BienDong.Net: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 9 – 9 cho biết Tokyo đã ra lệnh cho các máy bay chiến đấu xuất kích sau khi phát hiện một máy bay không người lái không rõ của nước nào tiến đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Một quan chức Nhật Bản nói hiện chưa xác minh được nguồn gốc chiếc máy bay trên, nhưng cho biết nó xuất phát từ phía Tây Bắc và đã quay trở về theo hướng này.Trung Quốc có một lực lượng lớn máy bay không người lái nhưng khi được hỏi về vụ việc trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời: “Tôi không biết gì về chuyện này”.
Được biết cách đây không lâu, Nhật Bản cũng đã phát hiện một máy bay không người lái bay gần các chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc thao dượt gần đảo Okinawa.
Máy bay Nhật cất cánh để theo đuổi chiếc máy bay lạ – Ảnh REUTERS/Bộ Quốc phòng Nhật
Trong lúc căng thẳng giữa hai nước gia tăng vì vụ tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông, truyền thông Nhật Bản nói rằng Tokyo muốn mua các máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ.
Hiện tại Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao khi chỉ vài ngày nữa sẽ đến lễ kỷ niệm một năm quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Theo hãng thông tấn AP, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu máy bay không người lái (unmanned aerial vehicle UAV) kể từ những năm 1960. Mặc dù vậy, giới chức Trung Quốc tiết lộ rất ít về chương trình này. Báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về hiện trạng quân đội nước này hồi giữa tháng 4 vừa qua đã không hề đề cập bất kỳ một chữ nào đến UAV.
Chương trình UAV của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế tăng lên và nhờ các hoạt động do thám nhằm vào Mỹ, trong đó có việc đột nhập vào hệ thống mạng của chính phủ Mỹ cũng như của ngành công nghiệp quốc phòng để đánh cắp các kĩ thuật sản xuất UAV. Người ta chỉ ra rằng một số mẫu UAV của Trung Quốc giống một cách đáng ngạc nhiên với sản phẩm cùng loại của Mỹ. Ngoài ra, chương trình UAV của Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi một đối tác có thể ít ai ngờ đến đó là Đài loan, bởi lẽ trung tâm sản xuất máy bay không người lái lớn nhất của Trung Quốc được đặt tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi có dự án liên doanh giữa Wuhan Visiontek Inc. của Trung Quốc và công ty ứng dụng kĩ thuật vật liệu các bon của Đài loan Carbon – Based Technology, Inc.
Trung Quốc đã tăng tốc chương trình UAV phục vụ mục đích quân sự vào khoảng năm 2007 nhằm chế tạo hàng loạt sản phẩm máy bay không người lái bao gồm máy bay có khả năng bay cao, bay xa, máy bay tác chiến trên không và trên biển, máy bay có căn cứ trên biển và máy bay tấn công không người lái. Từ năm 2009, Trung Quốc cũng đã bắt đầu nghiên cứu loại UAV tấn công có khả năng tàng hình, dưới tên gọi Lợi Kiếm (Lijian). Mẫu đầu tiên của dự án này đã bắt đầu thử nghiệm vào ngày 13.12 năm ngoái.
Ngoài ra, Bắc kinh cũng hiện đại hóa hệ thống Bắc Đẩu để cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và những hệ thống khác của Nga và Âu châu.
Theo nhà phân tích Ian Easton thuộc Viện dự án 2049 (Hoa Kỳ), tính đến năm 2011 chỉ riêng không quân Trung Quốc đã có hơn 280 chiếc máy bay chiến đấu không người lái.
Tại Triển lãm hàng không Paris 2013 hồi tháng Sáu, mẫu UAV tấn công mang tên Dực Long của Trung Quốc đã gây nhiều bất ngờ khi được chào bán với giá 1 triệu đôla, thấp hơn rất nhiều so với chiếc Predator của Hoa Kỳ, vốn được bán với giá 30 triệu đôla.
Không chỉ dừng ở việc nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo, Trung Quốc đã từng bước có kế hoạch sử dụng máy bay không người lái phục vụ mục tiêu an ninh của họ, kể cả ở nước ngoài. Một sự kiện gây tiếng vang lớn khi giữa tháng 2.2013 Trung Quốc thừa nhận rằng họ đã định thực hiện một vụ không kích bằng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt trùm ma túy người Myanmar đã cầm đầu vụ sát hại 13 thủy thủ Trung Quốc trên sông Mekong hồi tháng 10/2011. Người đứng đầu cơ quan bài trừ ma túy của Trung Quốc, ông Lưu Dược Tấn, cho biết kế hoạch này rốt cuộc đã bị hủy bỏ, và thay vào đó, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc hành quân chung với Lào để bắt sống Naw Kham hồi tháng tư.
Theo Giáo sư Peter Dutton của Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College) Bắc Kinh đang ngày càng sẵn sàng hơn trong việc phát huy sức mạnh ra ngoài lãnh thổ của mình. “Đây là một sự thay đổi. Trung Quốc đang hành xử một cách chủ động hơn trên trường quốc tế để bảo vệ các quyền lợi của mình, vượt xa biên giới của mình so với cách hành xử trong quá khứ”.
Giới phân tích cho rằng mặc dù Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ và Israel, hai thủ lĩnh trong ngành công nghiệp này, nhưng công nghệ của Trung Quốc đã trưởng thành nhanh chóng và nước này đang sử dụng rất rộng rãi các loại máy bay không người lái cho các hoạt động do thám và chiến đấu.
BDN (theo BBC, RFI và tin Internet)