Monday, May 6, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgăn chặn và răn đe các hành vi đe doạ sự ổn...

Ngăn chặn và răn đe các hành vi đe doạ sự ổn định trên Biển Đông

Sự kiện nổi bật cuối tuần này là, ngày 7/4, Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Úc tổ chức các cuộc tập trận hải quân và không quân chung ở Biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh tại Washington với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Philippines, Nhật Bản.

Hãng tin AFP đưa tin, trong một Tuyên bố chung, bốn nước cho biết cuộc tập trận nhằm thể hiện “cam kết chung” của các đồng minh trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Cách nói mang tính ngoại giao là như thế. Rằng đây chỉ là “Hoạt động hợp tác hàng hải” thường niên, có sự tham gia của các đơn vị hải quân và không quân từ bốn nước. Các cuộc tập trận hướng tới mục tiêu: “Tăng cường khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình” của các bên tham gia.

Hiện chưa có chi tiết nào được đưa ra về cách thức cuộc tập trận sẽ diễn ra. Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila cho biết, cuộc tập trận chung giữa bốn nước ở Biển Đông sẽ bao gồm “huấn luyện chiến đấu chống tàu ngầm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói cụ thể hơn: “Những hoạt động này với các đồng minh nhấn mạnh cam kết chung của chúng tôi. Cam kết đó là, bảo đảm cho tất cả các quốc gia được tự do lưu thông hàng không, hàng hải và hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Tàu chiến ven bờ USS Mobile, tàu khu trục HMAS Warramunga của Australia và tàu khu trục Nhật Bản JS Akebono sẽ tham gia cùng 2 tàu chiến của Philippines.

Không ai nhắc gì đến Trung Quốc và những căng thẳng suốt mấy tháng qua giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng các nhà phân tích đều thừa hiểu, Mỹ và đồng minh đang thể hiện thái độ cứng rắn, dằn mặt Bắc Kinh. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển của Trung Quốc và Philippines liên tiếp chạm trán nhau ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, lính Philippines đang đồn trú trên một chiếc tàu chiến mắc cạn, (sắp trở thành sắt vụn). Phía Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản việc tiếp tế cho binh lính ở đây.

Trước khi diễn ra cuộc tập trận, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ra một thông cáo với giọng điệu mà Bắc Kinh cho là “ngang ngược”. Ông nói: “Manila sẽ không chấp nhận im lặng, phục tùng hoặc làm nô lệ”. Còn Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này cho hay, các cuộc đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản về một Hiệp ước quốc phòng cho phép cả hai nước triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau đang diễn ra. Tương tự như vậy, Manila đã đạt được thỏa thuận tương tự với cả Úc và Mỹ.

Rõ ràng, Biển Đông không hề ổn định, không hề yên ả như cách nói của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Theo như những diễn biến đang xảy ra, cuộc tập trận giữa Mỹ và các đồng minh không chỉ đơn thuần là… tập trận. Ẩn chứa sau đó mà là một thông điệp, thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của những người bạn luôn sát cánh cùng Philippines ở khu vực Biển Đông. Mục tiêu lớn nhất là: Tôn trọng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng, những cuộc tập trận như thế này hướng tới mục tiêu cảnh báo, ngăn chặn và răn đe các hành vi lấn lướt, “cá lớn nuốt cá bé”, đe doạ sự ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cần suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động, nhất là việc liên tiếp áp đặt yêu sách chủ quyền đối với các khu vực đang có tranh chấp.

Là một trong những quốc gia đang có tranh chấp trên Biển Đông, trước đây Việt Nam cũng từng tham gia tập trận với Mỹ một số lần. Thế nhưng mấy năm qua, quân đội nước này không tham gia nữa. Vấn đề này có nhiều lý do tế nhị, nhưng có lẽ là do chính sách “ngoại giao cây tre” của Hà Nội chi phối. Theo đó, chủ trương “bốn không” của Việt Nam nêu rõ, “không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào”.

Khi diễn ra các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh, Việt Nam không tham gia và cũng không lên án, thể hiện sự tôn trọng quyền tự do của các nước nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.

Đấy là nói “theo sách” còn trên thực tế, theo chúng tôi, Hà Nội ủng hộ sự hiện diện của Mỹ và các nước Phương tây ở Biển Đông. Bởi khi có sự hiện diện thường xuyên của Mỹ thì Trung Quốc sẽ phải chú ý nhiều hơn, phải tỉnh táo, đề phòng “Ông bạn vàng” này và sẽ bớt chèn ép, bắt nạt các nước yếu thế hơn như Việt Nam, Philippines.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới