Monday, January 20, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngMỹ cùng các đồng minh chạy đua tập trận với TQ ở...

Mỹ cùng các đồng minh chạy đua tập trận với TQ ở Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông, trong đó chĩa mũi nhọn gây hấn vào Philippines, Mỹ và các đồng minh phối hợp tập trận, tuần tra chung nhằm bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Trong năm qua, Mỹ đã cùng các đồng minh tiến hành hàng chục cuộc tập trận, tuần tra chung song phương và đa phương ở Biển Đông. Trung Quốc cũng không chịu thua kém, họ mở rộng phạm vi và quy mô tập trận ở Biển Đông, nhiều khi Bắc Kinh tiến hành tập trận ngay vào thời điểm Mỹ và các đồng minh tập trận để đáp trả. Giới quan sát nhận định Mỹ đang cùng các đồng minh của minh chạy đua với Trung Quốc trong việc tập trận, tuần tra chung ở Biển Đông khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Chỉ trong vòng tháng rưỡi (7 tuần lễ) đã 2 lần diễn ra các cuộc tập trận đáp trả nhau giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và bên kia là Trung Quốc.

1. Ngày 7/8/2024, Mỹ cùng Australia, Canada và Philippines triển khai các cuộc tập trận không quân và hải quân chung được mô tả là cuộc phô trương sức mạnh nhằm thúc đẩy thượng tôn pháp luật ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. cuộc thao dượt kéo dài hai ngày và đây là lần đầu tiên 4 nước Mỹ, Philippines, Australia, Canada tập trận chung ở Biển Đông. Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, cuộc tập trận chung này nhằm hỗ trợ một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ngầm chỉ trích Bắc Kinh về các yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Đô đốc Samuel Paparo, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cùng các chỉ huy quân sự và quốc phòng hàng đầu của Australia, Canada và Philippines cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ “cùng nhau đối diện với những thách thức hàng hải chung và chia sẻ sự toàn tâm toàn ý trong việc duy trì luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ”. Tuyên bố chung cho biết họ đang tiến hành cuộc tập trận kéo dài hai ngày để duy trì sự đi lại tự do ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các chỉ huy của 4 nước tham gia cho biết “các đơn vị hải quân và không quân của các quốc gia tham gia tập trận hành quân chung, tăng cường hợp tác và khả năng tương tác và khả năng tác chiến hỗ tương giữa lực lượng vũ trang của các nước. Cuộc tập trận được tiến hành theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng sự an toàn của hoạt động hàng hải cũng như quyền và lợi ích của các quốc gia khác”. Quân đội Philippines cho biết các cuộc tập trận hôm 7/8 bao gồm các cuộc diễn tập duy trì sự đi lại không bị cản trở ở khu vực Ấn Độ dương- Thái Bình Dương và diễn tập liên lạc với trực thăng tấn công bay thấp trên các tàu hải quân ở ngoài biển. Một cuộc diễn tập tác chiến chống tàu ngầm cũng đã được lên kế hoạch. Người phát ngôn của Hải quân Philippines, Chuẩn đô đốc Roy Trinidad, cho biết các cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào mà nhằm “thể hiện sự ủng hộ tập thể đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong một phản ứng đáp trả rõ ràng, quân đội Philippines cho biết 3 tàu hải quân Trung Quốc đã “theo dõi” cuộc tập trận của 4 quốc gia ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết, đồng thời thông báo họ đã tiến hành các cuộc tuần tra chiến đấu trên không và trên biển vào cùng ngày 7/8. Theo đó, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tuần tra chiến đấu trên biển và trên không gần Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp – một động thái rõ ràng để đáp trả các cuộc tập trận chung của Mỹ và các đồng minh. Trong khi đó, quân đội Philippines cho biết họ không phát hiện bất kỳ cuộc tuần tra chiến đấu nào của Trung Quốc tại bãi cạn vốn bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ Philippines hồi năm 2012.

Trong một tuyên bố ngắn gọn từ Chiến khu miền Nam, quân đội Trung Quốc cho biết đang “tiến hành cuộc tuần tra chiến đấu chung trên biển và trên không gần đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi Bãi cạn Scarborough)”. Hoạt động này nhằm mục đích “thử nghiệm năng lực trinh sát và cảnh báo sớm, khả năng phản ứng nhanh và tấn công chung của các binh chủng”. Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự gây rối ở Biển Đông” gây ra những căng thẳng đều “nằm trong tầm kiểm soát”, ám chỉ các cuộc tập trận của Philippines và các đồng minh phương Tây. Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Mỹ, Philippines và các nước khác phá hoại hòa bình và ổn định khu vực thông qua các hoạt động quân sự của họ. Giới quan sát nhận định thời gian qua nhiều vụ đối đầu giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần duyên của Philippines ở khu vực Bãi cạn Scarborough. Việc Bắc Kinh lựa chọn địa điểm tập trận ở khu vực này là nhằm gửi thông điệp cảnh cáo tới tàu thuyền Philippines “chớ có đến khu vực này”.

Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện hàng hải và Luật biển ở Manila, khi tổ chức cuộc tập trận này, Trung Quốc muốn phô trương lực lượng nhằm “răn đe”. Trên thực tế, những cuộc tập trận chính thức kiểu như vậy hiếm khi diễn ra xung quanh Bãi cạn Scarborough. Đô đốc Paparo và các chỉ huy quân sự đồng minh gồm Đô đốc David Johnston của Lực lượng Phòng vệ Australia, Tướng Jennie Carignan của Lực lượng Vũ trang Canada và Tướng Romeo Brawner Jr. của Lực lượng Vũ trang Philippines, cho biết quốc gia của họ “bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động hợp pháp khác trên biển và không phận quốc tế, cũng như tôn trọng các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế”.

Các chỉ huy tàu của 4 nước khẳng định ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về các tranh chấp ở Biển Đông “như quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp”. Phán quyết này vô hiệu hóa các yêu sách mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã từ chối tham gia vụ kiện do Philippines khởi xướng này, bác bỏ phán quyết và tiếp tục thách thức phán quyết này.

2. Ngày 28/9 Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Australia và New Zealand tiến hành tuần tra chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông. Trước đó, tàu khu trục Sazanami của Nhật Bản đã đi qua Eo biển Đài Loan vào Biển Đông tham gia một cuộc tập trận đa phương 5 nước. Việc tàu chiến Nhật Bản lấn đầu tiên đi qua Eo biển Đài Loan khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội. Hai tàu chiến của New Zealand và Australia cũng đi qua Eo biển Đài Loan để đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận này.

Mỹ ra thông cáo nêu rõ các cuộc diễn tập hàng hải được thực hiện với các đồng minh nhằm thể hiện “cam kết chung trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Về phía Australia, Bộ Quốc phòng nước này xác nhận rằng tàu khu trục HMAS Sydney và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia tham gia cuộc tập trận nhằm “thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không”.

Trong khi cuộc tuần tra chung của Mỹ và 4 quốc gia Philippines, Nhật Bản, Australia và New Zealand đang diễn ra tại vùng biển của Philippines trên Biển Đông, các lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc ngày 28/9 đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông, gần Bãi cạn Scarborough, khu vực mà Trung Quốc và Philippines tranh chấp chủ quyền và những tháng gần đây đã xảy ra nhiều đụng độ giữa lực lượng tuần duyên, hải cảnh của hai nước, nơi đầu tháng 8 vừa qua Trung Quốc đã tiến hành tập trận.

Bắc Kinh cho biết các hoạt động huấn luyện xung quanh bãi cạn Scarborough bao gồm “trinh sát, cảnh báo sớm và tuần tra trên không và trên biển”. Trong khi đó, Trung Quốc lại chỉ trích việc Mỹ và đồng minh tiến hành “hoạt động hàng hải chung” ở Biển Đông. Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ra thông cáo nhấn mạnh: “Một số quốc gia bên ngoài khu vực đang gây rắc rối ở Biển Đông, tạo ra sự bất ổn trong khu vực. Các lực lượng của chiến khu luôn duy trì cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền và lợi ích hàng hải, (và) kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA cũng tái khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh đối với đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc gọi Bãi cạn Scarborough) và vùng biển xung quanh”.

Các cuộc tuần tra của hải quân và không quân Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, bàn về cách tránh xung đột trong khu vực này. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói với người đồng cấp Blinken: “Mỹ không nên luôn gây rắc rối ở Biển Đông và không nên phá hoại nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của các nước trong khu vực”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến “những hành động nguy hiểm và gây mất ổn định” của Bắc Kinh ở Biển Đông và thảo luận về việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai nước.

Những năm gần đây, Biển Đông đang là một trong những điểm nóng thu hút nhiều sự chú ý nhất của quốc tế. Trong một báo cáo công bố ngày 27/9, nhóm chuyên gia cố vấn của Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính rằng tổng số ngày các tàu chiến của nhiều quốc gia hiện diện ở Biển Đông lên tới hơn 20.000 ngày mỗi năm (một ngày tàu được tính là một ngày cho mỗi tàu có mặt ở một khu vực hoặc một vùng cụ thể), và hàng năm có hơn 30.000 chuyến bay của các máy bay quân sự bay qua khu vực này. Các tàu của hải quân Mỹ đã dành khoảng 1.600 ngày trên vùng biển của khu vực, ngoài ra còn một số lượng tàu ngầm không được tiết lộ.

Cả 2 lần Trung Quốc đều triển khai tập trận ở khu vực Bãi cạn Scarborough là điều rất đáng chú ý. Bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và cách Trung Quốc khoảng 900 km, là một trong những thực thể có tranh chấp gay gắt nhất ở châu Á. Năm 2012, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát từ tay Philippines. Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông không xác định ai có chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough, nhưng kết luận ngư dân các nước ven Biển Đông, bao gồm Philippines và Việt Nam đều có quyền đánh bắt cá ở khu vực này. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn tìm cách ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough.

Theo thông tin từ các hiệp hội ngư dân Philippines, hiện Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông dường như hoàn toàn bị Trung Quốc “bao vây”. Chủ tịch của Hiệp hội đánh cá New Masinloc của Philippines, Leonardo Cuaresma cho biết “kể từ ngày 15/06/2024, Bãi cạn Scarborough đã bị canh giữ nghiêm ngặt và không ai có thể tiếp cận”. Một nhóm ngư dân từ Subic của Philippines đã đến đánh bắt cá gần bãi cạn nhưng “đã bị ngăn chặn và đe dọa bằng vũ khí”. Ông Leonido Moralde, ngư dân Philippines, trả lời báo Inquirer, cho biết thêm: “Chúng tôi không thể đến gần, nhưng từ xa, chúng tôi có thể nhìn thấy các tàu ở đó. Chúng tôi thấy một chiếc tàu màu xám, ban đầu chúng tôi nghĩ là của Philippines, nhưng khi thấy lá cờ đỏ, chúng tôi mới nhận ra đó là của Trung Quốc”.  Giới phân tích nhận định Trung Quốc tiến hành diễn tập ở khu vực Bãi cạn Scarborough mỗi khi Mỹ và các đồng minh tiến hành diễn tập chung trong vùng đặc quyền kinh tế là nhằm khẳng định “sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Bãi cạn Scarborough”, ngăn tàu của các nước có thể tới gần bãi cạn này. Bắc Kinh lo ngại tàu chiến các nước tiếp cận thậm chí diễn tập ở khu vực này vì lâu nay Hải quân Mỹ luôn tuyên bố “sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” mà theo luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài thì khu vực này là mở cho tàu thuyền của các nước. Nếu trong quá trình diễn tập ở Biển Đông tàu của Mỹ và các nước tiếp cận khu vực Bãi cạn Scarborough như tàu chiến Mỹ đã nhiều lần đi cắt ngang qua các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới