Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố đầy đủ về hoạt động tự do hàng hải theo thông lệ tại Biển Đông của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence hôm 10-5-2016. Tuyên bố xác định USS William P. Lawrence đã thực hiện quyền đi qua vô hại khi quá cảnh trong vùng 12 hải lý của bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.
Khu trục hạm USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh bãi Đá Chữ Thập hôm 10/5/2016
Nguyên văn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về chuyến tuần tra của tàu USS William P. Lawrence gần bãi Đá Chữ Thập ngày 10/5/2016 như sau:
“Bộ Quốc phòng đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải thường lệ ở Biển Đông vào sáng ngày 10-5 (tối ngày 9-5 ở Mỹ) trong vùng lân cận bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm bảo vệ các quyền và quyền tự do của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế, đồng thời thách thức các yêu sách trên biển quá trớn của một số bên tranh chấp ở Biển Đông.
Trong hoạt động này, tàu USS William P. Lawrence (DDG-110) đã thực hiện quyền đi qua vô hại khi quá cảnh trong vùng 12 hải lý của bãi Đá Chữ Thập, một thực thể ngập nước đang bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Hoạt động này đã thách thức các nỗ lực của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do lưu thông quanh các thực thể mà họ tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là khi 3 bên yêu sách này dường như có ý định yêu cầu (các bên khác) phải được sự cho phép trước của họ hoặc thông báo với họ về việc quá cảnh qua lãnh hải. Điều này là trái với luật pháp quốc tế.
Do các yêu sách trên biển của Philippines liên quan đến các thực thể ở Biển Đông không có ý hạn chế việc thực hiện các quyền tự do lưu thông theo Luật Biển của Hoa Kỳ và các quốc gia khác nên hoạt động này (chuyến tuần tra của tàu USS William P. Lawrence gần bãi Đá Chữ Thập) không nhằm thách thức Philippines.
Những tuyên bố chủ quyền quá trớn trên biển này trái với luật pháp quốc tế được phản ánh tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và chúng được dựng ra để hạn chế quyền tự do lưu thông đối với Mỹ và mọi quốc gia khác. Không bên yêu sách nào được chúng tôi thông báo trước về chuyến tuần tra và điều này là phù hợp với quy trình bình thường của chúng tôi và luật pháp quốc tế.
Hoạt động này chứng tỏ điều mà Tổng thống Obama đã tuyên bố, đó là Mỹ sẽ bay, sẽ ra khơi và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đó là sự thật ở Biển Đông, cũng như ở những nơi khác trên toàn cầu.
Kể từ năm 1979, chương trình Tự do hàng hải của Hoa Kỳ đã thể hiện sự không phục tùng những yêu sách hàng hải quá trớn của các quốc gia ven biển trên toàn thế giới. Chương trình này bao gồm cả sự tư vấn và đại diện của các nhà ngoại giao Mỹ và các hoạt động của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ.
Hoạt động này không nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của các bên đối với các thực thế đất. Hoa Kỳ không có lập trường về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các bên tranh chấp đối với các thực thế đất hình thành tự nhiên ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ có lập trường mạnh mẽ về việc bảo vệ và phát huy các quyền, quyền tự do và quyền sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận đảm bảo cho mọi quốc gia và tất cả các bên yêu sách trên biển phải tuân thủ luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Nếu như trong sự kiện USS Lassen, Bộ Quốc phòng Mỹ còn khiến cho cả những quan chức cấp cao của nước này, cụ thể là Thượng nghị sỹ John McCain – Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng phải thắc mắc về mục đích hoạt động tuần tra của khu trục hạm USS Lassen trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Đá Xu Bi hồi cuối tháng 10 năm 2015 là một sự thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, hay là một hoạt động “đi qua vô hại”, thì nay, với chuyến tuần tra của chiến hạm USS William P. Lawrence, Lầu Năm Góc đã công khai rõ ràng ý đồ của họ một cách nhanh chóng.
Có thể thấy, Mỹ vẫn giương cao ngọn cờ bảo vệ, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực mà họ cho là thuộc vùng biển và không phận quốc tế. Mỹ vẫn khẳng định sự trung lập của họ trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nhưng đòi hỏi sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, của tất cả các bên yêu sách chủ quyền. Điều đặc biệt là Mỹ chưa thông qua và chưa ký công ước này nhưng họ lại tôn trọng bản Hiến pháp của đại dương này, trong khi đó Trung Quốc là một thành viên đã ký kết nhưng lại tìm cách “lách” và “phớt lờ” luật.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn Đá Chữ Thập trong chuyến tuần tra lần này của chiến hạm USS William P. Lawrence được cho là một phần trong thông điệp Mỹ muốn trực tiếp gửi tới Trung Quốc, sau một loạt cảnh báo của Washington về sự gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc, cũng như tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, “Đá Chữ Thập nhạy cảm bởi nó được cho là nơi Trung Quốc sẽ dùng làm căn cứ trung tâm tương lai cho các chiến dịch quân sự của nước này ở Biển Đông, bởi rõ ràng ở đó đã sẵn có cơ sở hạ tầng quy mô bao gồm cảng nước sâu lớn và đường băng dài 3.000m”.
Thời điểm diễn ra cuộc tuần tra cũng rất thú vị, bởi nó diễn ra trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam vào cuối tháng 5 này. Bên cạnh đó, vụ kiện Trung Quốc của Philippines liên quan đến vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ có kết quả chung cuộc trong khoảng 2 tháng nữa. Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Philippines đang trong giai đoạn nóng bỏng mà ứng cử viên sáng giá nhất đang là ông Rodrigo Duterte – người nổi tiếng với lập trường cứng rắn.
Tóm lại, động thái nhạy cảm trong khu vực nhạy cảm và ở thời điểm nhạy cảm của Mỹ đang cho thấy sự quyết tâm của Washington. Hành động của Mỹ trongvấn đề Biển Đông sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và chắc chắn điều này sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn khi đối phó cũng như gia tăng các hành vi gây hấn.