Thursday, May 9, 2024
Trang chủNước Việt đẹpPhát hiện "trung tâm" chạm khắc đá cổ ở Mù Cang Chải

Phát hiện “trung tâm” chạm khắc đá cổ ở Mù Cang Chải

Bảo tàng Yên Bái và chuyên gia khảo cổ học Việt Nam vừa phát hiện thêm 15 khối đá chạm khắc cổ tại thôn Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Đề tài ruộng bậc thang vẫn là chủ đạo tại các khối đá cổ


Địa điểm mới phát hiện đá chạm khắc cổ nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển và cách trụ sở UBND xã Chế Cu Nha khoảng 4 km đường chim bay về hướng Đông. Các khối đá được chạm khắc khá nhiều loại hình, to từ 0,5 đến 4 mét khối, nằm thành hai cụm, cách nhau khoảng 15m theo hướng Bắc – Nam.

Thống kê có 15 sa thạch thể khối có dạng hình trụ, hình tháp, hình búp măng… và đều có mặt phẳng hơi lồi, trên bề mặt đều chạm khắc phủ kín các loại hình như: hình tròn đồng tâm lõm, hình thoi lõm và hình ruộng bậc thang “tầng tầng lớp lớp”. Hai cụm đá chạm khắc cổ mới được phát hiện nghi là bãi trung tâm trong số các bãi đá chạm khắc cổ được phát hiện ở Mù Cang Chải.

Sơ bộ cho thấy, các hình khắc khá tỉ mỉ, kì công, uốn lượn mềm mại theo mặt lồi lõm của mặt đá. Riêng ruộng bậc thang vẫn là thể loại đề tài chính trên các khối đá, giống như đã từng được phát hiện ở các thôn: Hồng Nhì Pá, Tà Gênh, Hú Trù Lình của xã Lao Chải vào các năm 2015, 2020, 2021 và năm 2022.

Điểm khác biệt phát hiện mới đây ở tại thôn Háng Chua Xay là tập trung khá nhiều, còn các điểm ở các thôn khác chí có từ một đến hai khối đá chạm khắc cổ.

Theo ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, dưới góc độ của các nhà dân tộc học, khảo cổ học đánh giá thì có thể các vết khắc của người Mông bản địa, vì không gian môi trường hiện đang sản xuất, canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang rất gần gũi với các vết khắc trên đá được phát hiện, có thể vẫn là các bản “thiết kế ruộng bậc thang” hoặc họa lại ruộng bậc thang trên đá và nghi đây là địa điểm của Trung tâm chạm khắc đá cổ Mù Cang Chải, vì Chế Cu Nha là xã có nhiều ruộng bậc thang nhất Tây Bắc.

Tuy nhiên, để chính xác những bản thông điệp trên đá, cần phải có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học để giải mã cả niên đại và cả về lĩnh vực dân tộc học.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới