Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCông nghiệp chip TQ đang 'tạo sóng' ở Mỹ

Công nghiệp chip TQ đang ‘tạo sóng’ ở Mỹ

Ngành công nghiệp chip Trung Quốc đang ngày càng tiến gần đến các mốc phát triển công nghệ cao, bất chấp động thái ngăn chặn của Mỹ.

Một nhà máy bán dẫn tiên tiến đang được xây dựng ở bang Arizona của Mỹ.


Các “nhà vô địch quốc gia” của Trung Quốc về thiết kế và sản xuất chip máy tính – hay chất bán dẫn, bao gồm công ty HiSilicon và Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), đang tạo nên “làn sóng” ở Mỹ.

Hồi chuông báo động

SMIC – nhận hàng tỷ USD từ chính phủ Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 2000 – trong một thời gian dài vẫn bị xem là “tụt hậu” về công nghệ. Nhưng điều đó đang dần thay đổi.

Vào tháng 8/2023, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei ra mắt điện thoại thông minh cao cấp Huawei Mate 60 – với con chip “khiến Mỹ ngạc nhiên” (theo trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) vì thể hiện khả năng tự cung cấp của Trung Quốc trong thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Con chip do HiSilicon thiết kế và SMIC sản xuất. Tốc độ sản xuất và thiết kế này cũng được xem là “đáng báo động”.

Gần đây hơn, tin tức về việc Huawei và SMIC đang lên kế hoạch sản xuất hàng loạt cái gọi là “chip xử lý 5 nanomet” tại các cơ sở sản xuất mới ở Thượng Hải chỉ càng khiến các đối thủ cạnh tranh thêm lo ngại về những bước nhảy vọt trong năng lực của họ.

Những con chip này vẫn đi sau những con chip tiên tiến hiện tại một thế hệ, nhưng chúng cho thấy con đường tạo ra những con chip tiên tiến hơn của Trung Quốc đang đi đúng hướng, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Khoảng cách bị thu hẹp

Mỹ từ lâu đã cố gắng duy trì vị thế đi đầu trong lĩnh vực thiết kế chip và đảm bảo rằng các nhà sản xuất các con chip tiên tiến đều đến từ những nước đồng minh thân cận. Nhưng giờ đây nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, quốc gia có tiến bộ công nghệ đang mang lại những tác động sâu sắc về kinh tế, địa chính trị và an ninh.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất chip tìm cách tạo ra những sản phẩm nhỏ gọn hơn bao giờ hết. Các bóng bán dẫn nhỏ hơn dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn và tốc độ xử lý nhanh hơn, do đó cải thiện đáng kể hiệu suất của vi mạch.

Định luật Moore – một quan sát về sự phát triển ngành công nghiệp chip – cho rằng số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi cứ sau hai năm – vẫn đúng với các chip được thiết kế ở Hà Lan và Mỹ cũng như được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan. So với tốc độ này, công nghệ Trung Quốc vẫn còn chậm nhiều năm. Trong khi giới hạn của thế giới đã chuyển sang chip 3 nanomet thì chip tự chế của Huawei mới ở mức 7 nanomet.

Duy trì khoảng cách này rất quan trọng vì lý do kinh tế và an ninh. Chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế hiện đại. Chúng rất quan trọng đối với viễn thông, quốc phòng và trí tuệ nhân tạo.

Việc Mỹ thúc đẩy chất bán dẫn “sản xuất tại Mỹ” có liên quan đến tầm quan trọng mang tính hệ thống này. Tình trạng thiếu chip sẽ tàn phá nền sản xuất toàn cầu vì đây là những thành phần cần thiết cho rất nhiều sản phẩm định hình cuộc sống hiện đại.

Sức mạnh quân sự ngày nay thậm chí còn phụ thuộc trực tiếp vào chip. Trên thực tế, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, “tất cả các hệ thống và nền tảng phòng thủ chính của Mỹ đều dựa vào chất bán dẫn”.

Viễn cảnh phải dựa vào những con chip do Trung Quốc sản xuất – dẫn đến nguy cơ gặp phải “con ngựa thành Troy” và bị kiểm soát nguồn cung – vì vậy là không thể chấp nhận được đối với Washington và các đồng minh của họ.

Ưu thế mong manh

Washington gần đây đã tìm cách bảo vệ ưu thế công nghệ và sự độc lập của mình bằng cách củng cố khả năng sản xuất trong nước.

Thông qua chính sách công nghiệp quy mô lớn, hàng tỷ USD đang được đổ vào các cơ sở sản xuất chip của Mỹ, trong đó có một nhà máy trị giá hàng tỷ USD ở Arizona.

Chiến thuật quan trọng thứ hai là loại trừ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ đã phải xem xét nhiều thương vụ đầu tư và mua lại liên quan đến Trung Quốc, cuối cùng thậm chí chặn một số thương vụ vì an ninh quốc gia. Các ví dụ bao gồm trường hợp nổi bật về nỗ lực mua lại Qualcomm của Broadcom vào năm 2018.

Năm 2023, chính phủ Mỹ ban hành lệnh hành pháp cấm xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, Mỹ cản trở Trung Quốc tiếp cận các thành phần quan trọng.

Với giả thuyết cho rằng HiSilicon và SMIC sẽ gặp khó khi cố gắng tự cung tự cấp ở biên giới. Chính phủ Mỹ đã kêu gọi bạn bè của mình áp dụng lập trường thống nhất xung quanh việc loại trừ xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Đáng chú ý, ASML, một nhà thiết kế hàng đầu của Hà Lan, tạm dừng vận chuyển chip công nghệ cao của mình sang Trung Quốc do chính sách của Mỹ.

Washington cũng hạn chế nguồn “nhân tài” đổ vào ngành bán dẫn Trung Quốc, cấm bán và nhập khẩu thiết bị từ Huawei vào năm 2019 và áp đặt lệnh trừng phạt đối với SMIC kể từ năm 2020.

Ai bị đe dọa?

“Cuộc chiến chip” còn có thể được xem là sự cạnh tranh về kinh tế và an ninh. Việc Bắc Kinh tiến tới những giới hạn công nghệ có thể mang đến sự bùng nổ kinh tế cho Trung Quốc và những nguy cơ đối với Mỹ.

Về mặt kinh tế, việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc bán dẫn có thể thay đổi chuỗi cung ứng hiện có, định hình lại sự phân công lao động và phân bổ vốn nhân lực trong ngành điện tử toàn cầu.

Từ góc độ an ninh, Mỹ có thể xem sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra nguy cơ cao về các lỗ hổng bị khai thác để xâm phạm cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc gián điệp mạng.

Với những nguy cơ mà cả hai siêu cường phải đối mặt, chắc chắn “cuộc chiến chip” chưa thể kết thúc trong tương lai gần.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới