BienDong.Net: Mỗi năm, cứ đến ngày 14/3, cả nước lại tổ chức tưởng niệm các anh, những người lính đã hy sinh xương máu của mình trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
BDN xin giới thiệu bài viết do báo quốc nội Infonet thực hiện về trận chiến Gạc Ma năm 1988.Lực lượng không cân sức, 3 tàu vận tải làm nhiệm vụ vận chuyển lực lượng công binh và nguyên vật liệu ra xây dựng các công trình nhằm phục vụ cho đời sống của quân, dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa theo kế hoạch thường niên đã đấu chọi với lực lượng Trung Quốc hùng mạnh với trên 6 tàu chiến được trang vị nhiều vũ khí hạng nặng. 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh, 11 người bị thương, nhưng vẫn bảo vệ được Cô Lin và Len Đao…
Bức tranh vẽ lại trận chiến Trường Sa 1988. Ảnh Internet
Hành động của Trung Quốc trước trận chiến Trường Sa
Sự kiện ngày 14/3/1988, cùng với sự kiện 19/01/1974, là những dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình dân tộc Việt Nam, Nhà nước Viêt Nam qua các thời kỳ đã chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình trong Biển Đông, là dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi con dân đất Việt. Đây là sự kiện cần được quan tâm nghiên cứu đầy đủ và phải rút ra được những bài học quý giá nhằm phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Đất nước hiện tại và tương lai.
Thực ra, thời điểm ngày 14/3 chỉ là đỉnh điểm của cả một chiến dịch theo kịch bản đã được Trung Quốc tính toán, triển khai nhằm thực hiện quyết tâm đặt được chân lên khu vực quần đảo Trường Sa.
Thời điểm trước đó, CHND Trung Hoa chưa từng chiếm đóng được vị trí nào trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam (trừ Đài Loan đã chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình từ năm 1956), trong khi hầu hết các đảo nổi chủ yếu của quần đảo Trường Sa đều đã do các lực lượng Việt Nam đóng giữ, bảo vệ với tư cách những chủ nhân thật sự, ngoài ra còn có sự chiếm đóng của Philippinnes, Malaysia trên một số đảo ở phía Đông và Nam của quần đảo này.
Việt Nam đã tiếp quản các đảo nổi trong chiến dịch Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các đảo nổi, còn các đảo chìm, bãi cạn, bãi đá phụ thuộc, lúc đó Việt Nam chỉ tiến hành bảo vệ, quản lý bằng biện pháp quan sát, tuần tra định kỳ mà chưa có điều kiện xây dựng các công trình như hiện nay. Hơn nữa, ngay cả việc tuần tra kiểm soát đó trong điều kiện lúc bấy giờ cũng không phải lúc nào cũng thực hiện được… Đây là một tình thế mà Trung Quốc đã lợi dụng triển khai chiến dịch đánh chiếm các đảo chìm, các bãi đá… nhằm biến các bãi cạn này thành các căn cứ quân sự, các điểm đóng quân, để “đặt được chân” vào khu vực Trường Sa của Viêt Nam. Trung Quốc đã triển khai chiến dịch “đặt chân” này ngay từ đầu năm 1988, đồng thời với một loạt các động thái trên phương diện thông tin tuyên truyền, ngoại giao, pháp lý… diễn ra trước, trong và sau chiến dịch này nhằm biện minh cho hành động xâm chiếm băng vũ lực của họ… Cụ thể là: ngày 31/1/1988, họ đã chiếm đá Chữ Thập, ngày 18/2, chiếm đá Châu Viên, ngày 26/2/1988, chiếm đá Gaven, ngày 28/2, chiếm đá Huy gơ, ngày 23/3 chiếm đá Xu bi…
Việt Nam xây dựng, bảo vệ chủ quyền hòa bình
Trước tình hình đó, trong tình thế hết sức khó khăn về nhiều mặt, Việt Nam vẫn cố gắng tìm mọi cách xây dựng, củng cố các khu vực, các vị trí của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý, bằng việc đưa tàu vận tải chở vật liệu xây dựng ra các đảo chìm, bãi đá theo một kế hoạch mang tên CQ-88:
Ngày 26/1, xây dựng đá Tiên Nữ
Ngày 5/2 xây dựng Đá Lát
Ngày 6/2, xây dựng Đá Lớn.
Ngày 18/2, xây dựng Đá Đông.
Ngày 27/2, xây dựng Tốc Tan
Ngày 2/3, cắm chốt Núi Le…
Công binh Hải quân Việt Nam đang thực hiện nhiêm vụ xây dựng củng cố các cơ sở nhằm phục vụ công tác bảo vệ, quản lý, khai thác khu vực quần đảo Trường Sa một cách hòa bình. Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, nổ súng vào những người lính công binh xây dựng không được trang bị chiến đấu… Khi buộc phải nổ súng để tự vệ, các chiến sĩ công binh, bằng sức mạnh của lòng yêu nước, không tiếc máu xương, họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ mãnh đất thiêng của cha ông để lại, giữ vững ngọn cờ vẻ vang của Tổ quốc luôn hiên ngang tung bay giữa trùng khơi sóng gió… (TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ)
Về phía Trung Quốc, không chỉ dừng lại ở những vị trí chiếm đóng bất hợp pháp nói trên, họ còn tiếp tục tổ chức chiếm thêm 3 đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, gây ra sự kiện 14 tháng 3 đẫm máu.
Theo các nguồn thông tin đáng tin cậy, trong chiến dịch này, Trung Quốc đã huy động một liên đội tàu chiến gồm 9 đến 12 tàu chiến. Trong đó có 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ. Ngoài ra, có tàu đo đạc, tàu kéo… và một Pông – Tông lớn
Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải, chủ yếu lực lượng Công binh Hải quân ra làm nhiệm vụ xây dựng đảo, đá với 2 phân đội công binh gồm 70 người và 4 tổ chiến đấu. Các tàu vận tải của Việt Nam gồm HQ – 604, HQ – 505, HQ – 605, đều là những tàu không trang bị vũ khí, ngoại trừ những khẩu AK của các chiến sỹ công binh để tự vệ khi cần thiết.
Từ thực trạng nói trên chúng ta thấy rõ một bên là Trung Quốc đã tổ chức một chiến dịch quân sự nhằm tiến hành xâm chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam; trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn không có ý định sử dụng lực lượng quân sự để tiến hành hải chiến theo quy luật chiến tranh thông thường mà chỉ sử dung 3 con tàu vận tải làm nhiệm vụ chi viện cho các đảo thuộc quyền quản lý của mình. Khi buộc phải nổ súng để tự vệ, các chiến sĩ công binh, bằng sức mạnh của lòng yêu nước, không tiếc máu xương, họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ mảnh đất thiêng của cha ông để lại, giữ vững ngọn cờ vẻ vang của Tổ quốc luôn hiên ngang tung bay giữa trùng khơi sóng gió…
Thiên sử anh hùng
Theo các tài liệu, trận chiến Trường Sa năm 1988 được ghi lại khá đầy đủ, chi tiết.
Tại khu vực đá Gạc Ma, sáng ngày 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma làm nhiệm vụ xây dựng, Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang tung bay trên đá Gạc Ma.
Phía Trung Quốc cử hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.
Khoảng 6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương.
Lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.
Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ – thuyền trưởng, Trần Đức Thông – lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma.
Tại đá Cô Lin, 6h, tàu HQ-505 của Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đá. Khi thấy tàu 604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505, Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu 505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy.
8h15, thủy thủ tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu 604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó.
Hành động dũng cảm ủi bãi của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và đồng đội đã giữ được đá Cô Lin.
Đá Cô Lin vẫn sừng sững sau trận chiến Trường Sa năm 1988
Tại đá Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14 tháng 3, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15 tháng 3.
Thượng uý Nguyễn Văn Chương và trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến đá Cô Lin.
Nhiều cứ liệu lịch sử, nhiều bài báo nhắc đến sự kiện này. Trong đó, có đoạn video đầy xúc động về trận chiến Trường Sa, do một bạn trẻ yêu nước đưa lên mạng từ năm 2009. Video thu hút hàng triệu lượt người xem, khi xem video này nhiều người xúc động không cầm được nước mắt.
{youtube}WIf-T9Z1nl8{/youtube}
Video do bạn trẻ yêu nước làm đưa lên Youtube
Khoảng một tháng sau trận hải chiến tại Gạc Ma, Hải quân Việt Nam đưa ba mươi lăm công binh và bảy thủy binh cùng vật liệu xây dựng bí mật đổ bộ trong đêm lên đá Len Đao xây nhà đánh dấu chủ quyền. Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày Trung Quốc đưa bảy tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên lần này Việt Nam cho bảy máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra phía đá hỗ trợ nên số tàu chiến của Trung Quốc tản ra, đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá. Như vậy là Quân Đội nhân dân Việt Nam đã bảo vệ thành công Cô Lin và Len Đao trước âm mưu xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc.
Trận chiến này, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương. Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.
Xin một lần nữa vinh danh các anh, 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa:
1 – Vũ Phi Trừ, quê Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hóa.
2 – Nguyễn Văn Thắng, quê Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình.
3 – Phạm Gia Thiều, quê Hưng Đạo, Trung Đồng, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam)
4 – Lê Đức Hoàng, quê Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
5 – Trần Văn Minh, quê Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An).
6 – Đoàn Đắc Hoạch, quê 163 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng
7 – Tạ Trần Văn Chức, quê Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình
8 – Hán Văn Khoa, quê Văn Lương, Tam Thanh, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ).
9 – Trần Văn Phong, quê Hải Tây, Hải Hậu, Hà Nam Ninh (Nam Định).
10 – Nguyễn Văn Hải, quê Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
11 – Nguyễn Tất Nam, quê Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ Tĩnh.
12 – Trần Đức Bảy, quê Phương Phượng, Lê Hòa, Kim Bảng, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam).
13 – Đỗ Việt Thắng, quê Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hóa
14 – Nguyễn Văn Thủy, quê Phú Linh, Phương Đình, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam).
15 – Phạm Hữu Đoan, quê Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình
16 – Bùi Duy Hiền, quê Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.
17 – Nguyễn Bá Cường, quê Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam).
18 – Kiều Văn Lập, quê Phù Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội.
19 – Lê Đình Thơ, quê Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
20 – Cao Xuân Minh, quê Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
21 – Nguyễn Mậu Phong, quê Duy Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình).
22 – Trần Văn Phương, quê Quảng Phúc, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
23 – Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Khang, Hoa Lư, Hà Nam Ninh (Ninh BÌnh).
24 – Hồ Công Đệ, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
25 – Đậu Xuân Tư, quê Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
26 – Bùi Bá Kiên, quê Văn Phong, Cát Hải, Hải Phòng.
27 – Đào Kim Cương, quê Vương Lộc, Can Lộc, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
28 – Phan Tấn Dư, quê Hòa Phong, Tuy hòa, Phú Khánh (Phú Yên).
29 – Nguyễn Văn Phương, quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình.
30 – Võ Đình Tuấn, quê Ninh Ích, Ninh Hòa, Phú Khánh (Khánh Hòa).
31 – Nguyễn Văn Thành, quê Hương Điền, Hương Khê, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
32 – Phan Huy Sơn, quê Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
33 – Lê Bá Giang, quê Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
34 – Nguyễn Thắng Hải, quê Sơn Kim, Hương Sơn, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
35 – Phan Văn Dương, quê Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
36 – Hồ Văn Nuôi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
37 – Vũ Đình Lương, quê Trung Thành, Yên Thành, Nghệ Tĩnh.
38 – Trương Văn Thinh, quê Bình Kiên, Tuy Hòa, Phú Khánh (Phú Yên).
39 – Trần Đức Thông, quê Minh Hòa, Hưng Hà, Thái Bình.
40 – Trần Văn Phong, quê Minh Tâm, Kiến Xương, Thái Bình.
41 – Trần Quốc Trị, quê Đông Thạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình)
43 – Lê Thế, quê tổ 29, An Trung Tây, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
44 – Trần Đức Hóa, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
45 – Phan Văn Thiềng, quê Đông Trạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
46 – Tống Sĩ Bái, quê phường 1, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị).
47 – Hoàng Ánh Đông, quê phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị).
48 – Trương Minh Phương, quê Quảng Sơn, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
49 – Nguyễn Minh Tâm, quê Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình.
50 – Trần Mạnh Viết, quê tổ 36, Bình Hiên, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng)
51 – Hoàng Văn Túy, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
52 – Võ Minh Đức, quê Liên Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
53 – Võ Văn Tứ, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
54 – Trương Văn Hướng, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
55 – Nguyễn Tiến Doãn, quê Ngư Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
56 – Phạm Hữu Tý, quê Phong Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
57 – Nguyễn Hữu Lộc, quê tổ 22, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
58 – Trương Quốc Hùng, quê tổ 5, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
59 – Nguyễn Phú Đoàn, quê tổ 47, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
60 – Nguyễn Trung Kiên, quê Nam Tiến, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (Nam Định)
61 – Phạm Văn Lợi, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
62 – Trần Văn Quyết, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Q. Bình).
63 – Phạm Văn Sửu, quê tổ 7, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP Đà Nẵng).
64 – Trần Tài, quê tổ 12, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam – Đà Nẵng (TP Đà Nẵng)
BDN