Friday, May 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Sứ thần” Mã Anh Cửu

“Sứ thần” Mã Anh Cửu

Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đang trong chuyến về Trung Quốc đại lục. Một số nhà phân tích cho rằng, khác với chuyến đi trước, trong chuyến đi này, ông Mã đang gánh trọng trách của một “sứ thần”.

Ông Mã Anh Cửu thăm mộ tổ tiên ở Hồ Nam, Trung Quốc trong chuyến về đại lục năm 2023

Với nhiều người, nhận định trên không mấy thuyết phục. Không bởi dù từng là tổng thống Đài Loan hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2008 đến năm 2016), nhưng đó là chuyện quá khứ.

Thời điểm này, tuy vẫn còn là thành viên cấp cao của Quốc Dân đảng (KMT) – đảng đối lập chính với Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) do ông Lại Thanh Đức kế nhiệm bà Thái Anh Văn làm Chủ tịch, vị chính trị gia 74 tuổi này coi như đã nghỉ hưu. Như vậy, ngay cả trong trường hợp ông Mã còn “ưu thời, mẫn thế”, thì liệu đương kim tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức có còn tin tưởng đến mức vời đến để mà giao việc “quốc sự”?

Năm ngoái, cùng vào cữ này, ông Mã Anh Cửu từng có một chuyến trở về đại lục, kéo dài trong 12 ngày. Thời điểm đó, các trang báo Đài Loan, Trung Quốc, thậm chí báo chí quốc tế nữa, đã tốn khá nhiều giấy mực, bàn luận về nó như một sự kiện đặc biệt.

Mà đặc biệt quá đi. Sau hơn 70 năm, mới có một chính khách Đài Loan về lại Trung Quốc cơ mà. Trước đó, không chỉ mặt trăng mặt trời mà còn căng thẳng. Đặc biệt còn ở chỗ, trước chuyến đi, ông Mã có một tuyên bố xanh rờn, rằng: “Tôi hy vọng có thể cải thiện bầu không khí giữa eo biển thông qua sự tương tác nhiệt tình của những người trẻ tuổi, để hòa bình có thể đến với chúng ta nhanh hơn và sớm hơn”.

Cái đặc biệt đầu thì còn chia sẻ và thông cảm được, vì dù sao, thăm và hương khói cho tổ tiên (ở Hồ Nam – quê hương ông Mã) là việc ai cũng cần làm. Nhưng đang việc nhà lại “nhảy” sang việc quốc gia, chuyện chính trị liên quan mối quan hệ đầy nhạy cảm giữa hai bờ eo biển Đài Loan, với một tuyên bố xóc óc đến thế, nên không? Thế nên bà Thái Anh Văn mới khó chịu!

Cộng dồn thêm định kiến của DPP về xu hướng “thân” Bắc Kinh của KMT, ngay sau tuyên bố của ông Mã, bà Thái đã chỉ đạo DPP cáo buộc ông Mã đang làm cái việc gọi là “ủng hộ chính sách Đài Loan của Bắc Kinh” bất luận KMT phủ nhận rằng, họ không “thân Bắc Kinh”, mà chỉ chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Hoa đại lục.

Lần này, so với lần trước, cách thức tổ chức chuyến trở về của ông Mã vẫn thế. Ngày 1/4, ngay trước khi lên máy bay, ông nói với giới truyền thông rằng: Đây là chuyến đi hòa bình, hữu nghị. Bằng chuyến đi này, ông hy vọng truyền tải được thông điệp rằng người dân Đài Loan yêu hòa bình và hy vọng tránh được chiến tranh…

Ngôn từ chẳng hề dài dòng hơn, nhưng cũng những nhà phân tích quan tâm chuyến “về quê” năm ngoái của vị chính khách này đã tinh ý nhận ra, “đối tượng” đã được mở rộng hơn trước rất nhiều. Nếu năm trước, đối tượng chỉ là thanh niên, thì năm nay, là “người dân Đài Loan”. Đó là chưa kể, dù Trung Quốc tới thời điểm này vẫn im như thóc, một số cơ quan truyền thông Đài Loan và phương Tây đã rộ ra thông tin – có lẽ là quan trọng nhất đối với chuyến “về” Đại Lục của ông Mã, là: ngoài việc thăm thân và một số hoạt động mang tính cá nhân, như thăm nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD, thăm công ty Tencent, dự kiến, ông Mã sẽ cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lạ nhỉ? Ông Tập Cận Bình không chỉ bận bịu trăm công nghìn việc, mà còn là người vốn chẳng mấy niềm nở, lại bỗng dưng quan tâm tới ông già về hưu Mã Anh Cửu sao? Ông Tập Cận Bình, người mà trong nhiều trường hợp, thay vì sự niềm nở, chỉ để lại ấn tượng một người luôn khinh khỉnh khó chịu, vậy mà ông ta lại hồ hởi gặp ông Mã là cớ làm sao? Chẳng lẽ gặp chỉ là để nói với nhau những lời thăm hỏi mang tính thủ tục và sáo rỗng?

Nghĩa là, phải có cái sự chi đó, nếu không nghiêm trọng, thì cũng là quan trọng, nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc mới “hạ cố”. Cái sự đó, kiểu gì cũng không thể thoát khỏi câu chuyện hai bở eo biển Đài Loan đầy nhạy cảm.

Với nhiều người, tới đây thì chuyện rõ rồi. Hai bờ eo biển Đài Loan, ít nhất, từ tháng 8 năm ngoái, đã nóng, càng thêm bừng bừng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ – bà Pelosi. Tiếp sau cuộc tập trận mô phỏng tình huống bao vây Đài Loan tứ phía, tới nay thêm nhiều nữa các cuộc tập trận của lực lượng cả hai bên bờ eo biển. Trong các tình huống căng thằng, nhiều người sao thể quên những tuyên bố mạnh mẽ từ Bắc Kinh về việc sẽ thống nhất Đài Loan về đại lục. Thậm chí, các chuyên gia quân sự còn dự đoán rằng: Trung Quốc đang chuẩn bị kỹ và bài bản cho việc này, điều đó chậm nhất sẽ diễn ra vào năm 2027…

Như vậy, rất có thể, chuyến “về” của ông Mã lần này gánh theo cái khác cơ bản. Lần trước, ông Mã căn bản là làm “việc nhà”; thêm tý chút chuyện chính trị có thể chỉ là quán tính của một người làm chính trị lâu năm, và vì đó bị bà Thái Anh Văn phản ứng. Còn lần này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai bờ, cả hai đều muốn hãm bớt cái nóng lại. Thế là, ông già Mã được đương kim tổng thống Lại Thanh Đức nhờ vả; ông Tập thì thu xếp gặp ông Mã, vừa để thể hiện thiện chí, vừa để thông qua ông Mã, “uốn nắn và khuyên bảo” Đài Bắc đừng có dại dột bướng bỉnh mãi.

Nếu dự đoán đó là thực, thì ông Mã Anh Cửu chẳng hề là một “lão giả an chi”; ngược lại, còn đắc dụng, và lần này, đang được đặt cho vai trò “sứ thần” của ông Lại Thanh Đức. Cũng vì thế, khác với phản đối quyết liệt lần trước, tới thời điểm này, Đài Bắc vẫn chưa đưa ra quan điểm nào về chuyến tới đại lục của ông Mã Anh Cửu.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới