Tuesday, April 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGHI CHÉP VỀ ĐỘI HOÀNG SA, BẮC HẢI THỰC HIỆN CHỦ QUYỀN...

GHI CHÉP VỀ ĐỘI HOÀNG SA, BẮC HẢI THỰC HIỆN CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA TRONG SỬ

BienDong.Net: Là một người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng trái tim tôi luôn hướng về Tổ quốc. Tôi đã dành thời gian nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vừa qua, tôi có dịp về nước để tham dự Hội thảo “Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – những khía cạnh pháp lý và lịch sử” do trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tại Quảng Ngãi cuối tháng 4/2013.

Tôi rất mừng được gặp và trao đổi với một số học giả, sử gia Việt Nam, cả trong và ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Hoàng Việt, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Mỹ), giáo sư Hồ Bạch Thảo (Nhật Bản), Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Đỗ Tiến Sâm… Được nói chuyện và được nghe tham luận của các anh trình bày trong Hội thảo làm tôi hiểu thêm nhiều điều về những bằng chứng lịch sử cho thấy cha ông chúng ta ngày trước đã phát hiện, khai thác và quản lý hai quần đảo từ rất lâu và quá trình hàng trăm năm thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo cũng rất nhiều gian nan, vất vả, đầy khó khăn. Chứng cứ lịch sử và lập luận mà các anh đưa ra hầu hết đều thống nhất với nhau, có hệ thống, rất khách quan, khoa học và có sức thuyết phục cao. Qua những nghiên cứu của anh Nguyễn Nhã, anh Đỗ Quang Ngọc, câu chuyện về những đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải vâng lệnh các chúa Nguyễn ra Hoàng Sa, Trường Sa từ đầu thế kỷ 17 để làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và khai thác sản vật, hoá vật ở đó ngày càng trở nên rõ nét, sinh động.

Hoạt động này được mô tả chi tiết lần đầu tiên trong bộ sách Phủ biên tạp lục gồm 6 quyển do Lê Quý Đôn, nhà văn, nhà nghiên cứu, sử gia biên soạn năm 1776, khi ông làm quan trấn nhậm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam[1]. Phủ biên tạp lục nghĩa là ghi lại những việc đang xảy ra và cách giải quyết các việc như phủ dụ, trấn an ở hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam. Trong quyển 2 của bộ sách Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn mô tả “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc vài canh thì đến. …Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiến, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản… ”

Tiếp sau Phủ biên tạp lục là Bộ chính sử Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789) do các sứ thần thời Lê – Trịnh biên soạn theo lệnh của chúaTrịnh Sâm. Đây là cuốn sách nối tiếp vào quyền thứ 19 trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần nói về đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cũng được mô tả không khác những ghi chép của Lê Quý Đôn.

Những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa và đội Hoàng Sa, Bắc Hải trong Phủ biên tạp lục và Đại việt sử ký tục biên đã được tiếp tục bổ sung trong sách Dư địa chí – quyển số 5 trong số 49 cuốn sách thuộc bộ sách ghi chép mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam, lấy tên là Lịch triều hiến chương đại chí, do nhà nghiên cứu bách khoa của Việt Nam Phan Huy Chú biên soạn năm 1821. Chi tiết này còn được nói đến trong cuốn Hoàng Việt dư địa chí (1833) [2]. Trong thời kỳ nhà Nguyễn (1525 – 1945) [3] người ta đã rất chú trọng việc biên soạn sách địa lý, lịch sử của Việt Nam. Quốc sử quán triều Nguyễn là một cơ quan được triều đình giao chuyên môn phụ trách việc biên soạn các sách lịch sử, địa lý của Việt Nam. Đứng đầu Quôc sử quán là những viên quan đại thần xuất thân đại khoa và trước đó từng là những giáo sư tại Trường Quốc Tử Giám. Những nội dung liên quan đến hai quần đảo và các hoạt động thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa được nhắc đến trong các sách của Quôc sử quán triều Nguyễn như Đại Nam thực lục phần tiền biên[4]. Đại Nam thực lục phần chính biên[5] có rất nhiều đoạn viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.Ví dụ: “… Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long 15 (1816), Vua gia lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra đảo Hoàng Sa để khám xét và đo đạc đường thủy” hoặc “năm Quý Tị, Minh Mạng thứ 14 (1833) … Vua bảo bộ Công rằng: dải Hoàng Sa trong địa phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một mầu không phân biệt được cạn hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị đắm. Nay nên dự bị thuyền bè, đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối, ngày sau cây cối to lớn, xanh tốt, người dễ nhận biết. Việc này có thể tránh nhiều nạn mắc cạn. Đó cũng là việc muôn đời vậy”, hay “ Năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15 (1834). Sai giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền tới đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ xong rồi về.”.. Các cuốn sách do Quốc sử quán viết sau đó như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ[6]; Quốc triều chính biên toát yếu[7]; Đại Nam nhất thống chí [8] tiếp tục ghi nhận các hoạt động thực thi chủ quyền của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Thông qua các ghi chép của các nhà bác học, sử gia của Việt Nam như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Thông….Thông qua các bộ sách sử do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép có thể thấy cha ông ta ngày xưa đã phát hiện và có những mô tả chi tiết, chính xác vị trí của hai quần đảo bằng khoa học địa lý thời bấy giờ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã tiến hành các hoạt động xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo bằng việc cử các đội Hoàng Sa, Bắc Hải tới hai quần đảo hàng năm, trong nhiều tháng để, ban đầu là thu lượm các hóa vật bị chìm đắm, khai thác sản vật trên đảo, tiếp đến là đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, trồng cây, xây miếu, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ… Việc thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo đã diễn ra hàng trăm năm một cách liên tục, hòa bình không tranh chấp với bất cứ một quốc gia nào. Thông qua những chứng cứ lịch sử khách quan, trong tham luận tại Hội thảo, anh Nguyễn Quang Ngọc còn chứng minh được rằng chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635) là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tổ chức đội Hoàng Sa đi ra hai quần đảo để khai chiếm và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo trong thời gian đầu của thế kỷ thứ 17 khi hai quần đảo còn là vô chủ, chưa có nhà nước nào khác thực hiện các hành vi xác lập chủ quyền.

Một thắc mắc có thể đặt ra là: Vậy thì trong cùng khoảng thời gian đó các nhà nước phong kiến phương Bắc có quan tâm đến việc phát hiện và thực thi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông hay không???. Câu trả lời tôi đã thấy trong nghiên cứu của Giáo sư Hồ Bạch Thảo (Nhật Bản), Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc Phạm Hoàng Quân… như sau: Trong cuốn Đại Minh nhất thống chí, biên soạn năm 1461 có tấm bản đồ mang tên Thiên hạ thống nhất chí đồ đã vẽ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trong Minh sử[9], bộ chính sử ghi chép về thời Nhà Minh (1368 đến 1644), cuốn thứ 24 còn ghi rõ phần lãnh thổ Đài Loan được gọi là Kê Lung Sơn, tại mục “ngoại quốc”. Đến đời Nhà Thanh (1662 – 1911), do bị quân Nhật thao túng cướp phá vùng biển nên Trung Quốc chỉ chú trọng phòng thủ trên bờ, không hề quan tâm đến biển cả. Chiến lược bỏ biển của Trung Quốc được ghi lại trong sách Quảng Đông Thông Chí (1842), quyển 9 là “nghiêm dương cấm (cấm dân ra biển); ngự hải dương (phòng ngự bờ biển); cổ hải ngạn (làm vững bờ biển). Trong cuốn Hải Quốc Đồ Chí do sử gia Trung Quốc là Ngụy Nguyên biên soạn năm 1824 còn đưa bằng chứng dưới thời nhà Minh, Thanh các đảo Châu Sơn, Nam Điền, Kim Đường, Ngọc Hoàn thuộc tỉnh Chiết Giang thậm chí còn bị bỏ ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc hơn 300 năm mặc dù các đảo này chỉ cách bờ biển chưa đầy 10 km. Đến các đảo gần Trung Quốc như vậy còn không được coi là lãnh thổ Trung Quốc thì thử hỏi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi trên Biển Đông như thế, liệu Trung Quốc có quan tâm và thực thi chủ quyền từ xa xưa, như Trung Quốc vẫn thường rêu rao hay không?.

Với chính sách bỏ biển như vậy, nên từ triều Thanh trở về trước Trung Quốc chỉ giới hạn vùng biển gần bờ, để phần còn lại ở biển phía Nam Trung Quốc cho An Nam để cáng đáng việc khống chế cướp biển ngoài khơi. Sách Minh Thực Lục, Thanh Thực lục còn lưu các văn bản chính quyền nhà Thanh nhờ chính quyền An Nam giúp truy lùng cướp biển.

Chỉ đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới bắt đầu nhòm ngó đến Hoàng Sa và nhảy vào tranh giành chủ quyền với Việt Nam kể từ năm 1909, khi Thống đốc Lưỡng Quảng phái đô đốc Lý Chuẩn và hai pháo hạm tới Hoàng Sa ngày 6 tháng 6 năm 1909, “cắm cờ Trung Quốc và nổ súng thần công”, mở ra một thời kỳ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc và các nước khác đối với hai quần đảo, và cũng từ đó đến nay, Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn trở thành tâm điểm của căng thẳng, xung đột, trở thành “điểm nóng” trong lịch sử đương đại.



[1] nay thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định

[2] thường gọi là cuốn Địa dư Minh Mạng (không đề tên tác giả), khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833) và đã được tái bản nhiều lần.

[3] gồm chín đời chúa Nguyễn và triều đình Nhà Nguyễn

[4] Quyển 10, soạn năm 1821, khắc in năm 1844;

[5] Khắc in trong các năm 1848, 1864 và 1879

[6] Bộ sách ghi chép những công tác của triều đình thuộc Lục bộ, dưới hình thức các Dụ, Chiếu, Sắc… do Vua ban bố và các bản tấu chuẩn được dâng lên vua xem xét và cho ban hành thực thi. viết từ năm 1843 đến năm 1851, sau đó được viết tiếp từ năm 1852 đến 1859 và từ năm 1889 đến 1945.

[7] Bộ sử ghi chép về các đời vua Nguyễn từ đời Gia Long (1802-1820) trở về sau.

[8] Được vua Tự Đức ra lệnh soạn năm 1865, hoàn thành lần 1 năm 1882, tiếp tục chỉnh lý và in năm 1910. Bộ sách này viết về địa lý, phong tục, danh thần…thuộc từng tỉnh trong cả nước từ năm 1906 trở về trước.

[9] Bộ sử nhà Minh được biên soạn và hoàn tất, dâng vua Thanh là Càn Long năm thứ 4 (1739).

RELATED ARTICLES

Tin mới