BienDong.Net: Trong lịch sử hàng hải Việt Nam, có một công cụ bán thô sơ đã góp phần quan trọng vào sự giao thương trên biển giữa các vùng miền duyên hải.
Công cụ này chính là chiếc ghe bầu: Khoảng từ giữa thế kỷ XVI, ghe bầu (thuyền buôn) là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, tồn tại đến nửa đầu thế kỷ XX và là sản phẩm độc đáo của những người thợ đóng ghe thuyền các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Bài 1: Ghe bầu từng là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở miền Trung
Trong bài nghiên cứu “Từ Kauthara Đến Khánh Hoà”, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: Ghe Quảng Nam (cũng như mảng Sầm Sơn có buồm) rất xứng đáng là một đề tài nghiên cứu nhân học, văn hóa – xã hội lịch sử, cần được nghiên cứu sâu sắc hơn.
Mô hình ghe bầu trong bảo tàng
Theo những nhà ngôn ngữ học, danh từ “ghe bầu” có lẽ là cách phát âm của người Việt Nam khi đọc chữ Prau hay perahu của ngôn ngữ Mã Lai. Chữ Prau (hay perahu), một danh tự chỉ ghe, thuyền là phương tiện chuyên chở trên mặt nước (water crafts).
Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng có thể tên gọi ghe bầu là biến âm của tên gốc Chăm là Prau, một loại thuyền mà người Mã Lai thường dùng đi lại giữa các đảo ở vùng Đông Nam Á hải đảo.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói về sự ra đời của ghe bầu như sau: Trong các vùng biển ở nước ta thì biển miền Trung, nhất là biển Xứ Quảng, nơi mà nghề đánh bắt cá trên biển, đầm phá nước lợ và trên sông rất phát triển. Đặc biệt nơi đây ra đời loại ghe bầu, một sản phẩm đặc sắc của nghề biển Việt Nam, được từ điển hàng hải thế giới ghi nhận. Đây là loại thuyền mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, nên thuyền có khả năng ra khơi xa. Bánh lái (kiểu lái cối, lái ống, lái âm dương…) đều có cấu tạo là sỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái. Thuyền dùng loại buồm hình tứ giác hay cánh dơi. Mắt thuyền khắc hình dài, trước tròn, đuôi mắt dài nhọn… Chính nhờ loại ghe bầu này mà người dân xứ Quảng có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt cá, đặc biệt là việc tổ chức đội lính Hoàng Sa có thể dùng thuyền ra chiếm cứ và canh phòng đảo cách xa đất liền gần 300 km (một số nguồn khác cho rằng loại thuyền dùng để đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa trước đây là thuyền câu, kích thước nhỏ hơn – BDN).
Xứ Quảng cũng là nơi có nhiều nguyên liệu để đóng thuyền, như các loại gỗ trên rừng: Kiền kiền, sao, chò, lim, giẻ… mà ngay từ thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn đã ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục của mình. Ngoài ra, nơi đây còn có các sản vật cần dùng cho nghề đóng thuyền là dầu rái, lá buồng, vỏ tràm, mây song… Theo lời ông Ngô Đức Thịnh, việc chế tạo và sử dụng ghe bầu không chỉ của người Việt ở xứ Quảng, mà xưa hơn nữa là người Chăm.
Nhà nghiên cứu Vũ Hữu San nhận xét rằng phát minh của người Việt trong công tác đóng tàu bè, đặc biệt ghe bàu, đáng kể là ở sự mềm dẻo trong kiến trúc sườn và vỏ. Bà Françoise Aubaile Sallenave viết nguyên cả một cuốn sách đề cập rất kỹ lưỡng đến cách thức đóng ghe rất tiến bộ của Việt Nam. Theo tác giả này, hai đặc tính tiên quyết trong việc kiến trúc là ghe tàu phải nhẹ nhàng và có sức chịu đựng. Cả hai ưu điểm này đều tìm thấy ở các loại thuyền Việt thời đó. Trong khi kỹ thuật phương Tây cố gắng cải tiến làm sao cho sườn và vỏ tàu được cứng cáp thì người Việt Nam từ nhiều ngàn năm qua, vẫn tiếp tục giữ truyền thống đóng tàu cho mềm dẻo. Bà Sallenave cũng như những kỹ thuật gia đã khám phá ra rằng muốn kiến trúc cứng cáp thì vật liệu đóng thuyền phải nặng, quán tính do đó cũng tăng theo, dễ bị bể vỡ vì sóng gió; thuyền nhẹ và mềm dẻo thì lực tác dụng của sóng nước được phân phối đều trên toàn thể thân thuyền nên sức chịu đựng gia tăng và thuyền được bền bỉ hơn.
Ghe bầu có ba buồm: buồm mũi, buồm loan (còn gọi là buồm lòng vì buồm nằm giữa thuyền) và buồm cửu (ở đuôi thuyền). Ghe bầu chở nặng lại đi nhanh nên diện tích buồm rất lớn có thể làm lật ghe. Để tăng sự cân bằng, người ta đặt một đòn then ở sau cột buồm chĩa ra phía trên gió. Hai ba, hay có khi tới bốn người có thể phải ngồi xổm ở trên đòn then đó để tránh cho ghe khỏi lật mỗi khi gió lớn.
Để chống với lực giạt ngang, vì ghe bầu không có sống đáy (hay la ký), một nhà phát minh người Việt nào đó đã nghĩ ra cây xiếm di động đặt trong một cái rãnh nơi phía mũi thuyền. Ở Nghĩa Bình, Phan Rang, cái xiếm này được gọi tên là xà bát, các nơi khác gọi là lui hạ; có hình dáng cong cong như lưỡi gươm. Xiếm cũng như bánh lái có thể kéo lên, hạ xuống để điều chỉnh diện tích ngập nước cho phù – hợp với sự tăng giảm của lực giạt ngang gây ra bởi buồm và gió.
Ngoài những đặc điểm trên, ghe bầu còn có thêm các nét đáng nói đến về cách chế tạo và vật liệu. Phần chìm dưới nước của thuyền làm băng tre, phần nổi lên trên làm bằng các loại gỗ tốt như quỳnh, trường mật, săng lẻ. Tre không những rẻ, lai nhẹ, và ít bị tàn phá bởi mọt hay hàu hà như gỗ. Vỏ thuyền có tính co dãn nên chịu đựng sóng gió khá tốt và thường không hư hại khi lên bãi.
Người ta đổi mê tre ba năm một lần, trường hợp có hỏng, thay thế cũng dễ còn phần gỗ thường bền tới 15 – 20 năm. Thuyền được xảm kỹ lưỡng bằng xơ dừa hay phân trâu (các xơ cellulose của phân trâu nhét kín các kẽ hở). Tiếp đó, thuyền được phủ kín bằng một lớp dầu rái.
Trong bộ sách “Science and Civilisation in China”, xuất bản năm 1971 tại Cambridge, các tác giả là Joseph Needham, Wang Ling và Lu Gwei Djen cho hay các loại ghe sóng, ghe giả, ghe nặng… của Trung Bộ, Việt Nam cùng cách kiến trúc như ghe bầu, tất cả đều chịu biển rất tốt, tốt hơn là người ta tưởng. Khi nhận xét những điểm độc đáo của ghe bầu, J. B. Piétri đã cho rằng ghe bầu mang nhiều nét độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Ông thấy cách thức phối hợp giữa tác dụng của những cây xiếm di động ở mũi thuyền, bánh lái thay đổi độ nông sâu ở đuôi thuyền, vỏ thuyền kiến trúc bằng mê tre, và những cánh buồm điều chỉnh (tùy hướng gió) không thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ý kiến của Piétri có thể trùng hợp với Pierre Paris khi ông này chọn ghe bầu làm tiêu biểu cho kiến trúc ghe thuyền Việt Nam. Hình ghe bầu được dùng làm bìa cho cuốn sách mà Ông đã đầy công nghiên cứu,nhan đề “Esquisse d’une ethnographie navale des pays annamites” (Phác thảo Dân tộc học Thuyền bè Việt Nam). Nói đến tài liệu thuần tuý Việt Nam lúc xưa, Ghe Bầu mang vinh dự tuy không lớn nhưng khá đặc biệt trong văn học nước ta. Pétrus Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên đã bàn luận đến đặc tính loại thuyền này trong một bài viết bằng Pháp ngữ, nhan đề “Notes sur les diverses espèces de bateaux annamites”, (ghi chép về những loại tàu thuyền của An Nam).
Theo tác giả Phan Ngọc Mỹ, biển và ghe bầu trở thành một dấu ấn quan trọng trong đời sống của cư dân miền Trung nói chung và cư dân Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng trong suốt những thế kỷ từ 16 đến 19. Người Hội An (Quảng Nam) xưa làm nghề lái buôn – giao thương trên biển từng được dân miền Trung và dân Nam Bộ mệnh danh là dân ghe bầu. Những chuyến hàng xuôi ngược từ Bắc vào Nam với những mặt hàng như đường, quế, mật ong, dầu phụng, đá vôi, cau khô, lúa gạo, vải vóc, sợi gai… đã góp phần tạo cho giao thương đường thủy phát triển. Ngoài ra, ghe bầu còn được sử dụng trong những chuyến đi biển đánh bắt cá và buôn biển. Qua đó thấy được sự gắn bó của cư dân nơi đây với chiếc ghe bầu.
Trong văn hóa, chiếc ghe bầu cũng có một nền tảng khá vững chắc, không chỉ là phương tiện buôn bán, vận chuyển mà nó còn truyền tải theo đó những hành trang văn hóa giữa các vùng miền. Dọc ngang những chuyến đi biển, ghe bầu trở thành gạch nối, là mối giao lưu giữa các miền Bắc, Trung, Nam trên ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Tìm trong kho tàng ca dao có khá nhiều câu ca phản ảnh thực tế hoạt động của các lái, những tâm tư tình cảm của họ được gửi gắm vào đó thông qua hình ảnh những chiếc ghe bầu.
Ghe bầu dọn dẹp kéo neo
Mấy chú bạn chào bắt cái hò khoan.
Hay nỗi niềm của những cô gái đã trót yêu những anh bạn ghe, phải để lại mẹ già:
Ghe bầu trở lái về đông
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi
Ghe bầu còn là phương tiện chuyên chở thông điệp tình yêu:
Chim quyên đậu lái ghe bầu
Miệng kêu bớ Bẩy xuống lầu trao thơ.
Phan Ngọc Mỹ cho rằng ghe bầu đã ghi dấu ấn đối với cư dân miền Trung không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn ăn sâu vào đời sống tinh thần. Hiện nay chiếc ghe bầu không còn phát triển rực rỡ như những thế kỉ trước đó nhưng nó đã trở thành một biểu tượng của người đi biển miền Trung, chính vì vậy Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chiếc ghe bầu để trưng bày nhằm lưu giữ và giới thiệu cho khách tham quan.
BDN (theo Phan Ngọc Mỹ và Nhà nghiên cứu Vũ Hữu San)