Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi tàu tiếp tế Philippines lại bị chặn

Khi tàu tiếp tế Philippines lại bị chặn

Ngày 17/2 vừa qua, sự kiện cáo buộc của Philippines đối với hành động phi nhân đạo của tàu hải cảnh Trung Quốc tại một đảo san hô, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là những ai quan tâm tình hình Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough.

Những câu chuyện tương tự từng xảy ra, có điều khác địa điểm. Hồi tháng 8 năm 2023, Manila đã làm ầm lên khi tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu của Philippines vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các nhóm lính đồn trú ở con tàu cũ BRP Sierra Madre mà Philippines cố tình làm cho mắc cạn và sử dụng như một cột mốc khẳng định chủ quyền trong khu vực bãi cạn Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).Trước đó nữa, các sự cố tương tự cùng được ghi nhận trong quá khứ, như một phần của một loạt các sự kiện gây căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Vụ việc xảy ra tại một đảo san hô, thuộc khu vực gần bãi cạn Scaborough mới nhất này khiến nhiều người một lần nữa lo lắng và hồi hộp.

Bãi cạn Scarborough, một khu vực biển nằm giữa biển Đông, đã trở thành trung tâm của cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines từ những năm 1990. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và thực hiện các hoạt động để củng cố vị thế của mình. Sau nhiều năm kể từ năm 2012, Philippines hẳn vẫn còn đau đớn về việc bị Trung Quốc dùng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát bãi cạn. Dù được coi là “thắng” trong vụ kiện đình đám tại Tòa PCA với phán quyết ngày 12/7/2016, nhưng tới nay, Scaborough vẫn do Trung Quốc kiểm soát. Tháng 9/2023, Trung Quốc còn dựng “rào chắn nổi” ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận và đánh bắt hải sản tại một ngư trường truyền thống…

Cùng những căng thẳng có sẵn, vụ việc mới nhất này không chỉ khiến dư luận Philippines phẫn nộ mà còn khiến cộng đồng quốc tế lo lắng. Một lần nữa, vấn đề về tự do hàng hải và nhân quyền trên Biển Đông lại được đặt ra.

Trong bối cảnh này, ngoài phản ứng của Philippines, việc quốc tế phản ứng ra sao sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc định hình tương lai của khu vực. Các quốc gia khác, đặc biệt là những đối tác lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, có thể cần phải có những biện pháp hành động cụ thể để ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích của họ trước các hành động gây căng thẳng từ Trung Quốc. Các quốc gia “chung cảnh” – nghĩa là thường xuyên là nạn nhân gây hấn của Trung Quốc, như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, cũng cần có những phản ứng tích cực, ít nhất, đủ để Bắc Kinh thấy, họ đang không được cộng đồng khu vực và quốc tế đồng tình.

Trong bối cảnh đó, cả hai bên – Philippines và Trung Quốc chắc chắn đều cho là mình phải, và không thể không phản ứng, hoặc tiếp tục phản ứng. Nhưng điều quan trọng, cả hai bên cần có ý thức về trách nhiệm và hậu quả của hành động của mình (tức cách phản ứng, phản đối) đối với khu vực và thế giới. Bởi lẽ, Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng, việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thời điểm này, không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia liên quan mà còn là lợi ích của cả thế giới.

Tới nay, Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận nào trước cáo buộc của Philippines. Sự việc có vẻ bất thường, nhưng không quá khó hiểu. Trung Quốc vẫn vậy, đa nghi và thâm nên hành xử của họ có thể chậm nhưng phải thận trọng. Trong trường hợp này, phản ứng đưa ra phải căn cứ vào nhiều yếu tố, ngoài quan hệ song phương, còn là ngữ cảnh chính trị, thái độ của cộng đồng quốc tế…Trên cơ sở nhận định đó, nhiều người đã thử dự đoán phản ứng của Trung Quốc với các khả năng:

Thứ nhất, Trung Quốc có thể bác bỏ hoặc phủ nhận những cáo buộc từ Philippines; nhấn mạnh rằng các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc là hợp pháp và được thực hiện trong phạm vi của chủ quyền của họ. Trung Quốc thường nhấn mạnh về quan điểm của mình về Biển Đông và nhấn mạnh rằng họ đang thực hiện những hoạt động bình thường nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, Trung Quốc cũng có thể phản ứng bằng cách lên án và phản đối cáo buộc từ Philippines, coi đó là một nỗ lực để xuyên tạc và làm giảm uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Họ có thể tuyên bố rằng Philippines đang làm phức tạp thêm tình hình và làm suy yếu nỗ lực hòa giải và đàm phán giữa các bên.

Thứ ba, khả năng ít nhất, Trung Quốc có thể lựa chọn thương thảo và đàm phán với Philippines để giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình. Cách này, Trung Quốc từng áp dụng và khá thành công trong vụ Cỏ Rong năm 2019: tác động vào lãnh đạo Philippines (thời điểm đó là tổng thống Duterte) để giải thích, trấn an dư luận, làm cho người Philippines bớt phẫn nộ, không phát sinh các hành động mà Trung Quốc cho là tiêu cực…

Thứ tư, cũng là điều đáng lo ngại nhất, Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực để thể hiện sự quyết tâm và sức mạnh của họ. Điều này có thể bao gồm việc triển khai thêm tàu hải cảnh hoặc các tàu chiến ở gần khu vực tranh chấp.

Khả năng nào sẽ xảy ra sau vụ tố Trung Quốc mới nhất của Philippines? Không lâu nữa đâu, hãy chờ xem.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới