Friday, December 20, 2024

TQ và ‘ván bài’ AI

Vào cuối những năm 70, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố “khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chính” của Trung Quốc. Thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế sau cải cách và nghiên cứu khoa học sẽ dẫn dắt công cuộc xây dựng kinh tế của quốc gia này.

Ảnh minh hoạ


Có thể thấy rằng từ rất sớm, Chính phủ Trung Quốc đã có sự đầu tư bài bản và lộ trình rõ ràng cho sự phát triển của khoa học công nghệ. Nhờ đó, AI cũng có dư địa phát triển với tốc độ “thần tốc” tại quốc gia châu Á này.

Những viên gạch đầu tiên
Vào tháng 9/1981, Trung Quốc thành lập Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Trung Quốc (CAAI) do tiến sĩ tại Đại học Havard Qin Yuanxun đứng đầu. Đến nay, CAAI vẫn là tổ chức duy nhất của Trung Quốc được giao nhiệm vụ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học tình báo.

Với CAAI, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng nhiều kế hoạch công nghệ quốc gia. Trong đầu những năm 1993, tự động hóa thông minh và trí tuệ thông minh đã là một phần trong chiến lược công nghệ quốc gia của Trung Quốc. Đến những năm 2000, Trung Quốc tiếp tục mở rộng quỹ nghiên cứu và phát triển (R&D) dành cho AI. Số lượng các dự án nghiên cứu AI do Chính phủ tài trợ cũng tăng lên đáng kể.

Năm 2006, Trung Quốc công bố chính sách ưu tiên phát triển AI. Theo Kế hoạch trung và dài hạn về phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc, quốc gia này sẽ thu hẹp khoảng cách với phương Tây vào những năm 2020, đưa AI thành động lực chính để nâng cấp công nghệ và chuyển đổi kinh tế Trung Quốc vào năm 2025 và trở thành nước dẫn đầu về AI vào năm 2030.

Từng bỏ lỡ hai cuộc cách mạng công nghiệp (ở Anh vào giữa thế kỷ XVIII và ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX) nên đối với cuộc cách mạng AI, Chính phủ Trung Quốc đã dốc toàn lực để phát triển lĩnh vực này.

Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn thị trường IDC, đầu tư của Trung Quốc vào AI được dự báo sẽ đạt 38,1 tỷ USD vào năm 2027, tương đương với 9% tổng đầu tư của thế giới. Không chỉ trợ cấp cho các dự án nghiên cứu R&D, Trung Quốc còn hỗ trợ bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp liên quan đến AI, khuyến khích các công ty đầu tư, phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Ví dụ như đối với những công ty có thu nhập vượt 50 triệu NDT trong năm trước và có tốc độ tăng trưởng cao hơn 25%, chính quyền Bắc Kinh sẽ trao thưởng dựa trên mức tăng doanh thu của công ty. Ngoài ra, mỗi khu vực khác nhau lại có chính sách, ưu tiên liên quan đến trí tuệ nhân tạo khác nhau nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đó. Từ đó, các thành phố tạo ra con đường phát triển trí tuệ nhân tạo của riêng mình dựa trên lợi thế của địa phương.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh, một trong ba thành phố phát triển nhất về AI tại Trung Quốc, đã ban hành nhiều chính sách lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo, đẩy nhanh việc xây dựng các dự án như Trung tâm Điện toán Công cộng Trí tuệ Nhân tạo Bắc Kinh hay Trung tâm Điện toán Kinh tế Kỹ thuật số Bắc Kinh.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải lại tập trung tăng cường hỗ trợ phát triển đầu tư tư nhân trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thành phố này đã cung cấp cho các doanh nghiệp tư nhân các tài nguyên máy tính, thực hiện chính sách chiết khấu lãi suất cho các dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo,…

Còn chính quyền thành phố Thâm Quyến cũng đưa ra đề xuất thúc đẩy “hàng nghìn ngành công nghiệp + AI”. Cụ thể, chính quyền thành phố có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tài chính, thương mại, công nghiệp, vận tải và các ngành khác nâng cấp phương thức sản xuất, dịch vụ và quản lý hiện có dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Ngoài 3 thành phố này, Trung Quốc cũng đã thành lập khu công nghiệp AI tại nhiều thành phố khác. Đến nay, đã có tổng cộng 14 thành phố khác của Trung Quốc tham gia vào cuộc đua AI với những lĩnh vực phát triển khác nhau. Ví dụ như Tô Châu, một thành phố có ngành sản xuất phát triển lâu đời, sẽ tập trung nhiều vào tự động hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng AI. Trái lại, thành phố Vũ Hán lại tập trung nhiều hơn vào triển khai AI và phát triển giáo dục, đào tạo liên quan đến AI.

Song song với các chính sách khuyến khích phát triển AI, Trung Quốc cũng chú trọng vào vấn đề đảm bảo an toàn an ninh công nghệ. Quốc gia châu Á này đã ban hành nhiều quy định như Luật An ninh mạng, Luật Bảo mật dữ liệu, Luật bảo vệ thông tin cá nhân, các luật liên quan đến quản lý dịch vụ trí tuệ nhân tạo. Điều này cho thấy Trung Quốc đã có một hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế-xã hội.

Bứt tốc đáng kinh ngạc
Các chuyên gia công nghệ nhận định, ngành AI của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chưa từng có bất chấp những khó khăn, thách thức.

Nhà phân tích công nghệ độc lập Liu Dingding nhận định: “Ngành AI của Trung Quốc đã chứng kiến những tiến bộ với tốc độ chưa từng có trong những năm qua. Nhờ các chính sách hỗ trợ, Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng các ứng dụng AI lớn, đủ sức cạnh tranh với những ứng dụng của phương Tây”.

Tính đến năm 2021, thị trường AI của Trung Quốc trị giá khoảng 23,196 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 61,855 tỷ USD vào năm 2025. Các nhà phân tích ước tính rằng sự phát triển AI sẽ đóng góp khoảng 0,8% đến 1,4% vào tốc độ tăng trưởng hàng năm cho nền kinh tế Trung Quốc.

Công ty dịch vụ chuyên nghiệp PwC thì tin rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ AI khi lĩnh vực này góp phần tăng 26% GDP của nước này vào năm 2030.

Ông Liang Haoguang, Giám đốc điều hành thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, tin chắc rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. “Đánh giá từ góc độ đổi mới công nghệ, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng bắt kịp quy mô của Mỹ vào năm 2028”, ông nói.

Nhiều công ty của Trung Quốc cũng vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Hiện Trung Quốc có tới 15 công ty lớn chuyên về AI với nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực AI chuyên biệt, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt, phần mềm, phần cứng, siêu máy tính hay trí thông minh bằng giọng nói.

Ví dụ rõ ràng nhất cho thấy bước tiến vượt bậc về công nghệ AI của Trung Quốc là TikTok. Nếu như trước đây Facebook, Twitter,… thống trị thị trường giải trí, tin tức trên toàn cầu thì những năm gần đây, TikTok của Trung Quốc đã ứng dụng thành công AI để vươn lên chiếm đáng kể thị phần.

Theo Nikkei Asia, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực AI không chỉ xuất phát từ định hướng rõ ràng của Chính phủ mà còn đến từ tầng lớp tinh hoa công nghệ trong nước. Khả năng nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc cũng khiến các chuyên gia người Mỹ, Canada – những quốc gia được cho là phát triển AI hàng đầu trên thế giới – cũng phải dè chừng.

Mặc dù vậy, để phát triển công nghệ của mình, Trung Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào chip nhập khẩu từ Mỹ và các thiết bị quan trọng khác từ phương Tây. Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung nổ ra, các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã khiến nhiều hãng công nghệ Trung Quốc rơi vào cảnh khốn đốn do hạn chế về chip.

Đồng thời, việc OpenAI ra mắt Sora (mô hình chuyển văn bản thành video chân thật) gần đây cũng khiến nhiều người hoài nghi về khả năng bắt kịp Mỹ của Trung Quốc.

Ông Zeng Yi, người đứng đầu China Electronics Corporation – công ty chip lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, từng thừa nhận: “Bất chấp những nỗ lực to lớn mà chúng ta đã và đang thực hiện, sự cách biệt giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn rất lớn. Khi những phát triển mới về AI xuất hiện theo cấp số nhân, nếu không thực hiện các biện pháp mang tính quyết định và đột phá, khoảng cách Mỹ – Trung thậm chí còn rộng hơn nữa”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới