Pháp là nước thứ 2 cùng với Đức trong liên minh châu Âu đang chủ động tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng với Philippines để can dự sâu hơn vào Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong mấy tháng gần đây, Pháp và Philippines đã liên tục tăng cường các hoạt động an ninh và làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng, hai nước đã đang nỗ lực hướng tới một hiệp ước quốc phòng toàn diện hơn. Tháng 06/2024, chỉ vài tháng sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilbert Teodoro và đồng nhiệm Pháp Sébastien Lecornu ký thỏa thuận tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương tại Manila, Pháp đã bổ nhiệm một tùy viên quân sự thường trú tại Manila nhằm đảm bảo nhiều hoạt động quốc phòng chung hơn giữa hai nước.
Pegase – sứ mệnh không quân thường niên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – chính là chìa khoá trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp nhằm khẳng định hiện diện, bảo vệ không gian chủ quyền và thúc đẩy luật pháp quốc tế giữa lúc hoạt động hàng hải của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tướng Guillaume Thomas, người đứng đầu Bộ tư lệnh Phòng không và Điều hành của Pháp (một trong ba bộ phận của Lực lượng Không quân Vũ trụ Pháp), nhấn mạnh: “Pháp là một quốc gia của Thái Bình Dương, vì vậy chúng tôi cần bảo vệ dân chúng, các lãnh thổ hải ngoại, lợi ích của chúng tôi trong khu vực và hỗ trợ các lực lượng chủ quyền của chúng tôi tại các lãnh thổ này trong thời gian ngắn”.
Trong sứ mệnh Pegase 2024, một quân đoàn Lực lượng Không quân Vũ trụ Pháp đã dừng chân tại Philippines vào tháng 7/2024. Đội chiến đấu cơ Pháp dừng ở căn cứ không quân Clark, nằm cách thủ đô Manila về phía tây bắc khoảng 93 km. Căn cứ Clark trước đây được quân đội Mỹ khai thác cho đến năm 1991. Đây là hoạt động đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Pháp. Trong chuyến thăm, nhiều hoạt động song phương được tiến hành, góp phần xây dựng cơ sở cho hợp tác không quân giữa hai nước. Giới quan sát nhận định Pháp lần đầu đưa Philippines vào sứ mệnh không quân thường niên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm xây dựng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Manila, qua đó can dự sâu hơn vào Biển Đông và khu vực.
Pegase 2024 bao gồm các cuộc tập trận và dừng chân tại các đồng minh và đối tác khác như Úc, Indonesia, Nhật Bản và Mỹ để thể hiện khả năng tương tác giữa các lực lượng chung và liên hợp. Không quân Pháp đã điều hai máy bay đa năng Rafale, hai máy bay vận tải chiến thuật A400M và hai máy bay tiếp nhiên liệu và vận tải trên không A330 đến thăm căn cứ không quân Clark. Trong một loạt các hoạt động, các phi công chiến đấu Philippines đã ngồi trên máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất và bay cùng với máy bay siêu âm của riêng họ là FA-50 do Hàn Quốc sản xuất.
Tướng Guillaume Thomas cho biết: “Thông điệp của nhiệm vụ Pegase là chúng tôi có thể gửi rất nhanh, rất xa, những máy bay tốt nhất và hiện đại nhất của mình để đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nơi lợi ích của Pháp được quan tâm và bị đe dọa”. Tướng Thomas nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn chứng minh sự mở rộng quan hệ đối tác quân sự của chúng tôi trong lĩnh vực hàng không để thể hiện sự tin tưởng và sức sống của mối quan hệ của chúng tôi và chứng minh rằng Pháp sát cánh với Philippines”.
Ông Don McLain Gill, giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học De La Salle ở Manila, nhấn mạnh Paris đã mở rộng quan hệ quốc phòng với Manila trong ba năm qua. Ông nói: “Một thỏa thuận sâu rộng hơn, toàn diện hơn dường như là một bước tiến tự nhiên”. “Với lợi ích lớn của Pháp trong an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc tăng cường quan hệ với các nước cư trú trong khu vực là rất quan trọng. Hơn nữa, với địa chính trị đang diễn biến của Biển Đông, các cường quốc xa xôi đã quan tâm hơn đến việc đóng góp cho sự ổn định của khu vực dựa trên luật pháp quốc tế”.
Pháp và Philippines đã nhất trí tăng cường mạnh mẽ hợp tác quốc phòng kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã tới thăm Philippines đầu tháng 12 năm 2023. Trong chuyến thăm hai bên cũng nhất trí khởi động đàm phán về một thỏa thuận an ninh chung cho phép quân đội hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau. khởi động tiến trình đàm phán về một thỏa thuận an ninh chung cho phép quân đội hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau. Vào tháng 4, Pháp đã triển khai tàu khu trục nhỏ FS Vendémiaire tham gia Balikatan, cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất giữa Philippines và Hoa Kỳ.
Các cuộc đàm phán sơ bộ một thỏa thuận lực lượng thăm viếng song phương cho phép quân đội của mỗi nước huấn luyện và tập trận trên lãnh thổ của nhau đang được hai bên tích cực triển khai. Theo bà Marie Fontanel, Đại sứ Pháp tại Philippines, Pháp dự kiến sẽ gửi dự thảo đầu tiên của thỏa thuận tới Manila vào tháng 9 năm 2024. Đại sứ Marie Fontanel khẳng định Pháp sẽ chứng minh cam kết duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không như một việc cần thiết để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và toàn diện.
Philippines đã có các thỏa thuận lực lượng thăm viếng với Úc và Mỹ và gần đây đã ký một Thỏa thuận Thăm viếng lẫn nhau với Nhật Bản. Philippines hy vọng sẽ ký kết các thỏa thuận tương tự với Đức, Canada và New Zealand. Một số chuyên gia đặt câu hỏi Pháp có quan hệ lâu đời với nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc đã từng là thuộc địa của Pháp hơn 60 năm, nhưng tại sao Pháp lại chọn Philippines làm chỗ dựa “dấn thân” vào khu vực? Các chuyên gia đưa ra lý giải cho vấn đề này là:
Thứ nhất, Philippines là đồng minh theo hiệp ước duy nhất của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Trong 2 năm qua, chính quyền của Tổng thống Marcos đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ quân sự với Mỹ và các đồng minh khác của Mỹ như Úc, Nhật, Đức, Canada…. Cùng là đồng minh của Mỹ, Pháp sẽ thuận lợi hơn trong việc mở rộng quan hệ an ninh quốc phòng với Philippines. Giới phân tích nhận định việc Pháp tăng cường quan hệ quân sự với Philippines chắc chắn nhận được sự cổ vũ và hậu thuẫn của Mỹ.
Các nhà quan sát đánh giá với những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines trong 2 năm qua, có thể thấy Philippines đang trở thành trụ cột trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ không chỉ đẩy mạnh hợp tác quân sự với Philippines để can dự sâu hơn vào Biển Đông mà còn cho mục tiêu xa hơn là sử dụng vị trí địa lý thuận lợi của Philippines đối phó với những diễn biến căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung Typhon tới Philippines dù là tạm thời cũng cho thấy Mỹ đánh giá cao vai trò của Philippines trong việc đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực.
Trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Bắc Kinh ở khu vực và Biển Đông, Washington chủ trương vận động các đồng minh và đối tác cùng tham gia vào mặt trận ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc ở khu vực. Việc Pháp tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Philippines cũng là cách để chia sẻ trách nhiệm với đồng minh Mỹ trong các mục tiêu chiến lược ở Biển Đông và trong khu vực.
Thứ hai, cả Philippines và Pháp cùng có nhu cầu và lợi ích song trùng trong việc mở rộng mối quan hệ quân sự. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tập trung những hoạt động hung hăng, gây hấn nhằm vào Philippines, chính quyền Tổng thống Marcos chủ trương củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ và mở rộng hợp tác quân sự với các đồng minh của Mỹ, trong đó pháp và các nước khác như Úc, Nhật, Đức, Canada… để tạo thêm sức mạnh trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông. Bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Pháp, Philippines tìm cách nâng cao năng lực quân sự, củng cố an ninh quốc gia, đảm bảo ổn định khu vực và duy trì các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Ông Don McLain Gill, giảng viên Đại học De La Salle ở Manila cho biết quan hệ đối tác an ninh mở rộng với Pháp có thể mở đường cho “việc xây dựng năng lực tích hợp hơn thông qua chuyển giao công nghệ và chuyển giao kiến thức để cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng của Philippines”.
Về phía Pháp, khu vựcẤn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ là nơi cạnh tranh chiến lược lớn về an ninh toàn cầu mà còn nắm giữ các lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp đối với Pháp. Quần đảo Mayottes và Réunion ở Nam Ấn Độ Dương là lãnh thổ thuộc Pháp. Ở Thái Bình Dương, Pháp có các vùng hải ngoại New Caledonia, Wallis-et-Futuna, quần đảo Polynésie thuộc Pháp và đảo Clipperton. Với những vùng lãnh thổ đó, Pháp có gần 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, lớn thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) nên Paris kiên quyết trong bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải tại khu vực. Chính vì vậy, Pháp cần tăng cường sự hiện diện ở khu vực nhằm bảo vệ và bảo đảm an ninh quốc gia và vùng lãnh thổ của Pháp, kiểm soát các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Pháp, bảo vệ quyền lợi của công dân Pháp. Đây chính là nguyên nhân Pháp sẵn sàng mở rộng hợp tác an ninh quốc phòng với Philippines.
Thứ ba, là nước đã từng thay mặt chính quyền phong kiến Việt Nam quản lý và thực thi chủ quyền trên các quần đào Hoàng Sa và Trường Sa, Pháp muốn có những đóng góp vào các vấn đề an ninh, bảo vệ tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông. Giới quan sát nhận định Paris coi Manila-một đồng minh của Washington là cửa ngõ để đi vào khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.
Ông Joshua Espena tại tổ chức nghiên cứu chính sách Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế (Phillipines) đánh giá việc hợp tác với các quốc gia như Philippines sẽ cho phép Pháp tiếp cận và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Ông Espena nói thêm: “Bằng cách xây dựng bức tranh riêng, Paris có thể đa dạng hóa các lựa chọn để vượt qua trong thời đại bất định này”.
Ông Don McLain Gill, giảng viên Đại học De La Salle ở Manila, nhấn mạnh: “Nhìn chung, Pháp là một bên đóng góp cũng như đối tác an ninh và phát triển thay thế được chào đón. Một mối quan hệ đối tác Pháp – Philippines thành công có thể là một chuẩn mực cho các quốc gia Đông Nam Á khác”. Những sáng kiến của Philippines nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài Đông Nam Á, trong đó có Pháp thể hiện sự điều chỉnh chiến lược để đáp ứng các thách thức khu vực. Pháp và các đối tác khác đã nhấn mạnh cam kết tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế bằng cách hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.
Pháp luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đã cùng Anh, Đức gửi công hàm lên Liên hợp quốc thể hiện rõ quan điểm pháp lý trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông; bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời khẳng định giá trị pháp lý của phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông; kêu gọi các bên tôn trọng và thực thi pháp quyết. Đây là cơ sở quan trọng để Pháp tăng cường can dự vào Biển Đông. Mặt khác, Pháp cùng với Đức là 2 nước lớn quan trọng của Liên minh châu Âu EU và có ảnh hưởng lớn lên các nước EU khác, việc Pháp mở rộng hợp tác quân sự với Philippines, can dự sâu vào Biển Đông sẽ khích lệ các nước châu Âu khác noi theo, tham gia vào mặt trận kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.