Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga chỉ trích "tối hậu thư", nêu điều kiện đàm phán với...

Nga chỉ trích “tối hậu thư”, nêu điều kiện đàm phán với Ukraine

Nga chỉ trích “tối hậu thư” của Ukraine và phương Tây về việc giải quyết cuộc xung đột, đồng thời cho rằng hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ sẽ không mang lại kết quả.

“Trước hết, họ (Thụy Sĩ) không mời chúng tôi. Họ tuyên bố thẳng thừng rằng họ cần phải “đưa ra tối hậu thư tập thể” cho Nga trước. Điều đó sẽ xóa bỏ mọi cơ hội thành công cho nỗ lực này của Thụy Sĩ”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo ở Minsk hôm 12/4.

Ông Lavrov cũng khẳng định, việc các nước đưa ra tối hậu thư cho Nga sẽ không mang lại kết quả.

“Con đường này sẽ không dẫn tới bất kỳ kết quả nào. Bất kỳ nhà quan sát chính trị bình thường nào cũng thấy đó là điều hiển nhiên. Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa nêu rõ quan điểm của chúng tôi trong cuộc gặp với (Tổng thống Belarus) Alexander Lukashenko. Tôi không có gì để bình luận thêm”, ông Lavrov cho biết.

Theo ông, Nga không thấy bất kỳ mong muốn nào từ phía Kiev hoặc phương Tây trong việc tiến hành đàm phán “một cách công bằng”.

“Thay vì đối thoại trực tiếp mà không có bất kỳ tối hậu thư nào, phương Tây đang áp đặt cái gọi là tiến trình Copenhagen, lên kế hoạch tổ chức một hội nghị ở Thụy Sĩ, nơi họ muốn xây dựng và hoàn thiện công thức hòa bình 10 điểm của (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky và sau đó chuyển (công thức đó) cho Nga”, Ngoại trưởng Lavrov nói.

Trước đó, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd thông báo nước này sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình Ukraine vào tháng 6 tại khu vực Burgenstock. Thụy Sĩ đã gửi lời mời tham dự tới hơn 100 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ dự hội nghị. Trung Quốc tháng trước cũng cho biết đang cân nhắc cử đại diện dự hội nghị.

Hội nghị nhằm tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tiết lộ, hội nghị được tổ chức theo đề nghị của Tổng thống Ukraine và dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm mà nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra. Công thức này kêu gọi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine và đưa Moscow ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ và cho rằng những đề xuất của Ukraine là phi thực tế.

Đại sứ quán Nga tại Bern xác nhận “chính quyền Thụy Sĩ chưa gửi lời mời cho Nga tham dự hội nghị ở Burgenstock”.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, các cuộc đàm phán về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là vô nghĩa. Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có thấy Ukraine sẵn sàng đàm phán hay không, ông Peskov nói: “Không, chúng tôi không cảm thấy điều đó”.

Ông Peskov cũng cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận sẵn sàng đối thoại với Ukraine nếu các cuộc đàm phán có thể dựa trên dự thảo thỏa thuận mà các bên từng đạt được ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2022.

“Điều này (hai bên trở lại đàm phán) chỉ có thể thực hiện được dưới hình thức đối thoại, sẵn sàng đối thoại. Việc chúng tôi sẵn sàng đàm phán đã được tổng thống (Vladimir Putin) xác nhận. Theo quy định, các cuộc đàm phán vẫn dựa trên một điều gì đó. Chúng tôi có thể dựa vào tài liệu này (hiệp ước Istanbul), nhưng tất nhiên, rất nhiều thay đổi đã diễn ra kể từ đó. Chúng tôi có những nội dung mới trong Hiến pháp, điều này không xảy ra hai năm trước. Do vậy, có một số thực tế mới mà chúng tôi không thể loại trừ, nhưng (hiệp ước Instabul) có thể là cơ sở nhất định để bắt đầu đàm phán”, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 11/4, Tổng thống Putin nhắc lại rằng trong cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 3/2022, phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga. Tuy nhiên, “dưới áp lực từ phương Tây, phía Ukraine đã từ chối tham gia các thỏa thuận này”.

Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng thỏa thuận Istanbul có thể tạo nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai của Nga với Ukraine, nhưng thỏa thuận này đã lỗi thời. Ông Peskov khẳng định mọi giải pháp chính trị và ngoại giao “chỉ có thể dựa trên đàm phán”.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nhưng phải dựa trên “các thực tế mới”, nói cách khác là Ukraine phải thừa nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới