Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngLiệu quân cảng REAM có giúp TQ giành lợi thế ở nam...

Liệu quân cảng REAM có giúp TQ giành lợi thế ở nam Biển Đông?

Gần đây lại rộ lên các thông tin liên quan tới việc Trung Quốc sử dụng quân cảng Ream của Campuchia như một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.

Theo ghi nhận từ các hình ảnh vệ tinh Planet Labs, quân cảng Ream ở Campuchia đang ngày càng hoàn thiện, đủ sức cho tàu ngầm neo đậu đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về an ninh khu vực. Cùng với đó, việc Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho Indonesia và Thái Lan cũng khiến giới quan sát nghĩ đến một bức tranh rộng hơn trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Theo một số nhà phân tích quân sự, những động thái này của Trung Quốc có hàm ý địa chính trị và quân sự không chỉ ở khu vực Vịnh Thái Lan, mà cả khu vực.

Các chuyên gia cảnh báo việc Trung Quốc có thể sử dụng quân cảng Ream để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất là việc huấn luyện cho tàu ngầm hoạt động ở vùng nước nông. Theo đó Vịnh Thái Lan là vùng biển nông giống như địa hình khu vực Nam Biển Đông và eo Biển Đài Loan. Nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ về quân sự và an ninh tại Đại học Paris 2 Pantheon, cho rằng vùng phía Nam Biển Đông không sâu vì phù sa sông Mekong đổ ra đó. Ngay cả thời tiền sử thì có tài liệu nói vùng Indonesia ngày nay nối liền với Đông Nam Á lục địa, tức là sau này khi nước biển dâng lên thì nó vẫn là vùng biển nông. Khu vực rãnh biển giữa Biển Đông mới sâu chứ vùng phía Nam Biển Đông và Vịnh Thái Lan thì không sâu cho nên không dễ tác chiến tàu ngầm, do vậy Ream có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng cho việc huấn luyện các hoạt động của tàu ngầm ở khu vực biển nông.

Ngoài ra, giới cầm quyền Bắc Kinh luôn tuyên bố “không loại trừ việc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan” và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho phương án này. Vấn đề đặt ra là eo biển Đài Loan có độ sâu khá nông, không thuận lợi cho tác chiến tàu ngầm. Do đó, nếu Trung Quốc muốn đưa tàu ngầm vào tác chiến trong một chiến dịch tấn công Đài Loan trong tương lai, họ cần một khu vực biển nông tương tự để cho tàu ngầm luyện tập và quân cảng Ream là nơi phù hợp cho việc huấn luyện này.

Theo giới chuyên gia, Vịnh Thái Lan là vùng vịnh có độ sâu trung bình chỉ 58 mét, chỗ sâu nhất là 85 mét, trong khi đó eo biển Đài Loan cũng khá nông, độ sâu trung bình khoảng 59 – 60 mét, tương đương với Vịnh Thái Lan. Xét về năng lực hoạt động hải quân ở vùng biển nông thì vùng eo biển Đài Loan và vùng phía nam Biển Đông là hai khu vực mà Trung Quốc cần tăng cường, củng cố. Nếu Trung Quốc huấn luyện hải quân ở vùng eo biển Đài Loan thì rất dễ bị theo dõi vì ở eo biển Đài Loan và khu vực Đông Bắc Á, hệ thống giám sát biển của Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật rất mạnh. Trong khi đó, các nước xung quanh Vịnh Thái Lan không sở hữu năng lực phát hiện tàu ngầm và chống tàu ngầm mạnh. Nên việc Trung Quốc cho xây dựng ở Ream cầu tầu để hỗ trợ việc huấn luyện tàu ngầm hoạt động ở vùng biển nông là hoàn toàn phù hợp.

Theo các hình ảnh vệ tinh do Planet Labs công bố hồi tháng 6/2024, quân cảng Ream ở Campuchia xuất hiện một âu tàu dài khoảng 140 mét, cùng đường nối vào cảng, một cầu tàu dài 270 mét ở phía nam quân cảng. Ông Thomas Shugart, một cựu sỹ quan tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ và là chuyên gia an ninh ở Trung tâm An ninh Mỹ mới (Center for New American Security), cho biết “140 mét là quá ngắn cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc, nhưng đúng kích thước cho tàu ngầm”. Ông Thomas Shugart đã chỉ ra rằng mục tiêu phục vụ huấn luyện cho tàu ngầm hoạt động ở vùng nước nông chính là điểm mấu chốt để hiểu vì sao Trung Quốc xây dựng một âu tàu “đúng kích thước cho tàu ngầm” ở Ream.

Mặc dù thời gian qua, có những thông tin về việc Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho Thái Lan và Indonesia, nhưng Thái lan thì đã từ chối việc mua tàu ngầm của Trung Quốc vì vấn đề động cơ không được Đức cung cấp, còn khả năng Indonesia mua tàu ngầm của Trung Quốc là rất ít do trang thiết bị quân sự của Indonesia hiện chủ yếu vẫn là của các nước phương Tây. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo một khả năng là có thể Trung Quốc giúp Campuchia mua tàu ngầm bằng ngay các khoản tài trợ của Trung Quốc rồi cho Trung Quốc thuê lại. Trung Quốc cứ thế sử dụng tàu ngầm với danh nghĩa tàu của Campuchia phục vụ cho công tác huấn luyện tác chiến tàu ngầm ở vùng nước nông.

Ông Trần Bằng cho rằng, nếu Trung Quốc phát triển được năng lực huấn luyện tác chiến tàu ngầm ở vùng biển nông ở Vịnh Thái Lan thì sẽ tạo cho họ giành lợi thế về tác chiến tàu ngầm ở khu vực Nam Biển Đông và eo Biển Đài Loan bởi 2 khu vực này có độ sâu tương đương với khu vực Vịnh Thái Lan. Nếu Trung Quốc lựa chọn Ream để tập huấn cho hoạt động của tàu ngầm, họ sẽ tránh được sự soi mói việc cho việc Trung Quốc tập luyện tác chiến ở Nam Biển Đông hay eo biển Đài Loan. Khả năng này rất dễ xảy ra bởi ở đây Mỹ không đặt được hệ thống theo dõi cảnh báo thường trực như ở Đài Loan, Hàn Quốc. Còn khu vực phía Nam Biển Đông là khu vực trực tiếp liên quan đến nhiều nước như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, các nước này luôn đề cao cảnh giác trước các hoạt động của Trung Quốc.

Thứ hai, giới chuyên gia nhận định việc sử dụng quân cảng Ream cho tàu ngầm của Trung Quốc có thể nằm trong tính toán của nước này, song trước mắt nguy cơ đối với khu vực Nam Biển Đông và vịnh Thái Lan là Ream có thể trở thành nơi neo đậu của các tàu hải cảnh Trung Quốc để từ đó thực hiện chiến thuật “vùng xám” ở phía Nam Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, thuộc Đại học New South Wales Sydney, Úc, cho rằng, một khi quân cảng Ream được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nguy cơ trước mắt chưa phải là tàu ngầm mà là sự hiện diện của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong khu vực Vịnh Thái Lan. Ông Nguyễn Thế Phương nói: “Về việc cái âu tàu có thể sử dụng cho tàu ngầm, ngoài điều nhà nghiên cứu Trần Bằng đã nói thì tôi muốn bổ sung một ý nữa là cái âu tàu đó bên cạnh dùng cho hải quân, nó có thể dùng cho tàu hải cảnh Trung Quốc. Trong thời điểm hiện tại, kịch bản chiến tranh tuy có nhưng hiện các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines lo ngại nhiều hơn là sự hiện diện của hải cảnh, tức là lực lượng chấp pháp biển, chứ không phải hải quân. Quân cảng Ream giúp cho Trung Quốc đưa hải cảnh hiện diện nhiều hơn ở Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca. Đối với Việt Nam hay Philippines thì hải cảnh là mối đe dọa nhãn tiền, hơn là việc tàu ngầm xuất hiện, ở thời điểm hiện tại”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giảng viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đồng ý với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về nguy cơ lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc sẽ hiện diện ở Vịnh Thái Lan trong tương lai, khi quân cảng Ream hoàn thiện. Mặt khác, nhà nghiên cứu Hoàng Việt còn đặt vấn đề là hải cảnh Trung Quốc không đi một mình mà phải đi theo đội hình rộng lớn hơn thì mới gây sức ép thực sự lên các quốc gia láng giềng. Theo ông Hoàng Việt: “Về vấn đề hải cảnh Trung Quốc, tôi chưa hiểu là họ xuống vùng Vịnh Thái Lan thì sẽ thế nào. Nếu Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám thì phải dùng ba lớp: tàu cá, hải cảnh và hải quân. Còn nếu chỉ một mình hải cảnh thì chưa phải là vấn đề”.

Ông Hoàng Việt nhấn mạnh, quân cảng Ream với quy mô xây dựng như hiện nay đã đủ để tàu hải quân, hải cảnh, tàu ngầm đóng quân. Đương nhiên, tàu cá cũng có thể ở đó hoặc ở cảng Sihanoukville gần đó. Đối với khả năng Trung Quốc triển khai cả tàu cá xuống Vịnh Thái Lan để phối hợp với tàu hải quân, hải cảnh, ông Hoàng Việt cho rằng khả năng đó là có thể xảy ra trong tương lai. Bởi vì tàu cá Trung Quốc đã đi tới tận Nam Mỹ, Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nếu họ hiện diện ở vịnh Thái Lan thì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực và sẽ bị phản đối. Việt Nam, Thái Lan thậm chí Campuchia cũng sẽ không dễ gì chấp nhận lợi ích của mình bị thiệt hại.

Tóm lại, nhằm mục tiêu thực hiện chiến lược biển, đưa Trung Quốc tiến ra biển xa trước mắt là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Bắc Kinh đang tìm mọi cách khống chế kiểm soát Biển Đông để từng bước mở rộng hoạt động xuống phía Nam Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn của các nước Đông Nam Á, song về mặt quân sự, ảnh hưởng của Bắc Kinh còn hạn chế do các nước ven Biển Đông trong ASEAN luôn phải đối phó với các hành vi hung hăng của Bắc Kinh cần đề phòng với Bắc Kinh và đều tìm cách tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với các nước ngoài khu vực để nâng cao năng lực phòng thủ đối phó với Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang từng bước biến quân cảng Ream thành căn cứ quân sự của mình ở khu vực, nơi có thể neo đậu tàu chiến, tàu ngầm của lực lượng hải quân Trung Quốc cũng như tàu của lực lượng hải cảnh, dân quân biển. Để các loại tàu của Trung Quốc có thể tiếp cận phía Nam Biển Đông, căn cứ Ream giúp cho hải quân và hải cảnh Trung Quốc có thể rút ngắn quãng đường hàng ngàn km so với căn cứ hải quân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.

Từ căn cứ Ream, tàu của các lực lượng hải quân, hải cảnh Trung Quốc có thể nhanh chóng tiếp cận vùng biển phía Nam Biển Đông, bao gồm các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia, nơi mà trong mấy năm gần đây các tàu Trung Quốc đã nhiều lần xâm lấn vùng biển của Indonesia; hay các vùng biển của Malaysia, Brunei, cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Thậm chí các tàu của Trung Quốc, bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, tàu hải cảnh… có thể nhanh chóng tiếp cận eo biển Malacca, qua đó tiến vào Ấn Độ Dương, khu vực sân sau của Ấn Độ. Trong bối cảnh, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược “vùng xám” để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền và mở rộng ảnh hưởng ra các vùng biển ở Thái Bình Dương, các nhà phân tích đều nhận định trước mắt quân cảng Ream sẽ được Bắc Kinh tận dụng cho lực lượng hải cảnh nước này rút ngắn con đường xâm nhập vùng biển các nước ven Nam Biển Đông, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei. Như vậy, cùng với các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa đã được Bắc Kinh bồi đắp, mở rộng thành các đồn điền quân sự trong một thập kỷ qua, căn cứ Ream sẽ giúp Bắc Kinh giành lợi thế ở phía Nam Biển Đông ít nhất là về mặt triển khai lực lượng nhanh chóng. Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh những diễn biến mới ở quân cảng Ream khiến các nước ở phía Nam Biển Đông và xung quanh Vịnh Thái Lan, cần tiếp tục theo dõi và đánh giá lại chiến lược an ninh nói chung cũng như bố trí quốc phòng nói riêng để có thể kịp thời đối phó với những tính toán của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới