Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam sẽ có 16 khu bảo tồn biển

Việt Nam sẽ có 16 khu bảo tồn biển

BienDong.Net: Năm 2015 Việt Nam có 16 khu bảo tồn biển đi vào hoạt động và ít nhất 0,24% diện tích vùng biển quốc gia nằm trong các khu bảo tồn.

Theo chương trình của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch bảo tồn biển được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển vào năm 2015, đồng thời điều chỉnh quy hoạch 5 khu bảo tồn là: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Núi Chúa.

Đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 16 khu bảo tồn biển gồm: Đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hải Vân – Sơn Trà (Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nam Yết, Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phú Quý, Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Khu bảo tồn biển Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) nằm ở phía Nam cụm đảo Nam Yết, cách thành phố Nha Trang khoảng 450 km về phía Đông Nam, dự kiến có tổng diện tích 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha, diện tích đảo rạn san hô là 15.000 ha.

alt

Đảo Nam Yết – khu vực phía nam đảo này sẽ trở thành khu vực bảo tồn biển lớn nhất Việt Nam (ảnh BienDong.Net)

Mục tiêu của Khu bảo tồn biển Nam Yết – khu bảo tồn biển lớn nhất Việt Nam, là bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản và góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển…

Theo thống kê, tại khu vực biển Nam Yết có 492 loài động vật và thực vật phù du, 86 loài rong, 2 loài cỏ biển, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô, 2 loài rùa biển, 246 loài san hô, 19 loài thực vật trên cạn, 10 loài chim biển, với nhiều loài thuộc nhóm sinh vật quý hiếm như bào ngư, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, nhum đá, đồi mồi…

Ngoài ra, khu vực này còn có hệ sinh thái thảm cỏ biển rộng nhất quần đảo Trường Sa, có hệ sinh thái đầm phá (lagoon) hở thuộc các vùng rạn san hô kiểu đại dương.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong vùng biển của Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau (rặng san hô, thảm cỏ biển, rong biển, rừng ngập mặn, sinh vật đáy, động, thực vật phù du).

Bảo tồn biển là hoạt động quản lý các vùng biển xác định, kể cả đảo trong vùng biển đó, hướng tới mục đích bảo vệ các loài động thực vật có giá trị. Bảo tồn biển sẽ giúp bảo vệ các hệ sinh thái biển và duy trì sự đa dạng sinh học biển, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển là giải pháp tối ưu để giúp bảo vệ và phục hồi sức khoẻ của các đại dương bởi lẽ các khu vực này cung cấp nhiều cá hơn gấp 200 lần so với các khu vực biển không được bảo tồn, giúp phục hồi các đàn cá đang bị đánh bắt cạn kiệt.

Đại dương bao phủ 2/3 diện tích trái đất, nhưng hiện chỉ có 0,5 diện tích đại dương được bảo vệ – so với tỉ lệ 13% diện tích đất đai được bảo tồn trên toàn thế giới. Các nhà hoạt động môi trường hướng tới mục tiêu kêu gọi các nước thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển chiến tới 40% diện tích đại dương trên thế giới.

BDN (theo báo chí quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới