Wednesday, December 18, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngPhải chăng Malaysia thay đổi cách tiếp cận theo hướng cứng rắn...

Phải chăng Malaysia thay đổi cách tiếp cận theo hướng cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông?

Malaysia tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông về hướng bắc của Borneo, trong đó bao gồm ít nhất là 12 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, kể cả Đảo An Bang và Bãi Thuyền Chài mà Việt Nam đang chiếm đóng hay Đá Công Đo hiện do Philippines chiếm đóng. Trong số các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà Malaysia nhận chủ quyền, chỉ có ba bãi chìm hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của họ.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Hiện Malaysia đang khiểm soát 5 thực thể gồm: Đá Hoa Lau, Đá Kỳ Vân, Bãi Kiêu Ngựa, Đá Én Ca, và Bãi Thám Hiểm. Malaysia duy trì một đường băng cho các máy bay C-130 trên Đá Hoa Lau và sự hiện diện quân sự trên 4 thực thể còn lại. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Malaysia có trữ lượng 5 tỷ thùng dầu thô và khí thiên nhiên lỏng, 2265 tỷ mét khối khí tự nhiên dưới đáy biển. Đây là số ước tính khả dĩ đã được chứng minh cao nhất trong các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Mặc dù là một bên trong tranh chấp Biển Đông, song Malaysia duy trì một thái độ nhún nhường trước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, còn được giới chuyên gia gọi là “thái độ bang quang”. Lâu nay, Malaysia thường giữ im lặng trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả khi tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu ngăn cản các hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa của nước này, chính quyền Malaysia đều không đưa tin công khai mà âm thầm chống đỡ lại sức ép và sự quấy phá từ Trung Quốc.

Trong khi Philippines phải hứng chịu nhiều hành động gây hấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông thì Malaysia tỏ một thái độ bàng quang, thậm chí ngăn việc chỉ trích đích danh Trung Quốc. Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Úc  hồi đầu tháng 3/2024, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã liên tục đưa ra quan điểm ôn hòa đối với Trung Quốc, thậm chí có ý bênh vực Trung Quốc.

Phát biểu hôm 07/3/2024 khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Úc tại Canberra Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng những nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ chỉ chọc tức thêm đất nước này và gieo rắc sự bất hòa trong khu vực. Khi phát biểu tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, ông nói rằng các nước cần đặt mình vào vị trí của Trung Quốc và nhìn nhận rằng cách các nhà lãnh đạo nước này xem việc xây dựng quân đội và ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng là kết quả tự nhiên của sức mạnh kinh tế và công nghệ.

Ông Anwar nói: “Trong mắt Trung Quốc, những hành động bất lợi đối với sự trỗi dậy của họ, về mặt quân sự, kinh tế và công nghệ, không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm phủ nhận vị trí hợp pháp của họ trong lịch sử”. “Những trở ngại đặt ra đối với sự tiến bộ kinh tế và công nghệ của Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm những bất bình như vậy.”

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 05/9/2024 tại Vladivostok khi đang thăm Nga, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Malaysia nằm trong lãnh thổ của nước này và không nhằm mục đích khiêu khích hoặc thù địch với Trung Quốc, trong lúc hai nước có quan hệ hữu nghị. Ông Anwar nhấn mạnh: “Dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải hoạt động trong vùng biển của mình và đảm bảo lợi ích kinh tế, gồm cả việc khoan dầu, trên lãnh thổ của chúng tôi”. Nhà lãnh đạo Malaysia cho biết thêm: “Chúng tôi chưa bao giờ phủ nhận khả năng thảo luận (với Trung Quốc). Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải dừng hoạt động trong khu vực của mình”.

Thủ tướng Malaysia phải lên tiếng khẳng định về quyết tâm triển khai các hoạt động dầu khí ở Biển Đông bởi vụ việc rò rỉ công hàm ngoại giao mật giữa Trung Quốc và Malaysia liên quan tới Biển Đông do phia Trung Quốc tung ra. Một ngày trước đó, hôm 04/9 Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố lập báo cáo cảnh sát và tiến hành điều tra nội bộ về vụ rò rỉ công hàm ngoại giao mật của Bộ ngoại giao Trung Quốc gửi cho đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh.

Công hàm này được truyền thông Philippines đăng tải.Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia, tờ báo Philippines The Inquirer ngày 29/8/2024 đưa tin rằng Trung Quốc đã gửi một tài liệu dài hai trang đến đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh vào tháng 2, khẳng định rằng hoạt động thăm dò dầu khí của Kuala Lumpur ở Biển Đông đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Bộ ngoại giao Malaysia nhấn mạnh “coi việc rò rỉ tài liệu, vốn là kênh liên lạc chính thức giữa hai nước, là mối quan ngại sâu sắc”.

Trong tuyên bố hôm 4/9, Malaysia khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của mình tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và hợp tác với tất cả các quốc gia liên quan, bao gồm cả Trung Quốc – quốc gia được cho là có mối quan hệ song phương chặt chẽ và tích cực với Malaysia. Tuyên bố nhấn mạnh: “Về Biển Đông, cả hai nước đều bày tỏ cam kết và quyết tâm giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình thông qua tham vấn và đối thoại bằng các nền tảng và kênh ngoại giao hiện có, mà không cần dùng đến tranh chấp hoặc bạo lực”

Petronas, công ty dầu khí quốc gia Malaysia, vận hành các mỏ dầu khí trong EEZ của Malaysia, nhưng trong những năm gần đây đã có một số cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc. Năm 2023, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động gần khu vực phát triển khí đốt Kasawari của Petronas, và có thời điểm đến gần khu vực triển khai dự án với khoảng cách 2,4km. Malaysia không công khai vụ việc nhưng cử tàu hải quân Malaysia khu vực đó để bảo vệ các hoạt động dầu khí của mình.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Trung Quốc đã gửi “một hoặc hai” công hàm để phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia. Ông Anwar Ibrahim giải thích: “Họ (Trung Quốc) vốn biết rõ lập trường của chúng tôi (Malaysia). Họ nói rằng chúng tôi đang xâm phạm lãnh thổ của họ. Nhưng không phải vậy. Chúng tôi nói không phải như thế, đó là lãnh thổ của chúng tôi”. Mặt khác, ông Anwar Ibrahim nhấn mạnh Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục giải thích với Bắc Kinh về lập trường của mình. Nhà lãnh đạo Malaysia nói thêm: “Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không vượt qua ranh giới của bên khác. Đó là chính sách và nguyên tắc nghiêm ngặt của chúng tôi.

Giới phân tích đánh giá việc Bắc Kinh chủ động cho rò rỉ các thông tin liên quan đến trao đổi mật với Malaysia thông qua hãng truyền thông của Philippines nhằm nhiều mục tiêu như: (i) chia rẽ các nước ven Biển Đông với nhau, tạo sự hoài nghi, ngờ vực lẫn nhau, trước hết là giữa Philippines với Malaysia; (ii) đánh vào nội bộ của cả Malaysia lẫn Philippines.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các thông tin thoả thuận nội bộ bí mật với những nước láng giềng ven Biển Đông liên quan tới vấn đề Biển Đông. Đầu năm 2024 này khi mà căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh khu vực Bãi Cỏ Mây lên cao, Trung Quốc đã từng đưa ra cái gọi là “thoả thuận với cựu Tổng thống Philippines Duterte” nhằm gây sức ép với Philippines. Việc làm này của Trung Quốc đã nhận được đáp trả mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Marcos. Manila bác bỏ những nội dung mà phía Trung Quốc đưa ra và nhấn mạnh  cái gọi là “thoả thuận” giữa ông Duterte với Bắc Kinh không có bất kỳ ràng buộc gì đối với chính quyền đương nhiệm, đồng thời khẳng định quyết tâm của Manila trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của Philippines.

Việc Bắc Kinh cho rò rỉ những thông tin về nội dung công hàm mật với Malaysia chủ yếu nêu ý kiến đơn phương của phía Trung Quốc và không có bất kỳ điều gì được coi là ràng buộc với Kuala Lumpur, song nó thể hiện sự thiếu nghiêm túc và tính 2 mặt của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Động thái này của Bắc Kinh giúp cho chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim rút ra một bài học rằng không nên có bất kỳ điều gì bí mật trao đổi với Bắc Kinh, nhất là liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ, vùng biển và cần có sự công khai minh bạch trong các trao đổi với Trung Quốc về vấn đề trên biển.

Giơi quan sát nhận định Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra công khai những nội dung nội bộ, bí mật với các nước khi mà những thoả thuận đó không còn có lợi cho Bắc Kinh. Mặt khác, Trung Quốc thường xuyên không thực hiện những cam kết công khai thì đối với những thoả thuận bí mật họ lại càng dễ dàng để nuốt lời hơn. Việc Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố điều tra việc rò rỉ thông tin về công hàm mật của Bắc Kinh và Thủ tướng Anwar Ibrahim nhanh chóng phát biểu công khai để bác bỏ những ý kiến của Bắc Kinh và khẳng định quyền hợp pháp của Malaysia trong khai thác nguồn năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của mình cho thấy Kuala Lumpur đã nhận thức rõ về bản chất lèo lá của giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

Qua vụ việc rò rỉ công hàm mật của Bắc Kinh, giới chuyên gia cho rằng Malaysia đã “nếm mùi” bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia của Malaysia cũng có những bài viết vạch trần chiêu trò lắt léo của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông và yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim công khai minh bạch trong việc trao đổi với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Rõ ràng cách làm này của Trung Quốc càng làm mất đi lòng tin của các nước láng giềng ven Biển Đông.

Yêu sách về “đường chín đoạn” của Trung Quốc chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào vùng biển hợp pháp được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS đã ra phán quyết, bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc và khẳng định yêu sách này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Trong công hàm được tiết lộ, Trung Quốc nói rằng hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở Biển Đông đã xâm phạm lãnh thổ của họ là hoàn toàn phi lý.

Với phát biểu công khai của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hôm 05/9 và nội dung công hàm ngày 04/9 của Bộ Ngoại giao Malaysia, một số nhà quan sát cho rằng Kuala Lumpur đã phá vỡ “ngoại giao im lặng” trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng còn quá sớm để nói rằng chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim chuyển sang chính sách cứng rắn trên vấn đề Biển Đông mà họ sẽ tiếp tục một chính sách ôn hoà, thực dụng trên hồ sơ Biển Đông bởi Kuala Lumpur không muốn làm căng với Bắc Kinh mà ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế mật thiết giữa nước này với Trung Quốc.

Ngay cả trong phát biểu của ông Anwar Ibrahim hôm 05/9 lời lẽ rất nhẹ nhàng. Mặc dù khẳng định quyền khai thác trong vùng biển của mình theo UNCLOS, song ông Anwar Ibrahim vẫn bày tỏ: “Nhưng nếu họ (Trung Quốc) tiếp tục tranh chấp, thì được thôi, chúng tôi sẽ phải lắng nghe, và họ sẽ phải lắng nghe” và cho biết chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục giải thích với Bắc Kinh về lập trường của mình. Malaysia, dưới thời Thủ tướng Anwar Ibrahim, đã đưa ra lập trường ôn hòa theo truyền thống đối với Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines, gây ra lo ngại về sự leo thang nguy hiểm. Năm 2023, khi Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về các hoạt động năng lượng của công ty nhà nước Malaysia Petronas, chính quyền của Thủ tướng Anwar đã đáp lại bằng việc chuẩn bị sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc. Điều đó cho thấy Kuala Lumpur khó có thể thay đổi được cách tiếp cận theo hướng cứng rắn hơn với Bắc Kinh trên với đề Biển Đông trong một sớm, một chiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới