Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaPhân tích về cái gọi là "Thỏa thuận quân tử" giữa TQ...

Phân tích về cái gọi là “Thỏa thuận quân tử” giữa TQ và Philippines

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines leo thang, Bắc Kinh một mặt tiếp tục gia tăng các hành động cưỡng ép trên thực địa mà tiêu biẻu là phun vòi rồng và đâm va tàu của Philippines, mặt khác liên tiếp đưa ra cái gọi là thỏa thuận với Philippines, nhưng đều bị chính quyền Manila bác bỏ.

Vậy đằng sau những động thái này của Bắc Kinh là gì? Tại sao Trung Quốc lại tung ra cái gọi là các “thỏa thuận” này vào thời điểm hiện nay. Đây là vấn đề được giới quan sát hết sức quan tâm theo dõi trong những ngày qua.

Chúng ta cùng phân tích những động thái dưới đây:

1. Khẩu chiến giữa Bắc Kinh và Manila về cái gọi là “thỏa thuận mật” liên quan đến những căng thẳng ở khu vực Bãi Cỏ Mây kéo dài từ giữa tháng tư tới này.

Ngày 18/4, Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết Trung Quốc và Philippines đã nhất trí vào đầu năm nay về một “mô hình mới” trong việc quản lý căng thẳng tại Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu) mà không nêu chi tiết. Chính quyền Manila ngay lập tức bác bỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ngày 27/4 nói Bộ của ông “không biết, hoặc không phải là một bên trong bất cứ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc” kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào năm 2022. Các quan chức của Bộ quốc phòng đã không nói chuyện với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào kể từ năm 2023.

Tiếp đó ngày 04/5, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuyên bố Bộ Tư lệnh phía Tây (WESCOM) thuộc Lực lượng vũ trang Philippines đã nhiều lần xác nhận “mô hình mới” để xử lý căng thẳng gia tăng ở các vùng tranh chấp đã được các quan chức chủ chốt của chính phủ Philippines (bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh quốc gia) ủng hộ. Tuyên bố được đăng trên trang mạng chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định cam kết quản lý hợp lý các bất đồng trên biển đã đạt được thông qua đối thoại và tham vấn với WESCOM vào đầu năm nay sau nhiều vòng thảo luận. Theo đó, “thỏa thuận quân tử” được cho là kết quả cụ thể của những nỗ lực để tiếp nối những đồng thuận quan trong giữa nguyên thủ hai nước nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Ngày 05/5, nhiều quan chức Philippines, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro đã lên tiếng cực lực bác bỏ và khẳng định đây là một hành động nhằm gây chia rẽ, đánh lạc hướng công luận về các hành động “bất hợp pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh tuyên bố nói trên của Trung Quốc là để biện minh cho sự hiện diện bất hợp pháp của nước này ở vùng Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông); đây là cách “chơi chữ” và “mọi ám chỉ” của phía Trung Quốc về việc Bộ Quốc phòng tham gia “mô hình mới” giải quyết tranh chấp đều là một “mưu đồ quỷ quyệt” của Bắc Kinh thông qua Đại sứ quán ở Manila.

Đáp trả lại phát biểu của Bộ trưởng Gilberto Teodoro, các quan chức Trung Quốc nói rằng nước này có thể sớm công khai đoạn ghi âm cuộc điện đàm với một quan chức quân đội Philippines để chứng minh hai bên đã có thỏa thuận bí mật về cấu trúc tranh chấp trên biển. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Theo hãng tin Bloomberg Mỹ, các quan chức Bắc Kinh gửi cho hãng tin này một bản gỡ băng về cuộc điện đàm giữa quan chức Trung Quốc và Philippines vào ngày 3/1/2024, trong đó Phó Đô đốc Alberto Carlos – Chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây của quân đội Philippines, đồng ý với “mô hình mới” để thực hiện hoạt động tiếp tế cho lực lượng Philippines đồn trú trên một chiếc tàu chiến cũ ở Biển Đông. Trong những ngày gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đã thảo luận với Bộ Tư lệnh miền Tây của quân đội Philippines trong năm ngoái, và đã được các quan chức cấp cao của quân đội Philippines chấp thuận, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jr. và Cố vấn An ninh quốc gia Eduardo Ano. Bản gỡ băng mà Trung Quốc cung cấp dẫn lời ông Carlos nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Teodoro, Cố vấn An ninh quốc gia Ano, và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Romeo Brawner đã ký vào thỏa thuận. Tuy nhiên, các quan chức Philippines đều bác bỏ thông tin mà Trung Quốc đưa ra.

Ngày 07/5/2024, khi được hỏi về đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa quan chức Trung Quôc với Phó Đô đốc Carlos, Bộ trưởng Quôc phòng Philippines Teodoro nói với Bloomberg rằng không biết gì về chuyện này, đồng thời nhấn mạnh: “Không ai ngoài Tổng thống, thông qua Bộ Ngoại giao, có quyền đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến bất kỳ vấn đề quốc tế nào”. Cũng trong ngày 07/5/2024, quân đội Philippines khẳng định Lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Tây không tham gia thỏa thuận nào với Bắc Kinh. Khi được hỏi về vấn đề này, Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Francel Margareth Padilla cho biết: “Chúng tôi không thể bình luận vì chưa thấy bản gỡ băng. Liệu đó là thật hay bịa đặt? Cuộc điện đàm có thể là sản phẩm deep fake”.

Một điều cần phải nhấn mạnh ở đây rằng các băng ghi âm không được thừa nhận là những chứng cứ pháp lý về một thỏa thuận nào đó. Hơn thế nữa, Trung Quốc luôn dùng mọi thủ đoạn nhằm đạt được mục tiêu của mình, kể cả giả tạo các chứng cứ nên ý kiến của Đại tá Francel Margareth Padilla là điều dễ hiểu. Một số chuyên gia cho rằng kể cả trong trường hợp quan chức Philippines nào đó có trao đổi về vấn đề liên quan đến căng thẳng ở Bãi Cỏ Mây thì cũng là để ngăn chặn các hành động hung hăng của tàu hải cảnh Trung Quốc, không để căng thẳng leo thang.

Ngày 8/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã công bố thông tin chi tiết “các trao đổi có liên quan” giữa hai nước về việc quản lý tình hình tại Bãi Cỏ Mây”, song không nói thêm chi tiết. Ông Lâm Kiếm cáo buộc: “Sự thật là rất rõ ràng và được củng cố bằng những bằng chứng không thể chối cãi. Tuy nhiên, Philippines nhất quyết phủ nhận những sự thật khách quan này và tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế”.

Liên quan đến đoạn băng ghi âm nói trên, cũng trong ngày 8/5 Tư lệnh quân đội Philippines-ông Romeo Brawner nhấn mạnh: “Các bản ghi có thể dễ dàng được làm giả và các bản ghi âm có thể được tạo ra từ deep fake. Những báo cáo này chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng [dư luận] khỏi hành vi hung hăng đang diễn ra của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc” đồng thời tố cáo Bắc Kinh đang “nỗ lực gây ảnh hưởng xấu”.

Cuối năm 2023, khi đối đầu giữa các tàu hải cảnh Trung Quốc và các tàu công vụ của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây liên tục diễn ra, Bắc Kinh cũng đã tung tin về một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila. Trung Quốc cũng tuyên bố rằng giới chức Philippines hứa sẽ kéo đi tàu hải quân mà nước này neo đậu một cách có chủ định tại Bãi Cỏ Mây hồi năm 1999 nhằm làm tiền đồn của Manila. Giới chức Philippines dưới thời Marcos nói rằng họ không biết về bất kỳ thỏa thuận nào tương tự và sẽ không di dời tàu BRP Sierra Madre hiện đã mục nát và rỉ sét, nơi chỉ có một nhóm nhỏ thủy thủ và lính thủy đánh bộ Philippines đồn trú.

2. Hai ngày sau vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng cơ mạnh vào 2 tàu công vụ của Philippines (01 tàu của lực lượng tuần duyên và 01 tàu của Tổng cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản tại khu vực Bãi cạn Scarborough) hôm 30/4, Bắc Kinh cho công bố cái gọi là ‘thỏa thuận bí mật” giữa Bắc Kinh và Manila. Trong thông cáo đăng trên trang web Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 02/5/2024,, Đại sứ quán Trung Quốc đề cập “thỏa thuận đặc biệt tạm thời” giữa hai nước đã được Tổng thống Philippines khi đó là ông Rodrigo Duterte đồng ý trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016. Theo đó, thỏa thuận cho phép đánh bắt cá quy mô nhỏ quanh vùng biển tại bãi cạn này nhưng hạn chế quyền tiếp cận của quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển và các máy bay, tàu chính thức trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý (22 km).

Thông cáo đăng trên trang mạng Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh Philippines tôn trọng thỏa thuận suốt 7 năm qua nhưng sau đó đã từ bỏ lập trường này để “hoàn thành chương trình nghị sự chính trị của riêng mình”, buộc Trung Quốc phải hành động. Trong thông cáo của Đại sứ quán có đoạn: “Đây là lý do cơ bản dẫn đến những tranh chấp liên tục trên biển giữa Trung Quốc và Philippines trong năm qua và hơn thế nữa”.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố cái mà họ gọi là một thỏa thuận bất thành văn năm 2016 với Philippines về quyền tiếp cận các đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, cả Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và người tiền nhiệm Duterte đều phủ nhận việc thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận nào được cho là sẽ từ bỏ chủ quyền hoặc các quyền chủ quyền của Philippines trước Trung Quốc. Những hành động này, nếu được chứng minh là có thật, sẽ là một hành vi có thể bị luận tội theo Hiến pháp năm 1987 của Philippines.

Tuy nhiên, theo ông Collin Koh, thành viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016, chính ông Duterte đã bóng gió về một thỏa thuận tương tự dù không nói chi tiết. Chuyên gia về các vấn đề hải quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, này bình luận: “Khi đó Duterte khoe rằng ông ấy không chỉ nhận được các cam kết đầu tư và thương mại của Trung Quốc mà còn bảo đảm cho ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough”. Chuyên gia Koh chỉ ra rằng cách dùng từ có chủ ý của Bắc Kinh trong tuyên bố này “đáng chú ý bởi chúng thể hiện rằng Bắc Kinh không có tài liệu chính thức nào để chứng minh các lập luận của mình và do đó chỉ có thể chủ yếu dựa vào tuyên bố bằng lời nói của Duterte”.

Cựu Tổng thống Duterte, người đã nuôi dưỡng mối quan hệ nồng ấm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong suốt 6 năm nhiệm kỳ, đồng thời công khai tỏ ra thù địch với Mỹ vì nước này chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch chống ma túy mạnh tay mà Manila tiến hành. Dù vẫn duy trì lập trường chống Mỹ gay gắt trong chuyến thăm Washington cùng năm 2016, ông Duterte khẳng định không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Bắc Kinh cho phép những hành vi có thể xâm phạm lãnh thổ Philippines. Mặt khác, ông Duterte thừa nhận đã cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí duy trì “nguyên trạng” ở vùng biển tranh chấp để tránh chiến tranh. Duterte cho biết: “Ngoài cái bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình, điều duy nhất tôi nhớ là cụm từ hiện trạng. Không có tiếp xúc, không có di chuyển, không có các cuộc tuần tra vũ trang ở đó, vì vậy sẽ không có bất kỳ cuộc đối đầu nào”.

Khi được hỏi rằng liệu ông đã nhất trí cam kết Philippines không cung cấp vật liệu xây dựng để củng cố tiền đồn tại Bãi Cỏ Mây hay không, ông Duterte nói rằng đó là một phần của việc duy trì hiện trạng, song nhấn mạnh không có thỏa thuận bằng văn bản. Cựu Tổng thống Philippines nói: “Đó là những gì tôi nhớ. Nếu đó là một thỏa thuận quân tử, chắc chắn thỏa thuận đó là nhằm giữ hòa bình ở Biển Đông”. Khẳng định của ông Duterte phù hợp với nhận định của chuyên gia Collin Koh là không có tài liệu chính thức về “thỏa thuận đặc biệt tạm thời” liên quan đến Biển Đông vào năm 2016.

Tổng thống Marcos, người nhậm chức vào tháng 6/2022, tuyên bố trước báo giới rằng: “Người Trung Quốc khăng khăng rằng có một thỏa thuận bí mật và có thể là có, song tôi nói rõ rằng là tôi không hề biết gì về thỏa thuận bí mật. Và nếu thực sự có một văn bản như thế, tôi sẽ hủy bỏ ngay”. Chủ tịch Hạ viện Philippines Ferdinand Martin Romualdez, là người anh họ và cũng là đồng minh chính trị của ông Marcos, đã ra lệnh điều tra cái mà một số người gọi là “thỏa thuận quân tử”.

Giới chuyên gia đã đưa ra những lý giải về ý đồ và mục tiêu của Trung Quốc tung tin về các “thỏa thuận mật” của Bắc Kinh vào thời điểm hiện nay:

Thứ nhất, đây là mưu đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Bắc Kinh. Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc leo thang, dư luận quốc tế rất bất bình về cách hành xử vô nhân đạo của các tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng, đâm va, gây thương tích cho nhân viên của Philippines. Bắc Kinh đưa ra các “thỏa thuận” này nhằm đổ lỗi cho Philippines, lấy cớ cáo buộc Manila “vi phạm các cam kết” và “hành động bất hợp pháp” ở Biển Đông để lấp liếm cho các hành vi gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines.

Một số chuyên gia cho rằng kể cả trong trường hợp có các thỏa thuận như phía Trung Quốc nêu thì các tàu hải cảnh của Trung Quốc cần kiềm chế, không được có những hành động nguy hiểm như họ đã gây ra với tàu của Philippines. Trong trường hợp mà phía Philippines vi phạm thỏa thuận thì Bắc Kinh có quyền đưa ra những nội dung cụ thể của thỏa thuận để làm rõ hành vi sai trái của đối phương. Bất luận thế nào thì việc các tàu hải cảnh liên tiếp Trung Quốc bắn vòi rồng áp suất cao rồi đâm va vào các tàu của Philippines hoàn toàn là sai trái, việc Bắc Kinh đưa ra cái gọi là “thỏa thuận” nói trên càng làm cho thế giới thấy rõ bộ mặt xảo trá của họ.

Thứ hai, qua việc việc làm này, Bắc Kinh muốn phân hóa, chia rẽ nội bộ Philippines và gây mất đoàn kết giữa các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Philippines Marcos Jr thi hành một chính sách cứng rắn, kiên quyết trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đưa ra cái gọi là các “thỏa thuận đặc biệt” để gây mất đoàn kết trong nội bộ Philippines, gây đối đầu giữa chính quyền của ông Marcos với chính quyền tiền nhiệm của ông Duterte và gây bất hòa giữa các cơ quan hiện nay của chính quyền Philippines. Tuy nhiên, mưu đồ của Bắc Kinh đã bị vạch trần khi cả ông Marcos lẫn ông Duterte hay các quan chức của các ngành trong chính quyền Philippines đều công khai bác bỏ cái gọi là các “thỏa thuận” mà Bắc Kinh nêu ra. Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro nhấn mạnh mưu đồ của Bắc Kinh tung tin về cái gọi là “thỏa thuận quân tử” là nhằm chia rẽ người Philippines, vì vậy ông cần lên tiếng để nâng cao nhận thức trong dư luận, vạch trần những toan tính với dụng ý xấu của Bắc Kinh. Với ASEAN, Trung Quốc muốn tung ra các thông tin này để tạo sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nước ASEAN, tạo cớ cho một hai nước thân cận với Bắc Kinh lấy lý do để chống lại việc lên án hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, khiến ASEAN không thể có tiếng nói chung ủng hộ Philippines-một thành viên của ASEAN. Tuy nhiên, các nước ven Biển Đông trong ASEAN đã từng là nạn nhân từ sự hung hăng của Bắc Kinh nên hiểu rõ bản chất của giới cầm quyền ở Bắc Kinh nên sẽ không thể mắc lừa trước việc làm này của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh tung tin về “thỏa thuận” kể trên chỉ khiến các nước ven Biển Đông thêm cảnh giác với thủ đoạn xảo quyệt của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới