùng biển này, và hung hăng đối đầu với các nước nhỏ hơn bằng cách áp dụng chiến thuật “vùng xám”. Điều này khiến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp bởi yêu sách của Trung Quốc, tỏ ra chán nản với triển vọng về việc đạt được một COC với cường quốc số hai thế giới. Không những thế, các hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên thực địa cũng đặt dấu hỏi lớn về việc liệu nước này có tuân thủ cam kết ngay cả khi một đợi COC đã được ký kết.

Năm 2022, trong cuộc họp ở Phnom Penh, Campuchia nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) “lịch sử”, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Khắc Cường đã cùng với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khẳng định tuân thủ “các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước về Luật biển 1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và nhiều nguyên tắc phổ quát khác được luật pháp quốc tế công nhận, làm nền tảng cho các tiêu chuẩn cơ bản cho mối quan hệ giữa các quốc gia”. Thực tế tình hình khu vực không những không được cải thiện như cam kết của Bắc Kinh cách đây một năm mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn, những hành động hung hăng của tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc nhắm vào tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây trong những tháng gần đây là minh chứng rõ ràng nhất về leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt và căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang, việc cần sớm có một Bộ Quy tắc Ứng xử để điều tiết các hoạt động ở Biển Đông là hết sức cần thiết. Tuy nhiên đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc dậm chân tại chỗ, Bắc Kinh tìm mọi cách thao túng tiến trình đàm phán thì đề xuất của Tổng thống Marcos Jr. là rất đúng thời điểm. Nếu các nước ASEAN có thể sớm thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử riêng sẽ rất có ý nghĩa: (i) thể hiện tính độc lập không lệ thuộc vào các nước lớn của ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực; (ii) nếu ASEAN có được Bộ Quy tắc Ứng xử riêng ở Biển Đông sẽ đặt Trung Quốc vào thế bị động, không thể thao túng vấn đề Biển Đông.

Từ ý tưởng của Tổng thống Marcos Jr., một số học giả đề xuất: để dễ được thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông riêng nên được ký kết giữa các thành viên ASEAN ven Biển Đông, có lợi ích liên quan trực tiếp tới tranh chấp và tự do an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, bởi Trung Quốc luôn tìm các phân hóa chia rẽ các nước ASEAN và trên thực tế đã có nước “chống lưng” cho Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông nên việc cả ASEAN đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ khó khăn hơn. Bộ Quy tắc được thông qua nên để mở cho các nước trong và ngoài khu vực tham gia để các thành viên ASEAN khác và kể cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, các nước châu Âu… có thể tham gia. Điều này sẽ tạo một áp lực lớn lên Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.

Nhà bình luận Sebastian Strangio của “The Diplomat”, chuyên gia về vùng Đông Nam Á nhận định lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Philippines về một sự hợp tác mới trong khu vực phản ảnh rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp các nỗ lực từ năm 2002, khả năng ASEAN đạt được một thỏa thuận về COC mang tính ràng buộc sau các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất thấp. Một mặt vì ASEAN khó khăn dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc không thực tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc. 

Đánh giá về diễn biến mới nhất này, ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Biển Đông và Trung Quốc, cho rằng: “Đây là dấu hiệu cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đang tỏ ra khó chịu, và thể hiện sự buông xuôi trước cách tiếp cận của Trung Quốc. Có lẽ vì thế mà Philippines, nước chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc trên khu vực Biển Đông, đã tìm cách loại Trung Quốc ra khỏi các sáng kiến liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, và thay vào đó là làm việc trực tiếp với các nước Đông Nam Á khác có chung quan ngại”.

Ông Bill Hayton nhận định đây là sáng kiến tốt để giúp các nước Đông Nam Á giải quyết các bất đồng với nhau. Ngoài ra, ông còn cho rằng bước đi này sẽ giúp các nước ASEAN buộc Trung Quốc phải xem xét lại thái độ và hành vi của họ, và phải đưa ra cách điều chỉnh: “Nếu sau này Trung Quốc muốn tham gia thì càng tốt, họ là nước gây ra hầu hết các vấn đề trên Biển Đông, thế nên việc họ vắng mặt trong Bộ Quy tắc Ứng xử này sẽ không giúp làm giảm đi nguy cơ xung đột. Thế nhưng, đây là ý tưởng rất tốt nhằm buộc Trung Quốc phải có những động thái rất cụ thể”.

Liên quan tới ý tưởng mà Tổng thống Marcos Jr. đưa ra về việc Philippines, Malaysia, cùng Việt Nam tạo ra Bộ Quy tắc Ứng xử riêng trên Biển Đông Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á-Thái bình Dương thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận định: “Tôi cho rằng đây chính là giải pháp bởi vì cần phải có một cách tiếp cận mang tính pháp lý để đối phó với chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc. Hiện giờ thì mới chỉ dừng lại ở lời nói, các nước trong khu vực cần loại bỏ Trung Quốc ra khỏi vấn đề này và tự đàm phán với nhau, và cộng đồng quốc tế sau đó sẽ có thể ủng hộ nỗ lực của ASEAN. Sáng kiến này trước hết sẽ giúp các nước trong khối ASEAN giải quyết các bất đồng nội bộ, dù những bất đồng đó không quá nghiêm trọng. Từ đó sẽ gây dựng được sự đoàn kết giữa các nước có tuyên bố chủ quyền, và khiến Trung Quốc gặp rắc rối, có khi còn có thể khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động và bị cô lập”.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Carlyle Thayer thì Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách ngăn cản nỗ lực tìm kiếm sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, bởi Trung Quốc từ trước đến nay vẫn một mực từ chối bất cứ cách tiếp cận đa phương nào đối với vấn đề Biển Đông. Ông nói: “Trung Quốc có thể tiếp tục áp dụng chiến thuật ‘vùng xám’, nói theo cách khác thì thái độ của Trung Quốc sẽ là để mặc cho các nước Đông Nam Á cứ việc nói chuyện với nhau, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện diện, tiếp tục thách thức, và làm suy yếu mọi nỗ lực hợp tác của các nước. Hoặc Trung Quốc cũng có thể thực hiện ngoại giao hậu trường, gây áp lực chính trị lên các nước và nói rằng đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và nước liên quan, và họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này”.

Phản ứng trước động thái mới của Tổng thống Marcos, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã cảnh báo tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 20/11 rằng “bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của DOC ở Biển Đông đều vô hiệu”; đồng thời ngang nhiên nói rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc “là vấn đề hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác không có quyền chỉ tay vào việc đó” và tiếp tục giọng điệu đổi trắng thay đen rằng: “Lập trường và tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông là có cơ sở lịch sử và luật pháp vững chắc”.

Các nhà phân tích nhận định việc một số nước Đông Nam Á chưa giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cản trở việc hình thành một mặt trận thống nhất phản đối các đòi hỏi quá mức của Bắc Kinh. Một bộ quy tắc không chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể là tiền đề cho một giải pháp đối với những tranh chấp của các bên, cho phép đặt nền tảng cho một trong những sự thống nhất rộng lớn hơn trong khu vực về Biển Đông. Qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể dự báo Bắc Kinh sẽ quyết liệt chống phá việc triển khai ý tưởng về một COC riêng của các nước ven Biển Đông. Do vậy, việc triển khai ý tưởng của Tổng thống Marcos không hề đơn giản mà cần sự quyết tâm không chỉ của Philippines mà cả của các nước liên quan. Trước một Trung Quốc chọn cách hành xử hung hăng, gây hấn để khẳng định các yêu sách, việc các nước khác đầu tư mọi nguồn lực ngoại giao trong đàm phán đa phương thu hẹp có vẻ hợp lý hơn là trong một khuôn khổ ASEAN vận hành theo cơ chế đồng thuận. Vấn đề nằm ở chỗ các nước có đủ “can đảm” để nắm lấy cơ hội này hay không. Hà Nội và Kuala Lumpur chưa đưa ra ý kiến chính thức về ý tưởng mới của Tổng thống Marcos Jr..

RELATED ARTICLES

Tin mới