Saturday, May 4, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững điểm yếu khiến quân đội TQ luôn bị xếp sau Mỹ,...

Những điểm yếu khiến quân đội TQ luôn bị xếp sau Mỹ, Anh

Sức mạnh của Giải phóng quân Trung Quốc đang phát triển với tốc độ phi mã, mang theo tầm ảnh hưởng bao phủ địa cầu. Tuy nhiên, có ý kiến từ bên đối lập cho rằng, bản thân lực lượng này vẫn tồn tại những điểm yếu cố hữu và tuyệt nhiên không phải là bất khả chiến bại.

Xe quân sự Trung Quốc chở tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D trong cuộc duyệt binh năm 2015

Trước tiên chúng ta cần phải thừa nhận rằng, thực lực của quân đội Trung Quốc hiện tại là rất hùng mạnh. Sau những năm 1980, lực lượng này đã đoạn tuyệt hình thái một đội quân lấy số đông và độ liều bù đắp cho sự thiếu chuyên nghiệp và trang bị nghèo nàn. Nói không ngoa, chỉ xét dựa trên tiêu chí quy mô binh lính, số lượng, chất lượng, thông số vũ khí, phương tiện chiến đấu, thì Giải phóng quân Trung Quốc hiện còn hơn tổng lực lượng của tất cả các láng giềng chung đường biên giới trên bộ, ngoại trừ Nga, cộng với lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Bắt đầu từ những năm 1990, sau gần 30 năm liên tục tăng, tổng ngân sách mà Trung Quốc dành cho quốc phòng đến năm 2023 đã đạt mốc 225 tỷ USD. Lại nói sơ qua về quy mô sức mạnh quân đội Trung Quốc, lực lượng này có hơn 2 triệu quân thường trực và hàng triệu nhân lực dự bị. Thoạt nghe, đó hiển nhiên là con số khổng lồ. Nhưng nếu xét trên tổng dân số hơn 1,4 tỷ người của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nó thực sự vẫn là con số tương đối khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh tiềm lực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quá ấn tượng của nước này.

Trong đó, lực lượng tên lửa chiến lược biên chế khoảng 120.000 quân nhân, còn các đơn vị bán vũ trang như vũ cảnh có tổng cộng 500.000 người. Dù có xuất phát điểm rất thấp, nhưng lại được chú trọng phát triển như một con át chủ bài, nhằm hiện thực hóa tham vọng khẳng định mình như một siêu cường thực thụ trên trường quốc tế. Nhìn từng phi đội tiêm kích, từ loại F- 10, J- 16, đến chiến đấu cơ tàng hình J- 20, và từng máy bay cất cánh từ tàu sân bay như hiện nay, thật khó để người ta có thể tin được rằng chỉ cách đây khoảng 20 năm, cả hải quân và không quân vẫn bị coi là điểm yếu chí tử của Trung Quốc. Quả thực, giờ thời thế đã khác. Bắc Kinh đã nắm trong tay lực lượng không quân lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới. Không quân và hải quân Trung Quốc có khoảng 2.800 phi cơ các loại, không tính máy bay không người lái UAV và máy bay huấn luyện.

Khoảng 2.250 chiếc trong số này là chiến đấu cơ với 1800 chiếc là tiêm kích. Giới quan sát đánh giá, với lực lượng tiêm kích hùng hậu này, không quân Trung Quốc đang chuyển dần hình thái tác chiến từ bảo vệ không phận sang phòng thủ kết hợp tiến công, xây dựng lực lượng có khả năng triển khai sức mạnh tầm xa. Công nghệ tối tân nên sản xuất tiên tiến cũng cho phép họ vừa duy trì hoạt động số trang thiết bị hiện có, vừa cho ra lò số lượng lớn hầu hết chủng loại vũ khí phương tiện từ xe bọc thép, máy bay đến vệ tinh quân sự, tên lửa tấn công chiến lược, đó cũng là điều trước kia chỉ có Mỹ và Nga làm được. Nếu từng học qua môn Kinh tế vĩ mô, các bạn cũng không khó để hình dung rằng khả năng tự sản xuất đa phần sản phẩm với tỉ lệ nội địa hóa cao như vậy sẽ đem lại cho họ lợi thế to lớn như thế nào.

Hãy tưởng tượng, nếu có thể nội địa hóa trung bình từ 70% các sản phẩm quốc phòng đổ lên thì cứ 10 đồng họ bỏ ra cho sản xuất vũ khí cùng dịch vụ hậu cần quân sự, có thể có đến 5 đến 7 đồng chảy ngược vào nền kinh tế. Còn tại các quốc gia sản xuất vũ khí phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài hoặc phải sử dụng một số biện pháp “đánh tráo số liệu” để tăng tỷ lệ nội địa hóa trên giấy tờ, nguồn bổ sung của họ hết sức hạn chế.

Trung Quốc đã tìm cách thu gọn quy mô quân đội, cắt giảm gần 300.000 lính lục quân hồi năm 2019 và đổ hàng tỷ đô la cho nỗ lực cải thiện sức chiến đấu. Theo đánh giá từ Viện Chính sách An ninh và Phát triển Thụy Điển, Trung Quốc đang hiện đại hóa toàn quân, đã sở hữu một số đơn vị nằm trong nhóm tinh nhuệ và trang bị tốt nhất thế giới. Chiến dịch hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc trong 20 năm qua là đặc biệt cả về quy mô lẫn tốc độ. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết biến quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2049.

Tóm lại, ngay cả khi không muốn thừa nhận, thì tổng sức mạnh thực sự của lực lượng giải phóng quân Trung Quốc hiện tại đã phát triển đến mức toàn diện. Nhưng xin đừng hiểu lầm, chúng tôi không nói rằng họ chắc chắn là bất khả chiến bại.

Theo quan điểm từ phía Hoa Kỳ, những người đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu Trung Quốc như một đối thủ tiềm tàng, đội quân lớn nhất Đông Á đang gặp vấn đề về thiếu hạ sĩ quan chất lượng cao, nhất là những người có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Có lẽ bạn cũng đã biết, việc có trong tay một đội ngũ sĩ quan cấp thấp tài năng, có khả năng ứng biến cao là điều mà hầu hết các chỉ huy quân sự đều yêu thích. Đó cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt của một đội quân chuyên nghiệp, cho phép các tướng lĩnh không phải can thiệp quá sâu vào cuộc chiến mà vẫn đạt được hiệu quả cao.

Sự thiếu hụt này, theo đánh giá của một số chuyên gia phương Tây, thì sẽ khiến họ gặp khó khăn trong các cuộc chiến đòi hỏi phân tán thành các đơn vị nhỏ, thực hiện nhiệm vụ độc lập. Điều đó cũng có nghĩa là quân đội Trung Quốc sẽ bị mất lợi thế so với Hoa Kỳ nếu phải tham gia vào các cuộc chiến nằm cách xa lãnh thổ. Nói là như vậy, nhưng rõ ràng ngay cả khi vấn đề nghiêm trọng này có tồn tại, phương Tây cũng khó có thể khai thác được. Đó là bởi trên các điểm nóng như tại Châu Phi và đặc biệt là Trung Đông, họ luôn theo đuổi chính sách hết sức thận trọng, tránh rủi ro nhưng vẫn thu lại được lợi ích to lớn.

Các nhà quan sát từ Hoa Kỳ cũng nhận định rằng Trung Quốc đã nhận ra thiếu sót của họ từ rất sớm. Trong suốt 20 năm qua, họ đã không ngừng cải thiện chất lượng đội ngũ hạ sĩ quan. Dễ thấy nhất có thể kể đến một loạt quy định đã được ban hành vào ngày 31/3/2022, nhằm xác định phạm vi trách nhiệm của các cấp hạ sĩ quan cũng như năng lực chuyên môn của họ. Có nhiều con đường để bước vào hàng ngũ này trong Lực lượng Giải phóng Quân Trung Quốc. Theo con đường truyền thống nhất, hạ sĩ quan được lựa chọn từ nhóm lính nghĩa vụ tình nguyện tiếp tục phục vụ sau khi kết thúc 2 năm phục vụ bắt buộc. Sau khi được chấp nhận, ứng viên sẽ trải qua khóa đào tạo dành riêng cho từng chuyên ngành kéo dài từ 6 đến 12 tháng.

Con đường thứ hai để đạt đến cấp bậc sĩ quan là phải trải qua chương trình được gọi là NCO CADC. Mô hình này liên quan đến việc tuyển dụng những học sinh tốt nghiệp trung học có tài năng thiên phú về kỹ thuật hoặc quản lý. Đã được chứng minh là hợp lý cho chương trình đào tạo sĩ quan cấp thấp kéo dài từ 3 năm. Trong thời gian 3 năm, một học viên sĩ quan cấp thấp được đào tạo kỹ thuật trong khoảng 2 năm rưỡi và 6 tháng huấn luyện quân sự.

Con đường cuối cùng được biết đến là mô hình tuyển trực tiếp, tuyển công dân sở hữu bằng cử nhân đại học có thực tài vào các lĩnh vực kỹ thuật với các bậc hạ sĩ, yêu cầu về năng lực của các cấp hạ sĩ quan cũng được Giải phóng Quân Trung Quốc đưa lên rất cao. Từ năm 2009, quy định mới đã được ban hành đòi hỏi các ứng viên phải có chứng chỉ kỹ thuật trong các lĩnh vực như sửa chữa vũ khí và bảo trì thiết bị. Hai yêu cầu này cũng củng cố giả định rằng các nhà lãnh đạo PLA quan tâm đến việc phát triển đủ kiến thức chuyên môn về các vấn đề trong cấp bậc để vận hành các vũ khí, các thiết bị tinh vi đang tràn ngập trong trang bị của đội quân này.

Không chỉ có tầng lớp hạ sĩ quan, một số vấn đề tồn tại còn hiện hữu ngay cả đối với tầng lớp nhân sự cao cấp. Ở đây, chúng tôi không phủ nhận rằng hầu hết quan chức cấp cao Trung Quốc có hoạt động liên quan đến quân sự đồng nhất về độ tuổi, trình độ học vấn, giới tính và dân tộc. Họ cũng không quá nặng nề đối với nhiệm vụ phải thực hiện cân bằng sắc tộc đối với các vị trí có thực quyền, khi dân tộc Hán luôn chiếm vị trí áp đảo với toàn bộ phần còn lại về mọi mặt từ chính trị, kinh tế đến văn hóa.

Trong số các cấp bậc sau các sĩ quan Trung Quốc trung bình già hơn so với các sĩ quan Mỹ (64 – 60) và có nhiều năm phục vụ trong quân đội hơn (46 – 40). Tuy nhiên, do đặc thù suốt vài chục năm không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến tranh thực thụ nào, thế hệ lãnh đạo quân sự cấp cao hiện tại đã ở khoảng cách quá xa so với những thế hệ phải trưởng thành qua cuộc nội chiến, quốc cộng chiến tranh, Triều Tiên, Ấn Độ và Việt Nam. Do vậy, thật không khó hiểu khi một nửa chỉ huy có thực quyền trong PLA lại là chính trị viên chuyên nghiệp, theo phân tích từ phương Tây. Trong khi đó, đối với đội ngũ sĩ quan cao cấp Mỹ, có thành phần xuất thân văn hóa phức tạp hơn, nhưng hầu hết đều có kinh nghiệm thực chiến ở nhiều môi trường khắc nghiệt.

Nếu bạn nào đã từng đọc qua lịch sử phong kiến Trung Quốc, có thể thấy một điểm chung của hầu hết các triều đại, đó là vấn đề tham nhũng biến chất của tầng lớp nắm quyền trong quân đội. Ngay cả thời đại thịnh trị hùng mạnh nhất, tình trạng này cũng tồn tại, nhưng chỉ dừng ở mức độ rất thấp. Đến khi hiện tượng này trở nên phổ biến trong lực lượng vũ trang đến mức được xem là điều hiển nhiên, ngay cả đối với các lãnh đạo cấp cao, cũng là lúc thực lực của họ bắt đầu suy yếu.

Trớ trêu thay, dù mới trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, thực trạng tham nhũng của đội ngũ cán bộ cao cấp Trung Quốc đã manh nha xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng. Bất chấp, cơ chế quản lý dòng tài sản cực kỳ khắt khe của nước này đến mức La Tiễn, Nguyên Phó Chính ủy Tổng Cục hậu cần Quân đội, con trai của đại tướng khai Quốc công thần Lã Thụy Khanh, phải than thở: ‘Tướng lĩnh cấp cao biến chất, thì sao huấn luyện được đội quân tinh nhuệ.’ Trên thực tế, những người đứng đầu quân đội Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không hề bỏ qua vấn đề này.

Hàng năm có hàng loạt cá nhân bị xử tội, trở thành biểu tượng cho các nỗ lực làm trong sạch bộ máy quân đội của công quốc này, trong đó có đến 7 thượng tướng quân đội. Những cái tên đáng nhớ bị phát hiện như Phòng Phong Huy, từng làm tư lệnh quân khu Bắc Kinh, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hai cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, đều phạm tội tham nhũng về kinh tế. Theo thống kê, trong 5 năm mở cuộc chiến chống tham nhũng, đã có ít nhất 13.000 sĩ quan quân đội liên quan tới tham nhũng bị trừng phạt. Các vấn đề nhân sự đó quả thực vẫn hết sức nhức nhối trong quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đủ quyết tâm, họ hoàn toàn có thể loại bỏ vấn đề này trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đây không phải là điểm yếu duy nhất của lực lượng PLA so với những tay lính nhà nghề như Mỹ, Anh. Vấn đề thứ ba không thể không nhắc đến, đang trở thành hòn đá ngáng đường đối với tham vọng vươn ra biển lớn của quân đội Trung Quốc, lại đến từ Lực lượng Hải Quân của nước này. Đó là năng lực tấn công tàu sân bay của họ nói riêng và không quân hải quân nói chung, hiện vẫn là một điểm yếu lớn của Trung Quốc, khiến họ có thể bị lực lượng hải quân của Mỹ, Anh lấn áp. Điều này không hề mâu thuẫn với sự thật đã được chúng tôi trình bày từ đầu rằng, sức mạnh hải quân Trung Quốc đang dần trở thành một trong những thế lực mạnh nhất thế giới, đủ sức vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.

Như các bạn đã biết, quốc gia hùng mạnh nhất Đông Á hiện đang sở hữu ba tàu sân bay, bao gồm Liêu Ninh, Sơn Đông và Phúc Kiến. Nếu chỉ xét về tương quan lực lượng, chừng đó là quá đủ để Hải quân Trung Quốc khiến Hoa Kỳ, đang phải phân tán sức mạnh trên khắp thế giới, gặp trở ngại. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, theo những thông tin từ báo Mỹ, những chiếc tàu sân bay như Sơn Đông, với lượng choán nước 70.000 tấn, chỉ hoạt động hạn chế với danh nghĩa là phương tiện huấn luyện. Kể cả hàng không mẫu hạm Phúc Kiến cũng chưa hoàn thiện được hệ thống nhả cầu. Hải quân Trung Quốc (PLA), thậm chí, còn không cho các tiêm kích hạm như J-15 cất hạ cánh trong điều kiện thời tiết giông bão và ban đêm. Qua quan sát, người ta cũng phát hiện ra các tiêm kích hạm Trung Quốc phải dựa vào cả sân bay trên đất liền.

Đây được xem như là giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ yểm trợ và giám sát trên không, đảm bảo cho cuộc huấn luyện diễn ra thành công, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ chưa thực sự tự tin vào khả năng của binh lính và phương tiện mình đang có trong tay. Bên cạnh đó, hoạt động của chiến đấu cơ tàng hình J-20, dù là át chủ bài tương lai của không quân Trung Quốc, còn rất hạn chế với hầu hết các đợt xuất kích chỉ mang tính chất huấn luyện hoặc phục vụ truyền thông.

Ngoài ra, cường độ luyện tập tác chiến chống ngầm và các kỹ năng của họ còn khá sơ sài. Trực thăng chống ngầm hoạt động từ cả hàng không mẫu hạm và tàu tuần dương T55 của Trung Quốc, nhưng các tàu sân bay này vẫn chưa triển khai máy bay cảnh báo sớm mà vẫn phải dựa vào phương tiện bay từ đất liền. Mặc dù các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc đều từng đi vào Tây Thái Bình Dương trong những tháng gần đây, tiếp cận các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, nhưng chúng vẫn nằm trong tầm bắn của các sân bay ven biển Trung Quốc. Điều đó cho thấy, họ chưa chuẩn bị xong tất cả mọi thứ để thực sự bước chân vào cuộc chạy đua về năng lực tác chiến hàng không mẫu hạm như một đội quân viễn chinh thực thụ. Hơn nữa, các căn cứ quân sự trọng yếu của Hoa Kỳ ở xung quanh Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam cũng tạo điều kiện cho họ thực hiện kế hoạch kiềm tỏa sức mạnh của Hải quân Trung Quốc.

Ngay từ đầu chúng tôi đã đề cập đến quy mô nền sản xuất khổng lồ đã hỗ trợ đắc lực như thế nào cho sức mạnh công nghiệp quốc phòng nước này. Quả thực, họ đã sản xuất được mọi thứ, từ chiếc đinh vít đến những phương tiện chiến đấu hạng nặng và cả tên lửa vũ trụ.

Tuy nhiên, tỉ lệ hiện đại hóa trang bị trên toàn bộ lực lượng vũ trang của họ, nhất là Lục quân, còn tương đối khiêm tốn so với Hoa Kỳ và Nga. Theo giới tình báo Mỹ, Trung Quốc thường xuyên đưa những vũ khí hiện đại nhất của mình ra trong các cuộc duyệt binh, tập trận có sự tham gia quan sát của đông đảo các phương tiện truyền thông, nhưng cường độ luyện tập sử dụng các loại vũ khí đó trên thực tế còn rất hạn chế. Ở nhiều nơi, người lính vẫn còn phải sử dụng phương tiện chiến tranh dưới dạng tự mô phỏng, ngay cả đối với các thiết bị hiện đại của Trung Quốc trên truyền thông. Chúng ta thường xuyên được biết đến những thông tin kiểu như tàu ngầm 239A chạy êm hơn lớp Virginia của Hoa Kỳ, vũ khí Trung Quốc là rẻ nhất, hiệu quả nhất thế giới, nhưng thực tế, tất cả bằng chứng có thể củng cố vững chắc cho nhận định này còn rất hạn chế.

Như trong cuộc tập trận Z-Day năm 2023, có vẻ như để mô phỏng một cuộc đối đầu với hạm đội Hoa Kỳ, lực lượng PLA đã phải đối đầu cùng lúc với 50 khu trục hạm, nhiều cái trong số đó thuộc lớp Arleigh Burke của Hoa Kỳ. Họ cũng lập giả định rằng đối phương sẽ sử dụng chiến thuật thường thấy của lực lượng hải quân số 1 thế giới, đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các loạt phóng tên lửa yểm trợ trên không và ngư lôi tấn công tầm gần.

Báo cáo về cuộc diễn tập giả định đã cho thấy phạm vi phát hiện của radar Trung Quốc bị giảm xuống dưới 60% so với bình thường. Những điều kiện đó đã phá hủy gần 1/3 khả năng phòng không của tàu khu trục Trung Quốc, với chỉ một nửa số tên lửa đất đối không của họ bắn trúng mục tiêu. Quả thật rất may mắn vì đây chỉ là cuộc diễn tập giả định, vì nếu không, đó sẽ là một thảm họa đối với PLA.

Đó là còn chưa kể đến chất lượng thực sự của các vũ khí Trung Quốc đến từ các tập đoàn như Norinco. Không thể phủ nhận được rằng, nếu xét về một khía cạnh nào đó, chúng quả thực đều là hàng giá rẻ, thông số kỹ thuật cao. Thế nhưng, đó chỉ là trên khía cạnh giá mua, còn chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng lại lớn hơn rất nhiều. Một minh chứng nữa cho các lo ngại liên quan đến chất lượng thực sự của vũ khí hiện đại Trung Quốc là hầu hết quốc gia nghiêm túc với kế hoạch mua sắm trang bị quốc phòng đều lựa chọn các sản phẩm đến từ Phương Tây hoặc Nga. Điều này xảy ra bất chấp sự thật rằng mọi sản phẩm tương đương “Made in China” giá rẻ hơn rất nhiều. Khách hàng chủ yếu của Trung Quốc đều là các nước nghèo như Kenya, Sri Lanka, hoặc vì một lý do gì đó như là vấn đề chính trị của Pakistan, Argentina mà không thể tiếp cận được các sản phẩm có nguồn gốc khác ngoài Trung Quốc.

Dù so với 3 năm trước, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhưng tình trạng phụ thuộc vào các thiết kế nước ngoài, thiếu tính sáng tạo so với Nga, Mỹ vẫn còn tồn tại như một điểm yếu cố hữu, góp phần hạn chế tiềm lực thực sự của PLA. Có thể nói, nếu chỉ xét về lượng, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã đạt đến mức độ hoàn thiện, sánh ngang hàng với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, về chất, so với hai cường quốc đang thống trị thị trường vũ khí thế giới hiện tại, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường khá xa để có thể thực sự đạt đến ngôi vị là một siêu cường toàn diện như Mỹ hoặc Liên Xô như trước kia.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới