Friday, October 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiếc kiềng nhiều chân

Chiếc kiềng nhiều chân

Năm 2023 là năm ngoại giao đại thắng lợi của Việt Nam. Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo chính thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 12-13 tháng 12, dư luận quốc tế đánh giá rất cao Chiến lược ngoại giao của Hà Nội.

Thắng lợi của Chiến lược “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam như một Chiến lược đồng hành với “Ngoại giao láng giềng” của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn thấu triệt kinh nghiệm từ cha ông “nước xa không cứu được lửa gần”. Muốn ấm no, cửa nhà yên ổn thì phải chơi thân với mấy ông hàng xóm. Còn Hà Nội thì cũng từ bài học cha ông “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đừng cứng nhắc quá, thận trọng quá mà vuột mất thời cơ. Từ thời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã dặn rằng: Phải biết “đánh vào chỗ không có thành, công ở nơi không có lũy, nhẹ nhàng như mưa rơi ở trên không, dựng nên cuộc đời vô sự”. Cây tre có bộ rễ vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thật hợp với cách ứng xử của người xưa và hợp với xu thế thời đại ngày nay.

Ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần này nhằm mục đích gì? Chả phải như có những bình luận có phần đơn giản, rằng ông sang đây là để cân bằng với chuyến thăm trước đó của Tổng thống Mỹ Biden. Thật ra, Bắc Kinh muốn có sự cân bằng lớn hơn, cân bằng động, chứ không phải cân bằng tĩnh. Mục tiêu cao nhất là nâng quan hệ Trung Quốc-Việt Nam lên tầm cao mới.

Đã là Đối tác Chiến lược Toàn diện của nhau. Đã là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (Bốn tốt) thì còn mong gì hơn nữa? Có đấy. Cao hơn cả chiến lược- toàn diện là đồng minh tin cậy, anh em một nhà. Diễn giải chữ nghĩa là: “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”. Cụm từ này là phát kiến của ông Tập từ năm 2013. Nhà lý luận cộng sản gọi đây là “giải pháp của Trung Quốc” và “trí tuệ Trung Quốc”, nhằm mang lại cho trật tự thế giới mới trong tương lai.

Hiện nay ở khu vực Đông Nam Á đã có các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan gia nhập “Cộng đồng chung vận mệnh”. Nghĩa là “Cây tre Việt Nam” còn đang lưỡng lự (!). Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tập Cận Bình, ông sẽ thảo luận với Hà Nội về quan điểm mới, nhằm tăng cường quan hệ Việt – Trung. Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cho hay, Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Rõ ràng, cả hai bên đều không muốn nhắc đến cái sự “nâng cấp” cao hơn trước đây.

Theo nhận định của các nhà bình luận quốc tế, Bắc Kinh đang thúc đẩy Việt Nam tham gia “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” và các dự án toàn cầu khác, còn Hà Nội có khả năng chỉ tham gia một cách miễn cưỡng. Có thể là lá cành cây tre sẽ vươn theo cái “cộng đồng vận mệnh”, còn rễ và gốc thì còn chờ thời gian, thời tiết chính trị.

Lâu nay Việt Nam rất coi trọng cái thế kiềng bốn chân, bao gồm Mỹ-Nga-Trung Quốc- Việt Nam. Ba ông lớn – ba cái chân kiềng lớn- đã trở thành bạn lớn. Cố nhiên, Việt Nam đã có thế vững ở các chân kiềng nhỏ là: Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN, Pháp, Anh, Đức, Otxtraylia, Hàn Quốc…

Giữ được cái thế chân kiềng (to và nhỏ ấy) chính là đại thành công của Hà Nội trong một thế giới đầy biến động, phức tạp, khó lường. Mấy năm nay, nhất là từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Nga xích lại gần Trung Quốc, rất thân thiết với Trung Quốc. Tốt thôi, đấy là việc của bạn bè, nhưng nó là điều bất lợi cho Việt Nam.

Vì sao bất lợi? Vì Nga không chỉ là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, mà các công ty dầu khí Nga còn đóng vai trò quan trọng trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Thêm nữa, trong chiến lược “cân bằng quan hệ” với các nước lớn của Hà Nội, Moscow cũng là một cường quốc rất quan trọng. Chính nhờ quan hệ tốt với Nga mà Việt Nam giữ được cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Hiện nay, khi Nga suy yếu về kinh tế, cũng như các lĩnh vực khác, phải dựa nhiều hơn vào Trung Quốc, dẫn tới cán cân lực lượng giữa các cường quốc nghiêng ngả. “Chân kiềng” Nga lung lay khiến cho “chân kiềng” Việt Nam khó tránh khỏi mất cân bằng.

Hà Nội đã tỉnh táo khi tuyên bố “không chọn phe”. Họ tìm cách kéo Nga, Mỹ về phía mình, đồng thời giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước “cận cường quốc” như Nhật Bản và Ấn Độ và các nước “bậc trung” như Hàn Quốc, Otxtraylia (sắp tới sẽ nâng quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”). Và nay Trung Quốc hết sức “thân ái và hữu nghị”, với chuyến thăm cuối năm nhiều hứa hẹn của người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc.

Một thế cờ mới đang mở ra. Thế cờ ấy đương nhiên là do các nước lớn sắp đặt. Nhưng trước khi vào ván cờ, các nhà “cờ học” đã trân trọng có lời với Việt Nam – một quốc gia đang có vị thế và uy tín quốc tế lớn. Chắc chắn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ giúp cho “chiếc kiềng nhiều chân” của Hà Nội thêm vững chãi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới