Trong suốt một năm qua, hải cảnh Trung Quốc liên tiếp có các hành động hung hăng nhằm vào các tàu tiếp tế của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, nhiều lần gây hư hỏng nặng tàu và gây thương tích cho thuỷ thủ của Philippines. Vụ việc nghiêm trọng xảy ra hôm 17/6/2024khi tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố tình va chạm với tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng rìu, dao rựa, và giáo mác tự chế. Một thủy thủ Philippines đã bị mất ngón tay trong cuộc đụng độ sau đó.
Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr., đã có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La 2024 ở Singapore, cảnh báo rằng nếu một công dân Philippines bị giết bởi một hành động cố ý, điều đó sẽ “rất, rất gần với những gì chúng tôi (Philippines) định nghĩa là hành động chiến tranh”, theo đó có thể buộc Philippines phải viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Mỹ. Tuy nhiên, những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Marcos vẫn không khiến Bắc Kinh dừng cản trở Philippines tiếp tế cho binh sĩ trên tàu Sierra Madre mà còn trở nên hung hăng hơn như trong vụ việc hôm 17/6/2024.
Trong thời gian gần đây, các quan chức Mỹ đã liên tục gửi tín hiệu riêng tư và công khai tới những người đồng cấp Trung Quốc, rằng Mỹ kiên định với các cam kết liên minh Mỹ-Philippines. Mới đây nhất, Cố vấn An ninh Nhà Trắng còn phát biểu công khai tại một diễn đàn (hôm 19/7) rằng Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines áp dụng cho tàu Sierra Madre trên Bãi Cỏ Mây. Thông điệp này nhằm mục đích cảnh báo Trung Quốc không nên vượt quá giới hạn của Mỹ bằng các nỗ lực cản trở tiếp cận Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô chìm ở Biển Đông, nơi tàu Sierra Madre của Philippines đang đóng vai trò là tiền đồn cho binh lính Philippines.
Những diễn biến trên cho thấy Bãi Cỏ Mây có sức nặng biểu tượng lớn đối với cả Philippines, Trung Quốc và Mỹ. Hiện tại, rất khó có hy vọng về sự thỏa hiệp. Đối với Philippines, Bãi Cỏ Mây đã trở thành biểu tượng quốc gia về quyết tâm của nước này nhằm chống lại các hành động bắt nạt của Trung Quốc và tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây và quyền chủ quyền đối với bãi cạn này được trao cho Philippines. Chính quyền Manila kiên quyết duy trì tàu Sierra Madre trên Bãi Cỏ Mây nhằm khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình.
Về phía Trung Quốc, nhằm thực hiện tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh luôn tìm cách đẩy con tàu Sierra Madre ra khỏi Bãi Cỏ Mây (một vị trí quan trọng trên tuyến đường hang hải ở Biển Đông) để kiểm soát khu vực này như họ đã là với bãi cạn Scarborough năm 2012. Bắc Kinh cáo buộc Manila đã từ bỏ “thoả thuận không được nuốt lời” với chính quyền Rodrigo Duterte về các giới hạn đối với nỗ lực tiếp tế, nhưng chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Marcos đã đáp trả rằng không có thỏa thuận nào như vậy tồn tại. Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ xúi giục và hậu thuẫn cho Philippines đối đầu với Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây.
Đối với Mỹ, mặc dù không phải là bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, song Washington xem cuộc tranh chấp ở Bãi Cỏ Mây là mối đe dọa đến uy tín của các cam kết an ninh trong quan hệ giữa Mỹ với đồng minh, vốn củng cố vị thế của Mỹ ở châu Á và trên toàn thế giới. Vì thế, nếu Washington không kiên định bảo vệ Philippines, thì các đồng minh và đối tác an ninh khác sẽ đặt câu hỏi về mức độ đáng tin cậy của Mỹ và buộc phải xây dựng chiến lược phòng bị nước đôi.
Giới chuyên gia cho rằng xét đến những ưu tiên mâu thuẫn của ba bên liên quan tới Bãi Cỏ Mây, Mỹ sẽ cần phải tìm cách cân bằng. Mỹ không thể để mình bị xem là thụ động trước áp lực của Trung Quốc chống lại đồng minh hiệp ước. Mặt khác, Washington phải duy trì vị thế là người bảo vệ hiện trạng, qua đó làm tăng thêm sự tương phản với những nỗ lực kiểu xét lại của Trung Quốc nhằm thay đổi tình hình tại Bãi Cỏ Mây.
Dù không phải là một bên tranh chấp, song Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng để giúp các bên “xuống thang” giảm căng thẳng. Cần xác định rõ mục tiêu của mình là gì? Đối với Washington, thành công là duy trì được độ tin cậy của các cam kết liên minh, tránh xung đột với Trung Quốc, và ngăn chặn việc Trung Quốc chiếm đóng Bãi Cỏ Mây. Để đạt được những kết quả này đòi hỏi Washington phải cân nhắc mọi quyết định chính sách xem liệu chúng có ngăn chặn hay sẽ kích động một cuộc khủng hoảng. Bãi Cỏ Mây là một thách thức chiến lược mang yếu tố quân sự, chứ không phải là một vấn đề quân sự với giải pháp quân sự. Vì vậy, Washington phải chống lại sức ép để xem vấn đề này là một cuộc thử thách ý chí quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, thay vào đó, cần tận dụng hành động bắt nạt của Bắc Kinh tại Bãi Cỏ Mây để củng cố các quan hệ trong khu vực. Để tránh xảy ra xung đột quân sự, Mỹ cần làm gì?
Thứ nhất, Washington nên sử dụng mọi kênh ngoại giao sẵn có với Bắc Kinh để vạch rõ mục tiêu nhằm duy trì hiện trạng tại Bãi Cỏ Mây và yêu cầu Bắc Kinh hành động tương tự. Một sự minh bạch về ý định của hai bên sẽ giúp giảm thiểu khả năng tính toán sai lầm. Đồng thời, Washington nên nói rõ rằng nếu Trung Quốc càng gây áp lực lên Philippines, thì Mỹ sẽ càng cảm thấy có nghĩa vụ phải cung cấp hỗ trợ đối trọng cho đồng minh của mình. Trọng tâm trước mắt của Washington là hạn chế khả năng cuộc đối đầu hiện tại leo thang thành xung đột vũ trang. Washington nên thúc ép Bắc Kinh giảm bớt áp lực công khai và vũ lực lên Manila, và thay vào đó, nên can dự trực tiếp với các đối tác Philippines để giải quyết căng thẳng.
Thứ hai, Washington nên tư vấn riêng cho Manila về việc tránh các hành động đơn phương không được phối hợp, vốn có thể dẫn đến leo thang căng thẳng. Cần phải làm rõ rằng người Mỹ ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Manila và Bắc Kinh để xuống thang căng thẳng.
Các cuộc đàm phán thành công giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông về các tranh chấp trên biển của riêng họ sẽ làm nổi bật sự tương phản giữa tinh thần trách nhiệm của họ với hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Chẳng hạn như Mỹ cần công khai lên tiếng ủng hộ các Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đã đạt được giữa Việt Nam-Indonesia. Washington cũng nên sớm bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Việt Nam và Philippines trong việc đàm phán ranh giới trên biển mà cả hai bên đã thể hiện sự sẵn sàng khi đệ trình hồ sơ Ranh giới thềm lục địa mở rộng mới đây; đồng thời khuyến khích các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á hành động tương tự.
Thứ ba, Washington nên kêu gọi các quốc gia có quan ngại can thiệp riêng tư với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng. Sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể hơn, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á mà Bắc Kinh đang muốn xích lại gần, sẽ khiến tranh chấp hiện tại không còn giống như một cuộc đụng độ đơn thuần giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng có thể buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tham gia tích cực hơn vào việc quản lý các hành động của nước này xung quanh Bãi Cỏ Mây, thay vì giao các quyết định quan trọng cho các nhà lãnh đạo quân sự và bán quân sự, những người có thể cảm thấy họ buộc phải hành động theo cách làm tăng nguy cơ leo thang, thay vì tìm cách làm giảm leo thang.
Thứ tư, để ngăn chặn Trung Quốc, Washington phải nói rõ với Bắc Kinh rằng họ sẽ đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc bằng cách tăng cường hỗ trợ cho Manila. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ phải duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và bền bỉ trong khu vực. Washington cũng nên tiếp tục đầu tư vào các cơ sở quân sự ở Philippines (tổng cộng 9 căn cứ quân sự) mà Manila đã cho phép Mỹ tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường năm 2014. Mỹ cũng nên xem xét công bố thêm các kế hoạch mở rộng đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế của Philippines.
Thứ năm, Washington cũng nên sử dụng cuộc khủng hoảng này như một cơ hội để mở rộng sự hiện diện rõ ràng của mình trong khu vực. Việc tăng cường tuần tra hàng hải kết hợp với các đồng minh ở Biển Đông gần đây là một khởi đầu tốt và cần được phát huy. Các hoạt động tự do hàng hải bổ sung của Mỹ ở các khu vực khác trên Biển Đông có thể chuyển hướng sự chú ý của Bắc Kinh khỏi Bãi Cỏ Mây. Đầu tư vào năng lực của các đối tác Đông Nam Á như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam để giúp họ hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực hàng hải cũng có thể trở thành tín hiệu kịp thời cho thấy Mỹ không hài lòng trước hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thứ sáu, có một điều Washington không nên làm đó là không nên thúc ép Manila nhượng bộ các yêu cầu của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây, vì điều này có nghĩa là phục tùng mọi yêu cầu của Bắc Kinh và sẽ khiến Bắc Kinh càng thêm lần tới. Cần hiểu rằng xuống thang phải dựa trên nguyên tắc chứ không phải là “đầu hàng”. Trong tranh chấp ở Bãi Cỏ Mây, rõ ràng là lẽ phải và luật pháp đứng về phía Philippines. Nếu Washington đề nghị với Manila rằng họ nên từ bỏ hoặc giảm bớt vị thế của mình tại Bãi Cỏ Mây, thông điệp đó có thể sẽ bị rò rỉ ra truyền thông, khiến các đồng minh của Mỹ mất niềm tin về ý chí của nước này trong việc chống lại Trung Quốc, chưa kể đến thiệt hại lâu dài mà nó gây ra cho quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines.
Vụ va chạm hôm 17/6 giữa hải cảnh Trung Quốc và tàu công vụ Philippines tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, gây mối lo ngại đối với cộng đồng quốc tế về nguy cơ xung đột xảy ra ở Biển Đông. Bắc Kinh và Manila buộc phải ngồi vào đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng. Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Philippines và Trung Quốc diễn ra hôm 02/7/2024 với nhận thức chung của hai bên là cần phải giảm căng thẳng. Tiếp đó, là các cuộc họp giữa hai bên để tìm kiếm một thoả thuận tạm thời để giảm căng thẳng ở khu vực Bãi Cỏ Mây và cuối cùng Manila và Bắc Kinh đã đạt được “thoả thuận tạm thời” hôm 21/7.
Giới phân tích nhận định việc Philippines và Trung Quốc tiến hành đàm phán hôm 02/7 và việc hai bên đi tới một “thoả thuận tạm thời” là có sự “bật đèn xanh” của Mỹ thúc ép cả hai bên “xuống thang”. Mặc dù Mỹ không tham gia đàm phán, tuy nhiên, đây là kết quả của việc Washington triển khai một số điểm trong số 6 điểm mà Mỹ nên làm kể trên, chẳng hạn như: (i) chủ động khuyến khích Philippines tiến hành đàm phán với Trung Quốc; (ii) sự phối hợp chặt chẽ giữa Manila và Washington, trong đó có sự tư vấn cho Philippines về cách thức, mức độ xuống thang; (iii) sự thể hiện thái độ cương quyết của Washington trong hỗ trợ Manila bảo vệ con tàu Sierra Madre và trước đó Mỹ đã nhiều lần cùng các đồng minh và Philippines tuần tra ở Biển và từng nói rõ với Bắc Kinh về quan điểm của Mỹ đối với việc duy trì tiếp tế của Philippines cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây.
Cách tiếp cận này của Mỹ là hoàn toàn phù hợp, dù là không thể giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông vì mục tiêu và tham vọng của Trung Quốc đối với Biển Đông là không thay đổi, song ít nhất nó giúp “hạ nhiệt” căng thẳng để tránh xung đột. Tóm lại, cần nhận thức rằng việc vạch ra một con đường trung gian giữa gây hấn và nhượng bộ thúc đẩy “hoà hoãn” đòi hỏi sự tinh tế và kiên nhẫn. Nó sẽ không mang lại bất kỳ khoảnh khắc chiến thắng nào. Nhưng nó lại là hy vọng tốt nhất để hạn chế nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Điều mà Mỹ cần làm ở Biển Đông.