Ngũ Hành Sơn có từ năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn. “Đại Nam dư địa chí ước biên” thời nhà Nguyễn chép: “Năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía Đông Bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía Tây Nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa. Hai ngọn phía Tây là Thổ Sơn, Kim Sơn (cho) khắc tên núi lên đá”.
Vùng đất với lịch sử lâu đời
Người dân địa phương còn gọi cụm núi này với những cái tên như: Hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay – vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có 5 ngón cắm xuống đất).
Trong đó, cái tên hòn Non Nước là phổ biến và lâu đời hơn cả. Ca dao xứ Quảng có câu:
“Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”
Trong các thư tịch cổ, địa danh núi Non Nước đã xuất hiện hơn 5 thế kỷ. Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp có ghi địa danh “Non Nước Sơn”.
Cũng như trong “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá Công Đạo, tự Đạo Phủ, quê Nghệ An, soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành đều có ghi “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. Người Tây phương trong những chuyến vượt biển vào năm 1749 đã gọi nhóm núi này là “Montagne des Singes” tức núi Khỉ (vì trước kia có nhiều khỉ ở). Vào năm 1845 họ gọi đây là “Rochers de Faifo” (Núi Faifo) và sau cùng có tên gọi “Motagne de Tourane” (Núi Đà Nẵng) hoặc “Montagne de Narbe” (Núi Cẩm Thạch).
Ngoài ra, từng ngọn núi trong cụm núi Ngũ Hành Sơn cũng có những cái tên dân dã rất riêng như ngọn Thủy Sơn ở hướng Đông Bắc được gọi là núi Chùa hoặc núi Tam Thai; ngọn Mộc Sơn ở hướng Đông được gọi là núi Mồng Gà; ngọn Thổ Sơn ở hướng Tây Bắc được gọi là núi Đá Chồng; ngọn Kim Sơn ở hướng Tây được gọi là núi Đùng và ngọn Hỏa Sơn ở hướng Tây Nam được gọi là núi Ông Chài.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung, xưa vốn là một cửa bể thuộc châu Rí (Lý) của Vương quốc Champa. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì vùng đất này “nguyên xưa là đất Việt – thường thị, đời Tần (246 – 207 TCN) thuộc Tượng Quận, đời Hán (206 TCN – 219 CN) là bờ cõi quận Nhật Nam, đời Đường thuộc Lâm Ấp (618 – 907 CN), đời Tống (960 – 1279) thuộc Chiêm Thành”.
Thuở ban đầu, theo nhận định của nhà nghiên cứu – bác sĩ người Pháp Albert Sallet, núi Ngũ hành xưa là đảo San hô đá vôi, có thể nơi đây từng là địa điểm phục kích của bọn cướp biển hoặc chỗ trú ẩn của dân chài biển. Sau này, có thể người Chăm đã lợi dụng “các thể khối đá vôi trồi lên sừng sững chính là các pháo đài thiên nhiên, các tiền đồn để bảo vệ, canh gác phía biển”.
Đến thế kỷ 7 – 11, khu vực quanh chân núi Ngũ Hành Sơn đã phát triển trở thành một “làng bến – thị tứ” cường thịnh, sầm uất, giữ vai trò là “vệ tinh” của các thương cảng lớn, là trung tâm buôn bán nhỏ, nơi tiêu thụ, trung chuyển, tập trung hàng hóa về Cửa Đại để trao đổi với các thuyền buôn giữa các vùng hay thương thuyền của Trung Quốc, Ả Rập và các quốc gia khác trên con đường “tơ lụa quốc tế trên biển”.
Điều này được thể hiện rõ qua kết quả của hai đợt khai quật di chỉ khảo cổ Nam Thổ Sơn dưới chân ngọn Thổ Sơn. Các hiện vật tìm được vô cùng phong phú về loại hình và chất liệu, nhất là sự có mặt của các di vật có nguồn gốc từ nước ngoài trong đó có một số hiện vật có nguồn gốc ngoại nhập như: Gốm thời Đường, gốm thủy tinh Islam, tiền “Khai Nguyên Thông Bảo”…
Đồng thời, trong giai đoạn này, khu vực trên đỉnh núi Ngũ Hành Sơn cũng đã trở thành một trung tâm tâm linh tín ngưỡng, nơi người Champa thể hiện sự ngưỡng vọng của mình tới các đấng thần linh tối cao. Trong những trang sách viết về Ngũ Hành Sơn của người Pháp từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, có đề cập đến việc phát hiện một số dấu tích đền tháp sụp đổ và các tác phẩm điêu khắc Champa tại các ngọn núi thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn hay trên bản đồ khảo cổ học Champa năm 1908 của Henri Parmentier có ghi tên “Tháp Ngũ Hành Sơn”.
Đặc biệt, hiện nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở trước sân chùa Linh Ứng, đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở hang Chiêm Thành thuộc động Tàng Chơn, đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương ở động Huyền Không, hai trụ cửa đá sa thạch ở trên đường lên chùa Tam Thai (đây có thể là những trụ cửa của một ngôi tháp Chăm đã bị đổ và được chuyển về vị trí hiện nay), bệ đá hình vuông mang phong cách Mỹ Sơn A1 ở sân chùa Linh Ứng, tượng linga-yoni ở động Tàng Chơn, các tượng hộ pháp ở động Tàng Chơn, 3 tượng nữ thần Po Inư Nagar ở động Huyền Không và động Tàng Chơn, gạch Chăm lát nền động Huyền Không…
Cơ tầng văn hóa Việt nơi Ngũ Hành Sơn
Sau đó, năm 1306, với cuộc hôn nhân lịch sử giữa Huyền Trân Công chúa và vua Chế Mân (Jaya Simhavarrman III) đã mang về cho quốc gia Đại Việt một món quà sính lễ vô cùng lớn là 2 châu: Châu Ô và châu Lý (vùng đất từ Nam Quảng Trị, Thừa Thiên đến Bắc Quảng Nam ngày nay). Đến năm 1307, nhà Trần chính thức sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Đại Việt, đổi tên 2 châu này thành Thuận Châu và Hóa Châu. Lúc này, Ngũ Hành Sơn thuộc Hóa Châu.
Sự kiện chuyển giao hòa bình giữa hai vương triều này chính là nền tảng bảo đảm cho các thiết chế thờ tự và cả những tập tục, tín ngưỡng của người Champa trên Ngũ Hành Sơn được người Việt tiếp thu, lưu truyền và Việt hóa.
Từ thế kỷ 15 – 16, người Việt từ phía Bắc di cư vào, tiếp quản và định cư ở các làng Hóa Khuê, Quán Khái quanh chân núi Ngũ Hành Sơn. Sự giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến giữa hai hệ văn hóa Việt – Chăm diễn ra mạnh mẽ, làm cho vùng đất Ngũ Hành Sơn có thêm nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong đó, sự giao thoa về mặt tín ngưỡng, tôn giáo là điểm nhấn đáng chú ý hơn cả. Bên cạnh việc bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của “quê cha đất tổ”, người Việt đã dung hợp và Việt hóa một số hình thức văn hóa tâm linh của người Chăm, tiêu biểu nhất là việc thờ phụng các Bà Ngọc Phi và Lôi Phi ở động Huyền Không, Linh Sơn Thánh Mẫu ở động Tàng Chơn. Các vị thánh mẫu này thực chất là nữ thần xứ sở Po Inư Nagar của người Chăm và tượng thờ Bà vẫn là tượng đá sa thạch theo phong cách tạo hình Ấn Độ cổ được sơn son, thiếp vàng, khoác lên mình xiêm y, áo mão rực rỡ.
Từ thế kỷ 17 – 19, Ngũ Hành Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong, với một hệ thống chùa chiền, miếu mạo dày đặc, và hầu như ở ngọn núi nào, hang động nào cũng dựng được chùa, đặt am, miếu để thờ Phật, thờ thánh thần, thờ biểu tượng tâm linh của người Việt lẫn người Chăm, trong đó có nhiều danh lam cổ tự được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
T.P