Các bệnh viện, bác sĩ, và một số quan chức đã thông đồng với nhau, làm giấy khai sinh giả để che dấu nguồn gốc của những đứa trẻ bị bắt cóc, sau đó chúng sẽ được đem bán như trẻ mồ côi.
Ở Trung Quốc, mỗi năm có đến 70.000 đứa trẻ bị bắt cóc đưa vào đường dây buôn bán trẻ em. (Ảnh: Getty)
Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đã nhiều năm phải đối mặt với một viễn cảnh đau đớn, khi con của họ bị bắt cóc và bán vào một đường dây buôn lậu. Vấn nạn này khá phổ biến và khó ngăn chặn, với hàng chục ngàn trẻ em trên toàn quốc bị mất tích mỗi năm.
Sự tiếp tay của cảnh sát, bác sĩ, y tá và các bệnh viện đã giải thích lý do tại sao loại tội phạm này đạt đến một quy mô lớn như vậy.
Mấu chốt của vấn đề là ở thị trường làm giấy khai sinh giả. Khi một đứa trẻ bị bắt cóc, người môi giới có thể hối lộ nhân viên bệnh viện để làm giả giấy khai sinh trong hệ thống máy tính, thay đổi thân phận và “bán” đứa trẻ cho cha mẹ nuôi khác.
Những giấy khai sinh này không phải là hàng giả; chúng gần như giống giấy khai sinh thông thường, ngoại trừ các khoản hối lộ khổng lồ liên quan.
“Sau khi tôi giúp anh có được giấy khai sinh, anh có thể kiểm tra với bệnh viện. Nếu có thể truy cập vào hồ sơ bệnh án, thì giấy khai sinh đó là thật”, Triệu Thái Bằng, 32 tuổi, người được xem là đầu mối cho ngành công nghiệp bắt cóc trẻ em trong 5 năm gần đây nói.
Thái Bằng cho biết mình sẽ tính 100.000 nhân dân tệ cho một giấy khai sinh, mà anh có thể nhận được trong vòng 2 tuần qua bệnh viện hoặc phòng khám thai sản nhà nước.
“Không quan trọng là bệnh viện tốt như thế nào, vẫn có những bác sĩ muốn kiếm thêm tiền. Lương tháng của họ chỉ khoảng 3000 – 4000 nhân dân tệ”, Thái Bằng cho biết. Anh đã trả tiền cho các bác sĩ, giám đốc bệnh viện, y tá, và bất cứ ai khác cần thiết để tạo ra các giấy khai sinh giả.
Các giấy khai sinh được đăng ký tại kho dữ liệu dữ liệu máy tính của bệnh viện, giống như nhiều đứa trẻ khác được sinh tại đó.
Trong tháng 11/2014, cảnh sát đã giải cứu 5 đứa trẻ bị bắt cóc từ cha mẹ đẻ ở tỉnh Phúc Kiến, miền Nam Trung Quốc, hiện đang được nhận nuôi, theo tờ Legal Evening News.
2 trong số những cha mẹ này đã làm thủ tục nhận con nuôi “hợp pháp” bằng cách đăng ký nhận nuôi đứa trẻ trong hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc sau khi trả hơn 20.000 nhân dân tệ.
Việc phát hiện trường hợp trên đã cho thấy cấp độ báo động của tình trạng phạm tội này. Các nhà chức trách đã công bố 1 bác sĩ chuyên nhận hối lộ bán giấy khai sinh, đó là ông Lương Thiệu Quyền, Giám đốc Trung tâm Y tế Thiết Dũng Trấn ở Quảng Đông. Ông cũng trả tiền cho các y tá làm giả hồ sơ thai kỳ và đưa cho các bà mẹ nuôi.
Tháng 7/2015, ông Lương bị kết án 1 năm tù vì tội hối lộ và lạm dục quyền hạn.
Một số quan chức chính phủ cũng liên quan đến vấn nạn này. Tháng 8/2015, Lưu Tân, một quan chức tại Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh Hồ Nam đã bị bắt giữ, sau khi bị phát hiện có hành vi rao bán giấy khai sinh để trống và những cha mẹ nuôi có thể điền những thông tin mà họ muốn vào tờ giấy.
Sau đó, một người trung gian sẽ rao bán lại những đứa trẻ này trên internet với giá từ 7.500 – 1.5000 USD, theo trang The Paper.
Theo báo chí Trung Quốc, hơn 70.000 trẻ em bị bắt cóc mỗi năm, và không đến 0,1% trong số đó được giải cứu và đoàn tụ với cha mẹ.
Việc có thể mua giấy khai sinh dễ dàng trên thị trường chợ đen, để hợp thức hóa việc bắt cóc, làm trầm trọng thêm tình trạng tội phạm này. Bằng không, cha mẹ nuôi sẽ không thể gửi những đứa con mà họ “mua” được đến trường, và cha mẹ ruột cũng sẽ dễ dàng tìm lại chúng.
Ngay cả một trung tâm hỗ trợ các cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi nổi tiếng trên mạng internet nước này cũng có dính líu đến những vụ bắt cóc. Ông Chu, người sáng lập trung tâm “Hoàn thành Khát vọng Nuôi con” bị buộc tội đã bán hơn 110 giấy khai sinh và nguồn lợi nhuận bất hợp pháp của ông lên đến hơn 90.000 USD, theo báo cáo trên Tân Hoa Xã hồi tháng 9/2014.
Ông Chu sử dụng ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat của Trung Quốc để nói chuyện với những người mua tiềm năng và thông qua trung gian khác là một cửa hàng trang sức trên mạng Taobao (tương tự eBay) để trao đổi. Chu bị bắt sau một cuộc điều tra lớn của cảnh sát tại 27 tỉnh dẫn đến việc 382 trẻ em được giải cứu cùng hơn 1.000 vụ bắt giữ.
Cửa hàng trực tuyến của ông Chu đã hoạt động trong nhiều năm, và việc cung cấp những tờ giấy khai sinh giả “chất lượng cao” của cơ sở này là thường xuyên.